www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ, học giả, thuở nhỏ ông có tên là Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên sau đổi thành Thúc Kháng (còn có nhiều bút danh khác: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan). Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 01 tháng 10 năm 1876 (Tự Đức thứ 26-Bính Tý) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng (nay là làng thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). 

Theo gia phả truyền lại, tộc Huỳnh ra đời cách đây khoảng 400 năm, vị Thủy tổ đầu tiên của gia tộc là ông Huỳnh Phước Tiên. Ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nham từ Nghệ An vào đây lập nghiệp. Nhưng phải đến đời thứ 6, đến ông Huỳnh Văn Xuyến mới được xem là Tiền hiền - người có công khai khẩn, tạo dựng, lập ra làng Thạnh Bình. Tiền hiền Huỳnh Văn Xuyến có ba người con trai.  Ông Huỳnh Văn Lập - một người văn hay chữ tốt, luôn lấy việc học đề cao, làm trọng. Ông Huỳnh Văn Xuân, cần cù chăm chỉ, thủ phận với nghề nông, với cái cuốc, cái cày. Ông Huỳnh Văn Thơ thì ngược lại, giàu có, cuộc sống sung sướng, an nhàn. 

    Riêng ông Huỳnh Văn Lập - một trong những người con thuộc hậu duệ thứ 7 của gia tộc Huỳnh lại có năm người con trai: Huỳnh Văn Đốc, Huỳnh Văn Thúc, Huỳnh Văn Phương, Huỳnh Văn Phi và Huỳnh Văn Vận. Ông Huỳnh Văn Phương (hiệu Tấn Hữu) là người con trai thứ ba kế thừa truyền thống lễ nghĩa, nho giáo của gia đình. 

         Thân phụ Huỳnh Thúc Kháng (húy Phương) tên là Huỳnh Tấn Hữu, mẹ là Nguyễn Thị Tình người làng Hội An cư ngụ làng Phú Thị ( nay thuộc thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), em ruột phó bảng Nguyễn Đình Tựu. Bà là người có dòng họ với những người từng lều chõng được sống trong cái vinh nhục của chế độ khoa cử ngày trước. Ông bà sinh được năm  người con trai và ba người con gái. Hai anh trai đầu, và hai em trai cuối không may chết vì bệnh đậu mùa. Người con trai thứ ba, có tên là Huỳnh Hanh, nhờ đi học xa nhà nên may mắn thoát chết. Như vậy đến Huỳnh Hanh, sau này đổi tên thành Huỳnh Thúc là hậu duệ thuộc đời thứ 9 của gia tộc Huỳnh.   

        Vậy, Tổ tiên Huỳnh Thúc Kháng vốn là người miền Bắc vào lập nghiệp xứ Quảng khoảng thế kỉ XIV,XV (Trần, Lê), sinh sống bằng nghề nông. Tằng tổ cày ruộng đọc sách, vào đời Gia Long bản triều được liệt vào hạng người hiền. Ông tổ ( húy Văn Lập) người tiếp thu được tổ âm sau này thành nhà nông hào, trong thôn nhiều  người mến phục.

          Xuất thân trong một gia đình ở nông thôn trải qua nhiều đời vẫn là nhà nông khuôn mẫu. Nhưng ngày sau trong làng có người đi học xa nếm mùi khoa cử, thân sinh Huỳnh Thúc Kháng lúc bấy giờ tuy còn nhỏ tuổi cũng biết hâm mộ cái vinh của khoa cử bèn xin phép gia đình tìm thầy cầu chữ. Do đó, các trường trong tỉnh ông đều biết qua, nhưng nhiều phen lều chõng vẫn lạc đệ. Từ đó thân sinh ông trở về cày ruộng, đọc sách làm người biết chữ trong làng trọn đời vui với ruộng vườn, khuyên dạy con trẻ. Thêm nữa, hai người anh trai của Huỳnh Thúc Kháng tuổi tuy còn nhỏ, đã nổi tiếng thông minh nhưng bất hạnh chết sớm lúc chưa được hai mươi. Các biến cố gia đình đến dồn dập càng đè nặng trên người ông. Vả lại, thêm nỗi thúc giục của thân phụ đều trút vào làm cho Huỳnh Thúc Kháng phải cố gắng chu toàn nhiệm vụ nặng nề, cao cả của gia đình giao phó.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh

           Do không xuất thân trong một gia đình khoa bảng, bình trung ông chỉ là một người sinh ra trong một gia đình thuần nông nghiệp. Thân phụ tuy nhiều phen đèn sách mà vẫn ôm mộng về không. Cho nên sự thành công của nhà nho Huỳnh Thúc Kháng phần lớn tự khối óc của chính ông, cùng với biến cố gia đình thúc giục. Là con thứ trong gia đình, nhưng sự thật ông lãnh trọng trách của một người con trai duy nhất trong dòng họ (hai anh trai chết sớm). Từ đó gánh nặng “khoa cử”, “nối dõi” không bao giờ rời trên vai con người nhỏ gầy Huỳnh Thúc Kháng, cho đến ngày thực sự dấn thân vào sự nghiệp cách mạng. 

