Phạm Bằng
Phạm Bằng sinh năm 1911. Ông quê ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang, huyện Tiên Phước, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Thuở nhỏ, ông học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt, nên sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng và tiến bộ. Sau khi học xong bậc tiểu học, ông về quê dạy học ở trường sơ cấp tổng Tiên Giang, nên nhân dân trong vùng quen gọi ông là Giáo Bằng, tại đây ông đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh về ý thức dân tộc, giác ngộ lòng yêu nước cho nhiều người dân trong vùng, sau đóxây dựng thành cơ sở cách mạng.
Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Sắc Kim, Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy phân công lên hoạt động ở Tiên Phước, sau đó bắt nối đồng chí là ông. Từ cơ sở của ông, đồng chí Nguyễn Sắc Kim đã lập chi bộ Thạnh Bình, ông được tín nhiệm cử làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Tiên Phước.
Đánh giá về phong trào cách mạng ở Tiên Phước trong thời gian này, trong cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, đồng chí Võ Chí Công viết: “Những nơi trước còn yếu như Hội An, Tiên Phước, Đà Nẵng, Hòa Vang thì nay cũng phát triển khá… Tiên Phước cũng phát triển nhanh, một số xã nhất là ở Thạnh Bình, quê hương Cụ Huỳnh hầu hết dân trong xã đều giác ngộ hoặc có cảm tình với cách mạng. Ở khu vực này tôi đi lại công khai, vì vào nhà này hay nhà khác nhân dân đều biết là người thoát ly hoạt động cách mạng”. Năm 1943, ông bị địch bắt, sau đó đưa về huyện lỵ để tra khảo nhưng không khai thác được gì nên sau đó chuyển về nhà lao Hội An giam giữ và kết án 1 năm tù giam. Cuối năm 1944, ông ra tù, sau đó trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, phong trào khởi nghĩa ở Tiên Phước càng diễn ra khẩn trương, tại Thạnh Bình, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông và đồng chí Phạm Toàn, công cuộc vận động cách mạng diễn ra rất sôi nổi. Đêm ngày 18-8-1945, ngay sau khi nhận lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, trong đêm đó, ông cùng đồng chí Huỳnh Đắc Hương trực tiếp đứng ra tiếp quản huyện lỵ, sau đó Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Tiên Phước được thành lập, ông được cử làm Chủ tịch.
Ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, ông cùng 14 vị đại biểu của tỉnh Quảng Nam và là một trong 2 đại biểu của huyện Tiên Phước được Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam tín nhiệm giới thiệu ra ứng cử và trúng cử với số phiếu rất cao, trở thành một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Cuối năm 1947, do vết thương cũ tái phát và làm việc nhiều, sức khỏe ngày một giảm sút, sau đó ông mất.
Ngày 21.10.2015, Hội đồng tư vấn, đặt đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng đã công bố Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường (dự kiến trình HĐND TP Đà Nẵng tại kỳ họp cuối năm 2015) để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân TP. Theo dự thảo đề án, thành phố Đà Nẵng đề xuất sẽ đặt tên Phạm Bằng cho một con đường mới ở quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.
Đoạn đường có điểm đầu là đường Ngô Quyền, điểm cuối là đường Vân Đồn: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 505m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.
Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu