Đặc sản tiêu Tiên Phước làm thuốc
Tiên Phước có nhiều đặc sản như tiêu, quế, chuối ép, lòn bon…. Ngoài giá trị về văn hóa, ẩm thực, kinh tế….. mỗi đặc sản còn là một vị thuốc. Bài này giới thiệu một số cách dùng hạt tiêu để chữa bệnh.
Hạt tiêu hay còn gọi là hồ tiêu, có tên khoa học: Piper nigrum L, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Nó được sử dụng làm thuốc ở nhiều nước trên thế giới; ở Trung Quốc, hạt tiêu được chế thành cao dán để chữa hen; người Ấn Độ, dùng hạt tiêu để chữa dịch tả, tăng cường sức khỏe cho cơ thể yếu mệt sau khi sốt và phòng tái phát bệnh sốt rét; ở Indonesia dùng tiêu làm thành phần của một số loại thuốc bổ, thuốc giảm đau cho phụ nữ sau đẻ; còn người Nepan, tiêu được phối hợp với nhiều vị thuốc khác để làm thuốc chữa cảm lạnh, cảm cúm, khó tiêu, viêm khớp. Các chuyên gia vật lý trị liệu ở Nga, qua 1 thời gian nghiên cứu, đã rút ra kết luận: tinh dầu chiếc xuất từ hạt tiêu khi đem nhỏ vài giọt vào bồn tắm sẽ mang lại cảm giác minh mẫn, tỉnh táo hơn, và điều quan trọng nhất là làm tăng ham muốn tình dục.
Một số nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy: (1) Dùng liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa ăn ngon, nhưng liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt, viêm đường tiểu, đái ra máu. (2) Piperin và piperidin trong hạt tiêu gây độc ở liều cao, piperidin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số dây thần kinh (50mg/kg cân nặng). Piperin tiêm bắp cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tượng thở nhanh lên chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp, chết do ngừng thở. Giải phẩu thi thể, các phủ tạng đều có hiện tượng xuất huyết. (3) Hồ tiêu có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi Hồ tiêu đuổi sâu bọ nên được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi bị sâu cắn. (4) Ankaloit hồ tiêu có tác dụng an thần đối với chuột nhắt rõ rệt.
Theo đông y, hạt tiêu có tác dụng làm ấm bụng, giảm đau, chống nôn, kích thích tiêu hóa (kích thích vị giác giúp ta có cảm giác ngon miệng, kích thích bộ máy tiêu hóa làm việc, tăng cường chức năng hoạt động của tuyến tụy). Liều thường dùng mỗi ngày: cho vào thuốc thang 2-4g, thuốc tán 1-2g, dùng ngoài lượng vừa đủ. Kiêng kỵ: người âm hư nội nhiệt (trong người nóng), phụ nữ có thai
Để chữa tê thấp có thể ngâm hạt tiêu, đại hồi, phèn chua với rượu, dùng xoa bóp ngoài. Còn nếu bị đau răng, sâu răng, việc xát bột tiêu vào chân răng có thể giúp làm giảm cơn đau và diệt khuẩn. Khi trẻ con bị tiêu chảy: lấy 1-2 hạt tiêu sọ (tiêu trắng) tán bột bỏ vào rốn của trẻ, dùng băng dính dán lại 24 giờ thay 1 lần, có thể dùng 2-3 lần. Người bị sa dạ dày lấy 15g tiêu sọ mỗi ngày, nấu canh dạ dày heo hay dê hay cừu, trộn vào ăn. Đau bụng, dạ dày do lạnh bột tiêu 5g, gạo tẻ 50-60g, nấu cháo ăn. Phụ nữ đau bụng kinh (thống kinh) dùng bột tiêu sọ 1g, nuốt với khoảng 1 ly rượu trắng hâm nóng. Trẻ con thiếu canxi dùng tiêu sọ 20 hạt, vỏ trứng gà 2 cái, sao vàng lên, nghiền thành bột, chia 4 phần, mỗi lần uống 1 phần. Người mệt, hồi hộp: tiêu sọ 2g, đậu xanh 20g; tán mịn, trộn đều, ngày uống 4 - 6g chia 2 lần.
Bác sỹ Lê Thân - Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam