Huỳnh Thúc Kháng, một đời cùng vận nước
Những ngày này, khi sống lại với không khí của 70 năm trước, không thể không nhớ tới “cụ Huỳnh” như cách gọi của quốc dân đồng bào thuở ấy.
Đọc lại những gì cụ Huỳnh viết, cụ Huỳnh làm, lòng chợt bừng thức những cảm hứng đất nước truyền từ cụ Huỳnh!Những dòng viết này như để tưởng nhớ nhân ngày sinh của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: 1-10-1876.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập năm 1945, vị nhân sĩ đất Quảng ở tuổi 70 vẫn tận lòng vị quốc, nhận lời làm bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 31-5-1946, Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh được tin cậy trao quyền Chủ tịch nước.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (bên phải Bác Hồ) trong những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa |
Thanh gươm và tấm bản đồ Việt Nam
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm trước, nhân chuyến công tác lên miền tây Quảng Nam, khi qua Tiên Phước chúng tôi không thể không ghé nhà lưu niệm cụ Huỳnh để dâng nén nhang tưởng nhớ cụ.
Mảnh vườn xưa qua bao dâu bể vẫn lưu dấu qua những dáng cây sau nhà, giậu chè tàu trên lối vào mướt xanh trong nắng sớm.
Nhắc đến ngày giỗ Tổ, bởi gần 70 năm trước, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh thay mặt quốc dân đồng bào làm chủ tế, lễ vật dâng lên Quốc tổ Hùng Vương là một thanh bảo kiếm và tấm bản đồ nước Việt, đó là ngày 10-3 âm lịch năm 1946.
Khi ấy, giặc Pháp đã quay lại tái chiếm Nam bộ, đất nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt.
Hai báu vật mà cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ dâng lên trong ngày giỗ tổ cũng là lời hứa trước anh linh tiên tổ quyết tâm giữ gìn trọn vẹn cõi bờ giang sơn.
Có phải thế chăng mà gần chín năm sau, khi cuộc kháng Pháp kết thúc thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19-9-1954 Hồ Chủ tịch khi nghỉ tại đền Giếng đã gặp các chiến sĩ đại đoàn Quân tiên phong (đại đoàn 308) với lời dặn dò bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ thanh gươm cụ Huỳnh dâng lên trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương đến ngày Hồ Chủ tịch gặp và dặn dò đoàn quân chiến thắng cũng tại đền Hùng, dường cả hai câu chuyện đều muốn nhắn nhủ với hậu thế về một xúc cảm thiêng liêng và sự đồng cảm giữa hai con người của thời cuộc.
Cũng chính vì thế mà khi cụ Huỳnh mất, Hồ Chủ tịch - có lẽ là lần đầu tiên và duy nhất - đã có thư gửi cho quốc dân đồng bào:
“Hỡi đồng bào yêu quý, vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, bộ trưởng Bộ Nội vụ và hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân, vừa tạ thế.
Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm quốc tang. Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào. Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo.
Mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết”.
Đại diện báo Tuổi Trẻ thắp hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở Tiên Phước |
Khởi hành cùng Tiếng Dân
Từ cậu học trò Huỳnh Hanh nổi tiếng thông minh hay chữ, rồi thành ông tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1904, ở tuổi 28, lẽ ra đường hoạn lộ khởi đầu từ khoa cử của thời buổi ấy sẽ mở ra với Huỳnh Thúc Kháng.
Nhưng không! Chàng trai đất Quảng ấy chọn con đường đứng về phía nhân dân đang rên siết dưới gông xiềng nô lệ.
Cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã dấy lên phong trào Duy Tân mà đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung kỳ khiến bộ máy cai trị của thực dân Pháp rúng động.
Bốn năm sau khi đỗ tiến sĩ, năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị kết án chung thân và đày ra Côn Đảo vì tội “xúi giục dân chúng làm loạn”. Rồi thay vì chung thân, sau 13 năm lao tù, chí sĩ Huỳnh lại trở về tiếp tục cuộc tranh đấu không mệt mỏi.
Năm 1921 Huỳnh Thúc Kháng ra tù thì năm 1926, khi thực dân Pháp bấy giờ bắt đầu thay đổi cách cai trị, bãi bỏ hội đồng tư vấn bằng viện dân biểu, Huỳnh Thúc Kháng trở thành dân biểu Trung kỳ.
Chính sách mị dân của người Pháp hi vọng với uy tín của viện trưởng Viện Dân biểu Huỳnh Thúc Kháng sẽ thu phục được nhân sĩ trí thức và quảng đại quần chúng.
Nhưng người Pháp đâu hay rằng từ năm 28 tuổi, đỗ hoàng giáp tiến sĩ nhưng vị danh sĩ ấy đã từ chối quan trường để dấn thân vào cuộc tranh đấu cho dân tộc, nữa là bây giờ khi đã trải qua 13 năm khổ sai ở nhà tù Côn Đảo trở về.
Hi vọng dùng nghị trường để đấu tranh hợp pháp của cụ Huỳnh đã không thành, nhưng ngay khi nhậm chức viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chính cụ đã khởi đầu cuộc tranh đấu của mình và những đồng sự bằng cuộc đấu tranh ngôn luận trực diện.
Việc xuất bản báo Tiếng Dân đã được cụ làm đơn gửi viên Toàn quyền Pierre Pasquier vào tháng 10-1926, xin phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Việt mới với tên Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane (Đà Nẵng).
Tuy nhiên phải gần một năm sau, đến ngày 10-8-1927 tờ báo Tiếng Dân mới ra số đầu tiên tại Huế chứ không phải Đà Nẵng như dự định ban đầu.
Trong chương trình ra báo Tiếng Dân gửi Toàn quyền Pasquier với 16 điều, ở điều 4 cụ Huỳnh nêu rõ: “Khiến chính quyền biết được nguyện vọng của dân.
Đưa ra ánh sáng quyền lợi chung của dân chúng và những điều tệ hại khiến họ bị phiền nhiễu. Tiếp tay vào việc giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế cho dân An Nam...” (tư liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, TP.HCM).
Có lẽ nếu không lợi dụng cái ghế viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chưa chắc người Pháp đã đồng ý cho cụ Huỳnh ra báo. Đồng ý, nhưng người Pháp đã có cách quản lý và kiểm duyệt với tờ báo này.
Việc kiểm duyệt được hẳn chánh mật thám Léonard Sogny, bấy giờ là chánh Sở Liêm phóng An Nam, đệ trình kế hoạch kiểm soát tờ Tiếng Dân, trong đó nhấn mạnh việc “không được xúc phạm chủ quyền Pháp và chế độ thiết lập tại An Nam”.
