www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhớ nhà báo Huỳnh Thúc Kháng và lớp học viết báo mang tên ông

 Cách đây 60 năm, mùa xuân Kỷ Sửu năm 1949, tôi đang là phóng viên được tòa soạn Báo Cứu Quốc cử đi viết về chiến tranh du kích ven đường số 5, thì được lệnh “lên Việt Bắc để học nghề viết báo”. Tôi vội đi liền 20 ngày đêm thì tới trạm liên lạc của Tổng bộ Việt Minh đặt trong một khu rừng tại Thái Nguyên.

Ông Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc, lúc này kiêm thường trực lớp viết báo, còn nói thêm với cánh trẻ chúng tôi mới ở các chiến khu về: “Tớ có đề nghị lớp viết báo mang tên đồng chí Trường Chinh, nhưng bị đồng chí ấy gạt phắt ngay và bảo: “Lớp nên mang tên nhà báo lão thành Huỳnh Thúc Kháng”.

Cánh trẻ chúng tôi đều biết cụ Huỳnh Thúc Kháng năm 1945 từ Huế ra Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và khi Hồ Chủ tịch đi Pháp năm 1946 thì cụ được cử làm quyền Chủ tịch nước. Nhưng vì sao lớp viết báo chúng tôi nên mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng thì chúng tôi chưa rõ lắm.

Có lẽ là tính đến sự bỡ ngỡ này, ngay trong buổi khai giảng, ông Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đã đọc diễn văn, nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả” (Trích theo xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc).

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, tên thật là Huỳnh Văn Thước (còn có tên là Huỳnh Hanh), sinh ngày 1/10/1876, quê ở làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng, được coi là một trong “tứ hổ” đất Quảng. Năm 24 tuổi, đỗ đầu giải Nguyên (cử nhân); 28 tuổi, đỗ đầu hoàng giáp (tiến sĩ).

Không nhận làm quan. Bị Pháp bắt và đưa đi đày ngoài Côn Đảo suốt 13 năm. Trong bài giảng ở lớp viết báo, ông Xuân Thủy kể lại: Trong toàn tập của mình, có lẽ chỉ duy nhất một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể đồng bào sau ngày tạ thế của một con người, con người đặc biệt ấy chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong bức thư ngày 29/4/1947 ấy, Bác Hồ viết: “Cụ Huỳnh là một người có học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai võ không làm sờn gan. Cả đời cụ không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Cũng chính con người đặc biệt ấy là người duy nhất đến ngày giỗ đầu lại được Bác Hồ từ Việt Bắc gửi điện về quê cũ Quảng Nam; toàn văn như sau:“Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng, nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ, và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng”.

Ký sự nhà báo của Tiếng Dân

Ngày 24-4-1948Hồ Chí Minh”.

Ngay trong những ngày đầu ở lớp Huỳnh Thúc Kháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nói chuyện về những năm tháng cùng cụ Huỳnh làm báo Tiếng Dân và nhất là những kỷ niệm của Đại tướng về nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Khi đó, tôi tham gia hoạt động trong Chi bộ Cộng sản báo Tiếng Dân, làm biên tập viên tại tòa báo. Dù tư tưởng khác nhau, cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn giúp đỡ chúng tôi như khi viết về chỉ thị của Đảng nên viết bằng lời lẽ cổ phong để bài vở dễ lọt qua mạng lưới kiểm duyệt của Pháp. Nhiều khi tôi viết mạnh bạo quá, bài bị kiểm duyệt hết, cụ không thay bài khác mà cứ để giấy trắng, cụ bảo như thế là độc giả sẽ biết ở chỗ này là bài đả mạnh thực dân, khiến chúng phải cắt bỏ. Như vậy tờ báo thỉnh thoảng có những khoảng bỏ giấy trắng cũng là một cách vạch mặt “dân chủ” giả hiệu thực dân...”.

Cụ Huỳnh có viết một quyển sách nhan đề “Huỳnh Thúc Kháng niên phổ” ghi lại công việc từng năm trong cuộc sống vất vưởng của mình như sau: “Năm 33 tuổi vì quốc sự bị đày đi Côn Lôn. 46 tuổi được tha về. 51 tuổi bị cử làm Viện trưởng Viện Nhân Dân đại biểu Trung Kỳ. 52 tuổi cùng các bạn lập ra Công ty Huỳnh Thúc Kháng, sáng lập nhà in và báo Tiếng Dân tại Huế, gánh cái gánh chủ nhiệm kiêm chủ bút. Sanh nhai bằng báo chí, đối với tôi có thể nói là cảnh tằm nằm trong kén, mình tự buộc mình”.