          Do vậy ông phải làm việc với một khả năng “ trải trên 20 năm như một ngày theo khuôn khổ nghiêm huấn không lúc nào sai”.  Những năm tháng ấu thơ, ông được dìu dắt và dạy dỗ bởi người cậu ruột của mình là Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu ( người thôn Hội An xã Tiên Châu). Thế cho nên tuy mới mười ba tuổi ông đã biết làm văn trường ốc, năm 16 tuổi đi thi Hương, đầu còn “để chỏm” và từng nổi danh là mọt trong ba người hay chữ nhất ở kinh đô Huế vào những năm đó ( cùng với Trần Quí Cáp, Phạm Liệu). Tuy nổi tiếng thông minh, nhưng với lối kén chọn nhân tài ngày trước, Huỳnh Thúc Kháng phải nhiều phen lạc đệ, mãi đến năm 29 tuổi ( 1904) mới đỗ Tiến sĩ. Và cũng từ đó ông bắt đầu học chữ  Quốc ngữ , phát động phong trào Duy Tân (Mậu Thân 1908) mà ông là một trong ba kiện tướng dẫn đạo. Do đó ông bị thực dân Pháp làm tội, đày ra Côn Lôn đến năm 46 tuổi ( 1921) mới được phóng thích.

        Năm Bính Dần (1926), ông đắc cử Dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi chống lại viên Khâm sứ Pháp Jabouille. Ông từ chức và sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế (1927-1943).  


     
Thời gian đại chiến thế giới thứ hai, phát xít Nhật và đám thân Nhật toan mua chuộc ông, nhưng không lung lạc được ông. Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông nhận chức Bộ trưởng bộ Nội vụ chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông được trao Quyền Chủ tịch Chính phủ (1946). Ông cũng là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến, ông được chính phủ đặc phái vào Liên khu 5 công tác...   

 Tuổi già, lâm bịnh, ông mất tại Quảng Ngãi ngày 21-4-1947, thọ 71 tuổi. Huỳnh Thúc Kháng mất nhằm lúc cuộc kháng chiến của toàn dân vào thời kì gay go nhất. Sự tham gia kháng chiến của ông là một bài học lớn đối với người tri thức Việt Nam vào giai đoạn cam go của lịch sử chống xâm lược.

Hồi ông đậu cử nhân năm 1900 Hà Đình Nguyễn Thuật (Thượng thư; Tổng tài Quốc sử quán) có câu liễn chúc ông:  

       “Ổn bộ thượng vân cù văn trận hùng sư khẩn nhượng nguyên nguyên du tranh trưởng;

      Thịnh danh quy nguyệt đán từ lâm hậu khởi quả nhiên Huỳnh giang hạ vô song.” 

  Nghĩa: 

 Vững bước đi thi, hùng sư văn trận lớn nhường Nguyễn nguyên du tranh chức trưởng; 

 Lừng danh trở về đầu tháng, văn chương trác tuyệt, đúng sông Huỳnh lớn vô song. 

 Với nhiều công lao, thành tích to lớn, ngày 27 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Và vào ngày 15 tháng 4 năm 2013, tại lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng được tổ chức long trọng tại huyện Tiên Phước, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đích thân trao tặng Huân chương Sao Vàng cao quý cho người thân của cụ.

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao Vàng cho người thân cụ Huỳnh



   Và cũng để tưởng nhớ về cụ và những đóng góp của cụ Huỳnh với đất nước, vào sáng ngày 1.10.2016, tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 - 1.10.2016). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự và đọc diễn văn nhân 140 năm ngày sinh của ông.  

VTV1 truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh ( 1/10/1876 - 1/10/2016) 

              Đời tư

            Về đời tư, Huỳnh Thúc Kháng lập gia đình rất sớm ( năm 20 tuổi-1895). Vợ ông là bà Nguyễn Thị Sắt, con gái út một nhà vọng tộc thuộc làng Đại Đồng nơi ông trọ học lúc nhỏ. ( Bà Sắt là em vợ Phan Văn Cừ, ông Cừ là anh ruột Phan Châu Trinh).

           Bà Sắt sinh năm 1881, quê làng Đại Đồng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bà về làm vợ Huỳnh Thúc Kháng năm 1895. Đến năm 1903, ông bà sinh con gái đầu lòng đặt tên là Huỳnh Thị Xuân Lan (tức cô Yển), năm 1908 ông bà sinh người con thứ hai tên là Huỳnh Thị Thu Cúc ( tức cô Kình ).

          Bà Xuân Lan sau lập gia đình với một người con trai cùng huyện tên là Lê Bá Khải, sinh được một con trai tên là Lê Thứu. Năm 1954 ông Thứu tập kết ra Bắc ( hiện là cán bộ Sở Ngoại Thương đã nghỉ hưu, thành phố Hải Phòng). Bà Xuân Lan mất tháng 12 năm 1930.

         Bà Thu Cúc sinh năm 1908, năm 18 tuổi ông Huỳnh Thúc Kháng “gả” cho ông Lê Nhiếp ( người làng Võ Xá huyện Quế Sơn), nhưng đến năm 19 tuổi bà Thu Cúc qua đời nhằm tháng 08 năm 1927. Ông Lê Nhiếp sau này có vợ ( rể Phó bảng Nguyễn Đình Hiến bạn ông Huỳnh) nhưng vẫn được Huỳnh Thúc Kháng xem như con rể, ông Nhiếp là nhân viên báo Tiếng Dân (1927-1943) và sống kề cận Huỳnh Thúc Kháng mãi tới năm 1947. ( Ông Lê Nhiếp có giữ một số di cảo của Huỳnh Thúc Kháng như: Thi tù tùng thoại, Mính viên cận tác…hiện ông Lê Nhiếp đã tặng lại cho một cơ quan văn hóa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng hồi đầu năm 1980. Ông mất tại Sài Gòn sau năm 1986).