“Phải nạp hai bản vỗ cho Sở Liêm phóng với bản dịch Pháp ngữ. Sau khi kiểm duyệt, một bản sẽ trả lại cho chủ nhiệm báo do đích thân Sogny ký với con dấu. Nếu Sogny vắng mặt, cần chữ ký của Dussaut, cò đặc biệt. Sẽ có câu “Visa pour publication” (cho phép xuất bản).
Báo ấn hành phải nạp hai bản: tại kho lưu trữ (dépôt légal) tòa khâm và kho lưu trữ cảnh sát (dépôt de police). (Tờ trình số 462, ngày 19-3-1927 - lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2).
Những trang báo có tuổi đời gần thế kỷ trên nền giấy ố vàng với chữ ký gốc của cụ Huỳnh khiến trong chúng tôi dâng lên những cảm xúc kỳ lạ.
Và càng khâm phục hơn khi làm báo dưới sự cai trị và kiểm duyệt của thực dân, nhưng vẫn là những bài báo khẳng khái đúng với tôn chỉ “tiếng nói của nhân dân”, vốn sống động và ắp đầy hơi thở cuộc sống.
Ai đó nói rằng tờ báo hôm nay sẽ là tờ giấy lộn ngày mai! Nhưng không, gần thế kỷ trôi qua rồi, trên những trang báo Tiếng Dân ố vàng chúng tôi vẫn nghe nhịp đập của một trái tim ái quốc và tấc lòng đau đáu cùng vận nước với đời dân của cụ Huỳnh.
Cất lên tiếng nói của nhân dân
Trong căn nhà nhỏ cuối đường Cao Bá Quát của thành phố Huế, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sau một hồi lục tìm đã bất ngờ mang ra cho chúng tôi mấy số báo Tiếng Dân nguyên bản.
Ông Hồ Tấn Phan và những số báo Tiếng Dân có chữ ký của cụ Huỳnh |
Thời sự thế kỷ
Báo Tiếng Dân với bốn trang khổ A2 (lớn gấp đôi khổ tờ báo Tuổi Trẻ hiện nay) có cách đánh số trang không như bây giờ. Trang 1 (như vị trí trang 4 hiện nay) với manchette TIẾNG DÂN in đứng, cứng cáp và khẳng khái chạy tràn gần hết sáu cột báo, bên dưới có thêm phụ ngữ bằng chữ Pháp “La Voix du Peuple” và chữ Hán “Dân Thanh” (tiếng nói của dân). Góc trái ghi rõ chủ nhiệm kiêm chủ bút: Huỳnh Thúc Kháng, quản lý: Trần Đình Phiên, góc phải là địa chỉ trụ sở: báo quán - 123 đường Đông Ba, Huế.
Trang 2 của báo tương đương vị trí trang 1 bây giờ, còn trang 3 và 4 lại nằm bên trong. Theo các tài liệu để lại, ban đầu cụ Huỳnh dự định đặt tên báo làTrung Thanh - tiếng nói của dân miền Trung - vì khi đó cụ đang là viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, tuy nhiên sau đó đổi lại Dân Thanh (tiếng nói của dân).
Cuối cùng cụ Phan Bội Châu, bấy giờ đang bị Pháp đưa về an trí tại Huế, góp ý: gọi luôn là Tiếng Dân chứ không nên gọi là Dân Thanh. Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên mang đầy đủ phẩm chất của một tờ báo đại diện cho tiếng nói người dân ở Trung kỳ đã ra đời như thế ngay tại kinh đô Huế.
Và tuyên ngôn của tờ báo, như cụ Huỳnh viết trong số báo đầu tiên, trải gần một thế kỷ vẫn khiến chúng ta kinh ngạc về phẩm giá của người làm báo: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Mười sáu năm tồn tại của Tiếng Dân (1927 - 1943), đứng về phía lợi quyền dân tộc là một lựa chọn dũng cảm của cụ Huỳnh và đồng sự trước cường quyền của bộ máy cai trị người Pháp.
Trên những số báo Tiếng Dân mà chúng tôi có được, bất cứ số báo nào cũng có những tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng. Ví như trên số báo ra ngày 14-1-1937, ngoài những bài viết có tính chất khai sáng, bình luận các vấn đề lớn như “Nước Pháp với thuộc địa - bao giờ liên lạc với nhau?”, “Luật lao động”, “Thanh niên với vấn đề cải tạo xã hội”, hai cột tin tức chính là “Việc thế giới” và “Việc trong nước”, những tin tức ở “Việc trong nước” hầu hết là những sự việc chỉ đọc tít tựa thôi đã thấy đầy sức chiến đấu và tinh thần chống tiêu cực như cách nói của báo chí bây giờ: “Lại bắt dân chịu”, “Ngắn cổ kêu ai”, “Quan đã thấu nỗi khổ dân chăng?”, “Dân lấy làm ức cho lý trưởng bị lưu dịch”.
Không chỉ đậm đặc những tin tức phản ánh tiếng nói của người dân, nhiều bài báo trên Tiếng Dân từ thuở ấy đến hôm nay vẫn còn tính thời sự.
Nếu bây giờ giới xuất bản đang báo động truyện ngôn tình của Trung Quốc đang là “ẩn họa” với bạn đọc trẻ Việt Nam, thì gần một thế kỷ trước trên báoTiếng Dân của cụ Huỳnh cũng từng lên tiếng với các bài báo như “Những tiểu thuyết và ngoại truyện nhảm của nhà văn Tàu gieo độc đến học giới ta”.
Cũng trên Tiếng Dân đã có bài viết “Cái tính ham làm thi (thơ) của người Nam ta” do chính cụ chấp bút. Cụ Huỳnh điểm rất đích đáng: “Các ông đi sứ Tàu về việc bang giao không rõ thế nào chứ ông nào cũng mang một tập thi về cả. Nghề thi với việc nước, nhất là việc ngoại giao quan trọng, có ăn nhập gì với văn chương mà chọn người “hay thi” đi, rốt cuộc mỗi ông đều mang một tập thi về”.
Nhưng “tính chiến đấu” của Tiếng Dân được làng báo lưu truyền đến tận ngày nay là những trang báo, bài báo để trắng nếu bị kiểm duyệt.
