Câu chuyện thoát khỏi thảm sát kinh hoàng của một phu vàng ở Tiên Lộc
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách quan tâm, hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao để từng bước xóa đói giảm nghèo. Trên những bản làng của các đồng bào dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Tà Ôi, Cơ Tu, Giẻ Triêng... dọc dãy Trường Sơn qua các tỉnh TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi từng bước thay da đổi thịt, đời sống văn hóa mới đã bắt đầu tiệm cận. Tuy nhiên, với những tập tục, hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ trong ý thức hệ của đồng bào dân tộc thiểu số, không dễ một sớm một chiều có thể thay đổi được. Trong loạt bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu những hủ tục và hệ lụy khủng khiếp của nó đối với đời sống của bà con dân bản như là lời cảnh báo đối với các cấp chính quyền trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện đời sống văn hóa mới.
Trả nợ đầu và thảm án kinh hoàng
Chuyện xảy ra cách đây 28 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, trưởng thành và có thể làm nguôi ngoai những vết thương lòng. Nhưng với Trung tá Lê Lai, ĐTV Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia điều tra vụ án sát hại 18 phu vàng ở địa bàn thôn Vinh, xã Tà Bhing, H. Giằng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nay là xã Tà Pơ, H. Nam Giang, Quảng Nam, nhắc lại chuyện đã qua, anh vẫn phải rùng mình. Theo Trung tá Lai, nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ việc xuất phát từ tập tục trả nợ đầu của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khi đó anh mới ra trường, sức khỏe tốt, trực tiếp được lãnh đạo Phòng CSHS phân công tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ gây vụ thảm án và đưa thi thể nạn nhân xấu số từ hiện trường về bàn giao cho gia đình mai táng.
Từ những lời anh Lai kể, kết hợp thông tin chúng tôi thu thập được, nội dung vụ án được tái hiện như sau: Tháng 10-1986, ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là các huyện Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My... có rất đông nhóm người Kinh đến khai thác vàng và trầm. Số người Kinh này đến từ các huyện Đại Lộc, Tiên Phước, TX Tam Kỳ... tụ tập thành từng nhóm, người thì khai thác vàng sa khoáng dưới lòng sông, số thì vào rừng chặt hạ cây dó xanh tìm trầm.
Việc khai thác lâm khoáng sản trái phép này bị đồng bào dân tộc vùng cao phản ứng và chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi. Từ đó, giữa nhóm người Kinh bị truy đuổi với đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Vinh, xã Tà Bhing, H. Giằng nảy sinh mâu thuẫn. Đỉnh điểm của mối bất hòa này là một nhóm người Kinh do đối tượng tên Dũng (quê H. Đại Lộc) cầm đầu xảy ra xô xát với nhóm 3 thanh niên thôn Vinh. Hậu quả, con trai của nguyên Bí thư xã Tà Bhing khi đó tên là A Luông Nơ bị đánh chết, 2 người còn lại bị thương.
A Luông Tría - nguyên Bí thư xã Tà Bhing, người có con trai bị nhóm khai thác trầm đánh chết. |
Có người trong thôn bị đánh chết, theo tục trả nợ đầu từ xa xưa của đồng bào Cơ Tu, anh em, bà con với nạn nhân và người trong làng phải có trách nhiệm trả món nợ này. Và cái chết phải trả bằng cái chết. Liền sau đó, có hơn 20 người dân thôn Vinh mang mã tấu, súng đến khu vực đầu nguồn sông Bung (H. Đại Lộc) và sông Ốc (H. Giằng) bao vây, bắt giữ 19 phu vàng quê ở Tiên Phước, Đại Lộc và TX Tam Kỳ áp giải về làng. Sau đó, tất cả các nạn nhân được đưa lên vùng núi cao để thi hành luật tục trả nợ đầu. Trong số 19 nạn nhân, Nguyễn Văn Hòa người huyện Tiên Phước may mắn chạy thoát, cắt đường rừng về CAH Giằng báo cáo sự việc.
