Giá cau tươi nhảy vọt
Việc thu mua cau tươi đang diễn ra ồ ạt khắp địa phương trên địa bàn tỉnh. Cau tươi được giá đã đem lại niềm vui lớn cho cả nông hộ lẫn chủ cơ sở chế biến.
Ở huyện miền núi Tiên Phước, người dân phấn khởi vì năm nay cau được mùa lại được giá. “Rất may là gia đình chúng tôi đã không chạy theo “phong trào” chặt bỏ cây cau để trồng keo lai diễn ra rầm rộ từ 5 năm nay. Năm nay cau được mùa lại rất được giá, mình bán vài trăm ký thu được hơn 10 triệu đồng” - bà Ngô Thị Thuận (thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nói.
Nhu cầu xuất khẩu
Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, do đầu ra không đảm bảo, cau rớt giá nên diện tích trồng cau trên địa bàn đã giảm xuống quá nhiều trong vòng 5 năm qua, từ 90ha xuống còn khoảng 50ha. Bởi vậy, địa phương đang khuyến khích người dân trồng cau bằng cách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. |
Để tìm hiểu rõ hơn vì sao trái cau tươi lại được giá đột ngột ở thời điểm này, chúng tôi có mặt ở cơ sở chế biến cau tươi của gia đình ông Lê Minh Thuận (thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Đây là “đầu não” thu mua cau tươi, không chỉ ở riêng huyện Tiên Phước mà cả khắp huyện, thành trong cả tỉnh. Ông Thuận cho biết, cau tươi được giá vì có nhu cầu rất lớn. “Từ giữa năm đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình chúng tôi xuất sang thị trường Trung Quốc 60 tấn cau khô. Để có khối lượng hàng như vậy, chúng tôi phải thu mua được 20 tấn cau tươi mỗi ngày. Cau tươi sau khi luộc 3 tiếng đồng hồ sẽ được vớt ra để đưa vào lò hấp. Sau 5 ngày hấp, khi cau có độ săn chắc ổn định sẽ được vớt ra, đóng gói, xuất thẳng sang thị trường Trung Quốc” - ông Thuận nói.
Hiện tại, cơ sở sơ chế cau của gia đình ông Thuận có 30 lao động thường trực trong ngày để thực hiện các công đoạn kể trên. Cách đây khoảng 5 năm, xuất khẩu cau tươi gặp khó do những rào cản phía Trung Quốc đặt ra, cơ sở này hoạt động cầm chừng. Thời điểm này, Trung Quốc rất cần cau để chế biến kẹo nên nghề này ăn nên làm ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) và một số ít nơi khác của TP.Đà Nẵng cũng tồn tại nghề hấp cau để xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc. Chủ các cơ sở này là người từ các tỉnh, thành phía Bắc vào thuê lại đất, mở cơ sở sản xuất. Tính cạnh tranh cao do nguồn cung khan hiếm trong thời gian gần đây đã khiến giá cau tươi nhích dần từng ngày. Hiện tại, giá “đỉnh” của cau tươi là 30 nghìn đồng/kg (cau có cỡ 42 trái/kg). Khi được hỏi tại sao có sự chênh lệch khá lớn giữa cau non và cau thường thì ông Thuận cho biết: “Sở dĩ cau non được thu mua vì khối lượng cau thường không đủ cung ứng. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ chỉ thu mua cau non khi đã hết nguồn cung cau bình thường. Giá cả chênh lệch của 2 loại cau tươi này trung bình là 17 nghìn đồng/kg”.
Ông Thuận cho biết, cau non rất khó bảo quản trong quá trình vận chuyển từ Quảng Nam sang Trung Quốc. Tuy vậy, cau non khi được chế biến thành kẹo có vị ngon ngọt không hề thua kém so với loại cau bình thường. “Chúng tôi kinh doanh thu lợi thì cũng phải chú ý đến quyền lợi của nông dân. Các chủ sơ chế cau từ các tỉnh, thành phía Bắc đến thu mua tại đây có nhiều thuận lợi hơn mình về đầu ra nên đã nhiều lần hạ giá mua cau tươi. Bây giờ tình thế đã có chuyển biến khác nên chúng tôi chủ động nâng giá cau tươi để có lợi hơn cho người dân địa phương” - ông Thuận nói.
Còn khi được hỏi liệu cau tươi có còn là nhu cầu lớn trong thời gian đến và giá cau có thể sẽ tăng thêm không thì ông Thuận cho biết, giá cau tươi đã đạt đỉnh vào thời điểm hiện tại, giá cau có tăng thêm hay không lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu cau khô và sẽ thu mua cau tươi với giá ổn định, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các nông hộ trên địa bàn.
Nguyễn Quang Việt - Báo Quảng Nam