Những nội dung trên báo Tiếng Dân bị kiểm duyệt đục bỏ được thư ký tòa soạn chép lại và lưu giữ |
Những trang báo bị đục bỏ
Như đã nói, dù đồng ý cho cụ Huỳnh ra báo nhưng mỗi số báo Tiếng Dân cụ Huỳnh phải nộp cho Sở Liêm phóng hai "bản vỗ” bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp để họ kiểm duyệt. Nếu bài nào bị Sở Liêm phóng đục bỏ thì phải thay thế bằng bài khác “mềm mại” hơn, nhưng tòa soạn của cụ Huỳnh không ngoan ngoãn theo lối ấy.
Với những bài báo bị đục bỏ cụ cứ để trống như thế, và người đọc sẽ đọc được “rất nhiều thông tin” từ ô trống trên trang báo ấy. Tìm cho ra những “trang trắng” bị Sở Liêm phóng đục bỏ trên báo Tiếng Dân thuở ấy quả là chuyện không dễ dàng.
May sao, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan lại “cứu” chúng tôi thêm một lần nữa! Không chỉ sở hữu những tờ báo Tiếng Dân bản gốc có chữ ký bằng mực tím của cụ Huỳnh và con dấu của kho lưu trữ tòa khâm, trong sưu tập của ông Phan còn có một tập báo Tiếng Dân với những dòng chữ bị đục bỏ bởi kiểm duyệt liên quan đến một sự kiện lớn của Huế: ngày cụ Phan Bội Châu qua đời!
Cụ Phan Bội Châu sau khi bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải vào tháng 6-1925 đưa về nước xử án tù chung thân.
Trước phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu của nhân dân cả nước, Toàn quyền Varenne đã can thiệp đưa ông về an trí (thật ra là giam lỏng) ở Bến Ngự (Huế). Từ năm 1925 cho đến khi mất, cụ Phan là một cộng sự quan trọng cho Tiếng Dân, kể cả manchette báo cũng do cụ Phan gợi ý.
Ngày 29-12-1940 cụ Phan qua đời tại Huế, báo Tiếng Dân mỗi ngày nhận hàng trăm điện văn, câu đối, lời điếu của người dân cả nước gửi về. Những ngày cụ Phan mất, trên mỗi số báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh đều dành để đăng những tình cảm đó của đồng bào với người chí sĩ cách mạng.
Và tất nhiên Sở Liêm phóng không thể nào chấp nhận lời điếu, những điện văn ca ngợi cụ Phan. Và nhiều câu văn, bài thơ, câu đối bị Sở Liêm phóng Trung kỳ đục bỏ không thương tiếc.
Để nguyên những trang báo với ô trống đục bỏ như thế chính là bày tỏ một thái độ với chế độ cầm quyền cai trị, nhưng chỉ như thế thì hậu thế làm sao biết được Sở Liêm phóng đã đục bỏ những gì?
May mắn thay, sau khi phát hành những số báo bị đục bỏ ấy, các thư ký tòa soạn của Tiếng Dân (và cũng có thể là chính cụ Huỳnh) đã lấy các số báo lưu lại tòa soạn và lấy bút viết lên những ô trống bị đục bỏ ấy những câu chữ đã bị cắt bỏ khi kiểm duyệt.
Sau gần một tuần lục tung căn nhà bừa bộn những sách vở và chai hũ đồ cổ chật kín, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã tìm ra cho chúng tôi tư liệu cực kỳ quý giá này: Những số báo Tiếng Dân ấn hành trong giai đoạn đám tang cụ Phan Bội Châu với khoảng trống bị đục bỏ được những thư ký nắn nót chép lại từ những bản thảo mà người mến mộ cụ Phan gửi về.
Ví như trong “Bài văn sanh vãn cụ Phan Sào Nam” do chính cụ Huỳnh soạn, những từ như “hi sinh”, “hướng lộ”, “vĩ nhân” đều bị xóa. Và tất nhiên, trang báo Tiếng Dân cũng cứ thế để trống.
Có đoạn để trống cả một khổ thơ viếng, được chép lại nắn nót. Một trang báo khác, bài thơ của bạn đọc Lê Vũ Hồn (Vinh) gửi về điếu cụ cũng bị đục bỏ mất một khổ thơ: “Họ nếu nghe ông trời đã vá/Con từ mất mẹ hận chưa nguôi/Khôn đem huyết lệ tô sông núi/Non nước vì ai những ngậm ngùi”.
Và cũng như những lời bàn chuyện về sách nhảm Tàu đầu độc học giới nước Nam, chuyện làm thơ mà quên việc nước đến nay vẫn còn thời sự, chủ quyền Hoàng Sa cũng được cụ Huỳnh quan tâm đặc biệt trên những số báo Tiếng Dân.
Cụ Huỳnh và chủ quyền biển đảo
Từ gần cả thế kỷ trước, trên những số báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã có những bài báo đanh thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Toàn cảnh các công trình kỹ thuật và hành chính của Pháp và VN tại Hoàng Sa
Cụ Huỳnh và “thời sự Hoàng Sa” năm 1938
Tháng 7-1937 chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, quân đội Thiên Hoàng xâm lược Trung Quốc. Người Nhật với tham vọng bá chủ châu Á muốn thôn tính quần đảo Hoàng Sa - bấy giờ đang do lính Pháp và lính An Nam quản lý.
Từ giữa những năm 1938 trở đi, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Pháp và Nhật Bản khá căng thẳng.
“Ngày 15-6-1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cũng trong tháng 6-1938 một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa.
Tấm bia chủ quyền được dựng lên trên đảo Hoàng Sa với dòng chữ: “République Francaise - Royaume d’Annam-Archipels des Paracels 1816- Ile de Pattle 1938” (Tư liệu Kỷ yếu Hoàng Sa - UBND huyện Hoàng Sa).
Cũng chính thời điểm này, báo Tiếng Dân ra liên tiếp 4 số báo về quần đảo Hoàng Sa. Số báo ra ngày 12-7-1938 (số 1280) đăng bài “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp”, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy" (Tiếng Dân, số 1282) và “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23-7-1938).
Trong bài thứ hai về Hoàng Sa, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng”, trên báo Tiếng Dân viết: “Người đời trong xã hội, có hạng người không tên không tuổi, bình nhật không nghe ai nói đến hay không thèm đếm xỉa, mà có hồi thời thế xô đẩy, hoàn cảnh xui khiến, trở thành người trọng yếu trong thời đại, ấy là hạng vô danh anh hùng.