         Năm 1924, Huỳnh Thúc Kháng cưới thêm một bà vợ nữa, nhưng bà này sống chung với ông vẫn không có con. Cho nên, trước sau ông vẫn chỉ có hai người con gái trên. Sau khi hai người con qua đời, cuộc sống gia đình ông rất hiu quạnh, đời sống tình cảm khá u buồn. Do đó có lần ông tâm sự ”(tôi) không còn ngăn được dòng nước mắt vì hai trẻ đều bỏ già đi sang thế giới khác”.

        Sau này, khi ở Côn Đảo (1909) và Huế (1939) hồi tưởng lại đời sống với vợ con, ông đã bồi hồi xúc động viết về người vợ yêu quí của mình:

“ Vô duyên giá tác cuồng sanh phụ

Tân khổ lao lao độc tự liên.

Trung quị tân phiền cung khách soạn

Lãng du phí tận điển y tiền

Phong hầu tái ngoại ứng hư thoại,

Hóa thạch sơn đầu bất ký niên.

Cương bả nhàn sầu vấn minh nguyệt

Vân tăng vũ đổ kỷ hồi viên.

Dịch thơ :

Rủi ro khéo gặp chồng khùng

Nhọc nhằn nhiều nỗi, cam lòng đắng cay

Trong nhà khách khứa liền ngày

Bao nhiêu tiền bạc một tay tiêu xài

Phong hầu ra việc nói chơi

Đã trông chồng nọ, một đời đã cam

Sầu riêng thử hỏi trăn rằm

Mây mưa ghen ghét mấy năm lại tròn.

 

Hoặc, viết thơ thăm hai con :

Thê tuyệt thông thông biệt nhỉ tình

Nhứt tài lục tuế nhứt sơ sinh

Hài đề chi tánh tri tư phụ

Giáo dục tiền đồ nhứt ủy khanh.

Nữ học tân triều thông quốc ngữ

Tiêu Đồng cựu khúc thiệu gia thanh.

Ủy tình khởi tất chân nam tử

Quân kháng Trung gia tỉ muội hàng

Dịch thơ:

Vội vàng rẽ bước ra đi.

Đứa vừa sáu tuổi, đứa thì mới sanh.

Nhớ cha trông ngất trời sanh

Dạy nuôi nhờ có mẹ lành gắng công.

Bằng nay Quốc ngữ học thông

Tiếng nhà may nối Tiêu Đồng khúc xưa

Chưa trai thì gái cũng vừa

Chị em Trưng nữ tiếng giờ còn thơm !

          Nỗi niềm chua xót về gia đình, con cái, khi cảm hoài hai bài thơ trên, ông đau buồn viết:

        “ Đứa con gái đầu mới mười sáu tuổi, đứa sau tôi bị bắt tháng hai , mà nó tháng 7 mới sinh ( 1908) kế tháng 8 thì tôi bị đày ra Côn Lôn. Nay (1939) đọc bài thơ này không còn ngăn được dòng nước mắt, vì hai trẻ đều bỏ già sang thế giới khác cả ! Đứa lớn được một trai, cháu hiện ở với tôi, cho đi học” ( tức ông Lê Thứu vừa nói ở trên).

         Sau khi ở Côn Lôn về (1921 -1926), ông vẫn sống tại Thạnh Bình, ông bà vốn có hai người con gái và không có thêm người con nào nữa. Nên bà Huỳnh Thúc Kháng mới “cưới” cho ông thêm một bà nữa để “có con nối dõi” như vừa nói ở trên. Việc ấy xảy ra năm 1924. Trong Niên Phổ ( Tự truyện) ông ghi rõ: “Năm này (1924) nội tử cưới thứ thất cho tôi”  ( Hồ Thị Chưởng, người trong làng). 

Mộ cụ bà thân sinh (trái) và mộ vợ cụ Huỳnh tại xã Tiên Cảnh

         Từ năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng ra sống ở Huế, làm nghị viên và chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân…cả hai đều ở Tiên Phước thỉnh thoảng mới ra Huế. Năm 1933, bà Hồ Thị Chưởng ra Huế thăm ông, nhằm lúc ông vào Đà Nẵng, bà bị bịnh tả và mất ở Huế vào khoảng tháng 10 cùng năm, phần mộ bà nằm tại Ngự Bình ( Huế), nhưng nay đã thất lạc vì chiến tranh. Bà Chưởng không có với ông người con nào cả.

            Từ đó bà Huỳnh Thúc Kháng thỉnh thoảng ra Huế, nhưng vẫn sống và làm nông tại Tiên Phước đến khi qua đời.

           Năm 1947, bà Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ tỉnh Quảng Nam, cơ quan đóng tại Tiên Phước. Đến ngày 7 tháng 6 năm 1953 ( nhằm ngày 26 tháng 6 âm lịch) bà qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Trong tang lễ bà, nhân danh Hội mẹ chiến sĩ tỉnh Quảng Nam, lúc ấy có câu đối điếu bà:

          “ Ngoài bảy mươi tuổi nối gót theo ông, phú nhà cửa cho họ đương, khuất bóng hơi hương còn phảng phất.

         Trong một tỉnh mất bà chị cả, hội chị em hàng binh sĩ, chia buồn giọt lệ những tuôn rơi”

        Bà Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương kiên trinh, chịu khó, chịu thương của người đàn bà Việt Nam muôn thưở, mãi mãi là một hình ảnh đẹp đối với dân tộc. Bà đã làm tròn thiên chức cao cả của một người mẹ hiền, một người vợ đảm. Đó là một bài học muôn đời đối với phụ nữ nước ta và cũng là một nhân tố cao cả giúp Huỳnh Thúc Kháng sống và làm việc trọn đời một người chiến sĩ cách mạng tuyệt vời của tranh đấu sử nước nhà.

