Cải tạo vườn, trồng cây ăn quả
Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, bước đầu đạt được những kết quả khả quan.
Qua tìm hiểu, biết cây chanh là cây trồng mang lại thu nhập cao, ông Nguyễn Văn Thiên (58 tuổi, thôn Cẩm Phô) mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng 700 cây chanh. Đây là loại cây chỉ tốn tiền đầu tư giống một lần, chi phí phân bón chẳng bao nhiêu lại cho thu hoạch suốt năm.
Cây chanh sau khi trồng một năm là bắt đầu cho trái và có thể thu hoạch trên 7 năm mới phải chặt bỏ. Nhờ điều kiện thời tiết và đất đai phù hợp, lại được chăm sóc cẩn thận nên vườn chanh của ông Thiên phát triển rất tốt. Theo ông, trước đây cây chanh thường được nông dân trồng xen chứ không ai trồng chuyên canh. Nhưng qua thời gian trồng, ông thấy loại cây này mang lại thu nhập cao nên dồn sức đầu tư vào trồng duy nhất cây chanh.
Với số lượng chừng đó chanh, ông thu hoạch được 3 tấn trái, giá bán ngay tại vườn 30 - 35 nghìn đồng/kg, giúp ông thu về hơn 90 triệu đồng. Thời gian tới, ông dự định sẽ nhân số chanh ở vườn lên 1.000 cây. Ông chia sẻ: “Trồng chanh nhanh thu hoạch, cứ đặt cây chiết xuống là năm tới có trái rồi. Một hai năm sau, chanh sẽ cho năng suất ổn định”.
Cây mít Thái trồng một năm đã bắt đầu cho trái. |
Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Hiên (thôn Cẩm Phô) có cuộc sống khấm khá nhờ biết khai thác tối ưu lợi thế đất vườn, cải tạo diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Để có thu nhập liên tục vào các thời điểm khác nhau trong năm, ông trồng tổng hợp nhiều loại cây như chanh, cam dây, thanh long ruột đỏ, bưởi… Ông cho hay, vùng Tiên Phước từ lâu đã trồng nhiều loại cây quen thuộc như lòn bon, chuối, dâu, măng cụt, bưởi nên đến mùa thu hoạch ông sợ giá sẽ thấp.
Ông đi vào tỉnh Bình Thuận xem người dân trồng trái cây ra làm sao rồi về tự nghiên cứu đất để trồng. Ông bỏ ra gần 30 triệu đồng mua 500 giống cây ăn quả đem về trồng. Vào mùa nắng, để đủ nước tưới cho cây, ông đầu tư hơn 12 triệu đồng đào một cái giếng thật sâu, dùng máy bơm tưới cho cây. Tuy gặp khó khăn trong cách chăm sóc nhưng đến nay các giống cây mới đều phát triển tốt.
Trên diện tích đất hơn 1,5ha, ông sắp xếp, bố trí từng khu vực cho phù hợp để trồng mỗi loại cây khác nhau. Hiện nay khu vườn của ông có khoảng 200 cây chanh, 200 cây cam dây, 70 cây bưởi da xanh, 70 mít Thái, và hơn 200 cây gồm thanh long, quýt đường, thanh trà, ổi ruột đỏ, mận. Theo ông, muốn thành công trong phát triển cây ăn quả phải đầu tư, tự học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, chọn giống tốt, không sâu bệnh.
Điều quan trọng là tự mình phải biết cấy ghép, nhân rộng được cây giống, làm được như vậy sẽ giảm giá thành chi phí ban đầu. “Nhờ chăm sóc tốt nên chỉ hơn một năm nhưng các loại cây mít Thái, bưởi da xanh, cam dây cành lá đã phát triển sum sê, cao hơn một mét và bắt đầu ra trái, sắp tới chắc chắn sẽ có thu hoạch. Dự tính mỗi cây mít cho 10 trái, mỗi trái bán giá 50 - 70 nghìn đồng, bưởi thì 15 - 20 nghìn đồng/trái. Chừng đó là quá đủ với tôi rồi” - ông Hiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Cẩm cho hay, bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo vườn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nên tích cực hưởng ứng. Bên cạnh cây trồng chủ lực là tiêu, trồng cây ăn quả là một mô hình đang hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trên địa bàn xã. Đặc biệt là cây chanh có triển vọng cho năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rất tốt, thương lái đến tận vườn thu mua nên địa phương đang dự định đưa vào trồng đại trà nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất kém chất lượng, xây dựng thành vùng hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trồng cây ăn quả hiện nay còn manh mún, mang tính tự phát, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ đặt một lượng lớn cây giống để trao cho vài hộ khó khăn giúp họ thoát nghèo bền vững.
Lê Bình - Báo Quảng Nam