Thì đất cũng thế, có những nơi đầu non góc biển, cồn hoang đảo vắng, bình thời không ai để ý, mà gặp một thời thế đặc biệt hoặc cơ hội xảy ra, những nơi đó trở thành địa vị quan hệ trọng yếu vô cùng.
Tôi muốn nói đến quần đảo Paracels. Mấy hòn đảo giữa biển thuộc Việt Nam ta chánh phủ đang sắp đặt công cuộc phòng thủ mà Nhật Bản cũng nhòm ngó, sinh một luồng dư luận giữa báo Tây Nam gần đây” (báo Tiếng Dân số 1281, ngày 16-7-1938).
Bài báo viết tiếp rằng theo báo Đông Pháp, quần đảo này trước kia là đảo hoang vô chủ, đến năm 1816 mới thuộc về nước Việt Nam dưới triều vua Gia Long.
Bên cạnh việc phản đối Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, cụ Huỳnh thẳng thắn cho rằng người Nhật đã tham lam vô lý khi nói đến chủ quyền với Hoàng Sa.
Cũng trong số báo 1281 ngày 16-7-1938 cụ Huỳnh viết: “Gần mấy lúc đây, ở Đông Dương đã có phái cảnh binh An Nam ta ra đảo ấy để bảo vệ cho người chài lưới bản xứ, lại thường phái tàu binh ra đó tuần phòng. Như trên đã nói, đảo này do nước Nam ta chiếm trước nhứt, là sở hữu của xứ Đông Dương, chớ người Nhật ở bên ba hòn đảo Phù Tang xa tít mù kia, dính dáng gì đến đảo này mà đứng ra tranh cãi...”.
Trong tiêu đề và nhiều chỗ trong các bài viết, cụ Huỳnh dùng chữ “Tây Sa” để chỉ quần đảo “Hoàng Sa”. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời điểm 1938, vấn đề cụ Huỳnh đề cập trước mắt là làm rõ chủ quyền của Việt Nam đối với thực thể địa lý quần đảo này, chưa phải lúc so sánh phân tích cặn kẽ về địa danh. Mặt khác, truyền thông đương thời qua báo chí chữ Pháp và chữ Hán đang đề cập nhiều đến tên gọi Paracels và Tây Sa, nên có thể cụ Huỳnh dùng từ “Tây Sa” nhằm để quốc dân đương thời dễ xác định nơi đang được đề cập, và cũng với mục đích phổ biến thông tin đối với bên ngoài. (Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân) |
Chứng minh chủ quyền Hoàng Sa từ thư tịch cổ xưa
Ngoài những bài báo nói về thời sự quần đảo Hoàng Sa trong tình hình bấy giờ, báo Tiếng Dân còn có một bài nghiên cứu, bình luận dài, viết rất công phu và có giá trị: “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” ký tên tác giả là Sử Bình Tử (một bút danh khác của cụ Huỳnh).
Trong bài báo này, cụ Huỳnh khẳng định: “Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy...”.
Cụ Huỳnh cũng đã liệt kê các tài liệu quý hiếm từ xưa để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (hoàn thành năm 1776), Đại Nam nhất thống chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, bản Triều chính yếu thực lục của hai triều Gia Long - Minh Mạng, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Công hạ ký văn của Trương Quốc Dụng, Mân hành thi thoại và Đông hành thi thuyếtcủa Lý Văn Phức, Việt sử thông giám cương mục khảo lược của Nguyễn Thông... trong đó đều đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ.
Đặc biệt, trong thời điểm này làn sóng “văn minh Tây học” đã có khuynh hướng bỏ bê các tư liệu sách vở, thư tịch bằng chữ Hán, cụ Huỳnh đã lưu ý việc dùng tư liệu trong cổ sử để chứng minh chủ quyền Hoàng Sa.
“Thì nay, chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta trứ thuật, lâu nay bỏ xó lề hư bìa nát, phần đông, nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít” (Tiếng Dân, số 1284, ngày 23-7-1938).
Những tác phẩm chữ Hán của tiền nhân mà cụ Huỳnh nhắc đến chính là những tài liệu hết sức thuyết phục về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Chỉ trích Chính phủ Pháp về sự chậm trễ trong vấn đề thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, cụ Huỳnh nhấn mạnh rằng: “Đáng lẽ ngay từ năm 1909, khi Trung Hoa nhận quần đảo Tây Sa là của họ, Chính phủ Pháp đã tuyên bố quyền sở hữu của Đông Dương đối với quần đảo ấy.
Nhưng tuồng như chính phủ này coi quần đảo ấy không ra gì, không biết là vật mà Nhật thèm trong khi muốn bành trướng về phía nam nên không để ý đến.
Vào khoảng 1931 - 1932, Evell Ecoromique viết tiếp mấy bài đòi sáp nhập quần đảo ấy vào Đông Dương. Dư luận nhân đó nổi lên thúc giục. Vào khoảng năm 1932 - 1933, Chính phủ Pháp mới tỉnh ngộ ra tay hành động thì bị Nhật Bản cản trở. Hai bên cãi nhau ít lâu, rồi lơ”...
Làm báo ngay kinh đô Huế trong gọng kìm của chính quyền bù nhìn, bị mật thám Pháp kiểm duyệt gắt gao, vậy mà trước tình thế chủ quyền biển đảo Tổ quốc bị thách thức, cụ Huỳnh vẫn dũng cảm chỉ trích lòng tham của cả hai quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản, đồng thời lớn tiếng mắng sự chậm trễ của chế độ bảo hộ của người Pháp, lục tung cổ thư để chứng minh chân lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, những tưởng chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ nhắc nhở hậu thế nhiều điều!
Vị Viện Trưởng can trường
Từ ga Huế xuôi ra đường Lê Lợi, ngay đầu đường, ở địa chỉ số 3 Lê Lợi, hàng ngàn người đi qua đây mỗi ngày, nhìn tòa nhà với kiến trúc rất đẹp treo cao tấm biển “Đại học Huế” nhưng ít ai biết đây từng là trụ sở của Viện dân biểu Trung kỳ.
Trụ sở Viện dân biểu Trung kỳ xưa, nay là trụ sở Đại học Huế ở số 3 Lê Lợi, thành phố Huế |
Đó là nơi gắn với cuộc đời cụ Huỳnh chỉ hơn hai năm, nhưng những câu chuyện về ông nghị Huỳnh từ tòa dân biểu này mãi mãi là một nhắc nhớ với hậu thế.
