Về quê cụ Huỳnh
Có lẽ năm nào tôi cũng có đôi lần về thăm lại vùng trung du Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), quê hương của hai nhà cách mạng, nhà trí thức lớn của thế kỷ 20 là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng.
Tiên Phước lại có một làng cổ Lộc Yên độc đáo ở xã Tiên Cảnh với những khu vườn rợp bóng mít, bóng cau; những vườn tiêu xanh nghịt. Tiêu leo lên những cây mít vườn, bên dưới là những vườn dứa thơm và các loại cây ưa bóng râm khác. Vươn cao hơn nữa là những tán cau luôn xao động tiếng chim, tạo ra một mô hình vườn đồi “3 tầng sinh thái” đặc sắc.
Đặc biệt là những lối đi, những ngõ đá quanh co, phủ đầy rêu xanh theo các giậu chè tàu được cắt xén khá đẹp, uốn theo các sườn đồi dẫn vào những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi bằng gỗ mít, tạo cho Lộc Yên sắc thái không lẩn với nhiều làng trung du khác…
Nhà cổ Lộc Yên, theo giảng giải của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, được chạm trổ từ bàn tay tài hoa của những người thợ của hai làng mộc Vân Hà ở phía nam xứ Quảng, và Kim Bồng ở Hội An… Ông Hỷ còn nói, năm 1960, ông Ngô Đình Diệm từng đến đây để hỏi mua một ngôi nhà 300 năm tuổi nhưng đã bị từ chối…
Những vườn đồi “3 tầng sinh thái”, những ngõ đá và làng cổ Lộc Yên đã đi vào ca dao ở Tiên Phước: “Có duyên lấy được chồng nguồn/ ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui…” đang được nhiều đơn vị lữ hành giới thiệu trong các tour du lịch về Tiên Phước từ vài năm nay. Đây cũng là dịp đến viếng thăm di tích quốc gia, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chính khách và hơn thế là một nhà báo lừng danh xứ Quảng, chủ nhiệm báo quốc ngữ Tiếng Dân lừng lẫy vào nửa đầu thế kỷ 20.
Nằm ngay trên tỉnh lộ nối liền thành phố Tam Kỳ với huyện lỵ Tiên Phước, nhà lưu niệm cụ Huỳnh nhìn thẳng ra một vùng ruộng lúa bậc thang và dãy núi Sơn Ve xanh biếc.
Ông Huỳnh Văn Thoàn, một người cháu đang trông coi nhà lưu niệm cho biết, đây là ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh xây dựng từ giữa thế kỷ 19, theo lối kiến trúc nhà rường rất phổ biến trong vùng, cũng với những đường nét chạm trổ tinh xảo trên gỗ. Tuy đã được tu bổ nhiều lần nhưng các đặc điểm kiến trúc và khuôn viên vườn xưa vẫn được giữ lại.
Trong nhà, ngoài gian giữa đặt bàn thờ cụ, còn có gian tư liệu, hình ảnh giới thiệu thân thế, sự nghiệp của cụ, từ trước khi bị đày ra Côn Đảo, nghị viện Trung kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân rồi tham gia Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Nội vụ và quyền Chủ tịch nước.
Chúng tôi cùng kính cẩn thắp hương trên bàn thờ cụ Huỳnh mà trong tâm trí như còn vang vọng những điều cụ đã viết: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói” mà trong suốt 16 năm làm báo Tiếng Dân (1927-1943) cụ Huỳnh đã giữ được cho mình, cho báo mình lập trường ấy.
Cuối năm, thấp thoáng giữa những vườn đồi Tiên Phước là những cội mai đang khoe sắc đón mùa xuân. Những chuyến xe xuôi ngược đồng bằng - trung du như nặng thêm ân tình của những đi về, chở gởi. Chúng tôi về Tiên Phước, vì vậy, cũng đồng nghĩa với một chuyến hành hương có ý nghĩa…
Bài hát Quê em miền trung du của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn bất chợt vang lên trong buồng lái của chuyến xe. Cho dù Tiên Phước không có những nương dâu, những cánh đồng ngút mắt như hình ảnh trung du miền Bắc như trong bài hát, cũng không còn những năm tháng đau thương mùa ly loạn… nhưng quê hương cụ Huỳnh trong điệu valse xao xuyến của bài hát và những ca từ Bao lòng dân đang chờ mong… Từ mờ sáng tinh mơ… Anh về thôn cũ… Lòng dân đón anh về… cứ vẫn tươi mới như vừa hôm qua! Lời ca ấy cứ như lảng vảng trên suốt con đường trung du quanh co rợp bóng cây xanh ngày tôi trở lại…
Trương Điện Thắng - Báo Đà Nẵng