www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cay lắm... cau ơi!

 Lâu nay, Tiên Phước (Quảng Nam) được xem là vương quốc của cau, cây trồng này đã giúp hàng trăm hộ nông dân có của ăn của để. Vậy nhưng, 2 năm trở lại đây cau Tiên Phước đi vào cảnh... chợ chiều.

Trong vườn cau thẳng tắp, từng hàng cao vút trông rất...duyên nhưng buồng nào cũng lưa thưa trái, ông Nguyễn Thanh Bút (thôn 11, xã Tiên Thọ) buồn thiu: “Năm ni lại cảnh mất mùa, mất giá chú ơi. Cả vườn nhà tôi có tổng số 2.400 cây, thời cau lên ngôi, mỗi vụ một cây kiếm hơn 70 nghìn đồng đấy”.   

Ông Nguyễn Thanh Bút đang đứng bên vườn cau 8 năm tuổi không chịu ra trái

 Theo ông Bút, 3 năm về trước mỗi vụ thu hoạch ông bỏ túi không dưới dưới 40 triệu đồng. Thời điểm ấy, mỗi kg cau tươi có bèo cũng 15-16 nghìn đồng, vườn cau nhà ông ngày nào cũng có cả chục thương lái đến hỏi mua để cung ứng cho các lò sấy. Vụ này, 1kg cau tươi chỉ 600 đồng, ông Bút chán chường không muốn leo lên hái. Mà có hái xuống cũng không biết bán cho ai.

Ông Đinh Thương , Trưởng phòng NN- PTNT Tiên Phước cho biết, hiện nay toàn huyện có 449.713 cây cau được trồng trên diện tích 90ha, trong đó khoảng 156.870 cây đã và đang cho trái, và hằng năm số cây cho trái tiếp tục tăng thêm 30%.

Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006, trung bình mỗi năm nông dân thu về hơn 2 tỷ đồng từ tiền bán cau. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, mỗi năm con số trên đã giảm hơn 2/3...

 Đã hơn 3 năm tôi mới quay lại thăm vườn cau của ông Võ Văn Tế , 65 tuổi (thôn 3, xã Tiên Phong). Những hàng cau xanh ngút ngàn, tít tắp không còn nữa, thay vào đó là rừng bạch đàn cao quá đầu người. Đưa chúng tôi ra khu vườn cũ, ông Tuế thở dài: “Giá cau rớt tự do như rứa hỏi làm răng bám hoài với nó được”. Nhìn quanh vườn nhà ông Tuế, số cau còn sót lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trái lưa thưa, buồng nào cũng chín vàng, còn dưới gốc lác đác những quả cau thối. Chính cây cau đã giúp vợ chồng ông nuôi 6 đứa con học đại học rồi cất nhà khang trang, mua xe máy xịn. Không ngờ có ngày cau đau đến thế.

Ngược lên xã Tiên Lộc, vẫn cảnh đìu hiu. Ngồi rệu rã bên những gốc cau teo tóp, anh Đỗ Tấn Lâm (thôn 3) than vắn thở dài: “Mấy năm trước vợ chồng tôi phải thuê thêm 2 người hái cau mới đủ cung cấp cho các chủ lò sấy. Hồi đó, với hơn 1 nghìn cây, có ngày tôi thu hơn 5 triệu đồng. Cứ mỗi đợt lấy tiền là tấp hết vô ngân hàng. Còn vụ ni, từ sáng đến chiều chỉ bán được mươi nghìn, không đủ tiền chợ búa nói chi đến chuyện dành dụm lúc trái gió trở trời. Biết khi nào cau được giá lại đây hả chú?”.  

Một lò sấy cau ở thôn Phái Đông thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) phá sản

 Tôi im lặng, lẩn tránh ánh mắt buồn của ông Lâm. Chỉ tay về phía hàng nghìn quả cau chín rụng đỏ gốc, anh Nguyễn Đình Ngọc (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu) lắc đầu: “Từ vườn nhà tôi ra đến nơi bán cau hơn 15 cây số, qua nhiều khe suối đường đất lầy lội, bán cau không đủ trả tiền công hái và chi phí vận chuyển nên cứ mặc kệ để cho nó rụng. Kiểu ni chắc cuối năm sẽ chặt trụi vườn cau để trồng sắn KM94”...

Chị Nguyễn Thị Sum ở xã Tiên Cảnh có thâm niên trong nghề buôn cau cho biết, năm 2006 trở về trước mỗi năm chị thu mua và xuất sang Trung Quốc cả trăm tấn cau khô nhưng 2 năm trở lại đây thị trường này đã thực sự “đóng băng”. Chị Sum kể: “Năm 2007, tôi trữ 200 tấn cau chờ lên giá, đến ngày nhập hàng đột nhiên thị trường không ăn, giá bán thấp hơn 15 lần so với giá mua, chịu lỗ hơn 100 triệu đồng”.

Không chỉ chị Sum, nhiều người khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Nghe đâu, có một người tên Nga từ Hải Phòng vào Tiên Kỳ (Tiên Phước) mở lò sấy cau ngay năm đầu tiên đã thua lỗ hơn 1 tỉ đồng, liền đập bỏ lò đi biệt tăm không thấy quay trở lại...

                                                                          Quang Na - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Cau tươi rớt giá

Chìm nổi sản phẩm cau Tiên Lãnh