Các ĐTV trực tiếp thụ lý vụ việc nhớ lại, sau khi thảm án xảy ra, nạn nhân Hòa được đưa về TP Đà Nẵng chữa trị để phục vụ công tác điều tra. Một tổ công tác Đội Trọng án thuộc Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khi đó khẩn trương phối hợp CAH Giằng tổ chức đến hiện trường là thôn Vinh để nắm thông tin. Vụ án quá thảm khốc, phức tạp, gây hoang mang dư luận, nếu không kịp thời giải quyết thì có thể tiếp tục xảy ra hậu quả khó lường. Sau khi gây ra thảm án, hầu hết đàn ông, thanh niên thôn Vinh bỏ trốn vào rừng, trong làng chỉ còn lại trẻ em và người già. Thời điểm này phương tiện thông tin liên lạc và trang thiết bị phục vụ quá trình điều tra còn thiếu thốn, chủ yếu là đi bộ nên việc phá án hết sức khó khăn.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sớm làm rõ hung thủ gây ra thảm án để đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, CQĐT còn phải thuyết phục, vận động và trấn an tinh thần cho bà con thôn Vinh. Kết quả là sau đó toàn bộ số đối tượng tham gia vụ thảm sát 18 phu vàng đều bị bắt giữ, đưa về TT Thành Mỹ (H. Giằng) xét xử lưu động với nhiều mức án tù giam khác nhau. Trước đó, đối tượng đánh chết con nguyên Bí thư xã Tà Bhing cũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh. Từ lời khai của các bị can, CQĐT đã vận động người dân địa phương đến hiện trường tổ chức chôn cất các nạn nhân xấu số và mấy năm sau mới đưa hài cốt về bàn giao cho gia đình.
Trong vụ án này, điều làm chúng tôi khá bất ngờ là việc nạn nhân Nguyễn Văn Hòa bị dẫn vào rừng sâu để chặt đầu nhưng may mắn trốn thoát. Trong tôi luôn ám ảnh với ý nghĩ, làm sao anh Hòa thoát được khi bị trói và bị áp giải bởi số đông người Cơ Tu có súng và mã tấu trong tay? Và bằng cách nào anh Hòa thoát được vòng vây của người dân để tìm đường về báo tin cho chính quyền? Nếu giả sử lúc đó anh Hòa cùng chung số phận với các đồng nghiệp thì liệu thảm án có rơi vào vòng bí mật? Từ thông tin ít ỏi do những người biết việc cung cấp, chúng tôi quyết định đi tìm lại nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa ở Quảng Nam và được anh thuật lại chi tiết cuộc thảm sát kinh hoàng này.
Người về từ cõi chết
Câu chuyện về thảm án sát hại 18 phu vàng khởi nguồn từ hủ tục trả nợ đầu tàn ác, đã được nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa chôn chặt trong lòng từ lâu. Anh ít khi tâm sự với ai, vì theo anh đó là đau thương, kinh hoàng, quá mức chịu đựng của con người, dù có là thần kinh thép đi chăng nữa.
Để tìm được nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian. Câu chuyện xảy ra gần 30 năm, hầu hết người biết việc không ai còn nhớ chính xác quê anh Hòa ở đâu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Có người bảo hình như anh ở H. Đại Lộc, có người khẳng định anh ở xã Tiên Cẩm, H. Tiên Phước. Kiên nhẫn dò hỏi những phu vàng có thâm niên ở 2 huyện Tiên Phước và Đại Lộc, cuối tháng 5-2014, chúng tôi nhận được nguồn tin, năm 1986, có một người dân tộc Kinh đi làm vàng bị người dân tộc Cơ Tu bắt chặt đầu nhưng may mắn trốn thoát, hiện đang sống tại thôn 1, xã Tiên Lộc, H. Tiên Phước. Nhưng người này tên Sơn chứ không phải tên Hòa.
Nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa (phải) kể lại thảm án sát hại 18 phu vàng năm 1986 với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tại nhà riêng. |
Gọi vào số điện thoại di động của anh Sơn, chúng tôi rất mừng bởi anh xác nhận đúng là nhân chứng sống trong vụ thảm sát 18 phu vàng tại H. Giằng (nay là H. Nam Giang) năm 1986. Anh đồng ý kể lại toàn bộ câu chuyện diễn ra thời điểm đó nhưng cho biết hiện đang ở Cà Mau, nếu nhanh thì đầu tháng 6-2014 sẽ về H. Tiên Phước, còn tìm được việc làm thì có thể ở lâu hơn. Trung tuần tháng 6-2014, anh Sơn gọi điện thông báo đã về quê và đồng ý hẹn gặp. Ngay lập tức, chúng tôi tìm đường về nhà anh tại thôn 1, xã Tiên Lộc.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh Sơn cho biết, Nguyễn Văn Hòa là tên trong chứng minh nhân dân, còn tên mọi người thường gọi anh là Sơn. Chính vì điều này mà hầu hết giới làm vàng ở Quảng Nam không biết ai tên là Hòa trong vụ thảm án năm 1986. Sau khi biết rõ mục đích của chúng tôi, anh Hòa mới đồng ý kể lại những gì đã xảy ra. Theo anh, những điều này hằn sâu trong ký ức không thể quên, được anh tường trình chi tiết với CQĐT CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1986.
