www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đôi điều đọng lại trong chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà

 Năm 1955, cũng như nhiều thành niên khác của quê hương, tôi được giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1960, tôi cùng 30 đồng chí khác của xã Sơn Bình (Quế Sơn) thoát ly vào quân giải phóng, đơn vị Đại đội H51. H51 khi hoạt động ở vùng B Đại Lộc được chia thành hai đại đội là H36 và H35, tôi ở Đại đội H35.

        50 năm trôi qua, đồng chí, đồng đội tham gia giải phóng Sơn - Cẩm - Hà cùng chúng tôi nhiều người đã hy sinh nơi trận mạc, có người lâm bệnh từ trần khi đất nước đã hòa bình; số anh em còn lại không nhiều, tuổi đã lớn, trí nhớ mai một dần. Cán bộ tiểu đoàn tôi nhớ có đồng chí Chí hiện còn khỏe mạnh, sống tại thành phố Quảng Ngãi. Cán bộ đại đội có đồng chí Đỗ Châu Sa (Giàu) quê ở Hòa Vang nhưng hiện giờ sống ở Hà Nội, đồng chí Trịnh quê Bình Định hiện sống ở Tam Kỳ. Một số anh em còn lại là cán bộ trung đội, tiểu đội. Tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội liên trinh của Đại đội 2, nên tôi thường được giao nhiệm vụ đi cùng lực lượng trinh sát và chỉ huy chuẩn bị chiến trường.

      Khu vực Sơn - Cẩm - Hà như một lòng chảo nằm sâu ở vùng trung du tỉnh Quảng Nam, giải phóng khu vực này, trở thành yêu cầu cấp thiết, để mở mảng phát triển xuống đồng bằng. Ngay từ năm 1961, ta đã tổ chức 1 trung đội thọc sâu xuống vùng Phú Toản, Phú Hữu, Bình Sơn, An Tráng (Hiệp Đức), trung đội này do đồng chí Hào (Xuân) làm trung đội trưởng, anh em của trung đội bây giờ còn đồng chí Lê Quốc Việt (Nam) quê ở Đại Cường (Đại Lộc), nhiệm vụ của trung đội là nắm địa bàn, thăm dò sự phản ứng của địch. Ở cánh bắc, Đại đội H35 cũng tiến hành thăm dò xuống vùng B Đại Lộc; sau đó vũ trang xuống Sơn Hiệp (Quế Lưu - Hiệp Đức).

      Tháng 10 năm 1961, Đại đội H21 do đồng chí Trần Kim Anh làm Đại đội trưởng, vượt sông Tranh tiến công giải phóng hai xã Phước Lãnh, Phước Ngọc (nay là xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước). Đại đội H35 lúc đó do đồng chí Bộ (Khang) (quê Bến Tre) làm Đại đội trưởng; đồng chí Trịnh (Bình Định) làm Đại đội phó, đồng chí Minh Tuấn (Tam Giang, Núi Thành) làm Chính trị viên. Đại đội đảm nhận chốt giữ khu vực Đá Chẹt, các anh trong Ban chỉ huy nhận bàn giao từ đồng chí Trần Kim Anh.

      Thời gian chốt giữ ở đây, đơn vị chúng tôi tổ chức chống địch càn quét từ hướng Phước Lâm vào thôn 6, xã Phước Ngọc; một đại đội khác chặn cánh quân địch từ Sơn Hiệp lên Cửa Gió. Kết quả, cả hai hướng hiệu suất tiêu diệt địch đều không cao. Đơn vị chúng tôi rút về phía Nà Chói (Phước Lãnh), bất ngờ cánh quân địch từ Nà Ráy càn lên đánh vào phía sau. Đại đội tổ chức chiến đấu trong thế bị động, tổ trung liên do đồng chí Phận và Bình phụ trách hy sinh. Địch tiếp tục sử dụng máy bay khu trục (F8) bắn rốc két vào khu vực đứng chân của đại đội, gây thêm tổn thất cho ta, đồng chí Sen xạ thủ đại liên hy sinh, tôi bị thương.   

