Xây dựng NTM ở Tiên Phước: Nhu cầu vốn đầu tư lớn
Chiều qua 29.10.2019, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh chủ trì có cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Phước về tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua. Cùng dự có đại diện một số ngành liên quan của tỉnh.
Nông thôn chuyển mình
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2011 - 2015, từ năm 2016 đến nay huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế vườn - trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Đồng thời quan tâm xây dựng hoàn thiện tour du lịch NTM trên địa bàn huyện và xây dựng khu dân cư NTM Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) trở thành làng quê kiểu mẫu đáng sống tiêu biểu của tỉnh, điểm du lịch hấp dẫn theo Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Sau 9 năm thực hiện chương trình NTM, huyện Tiên Phước đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM càng về sau càng có bước chuyển tiến bộ.
Tiên Phước đang nỗ lực xây dựng làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) trở thành khu dân cư NTM tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Đ.P |
“Giai đoạn 2011 - 2015 huyện có 3 xã Tiên Cảnh, Tiên Sơn, Tiên Phong được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến cuối năm 2019 này Tiên Phước có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Cẩm và đến cuối năm 2020 có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM gồm Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên An. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn huyện lên 11/14 xã, chiếm tỷ lệ 80%” - ông Minh nói.
Báo cáo rõ thêm, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, từ năm 2011 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư hơn 1.153 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 402 tỷ đồng, vốn tín dụng – thương mại hơn 667 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp – hợp tác xã hơn 13 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp quy ra giá trị hơn 70 tỷ đồng.
“Hiện nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của 1 xã trên địa bàn huyện là 16 tiêu chí, tăng 14 tiêu chí so với năm 2011; tính đến thời điểm này Tiên Phước không còn xã nào đạt dưới 12 tiêu chí. Đáng mừng là thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 6,7 triệu đồng năm 2010 lên 34 triệu đồng năm 2018 và năm 2019 này ước đạt hơn 37 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27% (năm 2011) xuống còn 4,46% (năm 2018) và hiện đã có 9/14 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo... Dự kiến, đến cuối năm 2022 Tiên Phước sẽ hoàn thành các tiêu chí về xây dựng huyện NTM” - ông Hiệu nói.
Cần nguồn lực đầu tư lớn
Theo ông Lê Trí Hiệu, những năm qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp của chương trình NTM cũng như vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của địa phương. Đến nay Tiên Phước còn rất nhiều công trình trọng điểm mang tính kết nối liên xã, liên vùng và tạo động lực, đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được đầu tư xây dựng vì huyện thật sự khó khăn về kinh phí.
Bên cạnh đó, người dân có tập quán trồng nhiều loại cây trồng với mật độ dày, theo không gian nhiều tầng, lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, trong quá trình vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc, các loại cây trồng… để giải phóng mặt bằng xây dựng những công trình thuộc chương trình NTM gặp nhiều khó khăn. Từ đó, dẫn đến việc thi công một số công trình bị vướng mắc, chậm tiến độ và kéo theo việc giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư không đảm bảo theo quy định...
Ông Lê Trí Hiệu cũng nhìn nhận, hiện nay nguồn lực đầu tư phát triển của huyện Tiên Phước chủ yếu phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước nhưng mức đầu tư hàng năm thấp so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, của các doanh nghiệp... đóng vai trò quan trọng cho phát triển lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
“Có một thực tế nữa là những năm qua việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị ở nhiều địa phương của Tiên Phước còn rất hạn chế. Lĩnh vực kinh tế tập thể tăng nhanh về số lượng hợp tác xã nhưng nhiều hợp tác xã mới thành lập có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất chưa cao, nhất là chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” - ông Hiệu nói.
Lãnh đạo huyện Tiên Phước cho rằng, để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022, địa phương cần nguồn lực tài chính khá lớn để tiếp tục đầu tư thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong điều kiện ngân sách của huyện cũng như các xã còn quá eo hẹp và việc huy động nhân dân đóng góp gặp nhiều khó khăn nên địa phương đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần tăng mức hỗ trợ kinh phí cho huyện để tiếp tục xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trọng yếu như hồ chứa, đập dâng, kênh mương... nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời tăng mức hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện về nguồn lực để huyện từng bước xây dựng hạ tầng cơ bản đến chân các vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất cấp trên quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để tiến hành xây dựng điểm xử lý chất thải rắn tập trung tại xã Tiên Hà với tổng dự toán khoảng gần 26 tỷ đồng...
Nhã Phương - Anh Đông, Báo Quảng Nam