Anh Hòa nhớ lại, năm 1986, khi đó anh mới 20 tuổi, theo nhóm bạn 4 người cùng quê Tiên Phước đi khai thác vàng sa khoáng tại đầu nguồn sông Bung. Bãi đó giới phu vàng đặt tên là Ngã ba An Dương Vương, nơi có một nhánh chảy về sông Ốc của H. Giằng và một nhánh về sông Bung của H. Đại Lộc. Công việc lúc đó khá vất vả, ngoài phải đối mặt với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, các phu vàng thường xuyên bị chính quyền địa phương truy quét, đẩy đuổi.
Nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần là cách tốt nhất nhằm xóa bỏ những hủ tục trong suy nghĩ của người dân tộc Cơ Tu (trong ảnh: Phụ nữ Cơ Tu tham gia giải bóng chuyền kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 8-3-2014). |
Nhấp ngụm trà, đôi mắt nhìn về xa xăm, quá khứ đau thương ùa về qua giọng kể trầm buồn của anh Hòa. Đó là ngày 12-10-1986, không thể khác được và ngày đó sau này được thân nhân 18 phu vàng bị sát hại chọn làm ngày giỗ. Chiều hôm trước (11-10), khi anh Hòa cùng nhóm bạn đang khai thác vàng dưới bãi sông thì gặp một người quen tên Dũng (quê xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc) chuyên làm nghề khai thác trầm, chèo ghe ngang qua và cảnh báo: “Dân tộc chuẩn bị xuống đó, mấy ông lo chạy đi”. Khi đó mọi người không hề biết được rằng Dũng vừa gây án mạng khi đánh chết 1 người và bị thương 2 người dân tộc Cơ Tu tại thôn Vinh.
5 giờ ngày 12-10-1986, lúc anh em phu vàng tại bãi An Dương Vương gồm 19 người đang chuẩn bị bữa ăn sáng thì có 24 người dân tộc Cơ Tu mang theo dao, súng đến bao vây. Không một ai chạy được, chỉ có một người em bà con của anh Hòa tên là Nguyễn Xuân Hương bị đau bụng, về quê ngày hôm trước nên thoát chết. Bắt tất cả phu vàng tập trung lại một chỗ, có một người Cơ Tu mang ra tờ giấy công bố là lệnh của chính quyền, đọc bằng tiếng Kinh. Nội dung lệnh thể hiện, khu vực phía Bắc hiện đang có FULRO hoạt động, nếu ai là người dân lương thiện thì đi về huyện để xác minh làm rõ, còn chống cự thì bắn.
Khi đó mọi người cứ nghĩ là có lệnh của chính quyền nên đồng ý thu dọn tư trang rời khỏi bãi vàng. Nhóm người Cơ Tu yêu cầu trói 2 người chung lại với nhau nhưng anh em phu vàng không chịu nên họ đồng ý trói tắc ké (trói gập khuỷa tay ra phía sau) bằng dây rừng từng người một. 6 giờ ngày 12-10, nhóm người dân tộc Cơ Tu áp giải phu vàng lên đường. Có 3 người cầm súng dẫn đầu, anh em phu vàng đi giữa, khóa đuôi là súng và dao của số người Cơ Tu còn lại. Đi đến trưa thì nhóm áp giải cởi trói cho phu vàng nấu cơm ăn tại khu vực ngã ba Chuồng Bò (thuộc sông Ốc). Khoảng 17 giờ, họ đưa tất cả lên rẫy của thôn Vinh và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng 13-10, đoàn dậy sớm nấu cơm ăn rồi đi tiếp, đến 12 giờ thì nghỉ lại ở khu vực lưng chừng núi.
Đến lúc này anh Hòa cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Trong đầu anh suy đoán, nếu đưa về huyện thì tại sao phải đi vào núi sâu, nơi đường đi hiểm trở, không một bóng người. Hay là chúng có ý định thủ tiêu anh em phu vàng? Lúc ăn trưa hôm 13-10, anh Hòa có tâm sự với bạn cùng nhóm về điều này thì được bạn trấn an là không có chuyện gì đâu. Thường thì người dân tộc Cơ Tu truy quét, bắt người Kinh làm vàng trái phép chỉ thu giữ tư trang, nhu yếu phẩm rồi thả. Anh bạn của Hòa khẳng định bản thân đã 13 lần bị bắt như thế nên lần này không còn cảm giác sợ.
Nhưng với Hòa thì khác, anh nhớ lại lời cảnh báo của người bạn tên Dũng bảo chạy đi và suy đoán có thể nhóm người dân tộc Cơ Tu này có mưu đồ gì đó bất minh. Vì thế, sau bữa cơm trưa 13-10, anh có sự đề phòng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Anh quyết định vứt bỏ ba lô đựng tư trang, chỉ mặc quần đùi và khi bị trói tay dẫn đi, anh cố gồng người lên để chỗ trói nới lỏng khi cơ bắp trả lại bình thường. Và thường thì anh đi ở cuối đoàn, nhưng lần này anh đi đầu và luôn có sự cảnh giác mọi nhất cử, nhất động của số người Cơ Tu cầm súng. Và đúng như phỏng đoán, điều tồi tệ, tàn ác nhất đã xảy ra ngay sau đó…
Cuộc trốn thoát ngoạn mục
“Giữa ranh giới mong manh sống - chết, trong tôi có sự sợ hãi tột độ. Bị số đông người Cơ Tu truy sát, không thức ăn, không một tấc sắt trong tay, trên người chỉ độc chiếc quần đùi, tôi đã băng rừng, lội suối 5 ngày 4 đêm để tìm đường về xuôi trình báo với chính quyền. Khi đó tôi chạy trốn như kẻ mộng du, nỗi sợ bị bắt chặt đầu, lột da lớn hơn sự mệt nhọc. Và, khi đặt chân đến CAH Giằng, tôi kiệt sức hoàn toàn, mới tin là mình còn sống…” - nhân chứng sống duy nhất Nguyễn Văn Hòa kể lại vụ thảm sát cách đây 28 năm.
Ngày 13-10-1986, khoảng 17 giờ, cuộc trả nợ đầu tồi tệ đã xảy ra. Anh Hòa nhớ lại, khi đó trời đã ngả chiều, sau khi áp giải số phu vàng bị trói đến khu vực hiểm trở, phía trước là núi đứng 85 đến 90 độ dốc, hai bên tả hữu cũng núi dựng đứng, trước mặt là khe suối cạn nước, bất ngờ 3 người Cơ Tu cầm súng dẫn đầu ra hiệu cho cả đoàn dừng lại rồi đi vòng ra phía sau. Ngay lập tức, anh Hòa nghe 3 tiếng súng nổ từ đằng sau vọng tới. Biết có chuyện chẳng lành, anh vội nhanh chân nhảy sang bên phải, lăn vào bụi cây rồi chạy vòng ngược lại phía sau, nấp vào một bụi mây rừng rất lớn.
Một góc làng Tái định cư xã Tà Bhing. |
Từ khoảng cách 7m so với hiện trường, anh chứng kiến toàn bộ điều khủng khiếp xảy ra. Số người Cơ Tu sử dụng súng bắn các phu vàng bị trói đang cố gắng chạy về phía trước. Tiếng la hét kêu cứu thất thanh, tiếng van xin tha mạng, tiếng súng nổ chát chúa diễn ra trong tích tắc rồi rơi vào im lặng. Sau khi đã bắn hạ các phu vàng, đám người Cơ Tu sử dụng dao, mã tấu lấy thủ cấp. Cảnh tượng quá khủng khiếp khiến anh Hòa không đủ can đảm nhìn nữa, vội vã tìm cách chạy trốn càng nhanh càng tốt.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng và có hiểu biết về tập quán của người Cơ Tu, anh Hòa thừa biết rằng, nếu muốn chạy thoát thì không được để lại dấu vết. Mặc dù 2 tay bị trói tắc ké nhưng anh vẫn cố bám vào cây rừng rậm rạp, di chuyển trên cành cây khô và lá rừng, không để lại dấu chân trên mặt đất. Men theo sườn núi, anh vừa di chuyển vừa nghe ngóng động tĩnh. Có những lúc, anh cảm nhận được số người Cơ Tu truy đuổi đến nơi nhưng trong cuộc trốn tìm này, anh may mắn trốn thoát. Đi mãi, đi mãi, không nhớ là qua bao nhiêu ngọn núi, đến nửa đêm 13-10, anh mới dừng lại và tìm cách cởi trói. Cơ thể anh bị mất nước, các cơ nhão ra, dây trói nới lỏng, chỉ cần cởi chiếc áo mặc trên người là có thể tháo được dây.
