www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trăm năm Tiên Phước

Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép, tháng 11 năm Bính Thìn (1916) vua Khải Định cho phép lập huyện Tiên Phước trên cơ sở “trích các tổng thượng du của hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ”. Năm tháng đi qua. Và vùng trung du nhấp nhô gò đồi với tên gọi chính danh Tiên Phước cũng đã tròn trăm năm…

 

Thị trấn Tiên Kỳ - Tiên Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thị trấn Tiên Kỳ - Tiên Phước. 

1. Hàn huyên về chuyện quê chuyện đời, cậu em tôi bảo, Tiên Phước được mọi người biết đến trước đó từ lâu. Khi thương cảng Faifo của xứ Đàng Trong bắt đầu sầm uất, sản vật của vùng quê có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng với dòng chảy ngược từ đông sang tây đã góp mặt ở đấy rồi. Các tàu buôn người Tây dương đều rất ưa chuộng các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, quế, cau, chè… của vùng quê Tiên Phước. “Trải qua bao cuộc bể dâu…”, miền trung du nhấp nhô gò đồi này lại là nơi xuất hiện những nhân vật kiệt hiệt lưu danh đến muôn đời. Có lần ngồi trò chuyện với tôi, PGS-TS. Ngô Văn Minh đã ngược dòng thời gian lật lại từng trang sử địa phương mà ông đã dày công nghiên cứu bao năm. Người dân Tiên Phước vốn lành hiền chất phác. Họ chỉ mong ước có được một cuộc sống yên bình, no đủ, con cái được học hành tử tế… Thế nhưng thời ấy, đấy lại là khát vọng ngoài tầm tay với. Tôi nhớ, mở đầu bài thơ “Gạo và tiền” của mình, cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “Nền xã hội rất cần là sự sống/ Gạo và tiền là hai giống đầu tiên”. Tuy nhiên, dưới thời thuộc Pháp, “hai giống đầu tiên” ấy, lại bị ngoại bang tước đoạt khiến bao lương dân lâm vào cảnh bần cùng lầm than.

Từ bỏ chốn quan trường, cụ Huỳnh Thúc Kháng ở làng Thạnh Bình và cụ Phan Châu Trinh ở làng Tây Hồ (lúc bấy giờ thuộc huyện Tiên Phước, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) cùng với cụ Trần Quý Cáp ở làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, thực hiện chuyến nam du xem xét tình hình để vạch ra chương trình hành động sau này. Đến Bình Định, gặp kỳ thi hạch, cả ba lấy tên Đào Mộng Giác ứng thí, làm bài phú “Lương ngọc danh sơn” phê phán tư tưởng vào luồn ra cúi của đám quan lại cam chịu kiếp tôi đòi. Bài phú đã gây tiếng vang lớn, làm rúng động cả Trung kỳ. Khi từ giã cõi đời, cụ Phan Châu Trinh để lại cho hậu thế tư tưởng canh tân đất nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Còn cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau Cách mạng 8.1945, tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từng đảm đương cương vị Quyền Chủ tịch nước. Lúc cụ Huỳnh mất, trong bức thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Đường lên Tiên Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường lên Tiên Phước.

“Ôm ấp chí lớn giải phóng dân tộc, canh tân đất nước, ở Tiên Phước còn có những nhân vật kiệt hiệt khác nữa. Đó là cụ Lê Cơ và gia đình cụ Lê Vĩnh Khanh”. Anh Nguyễn Tiến - người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử làng xã Tiên Phước, bảo với tôi. Đúng vậy. Cụ Lê Cơ là người thực hành tư tưởng canh tân đất nước của cụ Phan Châu Trinh tại làng Phú Lâm vào những năm đầu thế kỷ XX. Ít người biết được rằng, hơn trăm năm trước, cụ đã khởi xướng việc cắt tóc ngắn, ăn mặc theo kiểu mới, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, lập các hội đoàn làm ăn buôn bán… Còn gia đình cụ Lê Vĩnh Khanh là một gia đình vì nước mà hy sinh tất cả. Từ cụ Lê Vĩnh Khanh đến hai con là Lê Vĩnh Huy, Lê Quý Liên rồi tới các cháu nội Lê Triêm, Lê Duyện, Lê Liễn… không những hết lòng ủng hộ phong trào Đông du, phong trào Nghĩa hội, mà còn trực tiếp tham gia phong trào bạo động, lãnh đạo nghĩa quân bao vây phủ đường Tam Kỳ vào năm 1916. Tiên Phước trước và sau Cách mạng 8.1945, đều có những mốc son chói lọi. Nhất là khi hai Chi bộ Đảng Thạnh Bình và Tài Đa ra đời rồi Đảng bộ huyện được thành lập, bất chấp những cuộc thảm sát đẫm máu của kẻ thù, người dân Tiên Phước vẫn ngoan cường đứng lên chống giặc ngoại xâm.