      Để chuẩn bị cho đợt hoạt động mới, ngày 03 tháng 02 năm 1962, tại Phước Lãnh, tiểu đoàn đầu tiên của tỉnh được thành lập mang phiên hiệu là Tiểu đoàn 70. Khi thành lập, biên chế của tiểu đoàn có 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến. Đại đội bộ binh ở cánh Bắc vào gọi là Đại đội 2 do đồng chí Minh (Dồ) quê Đại Lộc làm Đại đội trưởng, đồng chí Châu Sa làm Đại đội phó, sau này, khi vượt sông Tiên, đồng chí Sa làm Đại đội trưởng, đồng chí Phan Song làm Chính trị viên. Đại đội 3 do đồng chí Bộ (Khang) quê ở Bến Tre làm Đại đội trưởng, đồng chí Trịnh làm đại đội phó, đồng chí Minh Tuấn (Ba Lô) làm Chính trị viên. Đại đội 1 do đồng chí Trần Kim Anh làm đại đội trưởng (trong chiến dịch đồng chí Xố làm đại đội trưởng), còn Chính trị viên là đồng chí Hiếu hay Nhì tôi không còn nhớ rõ (sau này đồng chí Tắt thay). Đại đội trợ chiến tôi nhớ do đồng chí Đoàn Đình Túc (Cảnh) quê Quế Sơn làm Đại đội trưởng.

       Thời điểm diễn ra chiến dịch, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tôi nhớ được 3 đồng chí là anh Trương Tầm (quê Bình Định) làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lê Thanh Hà (Lẫm) làm Chính trị viên, đồng chí Nam làm Tiểu đoàn phó, đồng chí Đặng Văn Chí (quê ở Quảng Ngãi) làm Tham mưu trưởng.

      Trước chiến dịch không lâu, tôi nhớ chúng tôi tiến hành nhiều trận chống càn quét của địch lên vùng Lãnh - Ngọc. Trận tại Đồi Chùa (thôn 5, Phước Ngọc) đại đội của chúng tôi làm chủ công. Trận ở Bãi Tranh (Phước Ngọc), đại đội được giao nhiệm vụ làm mũi nghi binh, Tiểu đoàn 60 làm chủ công; trận đánh bị lộ nên ta thiệt hại lớn.

      Để động viên tinh thần chiến đấu cho toàn đơn vị, trước khi chiến dịch nổ ra, tại thôn 2, Phước Ngọc, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu (Bảy Hữu) - Khu ủy viên đến quán triệt nhiệm vụ, phát động lòng căm thù giặc, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội vượt sông. Xác định mục tiêu sắp tới là tiêu diệt địch, phát động quần chúng, thành lập chính quyền, ổn định đời sống nhân dân, chống càn, kiên quyết giữ cho được địa bàn chiến lược Sơn - Cẩm - Hà, làm nơi đứng chân lâu dài cho cách mạng. Phải nắm vững phương châm “Đã vượt qua sông là không trở lại”. Tôi còn nhớ đồng chí đọc hai câu thơ nội dung nói về tình cảnh đau thương của nhân dân ở vùng Sơn - Cẩm - Hà:

Thương thay em bé nhi đồng

Chết nằm chưa liệm hồn trong mẹ về.

       Chủ trương của trên là quyết tâm giải phóng khu vực Sơn - Cẩm - Hà, bởi vì đây là địa bàn rất quan trọng, giải phóng được khu vực này thì lực lượng ta mới mở xuống được vùng bắc Tam Kỳ, tây Thăng Bình và Quế Sơn. Về lực lượng, cấp trên chọn Tiểu đoàn 70 làm chủ công; cụ thể Đại đội 1 đánh từ hướng Phước Hà ra Hội Tường, An Tráng, Việt An (Hiệp Đức); Đại đội 3 đánh về hướng Phước Hà lên Dốc Xoài, sau đó phát triển ra Lò Chén; Đại đội 2 đánh về hướng Phước Cẩm, qua Phước Sơn, đồng thời tổ chức lực lượng chốt ở Dàn Xây, Eo Gió.

       Sau khi được quán triệt nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị rất phấn khởi, anh em đều chờ đợi ngày giải phóng, tiếp xúc với đồng bằng. Đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị về các mặt bảo đảm, nhất là vũ khí trang bị, lương thực, lương khô, tập gói buộc quân trang để qua sông.

