www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vẹn nghĩa trọn tình

Những ngày tháng Ba lịch sử chúng tôi may mắn được theo chân những cựu cán bộ kháng chiến năm xưa của huyện miền núi Tiên Phước do ông Lưu Văn Chính, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn về thăm lại chiến trường xưa và chứng kiến những cuộc hội ngộ đầy xúc động giữa những cán bộ cách mạng năm xưa với bà con đã từng trụ bám “một tấc không đi, một ly không rời” để nuôi giấu, chở che cách mạng trong kháng chiến.

       Điểm đến đầu tiên của đoàn là xã Tiên Phong - địa phương dẫn đầu toàn huyện về thành tích bám trụ kiên cường để xây dựng căn cứ cách mạng trong kháng chiến, là địa phương đầu tiên của huyện được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978.

        Sau những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười rạng rỡ, những lời thăm hỏi ân cần của hàng chục năm xa cách, cả “khách” và “chủ” lại hướng về nghĩa trang liệt sĩ xã - nơi có hàng trăm đồng chí, đồng đội và người thân mãi mãi nằm lại với đất mẹ Tiên Phong để cùng viếng hương và hoài niệm về những năm tháng gian lao, vất vả nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Buổi gặp mặt tại nhà văn hóa xã diễn ra trong không khí đầm ấm, nghĩa tình. Hai thế hệ trẻ - già cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ, kể cho nhau nghe về quá khứ vinh quang để hun đúc thêm lòng tự hào, đồng thời chia sẻ chia sẻ niềm vui, về những thành quả qua gần 40 năm xây dựng quê hương trong hòa bình, độc lập. Những món quà trao tay, lời động viên, nhắc nhở chân tình đã thể hiện tấm lòng của những cựu cán bộ kháng chiến với ân nhân của mình.

 

Đoàn cán bộ về nguồn tặng quà cho gia đình chính sách tiêu biểu. Ảnh: PHẠM HOÀNG
Đoàn cán bộ về nguồn tặng quà cho gia đình chính sách tiêu biểu. 

 

         Ông Lưu Văn Chính, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện sống tại Đà Nẵng cho biết: “Đây là hoạt động được chúng tôi tổ chức từ lâu, nhưng thường xuyên nhất là từ năm 2011 đến nay. Trong 4 năm qua, chúng tôi đã tổ chức 5 chuyến về thăm lại hầu hết các vùng căn cứ cũ từ Tiên Lộc, Tiên Lập, Tiên An, vùng Lãnh - Ngọc, Sơn - Cẩm - Hà và đến năm nay là Tiên Phong, Tiên Thọ. Điều xúc động nhất là đi đến đâu chúng tôi cũng được bà con tiếp đón ân cần như những người thân đi xa về lại. Tôi còn sống ngày nào thì tôi còn trở về với bà con”. Cô Hồ Thị Bích Hường, cũng sinh sống tại Đà Nẵng, là một trong những thành viên đầu tiên tích cực tham gia hoạt động này từ năm 2011. Mặc dầu đang điều trị tại bệnh viện nhưng cô cũng đã cùng các đồng đội cũ lặn lội về với Tiên Phong, Tiên Thọ để rồi bồi hồi, xúc động nhớ lại kỷ niệm sâu sắc một thời khó khăn, gian khổ được nhân dân chở che, đùm bọc, giúp đỡ.

        Cô Hường cho biết, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, nếu không có sự cưu mang của nhân dân thì cô và nhiều đồng đội sẽ không còn cơ hội để có ngày hôm nay. Nhiều tên đất, tên người ở vùng quê cách mạng này đã ăn sâu vào tâm khảm của cô như một phần máu thịt không thể nào quên. Cô Hường thổ lộ: “Mỗi năm tôi đều về thăm quê hương Tiên Phước, thăm lại chiến trường xưa, nhưng sau khi trở về nhà vẫn thấy nhớ dòng sông Tiên hiền hòa, thơ mộng, nhớ ngõ đá, hàng chè tàu với những khu vườn xanh mướt và nhớ nhất là những người dân quê chân chất, nghĩa tình”.

 

Ông Lưu Văn Chính (bên phải), nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước trong kháng chiến thăm bà con thôn 10, xã Tiên Thọ.
Ông Lưu Văn Chính (bên phải), nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước trong kháng chiến thăm bà con thôn 10, xã Tiên Thọ.

 

 Trong đợt về nguồn lần này đoàn cựu cán bộ kháng chiến huyện Tiên Phước tự nguyện đóng góp và quyên góp tặng hơn 60 suất quà với tổng trị giá gần 20 triệu đồng cho các gia đình chính sách tiêu biểu và các em học sinh là con em gia đình chính sách khó khăn, vượt khó học giỏi trên địa bàn 2 xã Tiên Phong, Tiên Thọ.

         Điểm đến tiếp theo của đoàn về nguồn lần này là thôn 10 xã Tiên Thọ. Trong kháng chiến, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, nơi đứng chân của Huyện ủy, Huyện đội Tiên Phước và các cơ quan khác của huyện. Trong những thời điểm cam go nhất  của cuộc chiến, nhiều hộ dân nơi đây vẫn kiên cường bám trụ làm chỗ dựa vững chắc để lực lượng vũ trang huyện tiến công địch. Hơn 40 năm đã đi qua nhưng tình cảm của bà con nơi đây với cán bộ cách mạng vẫn còn nguyên vẹn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Họ cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời máu lửa, nhường cơm sẻ áo phục vụ kháng chiến, cùng trao đổi tâm tư, tình cảm, thăm hỏi tình hình đời sống của nhau.

         Chị Đặng Thị Tám -  một trong những gia đình chính sách của thôn 10 nói: “Chúng tôi rất cảm động, không biết nói gì hơn là chân thành cảm ơn các thành viên trong đoàn mặc dầu tuổi cao, sức yếu nhưng các anh, các chị vẫn còn nhớ về chúng tôi, lặn lội trở về thăm hỏi, tặng quà”. Tất cả đều chung niềm phấn khởi, bởi sau gần 40 xây dựng và phát triển, đời sống của nhân dân thôn 10 đã có bước cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17%, giao thông đi lại đã thuận tiện hơn trước.

        Hoạt động về nguồn thăm lại chiến trường xưa, ân nhân cũ đã trở thành nét đẹp đáng quý của cựu cán bộ kháng chiến huyện Tiên Phước. Việc làm này không chỉ được nhân dân vùng căn cứ cách mạng mà cả lãnh đạo huyện Tiên Phước cũng hết sức ghi nhận và ủng hộ. Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Hường Văn Minh cũng đã tích cực tham gia với đoàn và đánh giá cao hoạt động này. Ông Minh nhấn mạnh, đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là hình thức giáo dục hiệu quả nhất về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. UBND huyện luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để đoàn tổ chức thành công những chuyến đi nghĩa tình như thế này.

                                                    Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam