Ép dó tạo trầm
Khi hàng ngàn địu trầm ở huyện Đại Lộc ngày đêm khăn gói vào rừng tìm trầm - kỳ với hy vọng đổi đời thì tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam), nhiều người đã biết sản xuất trầm nhân tạo từ cây dó bầu. Đây là công trình nghiên cứu của những địu trầm xứ Tiên, mở ra cơ hội đổi đời cho hàng ngàn người dân lao động trên chính quê hương mình.
Một trong những “cha đẻ” của công trình nghiên cứu trồng và cấy trầm cho cây dó bầu ở Tiên Phước là anh Trương Công Lương (51 tuổi, trú thị trấn Tiên Kỳ huyện Tiên Phước). Tiếp chuyện với chúng tôi tại ngôi nhà 3 tầng vừa là nhà riêng, vừa là trụ sở Cty TNHH Mỹ nghệ Thương mại & Dịch vụ Trầm hương Lương Hậu, anh Lương không giấu giếm bất cứ bí quyết gì về quy trình sản xuất trầm hương nhân tạo.
Anh Lương cho biết, bản thân từng là dân địu trầm, về sau này khi cây dó rừng bị khai thác cạn kiệt, anh bỏ nghề về quê làm nông. Do có thời gian dài khai khác trầm trên cây dó xanh nên năm 2000, anh Lương cùng nhóm 5 người bạn là phu địu nghĩ ra việc trồng dó để tạo trầm. Nhớ lại hồi lên núi khai thác trầm trên cây dó xanh, thông thường chỗ nào có kiến đục là tạo trầm nhiều nhất. Ý tưởng bắt đầu từ đây, anh Lương cùng nhóm bạn sử dụng khoan sắt khoan vào thân cây dó trồng ở vườn nhà để tạo ra vết thương cho cây tích trầm. Ban đầu, ý tưởng “không giống ai” ấy không thành công, bởi nhiều cây dó bị chết, nếu sống cũng không tích được trầm.
Nghề trầm hương mỹ nghệ tại H. Tiên Phước mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. |
Thế rồi cơ duyên đã đến, trong một lần Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch đi công tác tại Tiên Phước, nghe được câu chuyện ép dó tạo trầm của nhóm anh Lương. TS Thạch khá thích thú về công trình của nhóm nông dân này và ông yêu cầu anh Lương phải lấy cho bằng được mẫu trầm từ cây dó xanh trên núi để phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, con sùng đục thân cây dó, sau đó kiến chui vào làm tổ và thải ra phân cùng nước tiểu. Các chất này là dung dịch kích thích cây dó tạo trầm. Vậy là công thức chế biến phụ gia tạo trầm đã rõ, gồm hỗn hợp muối, sắt và a-xít.
Có được bí quyết, năm 2002, anh Lương cùng nhóm bạn tiến hành khoan cây dó trồng ở vườn và cho chất phụ gia này vào. Kết quả thử nghiệm trên thân 12 cây dó trồng cho kết quả tốt như mong đợi. Cùng với việc ươm giống dó bầu trồng đại trà ở các xã trên địa bàn H. Tiên Phước, nhiều người dân quyết định đầu tư vốn để mở cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ trầm hương. Năm 2005 có 10 doanh nghiệp tư nhân ra đời thì đến năm 2013 con số này tăng lên 200, mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Trước sự phát triển mạnh của làng nghề này, năm 2013, Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước ra đời để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh sản xuất. Với thành tích xuất sắc trong việc phát triển làng nghề trầm hương mỹ nghệ, anh Lương được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2004-2006”.
Với khả năng không ngừng sáng tạo, anh Lương bật mí cho chúng tôi biết, hiện anh đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật cấy trầm truyền dẫn 1 lần khoan cho cây dó. Trước đây, muốn tạo trầm cho cây dó, người ta sẽ khoan nhiều lỗ trên thân cây rồi cấy hỗn hợp phụ gia vào. Nhược điểm của kỹ thuật này là khi khai thác, trầm sẽ có nhiều vết khoan, sản phẩm mất đi giá trị thẩm mỹ. Nay chỉ với 1 mũi khoan có thể lưu dẫn phụ gia tạo trầm trên khắp thân cây. Anh Lương bảo rằng, nếu ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm thì liên hệ với anh theo số điện thoại 0982098390 anh sẽ tận tình hướng dẫn.
Sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương Tiên Phước. |
Cũng thành công như anh Lương, ở Tiên Phước còn có cơ sở của anh Võ Văn Vy (1968, trú TT Tiên Kỳ), chủ cơ sở Vy - Kim Lợi. Anh Vy kể, năm 2004, anh bắt đầu tham gia sản xuất trầm nhân tạo. Nhờ học được kỹ thuật cấy chất phụ gia tạo trầm đạt chất lượng cao nên anh quyết định đầu tư lớn để mở cơ sở sản xuất. Hằng ngày, anh liên hệ các hộ có trồng dó bầu từ 8 năm tuổi trở lên để mua và cấy trầm. Giá trung bình thời điểm hiện tại 500 - 1 triệu đồng/cây. Khi mua xong, anh Vy trực tiếp khoan lỗ và vào thuốc tạo trầm, khoảng 8 tháng sau là có thể thu hoạch. Ngoài dó vườn tại Quảng Nam, anh còn vào các tỉnh Tây Nguyên để liên hệ khai thác. Vào mùa cao điểm, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động với mức lương 2 - 4 triệu đồng/tháng.
Hầu hết sản phẩm trầm mỹ nghệ của H. Tiên Phước được tiêu thụ tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… và xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá trị từ trầm hương nhân tạo rất lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. Chúng tôi xin mượn lời anh Trương Công Lương, người có thâm niên nghề địu trầm để thay cho lời kết loạt bài viết này: “Ngày xưa dân địu ngậm ngải tìm trầm, cực khổ trăm bề. Bây giờ chúng tôi không cần phải đánh cược số phận vào may rủi mà đã biết cách ép dó tạo trầm, mở ra cơ hội làm giàu bền vững trên chính quê hương mình”.
Nguyên Thảo - Hoàng Anh, Báo CA Đà Nẵng
Doanh nghiệp Tiên Phước tạo trầm cho cây dó bầu tại Lào
Tìm thương hiệu cho trầm cảnh Tiên Phước