             Cá tính Huỳnh Thúc Kháng

          Huỳnh Thúc Kháng sinh ra và lớn lên trong một làng quê hẻo lánh thuộc miền “nguồn” Tây Nam xứ Quảng. Xuất thân từ một nhà nông ở thôn quê trong hoàn cảnh quê mùa, chung quanh đều rừng núi khô cằn. Thạnh Bình, một làng “nguồn” phía Tây thành phố Tam Kỳ.

          Ngày nay nhà nghiên cứu khoa học nhân văn muốn tìm thăm quê ông có thể đi bằng đường bộ từ Sài Gòn ra hoặc từ Hà Nội vào. Chúng ta có thể nghỉ chân tại thành phố Tam Kỳ rồi ngược lên hương lộ DT 616 ( trước là liên hương lộ số 9) để đến “chợ huyện” Tiên Phước, hay qua ngã Suối Đá lên dốc Rơm. Rồi từ đó ngược sông Tiên mới có thể thấy rừng quế, đồi tiêu, vườn chè Thạnh Bình nơi sản sinh ra con người “Vườn chè” ấy.

          Thạnh Bình là một làng dân cư thưa thớt, ruộng đồi chỉ chiếm một phần nhỏ đất đai, còn bao nhiêu là rừng núi khô cằn. Nguồn lợi chính của huyện Tiên Phước trong những năm về trước và ngay cả gần đây đều trong cậy vào các thổ sản từ rừng núi mà có nhất là tiêu, quế, chè…Đây là miền cách trở mọi giao thông liên lạc với bên ngoài, nhân dân phải sống lặn hụp trong cảnh “sơn lam chướng khí”.

        Từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày nhắm mắt, Huỳnh Thúc Kháng vẫn sống nguyên vẹn với sinh hoạt của quê hương ông, nghĩa là trong hoàn cảnh “phác dã”.

         Thạnh Bình là một làng như trăm làng khác của xứ Quảng, dầu cho ở đồng bằng, duyên hải đều có những sinh hoạt phong tục tương tự. Quảng Nam là vùng đất tương đối mới trong lịch sử Đại Việt. Nhưng đối với miền Nam thì cũ hơn. Nơi đây là “địa đầu” của các tiên triều, là cửa ngõ để dòm ngó phương Nam. Đã là cửa ngõ, đương nhiên người dân ở đây thấy trước mặt mình toàn là người đương đi, chớ ít ai đứng lại quan sát, nhìn ngắm mình. Do vậy, con người xứ Quảng ít khi nào thấy tâm hồn mình có thể thanh thản. Sự ngừng nghỉ đối với dân Quảng Nam chỉ là một việc ảo tưởng. Thêm vào đó, phong tục đất đai…là động cơ thúc đẩy người dân trong xứ phải làm việc, suy nghĩ cho hợp với hoàn cảnh bên ngoài cũng như bên trong mới có thể hòa đồng được với thiên nhiên để sống còn.


Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố và ông Nguyễn Xiển dâng hương giỗ Tổ vua Hùng tại Phú Thọ (1946)

           Thêm vào đó, ngay từ nhỏ ông phải ngày đêm chăm chú vào học khoa cử với một khả năng thiên phú. Do đó, ông tự cho mình như thiếu tình cảm đẹp của cuộc đời hiến tặng một cách tự nhiên. Nghĩa là cốt tính quê mùa, thô kệch ngay thẳng có từ trong bào thai mẹ tại quê hương khô cằn đó. Như ông đã nói: “Tôi, một anh học trò gốc sanh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã thô vụng, khô khan quê kệch, gia dĩ trời phú ham mê về sự học, nữa đời người tôi, ngoài văn sách vở ra gần như không có gì gọi là mỹ cảm”. Phan Châu Trinh đã nhạo ông là “lão phác” và tặng ông một bức hoạt họa Huỳnh Thúc Kháng:

Khách lai vô thoại chỉ đam thư” ( Khách đến không nói chỉ mê sách)

          Ngay từ thưở nhỏ ông đã ham chuộng Hán học, theo khuôn mẫu thánh hiền Á Đông, cái tư tưởng khắc khổ của ba nguồn học thuyết (Nho, Phật, Lão) ngày đêm thường tiếp xúc. Cái công “khắc kỉ” thật là sâu dày nên lí trí nhiều khi lấn áp cả tình cảm thường tình, lâu ngày thành thói quen.

          Trong cuộc sống thường ngày ông cũng rất thận trọng, đa nghi và kiên quyết nghiêm trang với người cũng như đối với chính mình. Những cá tính ấy được bộ lộ rõ rệt nhất là từ khi ông trở thành tù nhân sống 13 năm ở Côn Đảo và nhiều năm tháng sau này. Khi trở thành dân biểu, chủ báo thì cá tính ấy càng trở nên sâu sắc hơn, khi sống dưới chế độ có nhiều lừa mị. Cho nên trong việc dùng người ông chỉ tin dùng toàn người xứ Nghệ, xứ Quảng hay người yêu nước, kẻ có Hán học và biết kẻ đó không phản bội, hay kẻ lớn tuổi đã có nhiều va chạm với thực tế cuộc đời.