Múa chào mừng giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng

Tính từ năm 1929, cụ Huỳnh 54 tuổi bắt đầu làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Tiếng Dân, cho đến năm 1943 với 69 tuổi, cụ đã là cây bút chính luận sắc sảo trong 1.766 số báo viết và in bằng “quốc ngữ” xuất bản trong sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân đế quốc. Dưới nhiều thể loại và nhiều bút danh khác nhau, 15 năm liên tục, cụ đã viết hàng nghìn bài báo để bày tỏ chính kiến của mình đối với đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta hồi đó.

Pháp rung dọa, Nhật mua chuộc, Cường Để xin hợp tác, cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ vững ý chí một lòng vì dân, vì nước. Nhật trao trả độc lập giả hiệu cho Bảo Đại, cụ Huỳnh vẫn cương quyết khước từ mọi lời chèo kéo, cụ “luôn luôn mong chờ đất nước có được những người lãnh đạo sáng suốt vào thời điểm quyết định”.

Mừng Xuân đầu tiên nước nhà giành lại độc lập, tự do, năm Bính Tuất 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm câu đối cởi mở cõi lòng:

Mẹ đất rước xuân về, gia đình chung cô bác anh em, nâng chén rượu mừng nhau, hai chục triệu người không thiếu bạn/

Cha trời cho sống mãi, họa kiếp trải binh đao nước lửa, co ngón tay đếm thử, bảy mươi mốt tuổi vẫn chưa già.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Sau Cách mạng, tôi có đề nghị với Bác Hồ và anh Trường Chinh là tôi đã được biết cụ Huỳnh từ hồi còn làm báo Tiếng Dân ở Huế. Cụ là một nhà nho có tinh thần lớn mời Cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhưng khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu, cụ tỏ ra ngần ngại. Đến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội.

Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác với cụ Huỳnh thật là cảm động... cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khát khao được gặp, một người rất thân thiết. Sau buổi gặp Bác Hồ, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: “Dân ta có được Cụ Hồ, quả là hồng phúc”.

Đầu năm 1946, toàn thể đại biểu Quốc hội đã nhiệt liệt vỗ tay đồng tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người long trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng là “một người đức cao, vọng trọng, mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” ra nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính quyền Liên hiệp Kháng chiến. Tiếp đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại được bầu làm Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ, đi kiểm tra tình hình kháng chiến ở các tỉnh phía nam đèo Hải Vân. Ngày tết Đinh Hợi 1947, cụ họp mặt mừng xuân với các cụ bô lão tỉnh Quảng Nam, nơi chôn rau cắt rốn. Cụ động viên mọi người đoàn kết chung quanh Chính phủ kháng chiến. Cảm xúc trước ý chí nhiệt tâm bền gan của già trẻ gái trai xứ Quảng, cụ Huỳnh ứng khẩu đọc liễn mừng xuân:

Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn ngàn năm lịch sử.

Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu dân sinh.

Vào đến Quảng Ngãi, cụ cho triệu tập Đại hội thân hào liên tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định. Cụ nói chuyện về tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và động viên mọi người hy sinh chiến đấu vì nền độc lập dân tộc.

Mấy tháng sau, cụ bị bệnh nặng; biết mình không qua khỏi, cụ chu đáo gửi thư thăm hỏi anh em binh sĩ bộ đội trên các mặt trận trong cả nước; cụ cũng gửi thư “kêu gọi anh em các đảng phái tôn giáo hãy đặt lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc”.

Riêng đối với Bác Hồ, cụ Huỳnh gửi một bức điện hết sức cảm động: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp Độc lập và Dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là thôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”.

Nhớ lại những tháng ngày mới được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cùng làm việc với anh em cán bộ cách mạng như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, cụ Huỳnh có tâm sự: “Nay đã được gặp những anh em tri kỷ, tiếc rằng khi gặp mình đã vào tuổi già. Song, những ngày tháng này, thiệt là mình đã sống hả!”.

Như vậy, trước khi mất, cụ Huỳnh sung sướng được “sống hả” trong nhiều ngày giữa cách mạng; khi không còn được sống trên đời, cụ cũng thấy thế là được “chết hả”.

Là một chí sĩ lão thành, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, suốt đời hy sinh phấn đấu vì dân, vì nước. Là một nhà báo kỳ cựu, cụ Huỳnh nêu cao ý chí khảng khái bất khuất trước khó khăn gian khổ, và tấm lòng thành làm nghề báo vì lợi ích xã hội, không chạy theo danh tiếng hay tiền bạc.

Đó là những ấn tượng mạnh mẽ nhất chúng tôi thu hoạch được từ những lời truyền đạt ở lớp viết báo mùa xuân Kỷ Sửu của núi rừng Việt Bắc 60 năm trước đây, mà năm tháng qua đi vẫn làm sâu sắc thêm chứ không chút phai mờ.

 Mai Thanh Hải (Học viên lớp viết báo 1949) - Báo CAND