Tòa nhà được xây năm 1927, làm trụ sở Viện dân biểu Trung kỳ rồi sau này (1957) là trụ sở Viện đại học Huế, sau 1975 trở thành văn phòng hiệu bộ của Trường ĐH Tổng hợp Huế rồi trụ sở Đại học Huế như hôm nay.
“Đừng để thành cái bánh vẽ”
Việt Nam bị thực dân Pháp chia làm ba miền với ba chế độ cai trị khác nhau. Nếu Nam kỳ là xứ thuộc địa thì Trung kỳ và Bắc kỳ được coi là xứ bảo hộ với hai hình thức: Bắc kỳ được người Pháp bảo hộ trực tiếp, còn Trung kỳ lại bảo hộ gián tiếp bởi ở Trung kỳ còn có tòa khâm sứ đại diện cho sự có mặt của chính phủ bảo hộ bên cạnh chính phủ Nam triều.
Khi người Pháp lập Viện dân biểu Trung kỳ, dù biết viện dân biểu chỉ là một hình thức mị dân, một thứ “dân chủ trang trí” nhưng cụ Huỳnh vẫn ra ứng cử với hi vọng đây sẽ là diễn đàn công khai để có thể bảo vệ lợi ích người dân.
Kỳ bầu cử tháng 7-1926 đó, cụ Huỳnh đắc cử ở ba hạt Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình với số phiếu rất cao: 620/640 phiếu (có tài liệu ghi là 640/700 phiếu).
Thật ra việc một chính trị phạm mang tội chống chính quyền thực dân Pháp với 13 năm tù Côn Đảo nay trúng cử với số phiếu cao như cụ Huỳnh, trong khi các ứng viên do chính phủ bảo hộ giới thiệu bị thất cử, có thể làm dấy lên chút hi vọng nhỏ nhoi nào đó.
Diễn văn đầu tiên cụ Huỳnh đọc ở Tam Kỳ đã bày tỏ chút hi vọng này: "...Bốn chữ "nhân dân đại biểu" xuất hiện, chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy bốn chữ danh nghĩa đường đường quang minh chính đại thì đã sinh lòng tin cậy”.
Cũng trong bài diễn văn này, cụ Huỳnh đã không quên cảnh giác: “Họa may cái chính thể này nêu một bài thuốc hay, bắt đầu chữa bệnh cho nòi giống mình, đừng để thành ra bánh vẽ ...”.
Cụ Huỳnh tiếp tục đắc cử chức viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Người Pháp cũng hi vọng với chức sắc này cụ Huỳnh sẽ trở thành một “nghị gật” phục vụ cho lợi ích của chính quyền bảo hộ, nhưng họ đã nhầm.
Hun đúc sẵn khí chất xứ Quảng, lại được tôi luyện qua 13 năm lao tù Côn Đảo, những điều cụ Huỳnh để lại luôn là bài học về nhân cách và phẩm giá của “người đại biểu của dân”.
Vụ “D’Elloy - Huỳnh Thúc Kháng” đã trở thành một dấu son trong cuộc đời hoạt động nghị trường của cụ Huỳnh! Chỉ mấy tháng sau khi Viện dân biểu thành lập, khâm sứ Trung kỳ Pasquier được điều ra Hà Nội làm toàn quyền Đông Dương, thay thế Pasquier làm khâm sứ Trung kỳ là D'Elloy.
Khâm sứ D'Elloy vốn là người bảo thủ, không muốn các nghị viên đấu tranh đòi hỏi nhiều yêu sách có lợi cho dân bản xứ, vì thế trong một thông tư đề tháng 11-1926, khâm sứ D'Elloy đã viết "nhiều lời mạt sát chửi mắng" khiến các nghị viên của Viện dân biểu Trung kỳ tức giận.
Trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ Huỳnh kể lại rằng khi đó, lấy tư cách viện trưởng, cụ triệu tập hơn bốn chục dân biểu, đồng thanh phản kháng, vạch từng đoạn trong thông tư, biện bác, cho đăng trên báo Nam Bắc Tân Vănvà nhiều tờ báo khác. Dư luận khắp cả nước xôn xao, ủng hộ cụ Huỳnh và các nghị viên.
Không bao lâu sau, D'Elloy bị điều trở về Pháp. Toàn quyền Pasquier phải gửi thông tư tìm cách xoa dịu sự bất bình của các đại biểu của Viện dân biểu Trung kỳ và điều Friès làm khâm sứ Trung kỳ thay cho D'Elloy.
Sau vụ khâm sứ D'Elloy, chỉ hơn một năm sau, tháng 10-1928 cụ Huỳnh lại gây chấn động nghị trường và báo giới bằng một bài diễn văn nảy lửa vạch rõ cái bánh vẽ nghị trường, đồng thời ngay sau đó cụ khẳng khái từ luôn chức viện trưởng!
Trụ sở báo Tiếng Dân, một di tích khác ở Huế gắn với cụ Huỳnh Thúc Kháng |
“Nhân dân đại biểu mà thật ra là một quan trường mới”
Phiên họp cuối của nhiệm kỳ dân biểu 1926-1928, thay vì như thông lệ khâm sứ Jabouille sẽ đọc diễn văn khai mạc như là sự chỉ đạo cho các nghị viên bàn bạc thì lần này, ngày 1-10-1928, viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn trước để rồi sau đó khâm sứ Jabouille lên phủ định tất cả tinh thần diễn văn của ông viện trưởng Huỳnh.
Trên báo Tiếng Dân số 119 ra ngày 6-10-1928 đã đăng lại bài diễn văn này của cụ Huỳnh với tất cả tinh thần chiến đấu của một nghị viên vì dân, vừa chỉ rõ tính chất mị dân của người Pháp vừa đau đáu trước nhân dân vì đã không thể làm tròn vai trò đại diện:
“Thế mà đã hai năm nay hình như nhà nước không lấy lời yêu cầu của chúng tôi làm điều để chung cho nhân dân trong xứ hiểu rằng một cái cơ quan mới của nhà nước (tức Viện dân biểu) khác với chính phủ chuyên chế ngày xưa, bởi thế nhân dân đã ngả lòng tin cậy nơi chúng tôi mà nhân dân chúng tôi không dám tin đến cái chính thể của nhà nước.
Chính chúng tôi đã từng nghe những câu trong dân gian phê bình viện chúng tôi: “Tên là nhân dân đại biểu mà thật ra là một quan trường mới” (dòng này in đậm trong nguyên văn). Chúng tôi ở vào địa vị dở dang bỡ ngỡ này, đối với chính phủ cũng không làm gì được và đối với nhân dân cũng không thể cầm hai chữ đại biểu suông mà đáp lại cái lòng mong mỏi của họ, đêm nằm tự nghĩ cứ thẹn lại buồn” (Tiếng Dân ngày 6-10-1928).