           Đối với hạng thanh niên ham chơi, theo Âu học một cách mù quáng, đó chỉ là hạn “văn minh vỏ”. Ai có sống gần ông mới biết rõ ông là người khô khan, không niềm nở dù cho khách thân hoặc sơ đến thăm, ông vẫn có một cảm tình tự nhiên. Ít nói mà chỉ ngồi nghe người ta nói, cần lắm là cho ý kiến. Ai cần gặp ông để hỏi chuyện gì, chưa chắc lần đầu ông đã trình bày đầy đủ. Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967) một thời làm giáo sư tại trường Trung học Khải Định ( Quốc Học - Huế) đến thăm ông, ông chỉ trình bày sơ qua vài câu chuyện thiết thực rồi nói: “ Ở tòa báo tôi bận nhiều việc vặt, không có thời gian nói chuyện lâu với ông. Xin chờ dịp khác. Nếu tôi có duyên với ông, thế nào cũng có nhiều lần nói chuyện”. 

Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh trên VTV1 

         Quả vậy, rồi sau hai người trở thành quen biết nhau nhiều và có lần Nguyễn Thiệu Lâu trở thành nhân viên chính, thuộc cơ quan ông phụ trách. Khi ông làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Nguyễn Thiệu Lâu giữu chức Vụ Trưởng Vụ Kiều Hối Bộ Nội Vụ. Ngay trong thù tạc, ông cũng rất khô khan, chẳng niềm nở. Nhiều khi chạm tự ái ông sẽ gắt, nhưng ai biết tính ông thì chẳng bao giờ hờn giận một người nào.

        Trong những nhu yếu hàng ngày, ông rất giản dị tiết kiệm. Nhiều người ở tòa soạn báo Tiếng Dân kể lại việc ăn uống của nhân viên cũng như của gia đình rất kham khổ, bữa ăn đạm bạc, cơm cá bình thường và thường xuyên có rau muống, muối mè. Nhiều người hỏi vì sao ông ăn uống kham khổ vậy, ông trả lời: “ còn sướng hơn ở tù nhiều”. Vả lại còn tiền để dành giúp người lỡ đường, hoặc người ở Nghệ vào, người ở Quảng ra, nhất là giúp cụ Sào Nam Phan Bội Châu.

            Sống giữa kinh đô Huế làm Viện trưởng “Nhân dân đại biểu”, chủ nhiệm tờ báo tiếng tăm, nhiều khi nhận được giấy mời dự một bữa tiệc hay dạ hội ông đều từ chối, nếu không thì nhờ người khác đi thay mình. Vì ông ít thích tới đám đông tuy lòng vẫn muốn chỗ đông người và nhất là ông không uống rượu. Việc tiết kiệm, giản dị của ông vừa trong phục sức, ăn uống. Ngày nào cũng như ngày ấy, vẫn chiếc quần trắng áo dài đen với chiếc dù lớn, đi bộ từ nhà riêng tới trụ sở tòa báo ở đường Đông Ba và chẳng bao giờ ông chú tâm đến cách ăn mặt. Nhiều khi ra đường quần ống cao, ống thấp đến nỗi ông còn dùng chiếc mũ nỉ mang từ Côn Đảo về.

           Không những thế, suốt đời ông dù cho thực dân và tay sai cám dỗ, mua chuộc ông vẫn khư khư với “cốt tính’ sẵn có của mình. Không thèm chạy theo lợi lộc, danh vọng như ông từng tâm niệm:

“Giàu sang lợi lộc đừng ham.

Chông gai cay đắng cũng cam một bề”

     Tác phẩm

  •     Thi tù tùng thoại. (1939).   

     Thi tù thảo (bản thảo).    

  •     Thơ văn với thời đại, (1939).

  •       Đê hải thi tập (bản thảo).

  •       Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng) (1937).

           Mính Viên cận tác (di cảo).

  •       Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (1957).

  •       Xã túc tập (bản thảo).

  •         Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (1962).

  •         Gia đình giáo dục (bản dịch - 1937). 

  •       Bức thư gởi Cường Để (1957).

     

    Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (bản thảo)

        Và rất nhiều thơ chữ quốc ngữ, chữ Hán có giá trị.   

Sinh thời tâm chí ông biểu lộ rõ trong bài cảm khái lúc đi đày về: (bản dịch).

“Nợ bầy đeo đuổi giục bên người, 

                                       Chả để nằm yên xó góc trời.  

Biển Bắc dê cùng chung mấy độ, 

Nhành Nam chim sẵn ổ muôn đời. 

Rừng sâu với quế ca xăng xái, 

Hang thẳm tìm lan dạo thảnh thơi! 

Rốt cuộc máu lòng tìm chỗ dốc, 

Sử xanh núi biếc rưới cùng nơi”. 

Đến lúc nước nhà giành được độc lập tự do, ông ra tham chính. Mừng xuân năm 1947, đôi liễn của ông cũng nói lên tấc lòng yêu nước thương dân chí thiết.

“Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn ngàn năm lịch sử;  

Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu dân sinh”.

Tác phẩm của ông gồm các lĩnh vực sau: 

Thi tù tùng thoại (nguyên ông viết bằng chữ Hán ở Côn Đảo, khi được trả tự do sách bị tịch thu và đốt, sau về Huế, ông chép lại theo trí nhớ và dịch ra tiếng Việt), trong đó, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều tài liệu liên quan đến hoàn cảnh xã hội, diễn tiến các phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Đồng thời cũng thấy được tư tưởng, tình cảm của các nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam; nhất là phong trào Đông du, Duy tân. Trong đó, tác giả thu thập những bài thơ làm trong tù hay có liên quan đến thế giới tù (cả Việt lẫn Hán). Nếu là Hán văn thì dịch ra Việt văn cùng ghi những tình cảm và nhận xét của mình.

