www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyển vận sứ Phan Văn Bình

Võ tướng, chiến sĩ nghĩa hội năm 1885, quê làng Tây Lộc huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, sau đổi thành huyện Tiên Phước phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ( nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam). Ông là thân phụ nhà yêu nước, nhà văn Tây Hồ Phan Châu Trinh (1872-1926).

Ông xuất thân là học trò thi trường Ba (Tú tài), nhập ngũ sau giữ chức Quản cơ sơn phòng dưới quyền sơn phòng chánh sứ Trần Văn Dư (1839-1885). Từng tham gia nghĩa hội Quảng Nam từ khi mới thành lập (tháng 6-1885).  Giữ chức Chuyển vận sứ chuyên lo vận chuyển vũ khí, quân nhu, lương thực cho các lực lượng nhĩa quân trong địa bàn hoạt động ở tỉnh Quảng Nam.

Các anh em nội ngoại ông đều là những nhân vật kiệt hiệt thuộc các phong trào Nghĩa hội, Duy tân, Đông du hồi Pháp chiếm nước ta như: Lê Cơ, Lê Lượng, Lê Vĩnh Huy, Lê Triêm…đều một lòng hy sinh vì nước.

Sau khi Nghĩa hội thành lập tại Sơn phòng Quảng Nam ở Dương Yên, ông trở thành cánh tay mặt của Hội trưởng Trần Văn Dư trong công tác tiếp lương thực, chuẩn bị vũ khí trang bị cho các chiến sĩ Nghĩa hội. Ngay từ phút đầu ( tháng 8 năm 1885) nghĩa quân đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam ở La Qua (gần Vĩnh Điện) và hầu hết các địa phương Quảng Nam đều thống thuộc chính quyền Nghĩa hội.

Cuối năm 1885 với cái chết bi đát của Hội trưởng Trần Văn Dư và nhất là việc đạo quân tay sai của Nguyễn Thân (1840-1914) hợp cùng quân Pháp mở nhiều cuộc hành quân tập kích vào căn cứ Nghĩa hội ở Nà Lầu, Dốc Miếu ( Tiên Phước), Trung Lộc, Trung Phước ( Quế Sơn)…khiến nghĩa quân bị tổn thất nặng nề.

Năm 1886 sau khi quân Nguyễn Thân bao vây các căn cứ ở Đại Đồng, Dương Lâm, Dương Yên, Suối Đá…ông bị Hội trưởng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) ( người thay Trần Văn Dư lãnh đạo Nghĩa hội) nghi có “nhị tâm” nên bị Nguyễn Duy Hiệu thảm sát năm 1887 sau các trận ở Nà Lầu, Suối Đá.

Theo thân nhân gia đình họ Phan ở Tây Lộc. Và tác giả Phong trào Duy tân cho biết: “ chỉ biết sau khi ông ( Phan Văn Bình) mới qua cầu Mỹ Lý ( nay thuộc xã Tam An) liền bị quân cận vệ của ông Hường chận lại, chặt đầu rồi đem cắm nọc bên đường”. Theo con trai ông (nhà yêu nước, nhà dân chủ Phan Châu Trinh) thì chính cái chết của thân phụ mình mà sau này nhà chí sỹ Phan Tây Hồ đã có một nhãn quan sâu sắc về nền quân chủ và dân chủ trong sinh hoạt xã hội chính trị Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

Viết về ông và gia đình, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “Ông thân sinh Phan Châu Trinh tên là Bình, học trò trường Ba, quyền bá hộ, làm Quản cơ sơn phòng, tán tài kiết khách, thanh gươm yên ngựa, có chí muốn lập công danh. Mẹ họ Lê, con nhà danh tộc làng Phú Lâm, có đức hiền lành”.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu

Lê Cơ nhà thực hành Duy Tân xuất sắc

Chí sĩ Phan Châu Trinh

Tổng lãnh binh Trần Huỳnh

Chí sĩ Lê Vĩnh Huy

Danh sĩ Lê Vĩnh Khanh

Chí sĩ Lê Lượng

Phạm Bằng