www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tín dụng chính sách xã hội ở Tiên Phước

 Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện được đánh giá là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội...

      Qua khảo sát, Quốc hội đánh giá TDCSXH trong giảm nghèo là một “điểm sáng” trong tổng thể hệ thống các chính sách đối với các nỗ lực giảm nghèo và  xác định tín dụng ưu đãi để giảm nghèo vẫn là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững thời gian đến. Có thể thấy TDCSXH đã đi vào thực tế từng ngõ xóm, từng mái nhà, góp phần thay đổi nhận thức, cách làm, ý chí tự vươn lên của người dân, cùng với toàn xã hội tạo nên những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định TDCSXH là chủ trương, chính sách sát đúng và hợp với lòng dân, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. 

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam  đi vào hoạt động từ cuối năm 2003, cùng với hệ thống NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ, phục vụ nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với buổi đầu còn nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn vốn, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc,... nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, hội, đoàn thể, sự nỗ lực và lao động đầy trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, viên chức NHCSXH, đến nay hoạt động của NHCSXH huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng hầu hết các nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Vốn TDCSXH đã đến tất cả các thôn, xóm trên địa bàn, tháo gỡ nút thắt về vốn trong phát triển kinh tế hộ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Đến nay, đã có 100% số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn để sản xuất, kinh doanh và có trên 70% số hộ dân có quan hệ tín dụng với NHCSXH huyện.

 


Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã mang dịch vụ ngân hàng đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Tổng nguồn vốn và dư nợ cho vay của NHCSXH huyện hiện nay trên 290 tỷ đồng với 13 chương trình cho vay, tăng gần 15 lần so với năm 2003, hiện có gần 10.000 khách hàng còn dư nợ, bình quân mức cho vay trên hộ đạt gần 30 triệu đồng. Một số chương trình có dư nợ lớn như: cho vay đối với hộ nghèo, cho vay đối với hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, ...

Chương trình cho vay đối với hộ nghèo hiện đã cho vay 73 tỷ đồng với 3.400 hộ còn dư nợ. Đây là chương trình được ngân hàng quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng đủ vốn cho hộ nghèo sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2014 có 100% số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đã được vay vốn dành cho hộ nghèo. Cùng với các chương trình hỗ trợ khác, tín dụng cho hộ nghèo đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 13,02% vào cuối năm 2014.

Chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo: dù mới triển khai nhưng có dư nợ đạt gần 20 tỷ đồng với 700 hộ đã vay vốn. Ngân hàng đang tập trung nguồn vốn và cho vay đối với những hộ thuộc diện cận nghèo nhằm làm giảm nguy cơ tái nghèo.

Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: hiện có 2.400 hộ gia đình vay vốn với dư nợ đạt 64 tỷ đồng. Thông qua chương trình này, thời gian qua đã có trên 5.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, có cơ hội tìm việc làm ổn định, cải thiện thu nhập.

Chương trình cho vay đối với hộ gia đình tại vùng khó khăn (trừ 03 đơn vị: thị trấn Tiên Kỳ, xã Tiên Phong, Tiên Cẩm), đây là nguồn vốn dành cho những hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, hiện dư nợ đạt 33 tỷ đồng với 1.500 hộ vay. Nhu cầu của nhân dân đối với nguồn vốn này còn lớn, tuy nhiên ngân hàng chưa thể đáp ứng đủ.

Chương trình cho vay làm công trình nước sạch và công trình vệ sinh đã giải quyết cho vay được 1.630 hộ với dư nợ đạt gần 15 tỷ đồng và đã có trên 3.200 công trình được xây dựng và nâng cấp. Đây là chương trình giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt, môi trường sống tại các vùng nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, có dư nợ đạt trên 17 tỷ đồng và đã giải quyết cho trên 2.200 hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố vay vốn để làm nhà ở và ổn định cuộc sống.

Chương trình cho vay Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3), được triển khai tại 10 xã thuộc vùng dự án, hiện có dư nợ đạt 57 tỷ đồng với 1.700 hộ còn dư nợ. Thông qua chương trình này đã có trên 5.800 hecta rừng keo được nhân dân đầu tư trồng trong những năm qua, góp phần nâng độ che phủ đất trống, đồi trọt, cải thiện môi trường, tăng hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn, tạo việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho nhiều người dân;...

 

Tín dụng chính sách đã gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương

Về chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay: những năm qua cùng với tăng quy mô tín dụng, mở rộng đối tượng cho vay, NHCSXH cũng đã tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, tìm biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng TDCSXH. Nợ quá hạn, nợ xấu giảm qua các năm và đến nay còn khoảng 100 triệu đồng, chiếm 0,04%. Con số này thể hiện rõ sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của cả hệ thống chính trị đối với TDCSXH và sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ CBVC NHCSXH trong thời gian qua. Bên cạch đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền được vay – nghĩa vụ sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả – và trách nhiệm phải trả nợ cho khách hàng đã được NHCSXH, các HĐT thường xuyên thực hiện, từ đó làm thay đổi ý thức, hành động của người dân. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các ngành, hội đoàn thể (HĐT), NHCSXH thời gian qua cho thấy hầu hết các khách hàng vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả tốt, đây là tiền đề quyết định cho việc trả lãi, trả gốc đúng hạn của khách hàng và giúp cho TDCSXH đạt được mục đích cuối cùng đó là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. 

Tất cả các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện ủy thác qua các cấp hội đoàn thể (HĐT) từ trung ương đến cơ sở, ngân hàng ủy thác cho các HĐT thực hiện một số công đoạn trong quá trình cho vay vốn TDCSXH. Có thể nói rằng, đạt được những kết quả quan trọng trên có sự đóng góp rất lớn của các cấp HĐT nhận ủy thác và đội ngũ cộng tác làm Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở 108 thôn, khối phố trên địa bàn. Dư nợ TDCSXH ủy thác sang các HĐT đạt 99,6% trên tổng số dư nợ cho vay của NHCSXH huyện với 04 HĐT cấp huyện, 60 HĐT cấp xã và 263 Tổ TK&VV ở đều khắp các xã, thôn tham gia thực hiện, trung bình mỗi thôn có 2,4 Tổ TK&VV, không có thôn không có Tổ TK&VV của NHCSXH. Thông qua phương thức ủy thác này, cùng với thương hiệu “Điểm giao dịch tại xã” cố định hàng tháng, mà các nguồn TDCSXH được chuyển tải nhanh và đến đúng các đối tượng thụ hưởng, các HĐT, Tổ TK&VV thật sự là cầu nối, là cánh tay nối dài để NHCSXH chuyển tải các nguồn vốn TDCSXH đến nhân dân.

Để phát huy tốt kết quả đạt được thời gian qua và tiếp tục làm cho TDCSXH thật sự là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến. Chúng tôi thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chuyển tải đầy đủ và thực hiện tốt các nội dung mà các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo tại Thông tri số 12-TT/HU ngày 22/4/2015 của Huyện ủy Tiên Phước, công văn số 246/UBND-TH ngày 06/4/2015 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 16/01/2015 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 

Nguyễn Văn Hiền - Ngân hàng CSXH Tiên Phước