Ngay lập tức khâm sứ Jabouille đăng đàn công kích viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng: "Bản chức quyết phản kháng lại một cách kịch liệt những điều công kích của ông nghị trưởng" và cho rằng ông nghị trưởng (tức cụ Huỳnh) thuộc “đám người không toại chí”, “nóng nảy”... khiến cho Viện dân biểu cũng bị nhiễm cái ảnh hưởng ấy”.
Sau bài diễn văn được đọc trước Viện dân biểu Trung kỳ này vào ngày 1-10-1928 và phản ứng với thái độ của khâm sứ Jabouille, ngay ngày hôm sau, 2-10-1928, cụ Huỳnh đưa đơn từ chức nghị viên và viện trưởng dân biểu.
Nếu có một điều gì đó về cụ Huỳnh, chí ít, từ nghị trường này cụ đã vạch mặt tính chất “bánh vẽ”, “trang trí” của cái gọi là dân chủ mà người Pháp trưng ra ở Trung kỳ. Và thêm một điều nữa, từ danh nghĩa Viện dân biểu, cụ Huỳnh đã gầy dựng nên được tờ báo Tiếng Dân.
Dù chỉ có ba năm cụ Huỳnh ở Viện dân biểu nhưng tờ Tiếng Dân của cụ đã có một đời sống dài hơn thế, kéo dài đến năm 1943.
Suốt 16 năm tồn tại, vai trò nhóm lửa “dân chủ” của cụ Huỳnh từ nghị trường đến trang báo là một thành công mà không mấy ai trong những người cùng thời với cụ Huỳnh trong bối cảnh ấy có thể làm được như cụ!
Chính sức thuyết phục diệu kỳ như vậy từ cuộc đời cụ đã tạo ra “hấp lực” khiến hiện nay có rất nhiều người đang say mê nghiên cứu về cụ.
Những sử gia, những giáo sư, tiến sĩ của viện này trường nọ nghiên cứu thì đã đành, nhưng thật bất ngờ có một nhà “Huỳnh Thúc Kháng học” miệt mài suốt cả cuộc đời mình chỉ làm hai việc: đó là mổ heo như kế sinh nhai và tập trung nghiên cứu về cụ Huỳnh Thúc Kháng !
"Phía sau tuyển tập ngàn trang"
Ông bảo nghề mổ heo của mình là chỉ để kiếm cơm, nuôi con và đáp ứng thú vui đèn sách.
Ông khiêm tốn bảo rằng mình không được học hành tử tế, nhưng sách ông viết về người xưa, đặc biệt là nhân vật lớn của đất nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng là viết như gắn cuộc đời mình vào từng con chữ để trả nợ tiền nhân.
Nhưng điều bất ngờ là sách ông viết ra chẳng những được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, mà còn đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Ông là Phạm Ngô Minh, 58 tuổi, ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Ông Phạm Ngô Minh
Tự học để viết sách
Căn nhà hai tầng sát ngay ngã tư Nguyễn Công Trứ và Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) chứa đầy sách. Sách nhiều đến độ có thể gọi căn nhà của ông Phạm Ngô Minh là thư viện mini cũng không ngoa.
Đặc biệt những cuốn sách cổ, tạp chí rất quý hiếm tưởng chừng đã mất hút thì được ông lưu giữ khá đầy đủ.
Ông Minh bảo đã 31 năm qua, đêm nào ông cũng thức dậy lúc 1g sáng giúp vợ mổ heo, mua bán, quản lý và chốt sổ lúc 9g cùng ngày, sau đó ông vùi đầu vào sách.
Ông mê sách đến độ nếu có một cuốn sách hay, sách cũ cần tìm, có người mách bảo thì dù ở Hà Nội hay TP.HCM ông cũng mua vé máy bay đến mua cho bằng được.
“Nghe có vẻ đầy tương phản rằng người mổ heo lại đi viết, sưu tầm sách. Đó là mặc định của người đời. Nhưng tôi chỉ biết nói rằng mỗi người có một niềm đam mê riêng và cái nghề kiếm cơm kia chỉ là phục vụ cho niềm yêu thích của mình mà thôi” - ông Minh tâm sự.
Không biết đi xe máy nhưng nghe ngóng nơi đâu có sách quý, sách cũ là ông bắt cô con gái chở đến và mang về nhà.
Dẫn chúng tôi lên tầng hai của căn nhà, ông Minh khoe rằng nhiều tạp chí danh tiếng ngày xưa như Nam Phong, Phong Hóa Tuần Báo, Văn Hóa Ngày Nay, Duy Tân, Thanh Nghị, Vạn Hạnh, Tư Tưởng... ông đều đóng thành tập bìa cứng và cất giữ một cách cẩn trọng, gọn gàng trong tủ.
Đó là chưa kể hàng loạt sách cổ, tiểu thuyết và sách quý từ thời Pháp thuộc đến trước năm 1975 đều được ông lưu giữ cẩn thận. Tủ sách ông Minh hiện tại có đến hơn 2.500 đầu sách như vậy. Mới đây tủ sách của ông đã đoạt giải nhì cả nước về tủ sách gia đình.
Rót chén chè xanh mời khách, ông Minh bảo rằng mình nói giọng Huế là nói theo giọng của mẹ, nhưng gốc tích là Quảng Nam. Cha ông người làng Bảo An, Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn nhưng ra Đà Nẵng sinh sống từ năm 1957.
“Cha mất khi tôi 5 tuổi. Mẹ đi lấy chồng khác và ba anh em tôi tự lo liệu. Tôi học Trường Khiết Tâm ở Đà Nẵng và sau giải phóng thì công tác tận huyện miền núi của Quảng Nam rồi bắt đầu tự mày mò, tự nghiên cứu và tự học...” - ông Minh kể.
Việc học của ông Minh chưa một ngày dừng lại trong suốt gần 60 năm cuộc đời. Dần dà ông trở thành người viết, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, đặc biệt là các tư liệu về danh nhân và khoa bảng Quảng Nam như Trần Quý Cáp, Phan Khôi, Phạm Phú Thứ...
Ông Minh bảo mình thích làm công việc này vì niềm đam mê thực thụ, không cần nổi tiếng cũng chẳng viết sách để kiếm tiền.
Nhưng ông Minh cho rằng hạnh phúc nhất của ông là được cùng giáo sư Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) hoàn thành cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập dày 1.850 trang, được Nhà xuất bản Đà Nẵng in vào năm 2010.
