www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Băn khoăn nhân sự quy hoạch

Việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ tại Tiên Phước đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra. Điểm khó nhất hiện nay của địa phương nằm ở quy định về quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu đối với nhân sự sinh sau năm 1975.

Các mục tiêu đề ra trong Chương trình số 10 của Huyện ủy Tiên Phước về thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy đã được cụ thể hóa và thực hiện ở cơ sở với quyết tâm cao. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ từ cấp xã đến huyện được nâng lên, đạt nhiều kết quả”. Đặc biệt, có một số mục tiêu đặt ra đến năm 2020 nhưng hiện nay Tiên Phước đã đạt và vượt, như: 100% cán bộ thuộc cấp ủy xã đạt trình độ trung cấp chính trị và trung cấp chuyên môn; cán bộ cấp xã đến 2020 có 90% đạt trình độ trung cấp chính trị, 80% trở lên đạt trung cấp chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay các chỉ tiêu này đều đạt 96%; công chức cấp xã đạt 90% trung cấp chuyên môn, 70% trung cấp chính trị, nay chuyên môn đã đạt 100%, chính trị hơn 81%.

Đối với cấp huyện, tất cả cán bộ trong cấp ủy đều đạt trình độ đại học chuyên môn và cao cấp chính trị; cấp trưởng phòng chuẩn chuyên môn đại học mới đạt 87,5%, phó phòng hơn 90%, trình độ lý luận chính trị bậc cao cấp đạt hơn 97%. Việc đào tạo, bồi dưỡng đã gắn được với nhu cầu vị trí việc làm của từng người và hướng đến mục tiêu tinh giản 10% biên chế đến năm 2020, kể cả khối huyện ủy, mặt trận đoàn thể và khối chính quyền.

Lớp bồi dưỡng, bổ sung kiến thức chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý tại Tiên Phước.
Lớp bồi dưỡng, bổ sung kiến thức chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý tại Tiên Phước.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Tiên Phước cũng gặp khó khăn trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu đối với đội ngũ cán bộ sinh sau năm 1975, cũng như trong việc tuyển dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã từ năm 2017 yêu cầu phải đạt trình độ đại học chính quy. Theo ông Phạm Văn Đốc, hiện nay số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, xã đương chức, dự nguồn các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ 2015 - 2020 không đạt tiêu chuẩn theo quy định chiếm tỷ lệ lớn. Đối với cán bộ đương nhiệm, ở cấp huyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng phòng, ban và tương đương trở lên có 29 người, trong đó có 10 người sinh sau 1975 thì đã hết 7 người trình độ đại học chuyên môn tại chức. Còn cán bộ cấp phó phòng, ban và tương đương có 44 người, trong số 19 người sinh sau 1975 có đến 12 người đại học chuyên môn tại chức. Ở cấp xã, cán bộ, công chức có 253 người sinh sau 1975 thì đến 209 người trình độ đại học chuyên môn tại chức; với 196 cán bộ xã sinh sau 1975 hoạt động không chuyên trách có 171 người trình độ đại học chuyên môn tại chức. Cũng từ đó, cán bộ đưa vào quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 ở Tiên Phước có trình độ đại học chuyên môn tại chức cũng chiếm số lượng lớn. Ở cấp ủy huyện có 57 người sinh sau 1975 thì hết 32 trường hợp đại học tại chức; ban thường vụ cấp ủy có 10 người trình độ đại học tại chức trong số 20 người sinh sau 1975; cấp trưởng phó phòng và tương đương với 148 người sinh sau 1975 có đến 72 trường hợp trình độ đại học tại chức.

Ông Phạm Văn Đốc cho rằng, việc quy định bổ nhiệm cán bộ sinh sau 1975 phải đảm bảo điều kiện đại học chính quy là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực của lớp cán bộ kế thừa. Tuy nhiên, ông Đốc kiến nghị, trong thực tế trình độ đội ngũ cán bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nên thiết nghĩ cần lùi thời gian áp dụng đối với cấp ủy huyện, trưởng phòng và tương đương đến năm 2025 sẽ phù hợp hơn. “Tỉnh ủy có mở hướng đi là khi bổ nhiệm phải xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và có sự đồng ý bằng văn bản, người được bổ nhiệm có bằng thạc sĩ chuyên ngành. Nhưng như thế là không hợp lý vì cấp huyện xin từng trường hợp còn được, cấp xã nhiều quá không thể xin từng trường hợp. Hơn nữa, bắt người học đại học tại chức đi học thạc sĩ thì khác gì xây nhà trên nền móng không vững chắc, xây thêm tầng nữa chắc chắn sẽ bị sập đổ. Hơn nữa học thạc sĩ theo kiểu vừa học vừa làm để giải quyết tấm bằng nhưng chất lượng không có, như thế tốn kém tiền của mà hiệu quả không đạt” - ông Đốc nói.

                                                          Lê Diễm - Báo Quảng Nam