Trong Lời nói đầu (Bản in 1939) tác giả viết: 

“Thi có cùng mà sau mới hay” (cùng nhi hậu công) tin như lời nói xưa, thì trên đời mà gọi là “cùng” không chi cùng hơn cảnh tù, đáng lẽ thơ của kẻ tù, lưu truyền khá nhiều mới phải. Vậy mà xét trên lịch sử phương Đông, trên dưới ngàn năm, duy có mấy bài của Lý Bạch lúc đày ở Gia Lăng, bài “ở trong ngục vịnh con ve” của Lạc Tân Vương, bài “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường, bài thi “Vịnh lúc gần hành hình” của Dương Kế Thạnh, cùng ở nước ta thì bài “Trần tình” của Cao Bá Nhạ. “Tờ khai” của Đoàn Trưng v.v... còn có truyền lại, ngoài ra không thấy thi văn tù bao nhiêu. 

Trái lại; những lối uống rượu ngắm hoa, trông trăng thưởng gió, cùng lối thi ứng thù tiêu khiển của bọn văn sĩ phong lưu, thôi thì đầy kho chật tủ, làm họa cho bản in không biết là bao!

Trên thi sử xưa nay, thừa bên này mà thiếu bên kia, nghĩa là thi phong lưu nhiều mà thi tù ít, là vì lẽ gì? Không phải là trái với cái thuyết “cùng mới hay” kia sao? 

Như nói trong đám tù tội không có bọn văn nhân thì ngục Đáng Cố nhà Hán, ngục Thanh Lưu đời Đường, án Ngụy học đời Tống, án Đông Lâm Thục Xã đời Minh, bọn văn hào thi bá mấy đời, co tay bó chân làm bạn với gông cùm xiềng bộng, cúi đầu nín tiếng, ngồi than thở cái oai quyền vô thượng của bọn ngục quan và lính gác, trước sau nối gót, biết bao nhiêu người! Ai bảo rằng trong đám tù không có hạng văn hào thi bá? 

Phóng sự: cụ Huỳnh Thúc Kháng trước vận nước ngàn cân treo sợi tóc

Theo sở kiến của tôi thì thi tù ít truyền bá là vì cớ này: 

Ở phương Đông về thời đại quân chủ chuyên chế, tù là tội cả, không có hạng tù quốc sự (chánh trị phạm) như phương Tây. Bởi thế nên đã vào tù, vô luận là nhân cách lưu phẩm thế nào, người đời đều xem như vật ghê gớm đáng sợ; đã là vật đáng sợ trong xã hội, tự nhiên cái người đã mang cái huy hiệu “tù”, công chúng đều tránh xa; với người đó còn không dám lại gần, huống là thi với văn, dầu có nghe thấy thi văn của họ, không dùng đậy hũ tương thì phú cho ngọn lửa. Thi của kẻ tù ít truyền là vì thế. 

Âu triều truyền sang, phong khí đổi mới, chế độ về thời đại chuyên chế, bị triều lưu văn minh dội quét gần hết, trên sử tấn hóa mới của loài người, trong đám tù tội có cái tên gọi là “tù quốc sự” khác với hạng tù thường, không những xã hội không bài xích như ngày xưa, mà trong có hạng chí sĩ, nhân nhân, trở lại được người đời tỏ lòng sùng bái và khen ngợi, từ đó mà thi tù mới truyền.

Ở Âu Mỹ không nói, nói riêng về phương Đông như sử duy tân khẳng khái của Nhật Bản, cách mạng sử của Trung Hoa sau cuộc Mậu tuất chánh biến, ở trong chép nhiều thi của bọn tù, không sao kể hết. Nước ta sau cuộc dân biến năm 1908 về sau có nhiều thi của tù, chính là theo lệ chung đời mới nói trên. 

Chuẩn theo lẽ ấy, tức gọi rằng thi tù mở một cái màn mới trong văn giới cùng đi với công lệ tấn hóa cũng không phải là quá đáng. Độc giả để ý xem” (M.V).

Thi văn với thời đại là một thi tuyển của các nhà chí sĩ Việt Nam trong công cuộc Cần vương chống Pháp. Tác phẩm này, soạn giả góp nhặt một số thơ văn (phần lớn là Hán văn) của các quan lại, nhà khoa bảng, nhà yêu nước thuộc các phong trào Cần vương, Văn thân, rồi dịch ra Việt văn, có thêm lời chú thích; nhất là những lời nhận định và phê bình xác đáng của ông. 

Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, ông cũng sưu tầm dịch thuật một số thơ văn của các nhà thơ, nhà văn, nhà yêu nước trong các phong trào Cần vương, Văn thần, Đông du, Duy tân. Theo đó, ông có lời phê bình nhận xét rất xác đáng về các văn phẩm ấy.

Đọc qua hai tác phẩm ngắn này, người đọc sẽ thấy được tư tưởng tình cảm của các nhà yêu nước; đồng thời cũng rõ được lịch trình chống ngoại xâm của nhân dân ta hồi cuối thế kỷ trước (XIX) và đầu thế kỷ XX.