Ông Minh bảo rằng cuốn sách là tâm huyết cả đời của ông để viết về một người kiệt xuất của xứ Quảng và đất nước.
Sau khi cuốn sách ra đời và được các độc giả, các nhà nghiên cứu đánh giá khá cao, năm 2011 cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập đã được Hội Xuất bản Việt Nam chính thức trao giải thưởng sách đẹp, sách hay của năm.
Ông Minh bảo rằng giải thưởng là những ghi nhận công sưu tầm của ông và giáo sư Chương Thâu, còn bản thân những tư liệu nó đã tự hay và cái khó nhất là thời gian và công sức.
“Họ gọi tôi ra Hà Nội trao cái giấy khen và phần thưởng 14 triệu đồng. Vui là chính nhưng nói về tiền bạc so với công sức mình thì chẳng thấm vào đâu” - ông Minh vui vẻ nói.
Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng do GS Chương Thâu và ông Phạm Ngô Minh biên soạn |
Đời sau phải nhớ cụ Huỳnh
Ông Phạm Ngô Minh kể rằng để viết về cụ Huỳnh là điều cực kỳ khó khăn, bởi hàng loạt nhà nghiên cứu tên tuổi trước đó đã viết rồi.
“Tôi bắt đầu vào TP.HCM gặp ông Nguyễn Q.Thắng, người đã viết rất kỹ về cụ Huỳnh, để tìm hiểu. Ra tận Hà Nội trong vòng một năm trời, chưa hết phải đi tìm từng tờ báo Tiếng Dân, trong 16 năm tồn tại của tờ báo nổi tiếng này của cụ Huỳnh từ Huế, Thư viện Đà Nẵng, Thư viện Tổng hợp quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM để photo lại các bài báo.
Nhờ cả người thân từ bên Pháp lục tìm tài liệu về cụ Huỳnh gửi về Việt Nam” - ông Minh kể.
Tuyển tập với độ dài 1.850 trang bao gồm gần 100 bài thơ, những bài văn tuyển giai đoạn 1927 - 1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân. Những bài báo của cụ Huỳnh viết trong những năm 1936 - 1943 được các tác giả chia theo từng chủ đề.
Ngoài ra, ông còn trích đăng một số văn bản, tác phẩm có bình luận về thơ văn của cụ Huỳnh, qua đó khẳng định và lý giải một số ý kiến chưa dứt khoát về cụ.
Ông Minh cho rằng chính trong quá trình làm sách về cụ Huỳnh cũng là thời gian ông học được rất nhiều từ những tác giả tên tuổi qua các bài viết sắc sảo và rất có giá trị về cụ Huỳnh.
Sở dĩ ông cất công sưu tầm và biên soạn cuốn sách dày đến 1.850 trang với rất nhiều công sức, ông Minh cho rằng:
“Tôi muốn cho con cháu đời sau biết về cụ một cách đa chiều và rộng rãi. Đặc biệt những tư tưởng của cụ, lòng kiên trung của kẻ sĩ, làm quan không phải để “vinh thân phì gia” đáng để chúng ta suy ngẫm và con cháu học hỏi. Tôi thấy phong trào Duy Tân và những tư tưởng của nó bây giờ vẫn còn tính thời sự”.
Nhận xét về cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, cho rằng đến nay đã có nhiều cuốn sách khảo cứu, biên soạn về cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng độc giả vẫn mong có được công trình đầy đủ hơn, toàn diện hơn, nói lên những cống hiến đa diện của cụ Huỳnh vào lịch sử dân tộc.
Và cuốn sách này đã có thể đáp ứng được lòng mong muốn đó. “Cuốn sách đã công bố được hầu hết tác phẩm của cụ Huỳnh cũng như những bài viết của các nhà chính trị, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà sử học... viết về cụ. Tất cả đã nói lên các hoạt động đa phương đa diện của cụ Huỳnh” - giáo sư Văn Tạo viết.
Nhận xét về tấm gương tự học của ông Minh, nhà giáo Lại Thế Luyện, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng trong giáo dục có lẽ chúng ta chưa bao giờ cần nhấn mạnh đến việc tự học như lúc này. Mà muốn tự học thì phải có lòng say mê bền bỉ, sự miệt mài tích cóp tri thức trong những tháng năm dài. Chính cuộc đời của ông Phạm Ngô Minh là bài học sống động, chứng minh khả năng tự học để thành công. Và ai cũng có thể tự học trong mọi hoàn cảnh để phục vụ bản thân và phục vụ đất nước tốt hơn. |
Mai sau dù có bao giờ...
Trong ngôi nhà cụ Huỳnh ở Tiên Phước (Quảng Nam), tấm Huân chương Sao Vàng được đặt trân trọng trước bàn thờ cụ.
Điều đó nói lên sự ghi nhận công lao to lớn của cụ đối với đất nước. Nhưng có lẽ những gì chúng ta đã làm để tôn vinh cụ Huỳnh dường như chưa đủ!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước bàn thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày 15-4-2013 tại Tiên Phước, Quảng Nam
Tôn vinh khí tiết tiền nhân
Ngày 15-4-2013, tại quê nhà cụ huyện Tiên Phước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức buổi lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Trao huân chương cho người thân trong gia đình cụ Huỳnh, Chủ tịch nước chia sẻ: “Trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, Quảng Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, từ bao đời đã có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và là nơi sản sinh nhiều trí thức lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.
Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước và cách mạng đã có những người con ưu tú cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Trong đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, cùng thế hệ với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, là bạn đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời cụ là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao giản dị, không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân... Cụ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam”.
Những đóng góp của cụ Huỳnh thật khó kể hết trong vài kỳ báo ngắn ngủi này, nhưng có lẽ chỉ riêng câu chuyện tranh đấu lợi quyền cho nhân dân giữa nghị trường và lập tờ báo Tiếng Dân để “nói tiếng nói người dân” đã là những bài học mà cụ để lại cho hậu thế. Những bài học không bao giờ cũ.
Thử hình dung đất nước ngay sau ngày độc lập năm 1945, giữa bối cảnh thù trong giặc ngoài, thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy mà Hồ Chủ tịch tin cậy đặt vào tay cụ tấm thiếp viết sáu chữ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nhờ cụ Huỳnh thay mình làm quyền chủ tịch nước suốt mấy tháng trời để an tâm đi Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp (đồng thời lúc này hội nghị Fontainebleau cũng đang diễn ra, sự có mặt của Hồ Chủ tịch tại Pháp lúc này là vô cùng quan trọng).
