Trường Cây Bàng ở làng Phú Lâm
Trường Cây Bàng là tên gọi dân gian của Trường Tân học Phú Lâm nằm ở giữa làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Đây là trường dạy quốc ngữ đầu tiên của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, gắn liền với tên tuổi Lê Cơ, người có uy tín nhất trong làng, luôn mang tư tưởng cách tân một cách triệt để và dựa vào sức mình là chính.
Lê Cơ sinh ngày 22-2-1859 trong một gia đình danh tộc ở làng Phú Lâm. Do gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ ông được học hành chu đáo, nhưng cũng mới tới trường Ba (đỗ kỳ thi thứ ba trong thi Hương thời phong kiến – ĐNCT). Từ đó ông không thi nữa, chỉ ở nhà tham gia các hoạt động yêu nước.
Năm 1903, ông ra nhận chức Lý trưởng làng Phú Lâm với suy nghĩ “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm đúng trong một làng). Lê Cơ nhận thấy việc cải cách đất nước là cần thiết nên đã sớm tham gia tích cực phong trào Duy Tân. Sau khi nắm vững quyền hành, ông liền bắt tay vào công cuộc cải cách.
Bia di tích lịch sử - văn hóa Trường Tân học Phú Lâm (ảnh trái) và chân dung chí sĩ Lê Cơ, người sáng lập trường. ( “Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX” của PGS.TS Ngô Văn Minh) |
Ngày mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25-1-1904), Lê Cơ đệ đơn lên phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ quốc ngữ. Được phê chuẩn, ông liền hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng một trường học ở phái giữa làng. Rằm tháng 3 năm đó (30-4-1904), trường học quốc ngữ này khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nói vè, đánh cờ... Rồi từ trường học ban đầu, nhân dân Phú Lâm còn lập thêm 4 trường ở bốn phái dạy nam giới học chữ quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh - thiếu niên.
Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như: Lịch sử, Địa lý, Hát, Vẽ, Toán đố. Dần dần còn có một số thanh niên chuyển sang học tiếng Pháp và tiếng Nhật. Đặc biệt trường còn đưa cả chương trình quân sự học đường vào giảng dạy cho học sinh dưới hình thức thể dục thể thao. Số học sinh của trường, cả trai lẫn gái hơn 100 người.
Kết quả thật đáng tự hào, bởi trong khoảng 1.200 dân của xã, với độ 850 người từ 14 tuổi trở lên, thì đến năm 1908 đã có hơn 650 người đọc thông thạo chữ quốc ngữ.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1908, hưởng ứng phong trào đòi giảm sưu thuế của nhân dân khắp phủ Hà Đông, Lê Cơ cùng với những người yêu nước có tư tưởng cách tân ở các tổng Vinh Quý, Phước Lợi và các tổng khác dẫn đầu những người tham gia chống sưu thuế bao vây phủ đường Tam Kỳ và đưa yêu sách suốt ba ngày đêm. Sáng ngày 4-4-1908, viên đại lý Tam Kỳ đem 60 lính ập đến bắt những người cầm đầu, trong đó có Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy, Nguyễn Xuân Vận, Dương Đình Thạc đưa xuống nhà lao Hội An kết án tù khổ sai 5 năm. Từ đó, trường Phú Lâm tự giải tán.
Có thể xem trường Phú Lâm là trường dạy chữ quốc ngữ đầu tiên của phong trào Duy Tân và việc lập lớp nữ học cũng là đầu tiên như Huỳnh Thúc Kháng đã xác nhận trong bài viết giới thiệu Lê Cơ trên báo Tiếng Dân số 513 ra ngày 17-8-1932.
Trường Phú Lâm tọa lạc trên một lô đất có diện tích khoảng 500m2; phía Nam giáp đường ĐT 614 đi Việt An, 3 phía còn lại giáp vườn nhà dân. Ban đầu trường chỉ có diện tích 48m2, móng được dựng bằng đá tảng và được nện đất sét phía trên, tường được dựng bằng phên tre trét đất sét ở trong và ngoài. Trường thuộc kiểu kiến trúc nhà dài, gồm 4 cột cái đặt trên đá tảng, mái lợp tranh. Phía trước trường là một khoảng sân rộng có một cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát làm nơi tụ tập môn sinh, quần chúng. Người dân gọi Trường Cây Bàng là vì thế.
Từ khi tự giải tán (1908) đến những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước, trường Phú Lâm được nhân dân dùng làm nhà kho chứa thóc, lương thực. Giai đoạn 9 năm 1945 - 1954 nơi đây trở thành trụ sở của Bệnh viện Tam Dân (tiền thân của Quân y viện 108). Thời chống Mỹ, nơi đây trở thành trụ sở làm việc của cấp thôn nhân dân.
Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX dấy lên như một làn sóng nhằm nhấn chìm sự thối nát, thủ cựu của chế độ phong kiến mà công cuộc cải cách ở Phú Lâm – điển hình là lập Trường Tân học Phú Lâm – là khởi điểm và luôn luôn là đỉnh cao của làn sóng đó.
Trường Phú Lâm không những đem lại kết quả đáng tự hào cho nhân dân làng Phú Lâm mà còn là một cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên tinh thần yêu nước, tinh thần phản kháng quật cường trước những luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến, thực dân. Cây bàng cổ thụ giờ không còn nữa, chỉ có tấm bia di tích lịch sử - văn hóa lưu vào lòng hậu thế những dấu mốc hoạt động một thời của trường học năm xưa.
Mai Hồng Lâm - Báo Đà Nẵng Cuối Tuần