Xã làm sai, dân tranh chấp kéo dài ở Tiên Lãnh
Do sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, 57 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân bị cơ quan chức năng thu hồi. Và rắc rối kéo theo là sự tranh chấp, kiện tụng gần 20 năm qua giữa 2 hộ dân ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước).
Tranh chấp
Theo đơn thư của ông Nguyễn Xuân Hường ở thôn 10 (Tiên Lãnh) gửi đến Báo Quảng Nam: Khoảng những năm 1980, gia đình ông hiến cho xã 2 mẫu đất để xây dựng trường Tiểu học (TH) Tiên Lãnh. Năm 1996, UBND xã Tiên Lãnh thực hiện khai thác quỹ đất đối với diện tích đất xây trường chưa sử dụng (dọc theo tuyến đường ĐH - PV) và bán cho hộ ông Hường một lô đất giá 250 ngàn đồng, thuộc tờ bản đồ số 10, thửa số 63/4 với diện tích 200m2. Tháng 9.1996, hộ ông Hường làm đơn xin được cấp diện tích đất còn lại sau khi địa phương thực hiện khai thác quỹ đất và được xã đồng ý. Phần đất này liền kề với lô đất ông Hường đã mua, có diện tích 300m2, thuộc thửa số 63/4, tờ bản đồ số 11 (lập năm 1997); người thân hộ ông Hường cất nhà sống ổn định từ đó cho đến nay. Riêng đối với 10 sào đất xây dựng khu tập thể giáo viên trường TH Tiên Lãnh, năm 2005, khu tập thể giải tán nên hộ ông Hường tiếp tục làm đơn xin canh tác.
Năm 1997, hộ ông Hường tiến hành xây cất nhà trên thửa đất mà UBND xã bán cho ông thì phát sinh tranh chấp với hộ bà Nguyễn Thị Hồng trú cùng thôn và là chị em chú bác ruột với ông. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương đã sai sót trong công tác quản lý đất đai. Đối với 10 sào đất làm khu tập thể giáo viên, sau khi giải tán, ngày 10.2.2006, UBND xã Tiên Lãnh có biên bản phân định đất, giao đất cho hộ ông Hường và hộ bà Hồng theo thỏa thuận của hai hộ. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, hộ bà Hồng đã “độc quyền” sử dụng 10 sào đất nói trên dẫn đến tranh chấp với hộ ông Hường.
Ông Nguyễn Xuân Hường chỉ vị trí thửa đất xảy ra tranh chấp với hộ bà Nguyễn Thị Hồng
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa hai hộ dân, ông Võ Tấn Sỹ - cán bộ địa chính xã Tiên Lãnh cho biết: Do sai sót trong công tác đo vẽ bản đồ nên vị trí thửa đất xã bán cho hộ ông Hường nằm chồng lên phần diện tích đất do hộ bà Hồng quản lý dẫn đến tranh chấp. Đáng lẽ diện tích đất xã bán cho hộ ông Hường nằm tại vị trí đất mà xã đã cấp cho ông. Tra cứu tại tờ bản đồ số 11, hoàn toàn không có thửa đất số 63/4 với diện tích 300m2. “Đối với 10 sào đất mà hộ ông Hường và bà Hồng đang tranh chấp, thực tế từ thời điểm khu tập thể chưa giải thể, hộ bà Hồng đã canh tác hoa màu. Sau này, bà Hồng cũng có nguyện vọng xin được quyền sử dụng diện tích đất trên. Hai hộ cùng xin đất nên địa phương thống nhất thỏa thuận phân chia cho hai hộ. Do ông Hường không canh tác nên bà Hồng trồng keo ở cả diện tích đất của ông Hường, dẫn đến tranh chấp. Địa phương đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành.
Sai phạm
Ngày 27.8.1996, UBND xã Tiên Lãnh có Tờ trình số 13/TT-UB kèm theo Biên bản xét cấp GCNQSDĐ đề nghị UBND huyện Tiên Phước cấp GCNQSDĐ cho 1.069 hộ theo Nghị định 64/CP. Theo đó, ngày 17.1.1997, UBND huyện Tiên Phước ban hành Quyết định số 04/QĐ-UB thống nhất đề nghị của UBND xã Tiên Lãnh. Tuy nhiên, có đến 61 GCNQSDĐ ở vị trí nằm hai bên tuyến đường ĐH thuộc địa phận xã Tiên Lãnh bị Phòng TN&MT huyện Tiên Phước “ách” lại với lý do cấp vượt hạn mức đất ở, sai vị trí, không đúng hiện trạng sử dụng đất…
Năm 2011, Thanh tra huyện Tiên Phước thanh tra về tình hình quản lý và sử dụng đất đai, cấp GCNQSDĐ tại xã Tiên Lãnh; trong đó tập trung làm rõ: Tại sao xảy ra tình trạng GCNQSDĐ ở của các hộ dân bị Phòng TN&MT huyện giữ lại không cấp, gây phản ứng đối với các hộ dân. Và ngày 13.9.2011, Thanh tra huyện có Kết luận thanh tra số 02/KL-UBND với nhận định: Trong số 61 GCNQSDĐ bị giữ lại thì có 57 trường hợp cấp không đúng quy định pháp luật đất đai. Tức là, trước thời điểm quyết định cấp GCNQSDĐ, địa phương không có quy hoạch đất ở khu dân cư nông thôn; nguồn gốc đất là đất nông nghiệp của một số hộ dân đang sử dụng và đất chưa sử dụng do Nhà nước quản lý; không có quyết định thu hồi đất và bồi thường; các hộ không thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quy định vào ngân sách nhà nước. Tổng diện tích đất sai phạm đã cấp GCNQSDĐ cho 57 trường hợp 12.914m2; trong đó, đất ở 9.666m2 và đất nông nghiệp 3.248m2, tương ứng với tổng giá trị đất ở thời điểm hiện tại là hơn 1,7 tỷ đồng. Trong số 57 trường hợp cấp GCNQSDĐ không đúng quy định nêu trên, có hộ ông Hường với số thửa 63/4 tờ bản đồ số 10.
Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên, theo Thanh tra huyện Tiên Phước là do thời điểm đó, UBND xã Tiên Lãnh đề ra chủ trương người dân ủng hộ ngân sách làm đường thì được giao đất. Thêm nữa, UBND xã đã phân lô trên bản đồ địa chính và lập thủ tục giao đất ở, ghép với thủ tục giao đất nông nghiệp. Thanh tra huyện đã tham mưu UBND huyện Tiên Phước xử lý trách nhiệm đối với các đối tượng có liên quan đến sai phạm, và ra quyết định thu hồi 57 GCNQSDĐ nói trên. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là vẫn chưa có hướng giải quyết đất ở cho các trường hợp bị thu hồi GCNQSDĐ, khiến tình hình tranh chấp đất đai, khiếu nại kéo dài như trường hợp của hộ ông Nguyễn Xuân Hường vẫn cứ dây dưa.
Theo Hàn Giang - Vinh Anh, Báo Quảng Nam
Giúp dân sửa đường ở Tiên Lãnh
Phá rừng lấy đất trồng keo ở xã Tiên Lãnh
Trồng keo thành tỷ phú ở Tiên Lãnh
Vẹn một chữ tình cùng quê hương tuồng Tiên Lãnh