Trường PT Huỳnh Thúc Kháng, ký ức 40 năm
Bạn bè tôi từ phương xa mỗi lần ghé thăm ai cũng có cảm nhận rằng: Miền trung du Tiên Phước tuy đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều cái hay, nét đẹp về văn hóa truyền thống mang tính thuần nông. Trong giao tiếp tuy mang đậm chất “ăn cục nói hòn” nhưng lại chứa đựng cái chất quê chân chất, trung thực, thẳng thắn, tốt bụng, ham hiểu biết, thích hòa nhập và sống vì cộng đồng.
Tiên Phước một miền quê hiếu học
Lần theo dòng chảy lịch sử - văn hóa quê nhà chắc trong chúng ta ai cũng dễ nhận ra cái tinh thần hiếu học, quyết lấy tri thức làm phương tiện vượt khó, học để giúp đời cải cách canh tân theo hướng tiến bộ. Theo đó, là người Tiên Phước không ai không tự hào về một Phó bảng Lê Vĩnh Khanh (1819-1884), người làng Thạnh Bình (nay thuộc thôn 2 xã Tiên Cảnh), “là người mở lối khoa cử cho quê nhà”, người thầy và cũng là người đỡ đầu cho Huỳnh Thúc Kháng học tập; đồng thời, là một viên tri huyện nổi tiếng thanh liêm, sẵn sàng chống lại lệnh triều đình để bênh vực dân nghèo.
Một Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828-1888), người làng Hội An (nay thuộc thôn Hội An xã Tiên Châu) từng giữ đến chức Tế tửu Quốc tử giám (tương đương Giám đốc Đại học Quốc gia ngày nay) và nhiều chức vụ quan trọng khác trong triều đình thời vua Tự Đức, Đồng Khánh. Khả năng thông tuệ cùng tư cách và đạo đức của ông đã gieo vào lòng học trò, như: Nguyễn Duy Hiệu, Huỳnh Thúc Kháng… những luồng sinh khí về lòng yêu nước nhiệt thành.
Một Phó bảng Phan Châu Trinh (1872-1926), người làng Tây Lộc (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) nổi tiếng với học thuyết “Khai dân trí, chân dân khí, hậu dân sinh” làm thay đổi hẵn cách nghĩ, cách làm của cả dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng vốn là người “Học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao…” nhưng với Cụ “làm quan chẳng phải là điều sở nguyện khi dân tộc còn chìm trong nô lệ, nhưng lại sẵn sàng làm một “công bộc” của dân khi nước nhà độc lập, là người có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam để giữ vững nền độc lập đó.
Tri thức và nhân cách của các bậc đại khoa nói trên đã thực sự là niềm tự hào, là động lực về khát khao tiếp cận nền khoa học hiện đại của nhiều thế hệ học trò Tiên Phước. Dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh kéo dài đến những 30 năm nhưng Tiên Phước vẫn luôn có nhiều gương sáng quyết gìn giữ hơi ấm hiếu học và ham học cho nhân dân, như: Thầy giáo Đỗ Tấn Xuân, Thầy giáo Thái Văn Tình, Thầy giáo Ngô Hoành và một số thầy cô khác…
THẦY PHẠM THANH SƠN VÀ SỰ LỰA CHỌN MÔ HÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CẤP III CHO TIÊN PHƯỚC
Năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, quê hương được giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất; đây là thuận lợi căn bản giúp người dân Tiên Phước có điều kiện thổi bùng ngọn lửa hiếu học từ hơi ấm trong đống tro tàn. Tuy còn khó khăn trăm bề trong những năm đầu sau đại thắng Mùa Xuân 1975; song, lãnh đạo huyện vẫn tỏ rõ quyết tâm và ưu tiên hàng đầu là nối lại và nâng cao nghiệp học cho con em huyện nhà. Quyết tâm của lãnh đạo huyện bắt gặp và trùng khít với tình cảm đặc biệt của Thầy giáo thương binh Phạm Thanh Sơn khi nghĩ về “chiến trường xưa”. Tiên Phước là vùng đất mà anh lính trinh sát của Tỉnh Đội Quảng Nam Phạm Thanh Sơn (quê xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) từng được đồng bào các xã Phước Tiên (Tiên Thọ), Phước Lộc (Tiên Lộc), Phước Tân (Tiên Phong), Phước Mỹ (Tiên Mỹ), Phước Thạnh (Tiên Cảnh) và cả Phước Kỳ (Tiên Kỳ) cưu mang, che chở, đùm bọc trong những tháng ngày gian khổ nhất của cuộc chiến. Nơi đây cũng thấm đậm một phần máu thịt của anh và các đồng đội của mình. Theo đó, khi đất nước thanh bình, Thầy quyết định chọn Tiên Phước làm quê hương thứ hai để đem cái sự học đến với nơi này.
Được sự động viên của lãnh đạo huyện, tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo Ty Giáo dục Quảng Nam – Đà Nẵng, trực tiếp là từ Thầy giáo Trưởng ty Lê Phú Lộc, Thầy giáo Phạm Thanh Sơn quyết tâm phải sớm xây dựng một trường phổ thông cấp III để con em Tiên Phước có điều kiện học hành thuận lợi. Làm thế nào để khắc phục cái thực tế lúc này là vì hoàn cảnh thiếu cơm gạo mà một số gia đình đành ngậm ngùi cho con nghỉ học khi vừa xong chương trình phổ thông cấp II là điều Thầy Phạm Thanh Sơn trăn trở nhiều nhất. Nói cách khác là phải xây dựng trường theo mô hình nào để học sinh không trở thành gánh nặng của gia đình.
Thầy giáo Phạm Thanh Sơn - Hiệu trưởng đầu tiên trường PT Huỳnh Thúc Kháng
Cuối cùng Thầy quyết định chọn mô hình vừa học vừa làm để xây dựng trường Phổ thông Cấp III Huỳnh Thúc Kháng. Có lẽ đây là mô hình đầu tiên ở Quảng Nam – Đà Nẵng thời bấy giờ. Theo Thầy Phạm Thanh Sơn chính mô hình này giúp học sinh tham gia sản xuất để vừa tự nuôi sống mình, vừa có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời, cùng huyện khôi phục một số ngành nghề cũng như góp sức cùng nhân dân khai hoang vỡ hóa mở rộng diện tích sản xuất.
Sau nhiều lần tự thân đi khảo sát địa hình, cuối cùng Thầy Phạm Thanh Sơn chọn ngọn đồi bên dòng sông Tiên thuộc phái Tây thôn Hữu Lâm, xã Tiên Kỳ (nay là thôn Phái Tây, thị trấn Tiên Kỳ) làm nơi đóng đô cho ngôi trường mới theo mong mõi của mình. Xin nói thêm, trong thời điểm này, bên cạnh một số học sinh miền Nam, gồm: Trần Văn Tâm, Phạm Ngọc Phú, Huỳnh Long (lớp 11D), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (lớp 10A), Nguyễn Hồng Hà (lớp 10D)… vốn trước 1975 được đưa ra miền Bắc học tại Đông Triều (Quảng Ninh) hay Quế Lâm (Trung Quốc) là những đoàn viên thanh niên ưu tú, cùng anh em chúng tôi, như: Nguyễn Vĩnh Hoàng, Thái Nguyên Toàn, Văn Phú Điểu, Trịnh Văn Lộc, Nguyễn Thanh Tải, tôi… thuộc lớp 11D và các bạn thuộc khối 10, như Huỳnh Xuân Kiểm, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Huy Ân… do có “tinh thần tập thể”, nhiệt tình với việc trường lớp nên được Thầy tin cậy, giao cho nhiều việc, trong đó có những việc vốn không thuộc trách nhiệm học trò.
Thầy trò thường trao đổi với nhau những công việc liên quan đến trường. Có lần anh em chúng tôi hỏi: Vì sao Thầy chọn ngọn đồi sỏi đá khô cằn này để xây dựng Trường trong khi Tiên Kỳ còn nhiều khu đất rộng, đẹp và tươi tốt hơn? Thầy bộc bạch: Đất tốt để dành cho dân. Ta có lực lượng hùng hậu sợ chi khó khăn. Ngọn đồi này tuy đá sỏi nhưng có ưu thế trước núi, sau sông, bên hông có suối rất thuận lợi cho sản xuất và tạo cảnh quan. Về lâu dài, phía sau lưng trường đến bờ sông Tiên sẽ tạo thành tầng bậc để dựng các nhà xưởng cho các ngành mộc, chế biến chè, hàng mây tre, nghề cơ khí…
Bút tích Thầy giáo Phạm Thanh Sơn
Cánh đồng phía trước từ đường cái vào tận chân đồi sẽ xây dựng“Ao cá Bác Hồ”, bắt ngang qua ao là một chiếc cầu vồng bằng bê tông làm đường chính dẫn vào trường. Núi Động Sinh sẽ được trồng chè theo kỹ thuật nông trường và tạo thành chữ HỒ CHÍ MINH. Trước mắt, đề nghị huyện cấp cho một ít ruộng và đồi núi còn hoang hóa để trường khai hoang, trồng lúa, bắp, sắn, khoai… giúp thầy trò trang trải cái ăn hàng ngày. Nghĩ là làm và cuộc khởi công xây dựng trường Phổ thông Cấp III Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán Đinh Tỵ (1977) do một đơn vị thuộc Công ty Xây lắp Quảng Nam – Đà Nẵng đảm nhiệm.