Tuồng Trưng vương bình ngũ lãnh là một vở tuồng ngắn, ngắn hơn cả một đoạn văn; nhưng ý tưởng và chủ đích của nó rất lớn. Đọc nó, người đọc còn bắt gặp chủ nghĩa yêu nước, lòng thương yêu nòi giống, tư tưởng bình quyền, bình đẳng... Nhất là tinh thần tự cường, độc lập, tự tôn dân tộc trong lịch trình tư tưởng của dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước đến cận đại. 

Bên cạnh đó, ông còn ba tập thơ chữ Hán: 

Thi tù thảo nói về sinh hoạt tù ở Côn Đảo. (bản chép tay). 

Đê hải thi tập (nt) 

Xà túc tập (nói về sinh hoạt thơ văn trong đời sống xã hội). Riêng hai tập thơ này chúng tôi chỉ thấy ghi đề và các bài tựa của Tiểu Mai và Mặc Si (nay đã thất lạc). 

Mính Viên cận tác: gồm một số thơ chữ Hán và Quốc ngữ một phần đã đăng trên báo Tiếng Dân. Gia đình giáo dục (1937) nhà in Tiếng Dân Huế (dịch). 

Ngoài các tập thơ trên, chúng ta còn thấy, Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (hay tự truyện). Đây là một tập tự truyện (bằng chữ Hán) về đời mình. Trong tác phẩm này ông ghi những biến cố cá nhân có liên quan với lịch sử nước nhà từ khi Pháp chiếm nước ta đến năm 1942. Ở đây, chúng ta còn bắt gặp nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý. Đây là một tập tự truyện về đời tư ông do chính ông viết khá đầy đủ và chính xác.

 Sử học 

Độc giả còn bắt gặp Huỳnh Thúc Kháng là một sử gia. Một sử gia yêu nước, cách mạng, nhưng không bao giờ bị định kiến chi phối, hoặc có cái nhìn sai lầm bởi ý thức chính trị của mình.

Cuộc cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908 Nguyên văn tác giả viết bằng chữ Hán với nhan đề: “Trung Kỳ cựu sưu ký”. Trong đó, ông ghi lại sự việc, lịch trình của biến cố trọng đại năm 1908 bộc phát ở Quảng Nam. Từ ngày đầu cho đến khi thực dân và Nam triều đàn áp trắng (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với đầy đủ các chi tiết, các nhân vật có liên hệ đến phong trào đã bị thực dân thủ tiêu, lưu đày... Tuy (ông) là người trong cuộc và dẫn đạo, được ông viết theo cái nhìn chủ quan, nhưng lại rất khách quan trong việc quan sát thực tại. Ông không hề thêm một chi tiết nhỏ nào (phần này, chúng tôi đã khảo chứng với các tư liệu khác có liên quan đến biến cố, nhất là “Trung kì dân biến thỉ mạt kí” của Phan Châu Trinh) đã trở thành một tác phẩm giá trị. 

Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là một bản lược sử về quá trình cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ động. Sử liệu này được ông tham khảo các tài liệu có liên quan đến biến cố và các nhân vật ở Huế vào thời đó; chứ ông không trực tiếp tham dự haychứng kiến (vì thời gian này ông đang ở Côn Đảo).

Bức thơ gởi Kỳ ngoại hầu Cường Để là một quyển sử lược 80 năm vong quốc. Bằng thư này, Huỳnh Thúc Kháng ghi lại tất cả thực trạng xã hội Việt Nam hơn 80 năm sống dưới ách chuyên chế, một cổ hai tròng cùng mọi bịp bợm, lừa dối của thực dân mà dân ta phải gánh chịu. Nội dung tác phẩm, ông còn “trả lời khéo” sau những “câu hỏi khéo” do Nhật ủy thác cho Cường Để muốn ông làm công việc “sào mũi”, “liên lạc”. Trong đó, đôi đoạn ông tỏ vẻ lạc quan, nhưng cũng không quên nhắc đến sự thật khi quân Nhật đặt chân đến Đông Dương thì cái hiện tượng đế quốc hiện ra rõ ràng “Hoàng quân đặt chân đến xứ này đã hai năm mà cái khoảng giữa nhân dân Việt Nam cùng Hoàng quân gần trong gang tấc mà cách xa như mấy lớp đèo ải núi non, khoảng ngăn rẽ ấy vạch một địa giới Hồng Câu không vượt qua được”. 

Đọc kỹ bức thư ấy ta thấy tuy ông có vẻ lạc quan, nhưng ông luôn luôn hoài nghi thái độ, chính sách của quân phiệt Nhật, nhất là việc bức thư của Cường Để, hơn nửa năm sau mới tới tay ông. Việc đó sau này ông còn nhắc lại trong Bức thư trả lời chung để phản đối chính sách duy trì hiện trạng Đông Dương. Cho nên, nếu quả thực Cường Để có uy tín, thực lực thì hãy lấy danh nghĩa, dùng quân lực để đánh đổ hiện trạng, tự mình thiết lập chính quyền tự trị có thực chất? 

Bức thư vì vậy được gửi đi không có một dư luận hoặc biến cố gì do Nhật và Cường Để đem lại.

Bức thư trả lời chung là một cuốn sử gọn hơn, đầy đủ hơn Bức thư gởi Cường Để. Bằng bức thư ấy ông viết một bản cáo trạng lên án chế độ thực dân và mọi chính sách tàn ác dã man nhằm tiêu diệt dân tộc này. Cùng nói rõ lý do không thể nào ông cộng tác được với người Nhật, nhất là đối với chính sách “Đại Đông Á” của Nhật Bản. Bức thư đã gây nên dư luận sôi nổi lúc bấy giờ. 

