Vị ân sư của Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng là nhà cách mạng lớn của đất Quảng cũng như cả nước. Ngoài tài năng và chí tự học, ông còn nhận được sự tài bồi của một vị “ân sư” - người đã hết lòng dạy dỗ và giúp đỡ để ông thành danh!
Vị ân sư của Huỳnh Thúc Kháng
Thầy Trần Đình Phong và trò Huỳnh Thúc Kháng. |
Trong bài Phải chăng là cái số “Trước phúc đầu họa” đăng trên báo Tiếng Dân vào năm 1938, Huỳnh Thúc Kháng còn cho biết, ông học ở trường tỉnh (Thanh Chiêm, Điện Bàn) cùng với 40 người khác gồm cả học sanh (học sinh bình thường), ấm sanh (con của các quan nên được hưởng tập ấm) và cử nhân (những người đã đỗ trong kỳ thi Hương, chuẩn bị thi Hội) trong đó có Phạm Liệu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến... do Đốc học Trần Đình Phong làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Trong các kỳ sát hạch, bài của Huỳnh Thúc Kháng luôn được đứng đầu. Ông rất ngạc nhiên vì cho rằng sức học của ông không hơn gì mấy vị kia vì thế nghi là được thầy ưu ái. Quả đúng như vậy, một lần: “Cụ Đốc học Mã Sơn bảo: học sanh lương ít - ít hơn ấm sanh và cử nhân, lương ưu mỗi tháng chỉ có 16 quan tiền thôi - anh nhà xa trường, lại nghèo, nên phê cho hạng ưu đặng có thêm tiền ăn học”.
Sau này các con của thầy Trần Đình Phong như Trần Đình Diệm, Trần Đình Phiên và Trần Đình Nam… cũng luôn sát cánh cùng Huỳnh Thúc Kháng trong sự nghiệp cách mạng. Trần Đình Diệm (con thứ ba) là Đại biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ mà Huỳnh Thúc Kháng là Viện trưởng đã từ chức để ủng hộ việc Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng nhằm phản đối thái độ trịch thượng, thực dân của Khâm sứ D’Elloy. Trần Đình Phiên (con thứ 5) là người đã nối thông tin giữa hai tù nhân Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ở Côn Đảo với quê nhà Tiên Phước và cũng là người quản lý báo Tiếng Dân mà Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút suốt 16 năm. Trần Đình Nam (con thứ 9) là cộng tác viên thường xuyên cho tờ Tiếng Dân, nhất là ở mục phổ biến kiến thức y học hiện đại.
Đốc học Trần Đình Phong
Trần Đình Phong hiệu là Mã Sơn, sinh năm 1843 tại thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Năm 1868 ông thi đỗ tú tài nhưng mãi đến năm 1876 mới đỗ cử nhân và 1879 đỗ tiến sĩ. Ông từng trải qua các chức vụ Hàn Lâm Sơ Phụ (phụ trách biên tu lịch lý các quan - năm 1879), tri phủ Kiến An, kiêm lý huyện Bình Giang, Hải Dương (1881 – 1885), Đốc học Quảng Nam (1893 – 1905), Tế tửu Quốc tử giám (1905 – 1908), Biên tu Quốc sử quán (1909 - 1919). Ông mất khi đang tại chức ở Huế vào năm 1920, thọ 73 tuổi.
Bên cạnh việc dạy học, Trần Đình Phong còn chú tâm biên soạn sách với mong muốn để lại tài liệu cho các nhà nghiên cứu sử sau này và giáo dục truyền thống cho đời sau. Ông là tác giả của Quốc triều chánh biên toát yếu, Trần tộc thế phả (gia phả của tộc Trần), Quỳ Trạch Đăng khoa lục. Đây là cuốn sách ghi chép những người thi đỗ từ bậc hiếu sinh trở lên, phần viết kỹ nhất là những người đỗ thi hương, thi hội và thi đình (tức trung khoa và đại khoa). Đó là một công trình khảo cứu biên soạn công phu.
Cuốn “Thanh Khê xã chí” là cuốn địa chí viết về quê hương ông, từ địa lý, đặc điểm núi sông, đến lịch sử, đồng điền, con người, phong tục, tập quán của người dân.
Đối với đất Quảng, nơi ông làm Đốc học suốt 12 năm từ 1893 đến 1905, ông đã rất thành công không những trên cương vị một người quản lý giáo dục, một nhà sư phạm mẫu mực tài năng đã đào tạo nhiều học trò thành danh trên đường khoa cử và cả trên sứ mạng lịch sử của một nho sĩ. Thời ông làm Đốc học, Quảng Nam có 5/15 tiến sĩ (33%), 7/24 phó bảng (29,2%) và 42/254 cử nhân (16,5%) với nhiều thành tích nổi tiếng như khoa thi Ngũ phụng tề phi (khoa thi năm 1898 với 3 tiến sĩ và 2 phó bảng), khoa thi Hương năm Canh Tý, 1900 (Quảng Nam có 14/42 người đỗ và chiếm 4 vị trí đầu bảng), khoa thi Hội năm 1901 với danh hiệu tứ tuyệt (có 4 phó bảng), khoa thi Hội năm 1904 với hai người đỗ đầu (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp). Không những thế, nhiều học trò của ông đã dấn thân vì nước trở thành những nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện… Phan Châu Trinh với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, được xem là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ, là “khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ 20” (Sử gia Pháp, Daniel Hémely). Huỳnh Thúc Kháng là nhà cách mạng, sáng lập tờ báo Tiếng Dân và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo này để đấu tranh công khai với thực dân Pháp. Trần Quý Cáp đi vào lịch sử dân tộc với bản án “Mạc tu hữu” để đời, Phan Thúc Duyện nhà Duy tân thực hành số một…
Bài Quảng Nam tỉnh phú của ông viết về địa lý tỉnh Quảng Nam, gồm số phủ, huyện, núi sông, nhân vật, thổ sản... với 199 câu và 1.904 chữ, là một bài phú hay về mặt văn chương và là tư liệu quý để tìm hiểu về một vùng đất đặc biệt. Trong Quảng Nam tỉnh phú, ông đã hết lời ngợi khen xứ Quảng: “Trải xem non cao thủy thanh, thấy rõ hàng châu danh thắng. Mới biết địa linh nhân kiệt nảy sinh anh tuấn khác thường. Nam cung ứng tuyển, nhạn tháp đề danh”.
Không chỉ các học trò mà người Quảng luôn biết ơn tài năng và nhất là tấm lòng của một ông đồ xứ Nghệ đã dành cho quê hương họ!
Lê Thí - Báo Quảng Nam