Sau 40 năm ngẫm nghĩ lại mới thấy hết cái chí, cái tình và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ năm xưa thật đáng trân trọng của Thầy Phạm Thanh Sơn dành cho vùng đất và con người Tiên Phước.
THẦY VÀ TRÒ TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHO NĂM HỌC ĐẦU TIÊN (1977 - 1978)
Để ngôi trường sớm hoàn thành, kịp cho mùa khai giảng năm học đầu tiên (1977-1978) theo kế hoạch chung của Ty Giáo dục Quảng Nam – Đà Nẵng, Thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Sơn vừa làm người tổng chỉ huy, trực tiếp đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, vừa tranh thủ làm việc với Ty Giáo dục xin kinh phí và đội ngũ giáo viên… Phần lớn thời gian, với bộ đồ lính, đầu đội mũ cối, chân dép rọ hoặc cùng học trò xoắn tay vào công việc, hoặc với chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ đến các xã để huy động học sinh vừa học xong lớp 10 ở các trường trong tỉnh và học sinh lớp 9 của trường Phổ thông Cấp II Tiên Phước tham gia xây dựng trường, hay tranh thủ đến gặp gỡ, vận động những gia đình có nhiều cây mít hiến tặng trường đóng bàn ghế. Cuối tuần, tranh thủ đạp xe xuống tận Tam Kỳ để mua sắm từng cái cuốc, xẻng, cưa, đục, bào và vài chiếc xe cải tiến… để học trò lao động.
Một lớp học niên khóa 92-95
Tuy vất vả nhưng học trò chúng tôi rất háo hức, đem hết nhiệt huyết của mình cùng quý thầy cô làm bất cứ việc gì được phân công. Một bộ phận, nhất là các bạn sắp vào lớp 10 theo xe tải xuống sông xúc cát, sỏi; một bộ phận chuyển gạch, đào đất đắp nền giúp thợ xây lắp; một bộ phận, chủ yếu con trai lớp tôi, như anh Nguyễn Thanh Tải, Trịnh Văn Lộc, Thái Nguyên Toàn, Văn Phú Điểu, tôi và một vài bạn lớp khác cùng các anh thợ mộc cưa cây, xẻ gỗ đóng bàn ghế. Đây cũng là dịp để chúng tôi học nghề. Lớp tôi có anh Nguyễn Thanh Tải vốn hiểu biết nghề mộc ít nhiều nên sau một thời gian ngắn, Thầy Phạm Thanh Sơn cho thành lập “Đội thợ mộc học trò” để vừa tăng cường đóng bàn ghế kịp ngày khai giảng, vừa tự chủ phần mộc khi đội thợ chính rời khỏi trường. Thợ mộc chính hãng và thợ mộc học trò tương đối được ưu ái hơn một chút, buổi trưa được ăn tại chỗ bằng nguồn lương thực ít ỏi mà Thầy Hiệu trưởng xin UBND huyện hỗ trợ.
Các bạn nữ lớp tôi, như chị Phạm Thị Bảo, Lê Thị Lý, Phan Thị Hải, Nguyễn Thị Phòng, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phạm Thị Minh Nguyệt, Triệu Thị Lệ Chi…thay phiên nhau làm “cấp dưỡng” cho đội thợ mộc. Bữa ăn của thầy trò cũng hết sức đạm bạc, vài con cá chuồn hoặc cá ngân, cá trích làm nền, chủ lực vẫn là canh rau hái từ bờ suối và các bờ vườn của dân. Thấy thương tình, thỉnh thoảng vợ chồng ông bà Nghị, bà Hồng Viện, bà Liêm, ông Mẫn, bà Trượng, chú Tân… hỗ trợ thêm cái bắp chuối, hay mấy con cá sông hoặc tô canh ốc đá… Vừa thương các anh thợ tuổi cũng chỉ mới ngoài đôi mươi, vừa thấy lũ học trò đang độ tuổi ăn, tuổi lớn nên thường được Thầy Phạm Thanh Sơn nhường cho thứ ngon, thứ lạ. Đúng là tình thầy - trò như tình cha – con.