Tiếp đó ông còn viết một tác phẩm cùng chủ đích Một ít dật sử trên đoạn sử Việt Nam cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc (1885-1945). Tập này chưa xong thì ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, nên tác phẩm còn dở dang, và nay đã thất lạc (?). 

Ngoài các sách về sử học nêu trên, Huỳnh Thúc Kháng còn viết Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử về cuộc đời của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Đây là một quyển sử biên niên về nhà thơ Tây Hồ, từ khi Phan Châu Trinh chào đời cho đến ngày nhắm mắt. Nguyên, sách này ông viết từ năm 1926 tại Thạnh Bình, huyện Tiên Phước khi Phan Châu Trinh qua đời, sau đó ông trao sách này lại cho con gái và con rể Phan Châu Trinh để làm kỷ niệm (bà Phan Thị Châu Liên và ông Lê Ấm). 

Sau này gia đình ông Lê Ấm có cho in trong Giai nhân kỳ ngộ vào năm 1958 do nhà xuất bản Hướng Dương Sài Gòn xuất bản. Đến năm 1959 nhà xuất bản Anh Minh (Huế) có cho in lại thành một quyển riêng với đầu đề như trên. Đây là một quyển lược sử về cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh rất súc tích và chính xác. 

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy Huỳnh Thúc Kháng là một dịch giả rất xuất sắc. Ông dịch rất nhiều cả thơ lẫn văn, nhất là thơ. Thơ của ông cũng như thơ của tác giả khác. Hầu hết thơ, câu đối trong Thi văn với thời đại, Thi văn của các nhà chí sĩ Việt Nam, Thi tù tùng thoại, Lương ngọc danh sơn phú, Toàn quốc đồng bào phụ lão kháng chiến thư, Bức thư gởi Cường Để...đều do ông dịch, mà các bản dịch này rất đạt, và chính xác. 

Sau này (1945), chúng ta còn thấy Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục dịch các tác giả nước ngoài, nhất là bản dịch Xã hội tư tưởng sử của Từ Dật Tiều (theo tài liệu của ông Anh Minh). Sách gồm bảy chương: 

Chương 1: Nông nghiệp công trường. 

Chương 2: Tinh thần chủ nghĩa xã hội cận đại. 

Chương 3: Chủ nghĩa xã hội không tưởng. 

Chương 4: Các nhà xã hội không tưởng: Charles fournier, Robert Owen và Saint Simon.

Chương 5: Khái niệm về chủ nghĩa xã hội khoa học.

Chương 6: Đời sống cùng trứ tác của Karl Marx. 

Chương 7: Chủ nghĩa xã hội với trật tự xã hội. 

Cùng với Lời nói đầu (của người dịch) và bài tựa (của tác giả), ông nêu rõ mục đích dịch là “Thiếu các món sách thiết thực với nhân sinh, nói cho rõ là xã hội học cùng sách tư tưởng xã hội, thật là một khuyết điểm rất lớn (...). Kẻ lược dịch bản sách Xã hội tư tưởng sử bản ý không chi khác hơn là muốn cho nguồn tư tưởng xã hội chóng phổ cập theo triều lưu chung cả dân tộc trên thế giới (...) sách này dành cho số đông phổ thông quần chúng, không có thì giờ và công phu làm thang bước đầu mở đường chỉ lối (...). Độc giả muốn hiểu rõ nguồn gốc, tư tưởng xã hội khoa học cho đầy đủ cần phải nghiên cứu học thuyết Mác Ăng Ghen cho đến nhà thực hành Lê Nin...”. 

Cuốn sách có ưu điểm là trích dẫn nhiều tác phẩm của Mác và Ăng Ghen để cho độc giả tiếp thu trực tiếp chủ nghĩa xã hội khoa học. Cảm tình của người dịch đối với Mác và Ăng Ghen là điều dễ nhận thấy khi chúng ta đọc qua lời nói đầu cùng toàn bộ bản dịch. Điều đó được ông nhắc: “Mã Khắc Tư (Karl Marx) trọn đời tận tụy với chủ nghĩa vĩ đại, kiên quyết sáng suốt cho đến ngày chết mà không thôi. Ông có người bạn thân thiết là Ân Cách Nhĩ (Engel), cùng một định kiến, định lực như nhau, nối theo hoàn thành công việc trứ tác dở chừng của họ Mã (...) Mã Khắc Tư cùng Ân Cách Nhĩ (hai ông tổ của khoa học xã hội) là hai bạn thâm giao trọn đời khởi đầu từ tờ Đức Pháp niên báo, từ đó hai người trọn đời dâng mình cho chủ nghĩa xã hội”.

Báo chí: Huỳnh Thúc Kháng đã mở đường ngôn luận đầu tiên ở miền Trung và tờ Tiếng Dân (1927-1943) trở thành cơ quan ngôn luận làm theo thực dân vừa lo, vừa sợ, và cũng rất ác cảm với báo. Tiếng Dân là tờ báo ra đời sớm nhất và sống lâu năm nhất (1927-1943) ở Trung K.

Đó là một tờ báo đứng đầu, và uy tín nhất của Việt Nam vào thời mất nước. 

 

 

Video ký sự nhà báo của Tiếng Dân

Danh sĩ Lê Vĩnh Khanh

Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu

Lê Cơ nhà thực hành Duy Tân xuất sắc

Chí sĩ Phan Châu Trinh

Tổng lãnh binh Trần Huỳnh

Chí sĩ Lê Vĩnh Huy

Chuyển vận sứ Phan Văn Bình

Chí sĩ Lê Lượng

Phạm Bằng