Tri ân thầy cô giáo cũ ở Tiên Phước
Những thầy cô giáo, cán bộ công tác trong ngành giáo dục tại huyện Tiên Phước giai đoạn 1975 - 1985 vừa có cuộc gặp mặt hết sức cảm động và đầy ý nghĩa. Từ vùng đất Thanh Hóa xa xôi, thầy giáo Đậu Văn Kiên (nguyên Hiệu trưởng trường Cấp I - II Tiên Sơn) không quản ngại sức khỏe, đường xa để đến với buổi gặp mặt.
Nước mắt ngày gặp lại
“Được trở lại Tiên Phước, tôi như trở lại nhà của mình. Thời điểm ấy, đi dạy ở các xã vùng cao của huyện khó khăn lắm, các thầy cô giáo chia nhau từng chén cơm, bát nước, hát cho nhau nghe mỗi khi đêm về để đỡ nhớ nhà, nhớ quê, nhất là các cô giáo trẻ. Đã hơn 30 năm, giờ Tiên Phước khác xưa nhiều quá. Thế hệ học sinh một thời của tôi giờ cũng đã có gia đình, sự nghiệp, con cái hết cả rồi. Giờ gặp lại không thể tránh khỏi xúc động” - ông Kiên tâm sự. Hơn 400 giáo viên, cán bộ (trong số 600 người đến Tiên Phước công tác trong ngành giáo dục giai đoạn này) có mặt tại buổi gặp mặt hôm ấy đã đem đến và chia sẻ biết bao câu chuyện trong sự nghiệp giáo dục của huyện Tiên Phước thời buổi khó khăn, gian khổ. Biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi các thầy cô giáo bồi hồi ôn lại quá khứ gian khó một thời.
Những bó hoa tươi thắm thể hiện lòng tri ân với các thầy cô giáo, cán bộ ngành giáo dục Tiên Phước giai đoạn 1975 - 1985
Ngày ấy, năm học đầu tiên sau giải phóng, toàn huyện Tiên Phước chỉ có 18 trường học (gồm 17 trường cấp I và 1 trường cấp II) với 262 lớp, hơn 9.200 học sinh. Cấp học mầm non chỉ có 1 nhà trẻ nuôi dạy từ 30 đến 50 cháu là con em cán bộ trong biên chế nhà nước; 1 trường bổ túc văn hóa tập trung có nhiệm vụ giảng dạy cho cán bộ cốt cán của huyện. Đội ngũ giáo viên lúc này chỉ có 143 người được đào tạo cấp tốc trong 3 tháng hè để phục vụ cho năm học mới. Trong giai đoạn này, phong trào xóa mù chữ và bổ túc văn hóa được tổ chức rộng khắp.
Sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên đã giúp huyện hoàn thành xóa mù chữ cho nhân dân vào đầu năm 1978. Sự nghiệp giáo dục phát triển, nhiều người thầy, người cô, cán bộ giáo dục từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước được bổ sung cho huyện Tiên Phước. Gắn bó với Tiên Phước một thời rồi những nhà giáo ấy lại đến những nơi khác hoặc về lại quê hương để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Để đến hôm nay, sau hơn 35 năm, các thầy cô giáo được gặp nhau với nước mắt lưng tròng. Bây giờ, những mái tóc đã bạc vương vấn trao nhau những cái ôm thắm thiết và những cái bắt tay thật chặt như không muốn chia ly thêm một lần nữa.
Bồi hồi gặp lại đồng nghiệp xưa
Thầy Đỗ Văn Tây (ở Đà Nẵng, nguyên Hiệu trưởng trường Cấp I - II Tiên Cảnh) không thể nào quên thời gian giảng dạy ở Tiên Phước. Thầy kể: “Ngày đó, điều kiện đi lại của huyện còn hết sức khó khăn, đường đá chông chênh, cầu cống tạm bợ, quãng đường từ thị trấn đến các xã vùng ven, vùng xa trở nên quá dài đối với thầy cô mỗi khi mùa mưa đến. Những gian nan, vất vả, hiểm nguy trên các con đường đi qua đèo Liêu hay các con dốc Eo Bò, Nước Nhĩ, Đá Chẹt… và mùa nước lũ trên các sông Trạm, sông Tranh, sông Khang, sông Tiên không ngăn được những đôi chân tràn đầy sức trẻ của chúng tôi”.
Trong ký ức của thầy Tây, không thể quên những ngôi trường tạm bợ bằng tranh tre nứa lá, tường được đắp bởi đất sét trộn rơm do chính tay phụ huynh và thầy cô dựng lên. Mỗi lúc nắng, lúc mưa thì thầy và trò phải làm bạn với nắng mưa, nhưng tinh thần lạc quan vẫn tràn trề. Hồi ấy, những câu thơ kiểu như: “Nắng thương rọi sáng vở trò/ Mưa thương mát áo thầy cô mỗi chiều” thường được thầy cô đọc cho nhau nghe để khuyến khích nhau, hy vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn.
Ngập tràn hạnh phúc ngày gặp lại
Tri ân
Nắm thật chặt đôi tay của những người thầy, người cô đã cống hiến một thời thanh xuân cho quê hương Tiên Phước, Chủ tịch UBND huyện Hường Văn Minh không giấu nổi niềm xúc động nói: “Bao thế hệ học trò của các thầy cô tại Tiên Phước không thể nào quên giai đoạn khó khăn ấy. Chính các thầy, các cô luôn sẵn sàng nhường cả miếng cơm cho học trò, rồi còn lặn lội khắp nơi kêu gọi học trò đến trường, bày cho từng con chữ, con số. Đã gần 40 năm kể từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, từ những bước đầu tiên, trải qua bao thăng trầm, gian khổ, đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn luôn bám trụ để ngành giáo dục huyện có được những thành quả như ngày hôm nay”.
Quyến luyến không muốn chia tay
Ông Minh cũng chia sẻ rằng, thời gian có thể xóa mờ nhiều thứ, nhưng không thể nào làm phai đi hình ảnh các thầy cô giáo một thời vất vả trong ký ức người dân và bao thế hệ học trò Tiên Phước. Trong giây phút này, chắc hẳn trong mỗi người đều đang có những hồi ức về mái trường, nơi gắn liền với những kỷ niệm buồn vui nhưng chứa đầy khát vọng. Mỗi người con Tiên Phước hôm nay nguyện mãi mãi ghi nhớ công ơn của thế hệ thầy cô giáo một thời gắn bó và cống hiến cho Tiên Phước.
Thời đó, khó khăn gian khổ vô cùng, nhưng chính hình ảnh những em học trò vai mang cơm gói muối, chân không lội bộ, tay ôm tập vở đến trường, với bộ áo quần phong phanh trong mùa mưa lạnh ở vùng quê nghèo đã níu chân thầy cô ở lại. Đề rồi hôm nay các thế hệ học trò ấy đã nên người, mời thầy cô về lại chốn xưa để được nói lời tri ân. Trong buổi gặp mặt hôm ấy, có người về được, nhưng có người không về được vì tuổi cao sức yếu hoặc đã ra đi mãi mãi, nhưng nhân dân Tiên Phước mãi vẫn không quên những người đã một thời gieo chữ trên mảnh đất quê hương.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam