Vì lòng yêu trẻ
Nếu không có tấm lòng yêu trẻ, những cô giáo mầm non chắc khó bám trụ với nghề bởi hàng ngày luôn đối diện với bao áp lực...
1. Đầu tháng 11, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Phước nhận được đơn xin nghỉ việc của một cô giáo trong biên chế của ngành. Ngành đang cần thêm 58 giáo viên nữa mới đủ đáp ứng cho số lượng trẻ đến lớp, trong khi đó lại có một giáo viên làm đơn xin nghỉ việc! Nhiều người mong vào biên chế không được, còn cô giáo N. lại muốn ra khỏi ngành.
Lúc còn là người chưa vướng bận chuyện con cái, với mức lương của một cô giáo đã vào biên chế, cô N. có thể tạm lo toan cho cuộc sống. Từ khi có con, sau 6 tháng nghỉ thai sản, cô N. đi làm lại và đối mặt với nỗi lo làm sao vừa đi làm vừa trông con. N. thuê người, nhưng khổ nỗi, mức lương của N. chỉ đủ để trả tiền trông trẻ, không thể lo thêm dù bất cứ một khoản nào.
Một ngày lên lớp của giáo viên mầm non thường xuyên kéo dài hơn 8 giờ làm việc. Ảnh: L.D |
Đi làm, cô N. cần đổ xăng xe, cần mua sữa cho con, và còn trăm thứ cần chi tiêu khác. Tính đi tính lại, N. bàn với chồng xin nghỉ việc. “Nghỉ việc ở nhà trông con, khi con lớn, tôi đi làm, hoặc vừa trông con vừa giữ thêm 1 - 2 trẻ nữa. Như thế có thể vẹn cả đôi đường. Chứ đi làm mà tiền lương không đủ lo cho cuộc sống thì cũng bằng không. Với lại nghề giáo viên mầm non, vất vả lắm! Trẻ nhỏ đang tuổi muốn khám phá, hở ra là chọc ghẹo nhau ngay, lỡ trên lớp chạy đụng gì trầy xước thì hôm đó có chuyện. Phụ huynh hiểu cho mình còn đỡ, nếu gặp phụ huynh nói này kia thì khổ lắm” - cô N. tâm sự.
Nói như cô N. khi đi làm mà tâm không yên vì lo cho con ở nhà thì công việc sẽ không hiệu quả. Dù đã vào biên chế, dù thấy tiếc nuối khoảng thời gian đã cố gắng vì công việc, và dù có nhớ nhung lớp học với tiếng bi bô của trẻ nhỏ, nhưng cô N. không thể bám trụ được nữa vì cuộc sống không đơn giản như thời son rỗi.
2. Mỗi ngày, cô giáo Đoàn Thị Thùy Trang chạy xe máy từ thị trấn Trà My đến Trường Mẫu giáo xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước) để làm công việc của mình. Sáu giờ rưỡi sáng, cô phải có mặt ở trường để đón các cháu. Một ngày làm việc của cô giáo Trang kéo dài đến hơn 5 giờ chiều, khi đứa trẻ cuối cùng rời khỏi lớp, cô mới bắt đầu hành trình trở về lại nhà của mình ở Bắc Trà My. Ngày nào cũng thế, cô phải dậy sớm lo bữa sáng cho con gái đang học lớp 2, rồi giao con cho chồng lo, còn cô phải chạy đi dạy sớm. Khi xong một ngày dạy, cô về đến nhà trời đã tối mịt.
“Làm cô giáo mầm non, không chỉ là trông trẻ, mà còn là nuôi dưỡng, dạy dỗ, định hướng cho trẻ phát triển trong những năm đầu đời. Cũng là nghề giáo, nhưng làm nhà giáo mầm non, có nhiều điều khó nói lắm! Nếu không vì yêu trẻ, yêu nghề thì nhiều cô giáo mới vào làm như tôi chắc khó trụ với nghề được. Một lớp 40 trẻ, 2 cô trông cả ngày, nếu cô nào có con nhỏ thì được ưu tiên đi trễ hơn một chút và về sớm hơn một chút, đỡ đần cho nhau” - cô giáo Trang tâm sự. Công việc của giáo viên mầm non, không gói gọn trong một ngày 8 tiếng đồng hồ. Đi sớm, về muộn là chuyện thường ngày. Vậy nhưng, giáo viên mầm non dù học bậc đại học hay cao đẳng, cũng như một giáo viên học bậc trung cấp mà thôi. Khi mới vào nghề, họ chỉ được hưởng mức lương dành cho trình độ ở bậc trung cấp. Hợp đồng lao động như cô giáo Trang, lương tháng sau khi trừ các khoản chỉ còn chừng 2 triệu đồng, không đủ thiếu vào đâu cả. Có khi đến tháng nhận lương chỉ quay qua ngó lại chẳng còn để mà mua nổi cho con hộp sữa.
Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, lương giáo viên mầm non quá thấp là thực trạng chung của cả nước. Ông Huy cho biết: “Ở huyện Tiên Phước đã có giáo viên mầm non trong biên chế xin nghỉ việc, và nhiều giáo viên trong diện hợp đồng khác không thể chịu nổi áp lực của nghề cũng xin nghỉ đi làm việc khác. Đó là thực trạng buồn đáng để những người làm công tác giáo dục phải suy ngẫm.
Trong điều kiện của một huyện miền núi còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, huyện biết đó, nhưng cũng không thể có chính sách gì động viên các cô giáo mầm non được. Giờ chỉ biết trông đợi vào chính sách ở Trung ương đề ra cần phải xem nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù của ngành giáo dục, có cách tính lương, khung lương sao cho phù hợp với công sức lao động. Chứ cách tính lương hiện nay thì giáo viên mầm non học đại học hay cao đẳng cũng chẳng khác giáo viên học trung cấp, như thế không công bằng”.
Lê Diễm - Báo Quảng Nam