www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trồng keo thành tỷ phú ở Tiên Lãnh

 Có mặt trên đất gò đồi Tiên Phước từ những năm 90 của thế kỷ trước, cây keo đã giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Và một trong những gia đình trở thành tỷ phú nhờ trồng keo là vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Tân ở thôn 2 xã Tiên Lãnh.

              Anh Huỳnh Ngọc Tân nhớ lại những ngày tháng chưa xa: Chị Như - vợ anh, tham gia công tác phụ nữ của xã; còn anh làm thôn trưởng kiêm nhân viên phát thư báo cho ngành bưu điện. Đồng phụ cấp ít ỏi không đủ chi tiền xăng xe, nên anh chị phải tranh thủ thời gian làm ruộng, dựng máy xay xát gạo kết hợp với chăn nuôi heo để đảm bảo cuộc sống và cho các con ăn học. Hơn 10 năm vật lộn với bao khó khăn nhưng gia đình anh vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo.

         Năm 2003, Dự án 661 được triển khai tại địa phương, vợ chồng anh mới đăng ký trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình.Thấy cây keo thích hợp với đồi núi Tiên Lãnh, vợ chồng anh quyết định vay vốn đầu tư khai phá trồng mới 40ha keo lá tràm. Anh Tân cho biết: “Ngày đó, giao thông cách trở, việc vận chuyển hàng hóa đến với vùng quê Tiên Lãnh hết sức khó khăn, cây keo cũng chưa được khẳng định nên nhiều người không dám mạo hiểm đầu tư vốn liếng, công sức để trồng keo. Vì thế, đất gò đồi ở Tiên Lãnh bỏ hoang còn khá nhiều. Tham gia Dự án 661 tại địa phương, tôi thấy cây keo rất thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng quê bán sơn địa nên phát triển rất nhanh. Vợ chồng tôi mới mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng keo”.

                                        Keo lá tràm rất thích nghi với vùng gò đồi Tiên Lãnh

         Nhờ được chăm sóc chu đáo, diện tích keo của gia đình anh Tân phát triển xanh tốt cho năng suất cao. Năm 2011, vợ chồng anh đã bán keo thu về hơn 1 tỷ đồng, trở thành người đầu tiên của xã Tiên Lãnh có thu nhập tiền tỷ từ cây keo. Có vốn liếng, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư trồng mới trên diện tích vừa thu hoạch, đồng thời mua một chiếc xe tải để chở keo thuê cho các hộ trong vùng. Mỗi tháng, thu nhập từ việc vận chuyển thuê, vợ chồng anh cũng kiếm được trên 15 triệu đồng. Biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và cần cù, chịu khó làm ăn nên vợ chồng anh được nhiều người nể phục, khen ngợi.

                                  Cây keo hiện nay là cây xóa nghèo ở Tiên Phước

          Ông Lê Minh Sơn - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết: “Anh Tân là người hiền lành, chất phát, chí thú làm ăn, lại biết giúp đỡ người khác nên luôn được bà con trong thôn xóm thương yêu quý mến”. Kinh tế phát triển, vợ chồng anh có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện hai người con đầu của gia đình đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Cô con gái thứ ba đang học đại học sư phạm và cậu con trái út đang theo học lớp 12 trường huyện. “Niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là các con đều ngoan hiền, biết thương yêu, giúp đỡ ba mẹ và đặc biệt là chăm chỉ học tập, công tác đạt kết quả” - Anh Tân tâm sự.

                                    Phạm Hoàng - Quang Hạnh, Báo Quảng Nam