www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Di dời dân vùng sạt lở núi Đầu Voi

 Dự án xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân dưới chân núi Đầu Voi (còn có tên Hòn Gành, thuộc thôn 1 và thôn 2 xã Tiên An) đang được UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo các đơn vị thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ để kịp di dời 170 hộ dân trước mùa mưa bão năm nay.

Thấp thỏm lo núi sập

 

Chúng tôi trở lại núi Đầu Voi. Chưa vào mùa mưa bão nhưng những người dân có nhà nằm trong khu vực sạt lở dưới chân núi đã thấp thỏm sợ núi lở. Người dân sống dưới chân núi Đầu Voi thuộc thôn 1 và thôn 2 cho biết, mỗi khi mưa lớn kéo dài, đất đá trên núi sạt lở từng mảng lớn. Đợt mưa lớn cuối tháng 10.2011, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang ngay trong đêm phải đi từng nhà sơ tán dân, có trường hợp người già đi không được phải dùng võng khiêng rất vất vả. Ông Phạm Văn Y, trú tại thôn 1, lo lắng: “Mùa mưa năm rồi đất đá từ trên núi sạt xuống làm nứt tường nhà mấy hộ dân trong xóm. Tôi phải đưa vợ con sơ tán đến ở nhà người bà con. Dân chúng tôi mong dự án TĐC sớm hoàn thiện để di dời đến nơi ở mới chứ tình hình sạt lở núi như vậy rất nguy hiểm”. 

Trong chuyến kiểm tra vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – ông  Hường Văn Minh cho biết: “Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt hiện đảm bảo cho người dân an cư trong khu TĐC núi Đầu Voi giai đoạn 1. Là chủ đầu tư, địa phương tạo điều kiện tốt nhất, cũng như công bằng đối với những gia đình di dời từ khu vực núi Đầu Voi vào các khu TĐC cũ và mới. Tất cả các hộ dân trong khu vực sạt lở núi phải được di dời trước mùa mưa bão năm nay. Cùng với việc hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm, các hộ có nhu cầu về canh tác trên vườn cũ cũng sẽ được giải quyết để người dân có cuộc sống ổn định” - ông Hường Văn Minh nói. Sạt lở núi và chuyện di dời dân dưới chân núi Đầu Voi đến nơi an toàn từng được dư luận, chính quyền và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Theo khảo sát vào thời điểm năm 2007, có 220 hộ dân sống dưới chân núi phải di dời. Trong đó, có 60 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào khi có mưa lũ. Ngày 19.10.2007, UBND tỉnh phê duyệt quyết định dự án đầu tư xây dựng khu TĐC cho các hộ dân núi Đầu Voi giai đoạn 1 với số tiền gần 10,5 tỷ đồng. Theo đó, dự án san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ 60 gia đình có nhà ở trong vùng nguy hiểm đến khu TĐC mới. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập như khu TĐC cách xa nơi ở cũ, tiền hỗ trợ xây nhà chỉ có 10 triệu đồng/hộ và mức hỗ trợ di dời thấp (3,5 triệu/trường hợp) nên một số hộ chưa chịu di dời. Có những trường hợp xây nhà trong khu TĐC nhưng lại quay về nơi cũ vì thiếu đất sản xuất. 

                         

 Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công khu TDC cho dân

Giải pháp căn cơ

 Dự án di dời dân sống trong khu vực sạt lở núi Đầu Voi vào khu TĐC mới (giai đoạn 2) được UBND tỉnh quyết định phê duyệt ngày 13.5.2011. Dự án do UBND huyện Tiên Phước làm chủ đầu tư, di dời 170 hộ dân vào nơi ở mới (tăng 10 hộ so với khảo sát năm 2007) với tổng kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu năm 2012 dự án mới được triển khai. Hiện đường giao thông qua cầu Vực Giỏ và khu đất nền của dự án  đang được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành trong tháng 4.2012. Theo ông Nguyễn Công Vũ - công nhân Công ty cổ phần An Thịnh, mỗi ngày đơn vị tập trung 6 chiếc xe múc, 3 xe ủi, 4 xe lu và 50 công nhân làm việc tại công trường. Đến thời điểm này đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo kế hoạch.  

Ngoài cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, các hộ dân di dời vào khu TĐC mới tại Vực Giỏ sẽ được bố trí 200m2 đất ở và hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi hộ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho dân tiếp tục sản xuất trên khu vực đất vườn cũ sau khi di dời. Trước mắt, UBND huyện Tiên Phước sẽ hỗ trợ 60 hộ dân sống dưới chân núi Đầu Voi có nguy cơ sạt lở cao ra khỏi vùng bị thiên tai uy hiếp nhằm giúp dân ổn định đời sống, tránh rủi ro do sạt lở gây ra. Theo kế hoạch, UBND huyện sẽ tiếp tục di dời thêm 110 hộ dân trong vùng sạt lở vào khu TĐC mới. Ông Hường Văn Minh cho biết: “Tiến độ chung là trong tháng 4 năm nay phân lô bốc thăm và giao đất thực địa, sau đó huyện tiến hành hỗ trợ di dời. Vận dụng giai đoạn 1, những hộ nghèo thuộc vùng dự án thì hỗ trợ làm nhà. Ngoài ra, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp trích số tiền 500 triệu đồng của Mặt trận để hỗ trợ mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng”.

Các khu TĐC cho người dân sống trong khu vực sạt lở núi thuộc thôn 1 và thôn 2 hoàn thành sẽ đáp ứng được mong mỏi lâu nay của người dân. Về nơi ở mới, cuộc sống ban đầu sẽ có những khó khăn so với nơi ở cũ nhưng người dân cảm thấy an tâm hơn vì không còn nỗi lo sạt lở vào mùa mưa bão. Chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến nhân dân trong khu vực dưới chân núi Đầu Voi. Hầu hết người dân đều thống nhất phương án di dời và hỗ trợ của dự án, 100% số hộ đăng ký và cam kết di dời đến nơi ở mới. Như vậy, dự án TĐC cho người dân khu vực sạt lở dưới chân núi Đầu Voi được thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ, vừa đảm bảo chỗ ở và cuộc sống ổn định lâu dài cho các hộ dân, vừa tránh được những tai họa khôn lường do thiên tai gây ra. 

LÊ PHƯỚC TRỊNH - Báo Quảng Nam