Tuy nhiên, ngành Tuyên giáo toàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Phương châm xây dựng nông thôn mới "dựa vào nội lực là chính" chưa được quán triệt sâu rộng, vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, chưa xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người dân. Việc tổ chức triển khai tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới còn bị động, chưa đồng bộ, lơi lỏng ở cơ sở do đó, chưa khai thác, phát huy hết sức mạnh và sự vào cuộc đầy đủ của các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân. Nội dung và hình thức tuyên truyền ít sáng tạo, thiếu tính hấp dẫn; chất lượng tuyên truyền chưa cao; mới chỉ tập trung ở việc phản ánh tích cực, ít nêu những mặt tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đôi lúc chưa cụ thể, hiệu quả không cao.
Từ thực tiễn nêu trên, để góp phần xây dựng thành công huyện Nông thôn mới vào năm 2022 và đạt huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2020 – 2025; phát huy truyền thống, ngành tuyên giáo từ huyện đến cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hệ thống tuyên giáo từ huyện đến cơ sở thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới hàng tháng, hàng quý, hàng năm phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, 09 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ- TTg ngày 05-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án 548; Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình, đề án, kế hoạch của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trên các lĩnh vực tạo sức lan tỏa và đi vào cuộc sống.
2. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền miệng và vai trò của những người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân để từ đó họ tự nguyện tham gia thực hiện các tiêu chí trên địa bàn mình.
3. Chỉ đạo, phối hợp cụ thể với Phòng VHTT, TTVH, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Bản tin Tiên Phước, Cổng thông tin điện tử huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, tin bài, panô, ap pích nhằm phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới mọi tầng lớp nhân dân.
4. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và Đề án 03 của Huyện ủy về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường trao đổi, tọa đàm, mạn đàm, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ làm công tác tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở.
5. Chú trọng công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận nhân dân về xây dựng nông thôn mới nhằm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền điều chỉnh các biện pháp, bước đi, lộ trình cho phù hợp với thực tiễn và tiềm lực đóng góp của người dân. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cần gắn nội dung tuyên truyền tiêu chí xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.