2. Mùa xuân 1975. Cùng với Tây Nguyên, Tiên Phước được chọn làm nơi nổ phát súng lệnh đầu tiên mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Và từ đó, trải qua một thời gian dài vần xoay trong cảnh khó khăn, khi tỉnh Quảng Nam được tái lập, Tiên Phước đã có sự bứt phá vươn lên ngoạn mục. Trong lúc “trà dư tửu hậu” với tôi, ông Lưu Văn Chính - người chứng kiến bước phát triển “từ không đến có” của Tiên Phước, bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, hộ nghèo đại trà, hộ đói cũng khá nhiều. Còn bây giờ, sau hơn 40 năm xây dựng, hộ đói không còn, hộ nghèo chỉ chiếm 9,80% theo tiêu chí cũ, 14,02% theo tiêu chí mới. Đúng là đổi thay không ngờ, cứ ngỡ như mơ”. Trò chuyện với anh Phạm Hoàng ở Đài Truyền thanh - truyền hình Tiên Phước, tôi mới hay rằng, những năm qua cơ sở hạ tầng ở vùng quê này được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, mạng lưới điện - đường - trường - trạm đã đáp ứng nhu cầu đi lại, học hành, khám chữa bệnh của người dân. Vùng sâu vùng xa một thời như Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Hà… bây giờ đã hết xa vì đường sá mở ra “ngon lành”. Ngay như thôn Tài Thành ở xã Tiên Hà từng là chốn “khỉ ho cò gáy” giờ đây cũng đã thông thương, cầu đường làm kiên cố, từ ngõ Tiên Châu vòng xuống Tài Thành rồi quành sang Sơn Cẩm Hà, đường sá không còn tình trạng hục hang lầy lội…

Diện mạo mới của vùng đất tròn trăm năm với tên gọi chính danh Tiên Phước được thể hiện rõ nhất là thị trấn Tiên Kỳ - trung tâm huyện lỵ. Cũng như tôi, rất nhiều người dân nơi đây vẫn nhớ mãi sự kiện trọng đại vào mùa thu 1995. Lúc bấy giờ, cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua sông Tiên nối liền các xã cánh nam với các xã cánh bắc huyện là chuyện “nằm mơ giữa ban ngày” đã thu hút hàng ngàn người về dự lễ khánh thành. Viễn cảnh về một tương lai tươi sáng đã mở ra. Và phải mất 15 năm sau thị trấn Tiên Kỳ mới có sự đổi thay. Hai bên bờ sông Tiên đoạn chảy ngay qua trung tâm thị trấn được đầu tư 152 tỷ đồng xây dựng kè chống xói lở. Con đường trải dọc dài theo bờ bắc sông Tiên với cầu Bình An 2 cũng đang được thi công. Trước đó, huyện cũng đã chỉnh trang nội thị, mở rộng thị trấn xuống ngõ Tiên Châu, ra phía Tiên Mỹ và “đông tiến” về hướng thôn Bình Yên. Có lần trò chuyện với anh Phạm Văn Đốc (lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nay là Bí thư Huyện ủy), anh say sưa phác thảo về diện mạo thị trấn Tiên Kỳ trong tương lai cho tôi nghe. Cứ ngỡ là chuyện viển vông, không ngờ bây giờ đã và đang trở thành hiện thực. Họa sĩ Nguyễn Dũng - bạn tôi, lên chơi Tiên Phước, đi dạo thị trấn Tiên Kỳ và nhận xét: “Phố núi quê ông đẹp như một bức tranh. Nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Đường ngang ngõ dọc khang trang, có gắn biển tên đường, có cây xanh tỏa bóng, khi chiều buông trông thật êm đềm thơ mộng…”. Vâng, nhiều người cũng đã bảo với tôi như vậy.

Người dân Tiên Phước chăm sóc vườn tiêu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người dân Tiên Phước chăm sóc vườn tiêu.

Đấy là thị trấn Tiên Kỳ. Còn các nơi khác? Cậu em tôi bật cười trước câu hỏi của tôi: “Anh đa nghi như Tào Tháo!”. Rồi cậu em cho hay, mấy năm gần đây huyện rất quan tâm đến lĩnh vực tam nông. Ai lập vườn trồng cây có hiệu quả đều được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun; chuyên canh hồ tiêu được hỗ trợ cây giống. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ vốn vay cho nông dân. “Làm ăn bây giờ không khó, nếu có chí lập thân lập nghiệp”. Cậu em tôi nói. Dự đám cưới con người bạn ở Tiên Châu, tôi hơi ngạc nhiên về độ “hoành tráng” như ở nhà hàng sang trọng. Người bạn cười: “Cái thời khốn khó đã qua rồi, khoản rugavina (rượu gạo Việt Nam) cũng đã lạc hậu. Chừ đời sống đã khấm khá, thành ra…”. Qua bạn bè, tôi được biết huyện có 3 xã nông thôn mới là Tiên Cảnh, Tiên Sơn và Tiên Phong đều đã đạt chuẩn, cuộc sống của người dân quê đã khá giả và họ chỉ còn lo… làm giàu mà thôi! Tôi lại nhớ bài thơ “Gạo và tiền” của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Gạo và tiền - “hai giống đầu tiên” ấy, bây giờ đã được địa phương xây nền xã hội vững chãi. Lai rai cà phê với anh Hường Văn Minh - Chủ tịch huyện Tiên Phước, anh cười: “Mấy năm nay, huyện đã cho dân vay trên 45 tỷ đồng để phát triển kinh tế vườn, trồng được 180ha thanh trà, 20.300 choái tiêu và hàng trăm héc ta cây ăn quả khác như lòn bon, măng cụt, sầu riêng…”. Vui chuyện, anh cho biết thêm, huyện cũng đã quy hoạch xong các vùng chuyên canh dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Khu vực Lãnh - Ngọc - Hiệp trồng thanh trà. Khu vực Châu - Mỹ - Cảnh là xứ sở lòn bon. Khu vực Kỳ- Mỹ- Thọ chuyên về cây tiêu. Còn cây nguyên liệu tập trung ở Sơn - Cẩm - Hà.

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, có thể nói, sau trăm năm thành lập huyện, người dân Tiên Phước giờ đây tính chuyện làm giàu với sự hỗ trợ khuyến khích của chính quyền địa phương. Và tôi nghĩ, đó là một kỳ tích của vùng quê nhấp nhô gò đồi trong thời mở cửa hội nhập.

                                    Ghi chép của NGUYỄN TAM MỸ  - Báo Quảng Nam