Anh Nguyễn Văn Hòa: Nỗi ám ảnh về cuộc thảm sát không thể nào xóa bỏ được. |
Lúc này trên người anh Hòa chỉ độc chiếc quần đùi, không thức ăn, không nước uống, các ngả đường đều bị số người Cơ Tu bao vây truy sát. Để tồn tại và tìm đường về xuôi, ban ngày anh Hòa di chuyển theo sườn núi, buổi tối mới dám men bờ suối, đói ăn trái cây và lá chua, khát thì uống nước suối. Trong đầu anh luôn có ý niệm trăm suối đều đổ về sông, dù không định hướng được lối đi nhưng anh quyết định theo dòng suối, chắc chắn thể nào cũng tìm được sông lớn. Và anh hy vọng rằng, khi đã về đến sông thì sẽ gặp các phu vàng cứu giúp mình. Trên hành trình chạy trốn, điều đáng sợ nhất là ban ngày anh phát hiện số người truy đuổi đang chốt chặn ở các suối và gặp thú dữ như hổ, báo, rắn độc... Khi đêm xuống, anh di chuyển dưới lòng suối, chủ yếu bơi giữa dòng, vì đi theo bờ có thể gặp heo rừng xuống suối uống nước tấn công.
Đúng 5 ngày 4 đêm trốn chạy trong đói khát và sợ hãi, chiều 17-10-1986, anh Hòa đến khu vực sông Ốc và phát hiện một số phu vàng quê xã Tam Mỹ (TP Tam Kỳ). Anh Hòa quá mừng, chỉ kịp kể lại sơ bộ câu chuyện và nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Ngay lập tức, số phu vàng tại đây cõng anh Hòa trong tình trạng kiệt sức, trên người chỉ còn chiếc quần cộc rách te tua đến khu vực bãi gỗ, nơi có khá đông công nhân làm việc để di chuyển bằng xe đạp về CAH Giằng. Tại đây, anh Hòa được chăm sóc đặc biệt, sau đó đưa về TP Đà Nẵng điều trị để phục vụ công tác điều tra. Sau này, chính lời khai của anh Hòa là chứng cứ hết sức quan trọng để các bị cáo gây ra vụ thảm sát 18 phu vàng tâm phục khẩu phục nhận tội.
Phụ nữ Cơ Tu tại xã Tà Bhing với nghề truyền thống dệt thổ cẩm. |
Anh Hòa cho biết, tại phiên tòa xét xử lưu động vào tháng 4-1987, các bị cáo thừa nhận rằng, sau khi sát hại 18 phu vàng thì mới phát hiện thiếu 1 người. Vậy là họ tổ chức truy đuổi với ý định vừa trả thù vừa giết người bịt đầu mối. Quá trình truy sát, nhóm người Cơ Tu này tin rằng, nạn nhân Hòa không thể thoát được, chỉ có thể chết đói, chết khát trong rừng sâu hoặc đã làm mồi cho thú dữ. Vậy nên khi anh Hòa xuất hiện tại tòa, tất cả đều bất ngờ và không thể chối tội. Và điều đáng kinh ngạc là có bị cáo thừa nhận không chỉ sát hại 18 phu vàng mà theo luật tục, họ phải lấy đủ 100 cái đầu mới thôi. Nghĩa là nếu như anh Hòa không chạy thoát được, không trình báo chính quyền vào cuộc điều tra thì thảm án này chưa chắc đã dừng lại.
Sau lần thoát chết trong gang tất, sức khỏe anh Hòa bị giảm sút nghiêm trọng. Anh bị sốt xuất huyết và suy nhược cơ thể, phải điều trị tích cực thời gian dài mới lành bệnh. Vụ án khép lại, anh về quê lập gia đình, gắn bó với nghề nông và buôn bán nhỏ, từ bỏ hẳn nghề làm vàng may ít rủi nhiều. Anh Hòa bảo, bây giờ cuộc sống gia đình cơ bản ổn định nhưng di chứng về thảm án năm xưa vẫn không thể xóa được. Mỗi khi trái gió trở trời là cơ thể anh lại đau nhức, nhất là căn bệnh thoái hóa cột sống lại có dịp tái phát. Điều làm anh ám ảnh nhất là hình ảnh về cuộc thảm sát và những ngày trốn chạy trong rừng sâu, nó theo anh suốt cuộc đời.
Nguyên Thảo - Báo CA Đà Nẵng