Rồi dài theo con đường kháng chiến kiến quốc, cụ Huỳnh đã trút hơi thở cuối cùng cũng chính trên con đường kháng chiến.
Ngày 21-4-1947, cụ ra đi sau mấy ngày lâm bệnh tại Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Lễ tang cụ Huỳnh cũng là quốc tang đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Mộ cụ Huỳnh nay nằm trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) trở thành di tích lịch sử, ngôi nhà ở Chợ Chùa (Nghĩa Hành), nơi cụ trút hơi thở cuối cùng sau một đời dâng trọn cho dân cho nước, là di tích.
Và ngôi nhà ở Tiên Phước (Quảng Nam) cũng trở thành khu lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, di tích quốc gia.
Mới đây, chính quyền huyện Tiên Phước cho biết sắp tới nhân lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng vào năm 2016, huyện sẽ chính thức công bố chỉnh sửa quy hoạch lại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng từ 3ha lên 10ha và nâng cấp khu di tích quốc gia này lên thành khu di tích quốc gia đặc biệt.
Trong khi ở Quảng Ngãi và Quảng Nam những di tích liên quan đến cuộc đời cụ Huỳnh được tôn tạo xứng đáng với cống hiến của cụ như thế thì ở Huế, di tích trụ sở báo Tiếng Dân - nơi lưu giữ đậm nét nhất sự nghiệp cuộc đời của cụ Huỳnh - lại tang thương không bút giấy nào tả xiết...
Ở Huế có một con đường mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng. Oái oăm thay, ngôi nhà tàn tạ nhất trên con đường này lại từng là trụ sở báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh |
Ngậm ngùi cùng Tiếng Dân
Chúng tôi vẫn thường đi qua con đường Huỳnh Thúc Kháng bên bờ sông Đông Ba, mà trên những số báo Tiếng Dân địa chỉ này được ghi trang trọng ở góc phải manchette báo: “Báo quán: số 123 đường Đông Ba, Huế”.
Đường Đông Ba xưa, nay đang mang tên cụ Huỳnh nhưng ngôi nhà chứng tích lại hoang phế tàn tạ. Ngôi nhà quét vôi xanh nhợt nhạt, số nhà 123 xưa nay đã thành số 193 với ba cửa ra vào cho một bề ngang chừng 7m.
Trong hình xưa, chỉ có lối đi đặt ở cửa giữa, hai cửa sổ phía hai bên ngôi nhà nay cũng được trổ thành cửa đi.
Bước vào trong nhà, một bà cụ đang lần theo tường tập đi. Bà tên là Mai Thị Hạnh Liên, năm nay đã 73 tuổi, vốn xưa là cấp dưỡng của Đại học Y Huế đã về ở đây từ năm 1978.
Hóa ra sau bao nhiêu dâu bể, tòa nhà vốn là trụ sở báo Tiếng Dân sau khi báo bị đình bản (năm 1943) cũng thay đổi công năng.
Một thời gian nơi đây trở thành địa chỉ của “Hội Ái hữu đồng châu Quảng Nam”, rồi thành “cư xá sinh viên y khoa”. Sau năm 1975, số phận run rủi thế nào để trụ sở Tiếng Dân trở thành khu tập thể cho chín hộ cán bộ nhân viên của Đại học Y Huế, trong đó có hộ bà Hạnh Liên.
Vậy là đã ngót 40 năm gia đình bà sống ở “khu tập thể” bất đắc dĩ này. Bà nói giọng ngậm ngùi: “Mấy hộ kia cũng là cán bộ của Trường đại học Y, sau này khấm khá họ chuyển ra ngoài, mua đất cất nhà, riêng tôi khó khăn quá, cả gia đình mấy thế hệ cứ quẩn quanh đây”.
Chồng bà Liên mất đã lâu, con trai bà, anh Văn Hồng Đông, cùng vợ và hai con chung sống trong “căn hộ tập thể” của mẹ.
Len lỏi qua ngách nhỏ giữa nhà, chúng tôi chui sâu qua một lối đi như cống ngầm, lách qua vài cái khe hẹp nữa thì ra tới phía đường Phan Đăng Lưu. Hóa ra căn nhà này có hai mặt tiền ở hai con đường rất có giá, thông nhau như nhà phố từ thế kỷ trước.
Phía mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng còn có dáng của ngôi nhà chứ bên phía đường Phan Đăng Lưu sự nhếch nhác càng tăng lên gấp bội, lều bạt vây quanh làm chỗ bán đủ thứ tạp pí lù, thông ra phố là lối đi nhỏ trổ qua bức tường xây ngang tầm người.
Bao nhiêu là hội thảo, hội nghị ngợi ca công lao cụ Huỳnh, tôn vinh sự đóng góp của Tiếng Dân cho báo chí nước nhà, vậy mà “của tin còn một chút này” hóa ra ngậm ngùi quá đỗi!
Không lẽ đất Huế, vốn khởi đầu cho lịch sử báo chí miền Trung, lại không quan tâm đến chứng tích này? Hay còn có lý do nào nữa?
Chợt nhớ thầy giáo dạy báo chí của chúng tôi, thầy Phạm Phú Phong, trong những câu chuyện về nghề nghiệp có lần kể rằng khi dạy môn lịch sử báo chí cho một khóa sinh viên khoa báo chí của ĐH Huế, thầy bảo rằng sinh viên nào viết được một trang giấy A4 về trụ sở báo Tiếng Dân ở Huế mà thông tin nằm ngoài giáo trình thì thầy sẽ cho 8 điểm ngay, khỏi thi!
Cả lớp ngơ ngác không biết cái tòa báo Tiếng Dân ấy hiện nằm ở đâu tại Huế.
Tròn một năm nữa là kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Huỳnh, chắc chắn làng báo nước nhà sẽ có nhiều bài báo tôn vinh cụ. Nhiều di tích lưu dấu cụ Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ được mở rộng, trùng tu tôn tạo xứng với cống hiến của cụ Huỳnh cho dân cho nước.
Mong sao đến khi ấy, căn nhà 193 Huỳnh Thúc Kháng này sẽ thật sự trở thành một di tích xứng tầm với cụ Huỳnh, một con người, một kẻ sĩ, một nhà báo của nhân dân, vĩnh hằng trước thời đại!
Lê Đức Dục - Thái Lộc - Hồ Tấn Vũ, Báo Tuổi Trẻ