      Tháng 9 năm 1962, những cơn mưa dông làm nước sông Tiên dâng cao, thêm phần khó khăn, trở ngại cho anh em vượt sông, công tác chuẩn bị càng được tổ chức kỹ lưỡng hơn, anh em nhắc nhở nhau kiểm tra gói buộc quân trang kỹ càng để sẵn sàng đợi lệnh.

       Trước khi chúng tôi vượt sông, tối ngày 25 tháng 9 năm 1962, Đại đội 2 vượt sông hướng về Phước Cẩm. Rạng sáng ngày 26 tháng 9, đơn vị chúng tôi cùng Tiểu đoàn bộ vượt sông. Đơn vị tiến nhanh về hướng thôn 2, Phước Hà, lên đến đỉnh Dốc Xoài, khoảng 6 giờ đơn vị chiếm lĩnh xong trận địa. Khoảng 1 giờ sau địch xuất hiện, lực lượng của chúng gồm: 1 đại đội cộng hòa và 1 trung đội tổng đoàn, chúng hành quân từ chợ Việt An qua Lò Chén qua thôn 4, Phước Sơn và đánh qua Dốc Xoài; ý định của chúng là đánh bọc phía sau Phước Cẩm. Khoảng 8 giờ, trận đánh bắt đầu, ta chủ động nổ súng trong địa thế thuận lợi, trận đánh diễn ra gần 1 giờ thì địch rút lui, ta diệt 38 tên, bẻ gãy âm mưu của chúng.

      Đơn vị hành quân qua Lò Chén (thôn 4, Phước Sơn) qua thôn 5 ra hướng Dương Thờ (thôn 6), lên Dương Đất Bắc qua Phái Nam, Vinh Huy tiến xuống Cồn Tây, chợ Vinh Huy (Bình Trị). Trong quá trình này không gặp nhiều trở ngại từ phía địch, vì chúng đã hoang mang bỏ chạy hết.

       Như vậy, chưa đầy nửa tháng ta đã mở “toạc” ra mảng lớn, không chỉ khu vực Sơn - Cẩm - Hà mà còn một phần phía bắc Tam Kỳ, tây Thăng Bình, tây nam Quế Sơn. Sau này, qua các tài liệu tôi được biết kết quả ở hướng Tiên Phước vượt chỉ tiêu chiến dịch đề ra. Sơn - Cẩm - Hà giải phóng, nhân dân trở về rất phấn khởi. Đoàn văn công của tỉnh về biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn và nhân dân vùng căn cứ, câu ca của nhạc sĩ Tố Hải (Khánh Hòa) khái quát thắng lợi của ta:

Tin đó, tin đây chưa đầy nửa tháng

Mà ta giải phóng, giải phóng đã nhiều

Giải phóng Phước Hà, Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hòa

Đánh sang  An Tráng, đánh tiếp Việt An

Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn khắp nơi giải phóng.

    Sau giải phóng, các đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng, đánh địch càn quét bảo vệ vững chắc vùng căn cứ; có căn cứ lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện mở xuống đồng bằng và giành được nhiều thắng lợi.

        Sau chiến dịch Vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, tôi tiếp tục chuyển qua chiến đấu trong nhiều đơn vị của lực lượng vũ trang tỉnh, trải qua nhiều chức vụ khác nhau: Huyện đội trưởng Quế Tiên, phụ trách Tiểu đoàn 70, Huyện đội trưởng Quế Sơn sau đó là Chỉ huy trưởng của Ban chỉ huy quân sự huyện Đại Lộc. Cuộc đời binh nghiệp 31 năm, tình cảm của đồng chí, đồng đội thật nhiều, kỷ niệm trên quê hương Quảng Nam cũng thật nhiều, nhưng ký ức về những ngày giải phóng Sơn - Cẩm - Hà có ý nghĩa thật đặc biệt.

“Ăn củ chát nhớ Phước Hà dũng cảm

Ăn rau rừng nhớ Phước Cẩm hiên ngang

Đỉnh núi Ngang qua tháng ngày yêu dấu

Chốt Mõm Đồi dù bom rớt, đạn rơi..”.

Nguyễn Văn Thoang,

Nguyên tiểu đội trưởng Tiểu đội liên trinh,Đại đội 2,Tiểu đoàn 70