Yên lành làng cổ xứ Tiên...
Dù đã nhiều lần đến với Lộc Yên và Thạnh Bình - hai ngôi làng cổ nằm kề bên nhau, ẩn mình trong ngát xanh cây trái bốn mùa ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước), nhưng mỗi khi rảnh rang hay đôi chân trở chứng đòi đi, tôi lại tìm về nơi này. Bao trùm lên tất cả, luôn thường trực trong lòng một cảm giác thân thuộc, gần gụi. Và lạ thay, còn có cả những cảm giác mới mẻ, lạ lẫm cứ trồi lên trong mỗi lần trở lại...
Lộc Yên và Thạnh Bình luôn tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị và thanh nhã. Ảnh: B.A |
Này là xóm Bàu của làng Thạnh Bình, được "định vị" bằng câu phương ngữ "trước suối sau sông bên hông là bàu". Lần theo câu ca mới biết địa thế của xóm nhỏ này thật đặc biệt, bởi được ôm ấp, vỗ về bởi dòng suối An Sơn phía trước, bởi sông Đá Giăng giăng giăng những đá là đá ở phía sau, và bên cạnh là bàu nước nhỏ yên lành.
"Đặc sản" của Thạnh Bình, của xóm Bàu là những con đường quanh co dưới vòm cây xanh mát rượi, là những bờ đá mộc mạc nối tiếp nhau, là những chiếc giếng đá nằm rải rác ven đường, là những khu vườn bậc thang nhiều cây cối và hoa dại... Những hàng cau thẳng tắp dọc đường đi, thi thoảng lại được điểm xuyết bởi những khóm trúc, những lùm dâm bụt... như một cách để tạo bất ngờ và tăng sức quyến dụ bước chân người. Và nước giếng nữa, ngọt mát cứ như luôn luôn được "ướp đá", múc lên là có thể uống ngay chứ chẳng cần đun sôi.
Chuyện về đá và những ngõ đá ở Tiên Cảnh tưởng đã cũ mà hóa ra luôn mới với nhiều trầm tích và những triết lý sống. Ảnh: B.A |
Ở Lộc Yên, "đặc sản" là thanh trà, ngõ chè tàu, nhà cổ. Và hẳn nhiên, còn có cả ngõ đá nữa. Dạo bước qua những con ngõ đá chen chè tàu được cắt tỉa công phu, nhẩm đọc câu thơ chơi chữ hóm hỉnh của một nhà thơ xứ Tiên "lên ngõ đá coi chừng... ngã đó!", càng muốn đi từng bước chậm và... không hề thấy mệt dù những con ngõ cứ mỗi lúc một lên cao dần.
Tự để mình đi lạc vào những vườn thanh trà, chợt thấy vui khi biết mình đang bị cám dỗ, bị chiêu dụ, nhất là khi tận mắt nhìn thấy những chùm quả lúc lỉu đang chín tới, bắt đầu "làm đường" trong từng tép nhỏ mỗi dịp đầu thu. Hay khi nghe kể về gốc tích và hành trình vượt thời gian của những ngôi nhà cổ, lòng chợt nôn nao những nghĩ ngợi xa gần...
Thanh trà, loại trái cây đặc sản ở Lộc Yên, luôn đầy sức cám dỗ bởi vị ngọt the rất riêng. Ảnh: B.A |
Ở Lộc Yên, ở Thạnh Bình, những câu chuyện về đá dường như chưa bao giờ kết thúc, tưởng đã cũ mà hóa ra luôn mới. Không phải vì những bờ đá luốn được tôn thêm, không hẳn vì những ngõ đá luôn được đắp bồi, chăm dưỡng... mà còn vì những triết lý từ đá.
Đá để xếp thành bờ bao quanh nhà và men theo lối đi chung, để tạo hình cho từng con ngõ, để phân cấp các thớt đất cao thấp cho vườn tầng ở đây đều là đá phiến - một thứ đá non chỉ có ở vùng này. Đá phiến nằm tản mác khắp các khu vườn, triền đồi và ở ven sông Đá Giăng. Khi được xếp chồng lên nhau, như chỉ chờ có vậy, đá phiến tự kết dính vào nhau, chẳng cần vôi vữa...
Những ngôi nhà không bao giờ khép cổng ở Lộc Yên và Thạnh Bình tạo cho du khách sự gần gũi, thân thuộc. Ảnh: B.A |
Từ câu chuyện của đá, không thể không nghĩ về những đời người nơi đây. Từ bao đời nay, họ luôn tựa vào nhau, tựa vào đá, sống khắng khít, chan hòa, đoàn kết, để những vườn cây mỗi ngày thêm xanh, để những bờ đá từng ngày mỗi cao lên thêm và vững chãi hơn...
Cứ như thế, đất đai, cây cối, con người của Thạnh Bình, của Lộc Yên lại miệt mài mà thong thả làm đẹp thêm, làm mới hơn quê xứ của mình. Thành ra, có lẽ không thừa, không có vẻ "quảng cáo" chút nào nếu nói rằng, tìm về nơi đây chính là tìm về với những trải nghiệm thú vị và thanh nhã, cho dù đó là lần đầu, lần thứ hai hay nhiều lần sau nữa...
Bảo Anh - Báo Quảng Nam