Niên khóa 1982 -1985 chụp hình lưu niệm
Đến cuối tháng 8/1977, mọi công việc cho năm học đầu tiên, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên và lực lượng học sinh cũng cơ bản bảo đảm yêu cầu tối thiểu. Ngôi trường mới gồm 2 dãy nhà cấp 4 với 8 phòng, gần 90 bộ bàn ghế học sinh, cùng khoảng 8 bộ bàn ghế giáo viên và 1 bộ bàn ghế làm việc của Hiệu trưởng tất cả đều bằng gỗ mít được bàn giao từ đơn vị thi công. Học trò phân thành 4 lớp: 1 lớp 11ban D do thầy Lê Khắc Tâm (giáo viên dạy Lịch sử) chủ nhiệm với 29 học sinh; 3 lớp 10 thuộc 3 ban với khoảng gần 120 học sinh: lớp 10A do thầy Võ Văn Yên (giáo viên Văn) chủ nhiệm, 10C do thầy Phùng Hữu Chữ (giáo viên Toán) chủ nhiệm và lớp 10D do thầy Nguyễn Khánh Tấn (giáo viên Sinh) chủ nhiệm.
Sáng ngày 15/9/1977, một lễ đài ghép bằng những tấm ri sân bay lót trên giàn gỗ tương đối vững chắc cùng cờ, hoa, biểu ngữ khá nghiêm trang được dựng sẵn ngay trước dãy phòng học bên phải và buổi Lễ Khai giảng năm học đầu tiên bắt đầu. Khoảng hơn 145 học sinh chúng tôi chỉnh tề hàng ngũ khá sớm. Từ Đà Nẵng, Thầy Trưởng ty Lê Phú Lộc cùng một số thầy cô lãnh đạo của Ty Giáo dục Quảng Nam – Đà Nẵng cũng có mặt. Tham dự lễ còn có các bác, các chú Võ Ngọc Khuê, Lưu Văn Chính, Hoàng Văn Tập… là lãnh đạo huyện Tiên Phước. Ngoài ra, khá nhiều phụ huynh từ các xã và bà con nhân dân quanh khu vực trường cũng đến chứng kiến sự kiện trọng đại này.
Sau bài diễn văn khai mạc đầy cảm động của Thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Sơn và quyết tâm thư của học sinh do anh Trần Văn Tâm thay mặt thế hệ trẻ nhà trường trình bày là lời phát biểu chỉ đạo của Thầy Lê Phú Lộc và bác Võ Ngọc Khuê. Trong bài phát biểu của mình, bác Võ Ngọc Khuê nhiều lần nhắc nhở học trò chúng tôi phải theo gương Cụ Huỳnh Thúc Kháng mà phấn đấu học hành tiến bộ để mai sau giúp ích cho đời, góp phần xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp, xứng đáng là con cháu của các bậc đại khoa có nhiều công lao với dân tộc, như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…
Đặc san kỷ niệm 40 năm
Lời kết
Lễ khai giảng năm học đầu tiên của trường Phổ thông Cấp III Huỳnh Thúc Kháng vào sáng ngày 15/9/1977 là điểm xuất phát, là mốc son mở đầu về cuộc hành trình đáng tự hào và đầy triển vọng của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nói riêng, giáo dục bậc THPT của huyện Tiên Phước nói chung. Mốc son ấy thực sự đã bắt đầu thổi lên ngọn lửa hiếu học, ham học và được các thế hệ học trò Tiên Phước kế tiếp trong suốt 40 năm qua gìn giữ, làm cho ngày một sáng hơn, ấm hơn và nóng hơn.
Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng ra đời và hàng trăm học sinh THPT được trao tặng trong hơn 10 năm qua là một minh chứng sống động cho tinh thần này. Trong số ấy có hàng chục anh chị đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ và là nhà khoa học, nhà giáo có uy tín; không ít người đã trở thành những người quản lý đất nước, những doanh nhân đầy tiềm năng có nhiều đóng góp vì sự phát triển của đất nước, quê hương.
Nhân dịp này, chúng em những học sinh khóa 1977 – 1979 xin gởi đến quý Thầy, Cô lời tri ân sâu sắc, đặc biệt muôn đời ghi ơn Thầy Hiệu trưởng Thương binh Phạm Thanh Sơn – người chấp nhận mọi gian lao vì sự trưởng thành của chúng tôi và chúng ta.
ThS Nguyễn Tiến - GV Trường ĐH Quảng Nam (CHS Khóa 1977 -1979)
* Đặc san "Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - 40 năm xây dựng và phát triển"