www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước nỗ lực xây dựng vườn đồi sinh thái

 Tiên Phước có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế vườn. Từ lợi thế này, huyện Tiên Phước định hướng xây dựng mô hình du lịch làng quê sinh thái kết nối với những ngôi làng cổ...Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Đình Sưu (thôn 4, Tiên Cảnh) khá lên từ 1,2ha đất vườn, mỗi năm ông thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ các loại cây tiêu, lòn bon, thanh trà, cam, quýt...

       Vốn yêu thích miệt vườn, ông Sưu trồng thêm một số giống cây mới, cải tạo khu vườn, lối đi làm cho khuôn viên ngôi nhà thêm xinh đẹp. Ông Sưu rất hào hứng với đề án Phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch mà chính quyền huyện Tiên Phước bắt đầu thực hiện. Ông cho biết: “Khi Nhà nước phát huy lợi thế của địa phương, hỗ trợ người dân xây dựng những khu vườn hiệu quả về kinh tế, tạo cảnh quan đẹp cho miền quê thì người dân rất mừng và ủng hộ. Rõ ràng người dân chúng tôi có lợi rất nhiều từ thu nhập của khu vườn mang lại khi khách du lịch đến tham quan và thưởng thức những cây trái đặc sản, tìm hiểu cuộc sống dân dã, cảnh quan của Tiên Phước”.

Mùa lòn bon Tiên Phước. Ảnh: MINH HẢI
Mùa lòn bon Tiên Phước. 


Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết thêm, thời gian tới, sẽ tập trung phát triển cây thanh trà tại xã Tiên Hiệp và mở rộng ra các xã Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Cảnh. Các xã Tiên Thọ, Tiên Phong, Tiên Mỹ sẽ phát triển cây tiêu, sau đó nhân rộng ra các xã Tiên Châu, Tiên Lộc, Tiên An, Tiên Lập, Tiên Sơn. Xã Tiên Châu ưu tiên xây dựng vườn lòn bon để mở rộng ra các xã Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Lãnh. Cây măng cụt sẽ phát triển mạnh tại xã Tiên Mỹ, Tiên Sơn, Tiên Kỳ, Tiên Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Lộc.

          Để phát huy lợi thế, nhân rộng các mô hình kinh tế vườn, huyện Tiên Phước đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực để người dân xây dựng mô hình vườn đẹp, phát triển cây đặc sản bản địa như lòn bon, thanh trà, tiêu, măng cụt… gắn với phát triển du lịch làng quê sinh thái. Ngành nông nghiệp giúp người dân về kiến thức phát triển kinh tế vườn theo hướng hàng hóa, nâng cao mức thu nhập cho người dân nông thôn từ 20 triệu đồng năm 2013 lên 40 triệu đồng vào năm 2018. Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Phước Thuần – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Những năm qua, kinh tế vườn mang lại thu nhập khá cho người dân Tiên Phước. Từ nền tảng này chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ mà cụ thể là chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, những mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại thành công để người dân phát huy hết lợi thế của địa phương…”.

         Hiện nay, Tiên Phước có tổng diện tích vườn gần 3.415ha, trong đó có 800ha vườn đồi xa nhà, còn lại đa số là vườn liền nhà. Năm 2013, thu nhập bình quân 1ha vườn đạt 20 triệu đồng. Trong đó một số diện tích vườn cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm với các loại cây trồng được đầu tư chăm sóc tốt như tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt, chuối. Tổng giá trị sản phẩm từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện Tiên Phước đạt 60 tỷ đồng/năm, chiếm 12,5% so với tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Thu nhập từ kinh tế vườn của Tiên Phước hiện nay có mức lãi ròng cao hơn nhiều so với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác, đạt 50% trở lên so với tổng giá trị sản phẩm thu được. Trong khi đó thu nhập từ cây ngắn ngày chỉ xấp xỉ 30%, chăn nuôi 20% so với tổng giá trị sản phẩm bán ra.

      Những năm gần đây, huyện Tiên Phước tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng sản phẩm du lịch, kết nối với các hãng lữ hành giới thiệu làng cổ Lộc Yên để thu hút du khách đến tham quan. Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Trong định hướng chung, Tiên Phước sẽ phát triển mạnh kinh tế vườn với những giống cây bản địa đã nổi tiếng nhưng vẫn giữ không gian vườn nhiều tầng đa cây; vừa khai thác, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ dân, vừa tạo không gian đẹp phát triển du lịch... Mỗi năm chúng tôi phát triển thêm 20 vườn cây trái, với diện tích hơn 50ha, xây dựng sản phẩm và đưa các hãng lữ hành khảo sát thực tế để kết nối du lịch”.

                                                                                       T.Châu - D.Bình, Báo Quảng Nam