www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tổng Lãnh Binh Trần Huỳnh

Trần Huỳnh thường gọi là Phó Bẻn (Phó là chức Phó tổng, còn Bẻn là gọi theo người con trai đầu của ông). Ông sinh ngày 29/5/1858 tại xã An Tây, Tổng Đức Hào Trung, huyện Hà Đông. Sau đổi thành Tổng Phước Giang, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. 

    Trần Huỳnh là một người có uy tín tại địa phương. Ông đã từng tham gia phong trào Cần Vương và tiếp thu chủ thuyết Duy Tân của Phan Châu Trinh. Năm 1905 đến năm 1908, ông đã tiến hành cải cách làng mình bằng việc lập trường Tân Học dạy chữ Quốc ngữ lấy tên là Trường Tân Xuân và lập trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên để mưu việc Quốc về sau. Cũng trong thời gian này, Trần Huỳnh nhân danh Lý Trưởng cùng với những người nhiệt tâm ái quốc đã xây dựng một lều chợ lớn (gọi là chợ Cây Cốc) bằng gỗ lợp tranh gồm 11 gian, rộng khoảng 8m, dài khoảng 55m, cao 5m. Đây là lều chợ rộng lớn nhất Hà Đông lúc bấy giờ. Nhờ các hoạt động cải cách này mà dân trí và dân khí nhân dân được nâng cao hơn.
 
                                 Mộ Tổng lãnh binh Trần Huỳnh tại xã Tiên Thọ
 
Năm 1912 trở đi, các yếu nhân tại Quảng Nam đã tập trung xung quanh Thái Phiên để vận động khởi nghĩa nhằm đánh đổ chế độ thực dân Pháp và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập ra An Nam cộng hòa dân quốc. Cuộc vận động này nhanh chóng lan ra toàn Trung Kỳ. Các nhà yêu nước còn vận động được cả vua Duy Tân tham gia. Phong trào phát triển mạnh nhất ở Quảng Nam. Bước sang những tháng cuối năm 1915, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Nam càng trở nên khẩn trương, sôi nổi với các hoạt động như: tăng cường việc lập thêm các đội nghĩa binh, lạc quyên tiền bạc và rèn sắm vũ khí. Phong trào phát triển mạnh ở hầu hết các tổng trong tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, ở tổng Phước Lợi, Trần Huỳnh là nhân vật tham gia tích cực nhất cho cuộc vận động tại Tổng này. Tháng 7/1915 (năm Ất Mão), Ban Chỉ huy khởi nghĩa Tổng Phước Lợi chính thức thành lập do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh. Năm 1916, công việc tổ chức các mặt càng khẩn trương hơn. Về lương thực, tài chính, ngoài một số đồ do hội viên tự nguyện đóng góp, Hội tổ chức một số cuộc tập kích vào một số gia đình giàu có để tịch thu tiền lúa, đồng khí. Lúc này, Trần Huỳnh đã làm Phó Tổng nên Ông nhân danh đó mượn đình làng làm kho chứa lúa dưới hình thức là lúa của Ông và chia cho người nghèo.
 
         Ngày 03/5/1916 gần 1000 dân binh đã tập trung về căn cứ Gò Chùa (Gò Đỏ). Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh mọi người uống chung rượu hòa với huyết bò gọi là rượu thề phục quốc và sau đó tiến hành lễ tế cờ xuất quân tại một đám ruộng cạn (đám trang). Trần Huỳnh đọc tuyên cáo rồi hạ lệnh xuất quân. Đại quân do Trần Huỳnh chỉ huy ào ạt tiến về phủ đường Tam Kỳ giải thoát cho một số lính tập bị giam giữ, thu ấn tín, thiêu hủy một số giấy tờ, hạ cờ giặc, treo cờ của quân khởi nghĩa. Nhận được tin khởi nghĩa ở Tam Kỳ, công sứ Churks và Tổng đốc Từ Thiệp liền phái 1 trung đội Âu Phi cấp tốc hành quân đi đàn áp. Trần Huỳnh, Trầm Tùng Lâm, Trần Khuê, Ngô Đốc cùng nhiều người khác bị giặc bắt đày ra nhà tù lao tỉnh. Trong lao, Trần Huỳnh vẫn luôn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình và luôn an ủi các bạn chiến đấu giữ vững ý chí.
 
    Ngày 27/05/1916 Tòa Nam Án Quảng Nam mở phiên tòa xử riêng những người phá phủ Tam Kỳ. Chúng tuyên án Trần Huỳnh đi đày biệt xứ Buôn Mê Thuộc. Ngày 3/6/1916, Trần Huỳnh bị xử chém tại Chợ Củi (Vĩnh Điện – Điện Bàn), ông bước ra pháp trường với khí thế hiên ngang. Trước lúc chết ông còn hô vang “ Giòng giống Hồng Lạc thiên thu, Việt Nam vạn tuế”.
 
  Sau khi bị giặc giết, Trần Huỳnh được gia đình đưa về cải táng tại quê nhà. Mộ tọa lạc tại thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Mộ nằm bên dưới một ngọn đồi có tên là Đồi Dương ngay sau chùa Thọ Quang 44m về hướng Tây Bắc. Phía Bắc giáp vườn sắn, phía Đông giáp một bãi đất trống mọc nhiều cây cỏ dại, phía Nam giáp Đồi Dương, phía Tây giáp tháp Mộ của 1 vị sư tăng chùa Thọ Quang.
 
    Hiện mộ đã được ông Trần Ngọc Chương cùng gia tộc Trần Huỳnh xây lại vào tháng 6/1996. Phần mộ được xây có diện tích khoảng 42m2. Phần chính của Mộ - nơi đặt quan tài được xây nhô cao lên khoảng 0.8m so với nền mộ, dài 2 m, rộng 1 m. Phía trên Mộ là tượng bán thân của Trần Huỳnh được đắp bằng đá, cao khoảng 0,5m. Phía sau là một tấm bia lớn bằng xi măng có đính 4 chữ bằng đá cẩm thạch “ Vì nước hy sinh”. Phía trước phần mộ là một tấm văn bia, mặt trước văn bia khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ viết từ trên xuống. Nội dung cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ như nhau. Hàng chữ giữa “TRẦN HUỲNH TỔNG LÃNH BINH MỘT ĐẠO QUAN DUY TÂN KHỎI NGHĨA NĂM 1916”. Bao quanh phần mộ là bờ tường cao khoảng 0.5m, dài 6m, rộng 3,5m. Diện tích phần bên trong bờ tường khoảng 20 m2. Cổng vào phần mộ rộng 1m, hai trụ cổng cao 2,5m. Bên ngoài bờ tường là hai bậc thang đi lên, riêng phần cổng là 4 bậc thang.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu

Lê Cơ nhà thực hành Duy Tân xuất sắc

Chí sĩ Phan Châu Trinh

Danh sĩ Lê Vĩnh Khanh

Chí sĩ Lê Vĩnh Huy

Chuyển vận sứ Phan Văn Bình

Chí sĩ Lê Lượng

Phạm Bằng