Tín dụng chính sách, một năm nhìn lại
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững hiện nay đang được các cấp, các ngành triển khai bài bản và quyết liệt nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với khu vực nông thôn, vùng khó khăn và mục đích cuối cùng đó là làm cho từng người dân, từng hộ gia đình đổi mới nhận thức, chủ động và cải tiến cách làm để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống về mọi mặt.
Những năm qua, cùng với các chính sách khác của Đảng, Nhà nước, tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã góp phần quan trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các hội đoàn thể (HĐT) từ trung ương đến tận thôn, xóm, các chương trình TDCSXH được triển khai đầy đủ, kịp thời đến mọi người dân. Đối với huyện Tiên Phước, đến nay hầu hết những hộ gia đình đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD), TDCSXH đã đến tất cả các thôn, xóm, vùng khó khăn của huyện, đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân về vốn để đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đến cuối năm 2016, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Phước đạt 330 tỷ đồng, 15 chương trình tín dụng được triển khai với hơn 10.000 hộ vay vốn, nợ quá hạn chỉ chiếm gần 0,01%. Trong đó, tập trung chủ yếu là các chương trình dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,... cụ thể: cho vay hộ nghèo đạt dư nợ là hơn 60 tỷ đồng với gần 2.000 hộ vay vốn, từ nguồn vốn này đã góp phần giúp những hộ nghèo có vốn đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo, làm kinh tế vườn,... tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo; đối với cho vay hộ cận nghèo và mới thoát nghèo, dù mới triển khai nhưng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Dư nợ cho vay của hai chương trình đạt 69 tỷ đồng với 1.900 hộ vay vốn, các chương trình này đã tạo thuận lợi cho những hộ đã thoát nghèo tiếp tục được sử dụng vốn ưu đãi để SXKD, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững; chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) cũng đã được phát huy tốt để giúp người dân có điều kiện học tập, tăng cơ hội tìm việc làm và có thu nhập ổn định, đến nay dư nợ đạt 47 tỷ đồng với 1.700 hộ có HSSV được vay vốn; ngoài ra, còn có chương trình cho vay để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh giúp cải thiện môi trường sống, chương trình cho vay trồng rừng (WB3) góp phần nâng độ che phủ rừng, tăng hiệu quả sử dụng đất rừng, bảo vệ môi trường và tạo thu nhập đáng kể cho cả chủ rừng và người lao động tại địa phương;...
Như đã nói ở trên thì tín dụng chính sách (TDCS) đã có làm tốt sứ mệnh của mình đó là cung cấp “cần câu”, tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình và cải thiện đời sống. Và hơn thế, TDCS đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức của người dân là vay vốn để sản xuất và trả nợ theo đúng cam kết, cụ thể trước đây nhiều hộ gia đình vay vốn để nợ lãi hàng năm hoặc nhiều năm và để nợ gốc quá hạn, không có khái niệm trả theo tháng và phân chi nhỏ khoản vay để trả dần thì hiện nay có 99% số hộ trả lãi đều hàng tháng tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH và trả gốc đầy đủ khi món vay đến hạn
Nhiều hộ hiện nay không vay hết hạn mức cho vay theo quy định, chỉ vay đủ số vốn cần để đầu tư và khách hàng sẽ trả lại ngay nếu vay về nhưng chưa thực hiện được phương án SXKD, điều đó chứng tỏ người dân đã thấy rõ trách nhiệm của mình và họ luôn tính toán kỹ hiệu quả đầu tư trước khi quyết định vay vốn. Và tất nhiên đâu đó vẫn còn một số ít hộ trông chờ, ỷ lại, nhận thức chưa có chuyển biến tích cực hoặc do gặp những rủi ro trong cuộc sống nên vay vốn sử dụng không hiệu quả, khó khăn trong việc trả lãi, trả gốc. Đây là vùng trũng của công cuộc giảm nghèo, đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn cả hệ thống chính trị.
Và một điều đặc biệt nữa mà NHCSXH đã làm được đó là tạo nhận thức cho người dân muốn ổn định, muốn làm giàu thì phải biết tiết kiệm, tiết kiệm những món tiền nhỏ để thực hiện các khoản chi lớn trong tương lai. Thông qua các Tổ TK&VV, việc huy động tiết kiệm được triển khai đến tất cả người dân, khách hàng có thể gởi các món tiền nhỏ hàng tháng thông qua Tổ TK&VV hoặc tham gia gởi tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã với đầy đủ các sản phẩm có kỳ hạn và không kỳ hạn, lãi suất bằng với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Với việc triển khai huy động tiết kiệm tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện đã tạo thuận lợi để những hộ gia đình có tiền nhàn rỗi, số tiền không lớn chỉ từ 500 ngàn đồng trở lên là có thể gởi tiết kiệm.
Kết quả đến nay có 9.700 hộ tham gia gởi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV với số dư đạt trên 06 tỷ đồng, chiếm trên 90% số hộ vay vốn tại NHCSXH huyện; còn đối với huy động dân cư cũng đạt trên 7,5 tỷ đồng với nhiều hộ tham gia. Từ cách làm này, nhiều hộ gia đình đã tiết kiệm hàng tháng để trả nợ dần, giảm gánh nặng khi đến hạn trả gốc, có nguồn để tiêu dùng cá nhân và đây là “Giỏ để cá” tiện lợi, an toàn và hiệu quả để mọi người thực hành tiết kiệm. Những món tiền tiết kiệm nhỏ này, ngoài đáp ứng nhu cầu của người gởi về cất giữ an toàn, sinh lời,... thì nó còn là nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để đầu tư vào SXKD, góp phần nâng cao hiệu sử dụng nguồn lực xã hội.
Điển hình một số hộ thực hiện tốt như: hộ anh Trương Công Điều, thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, năm 2012, Anh thuộc diện hộ nghèo, đề nghị NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò. Từ số tiền này, Anh đã mua 01 con trâu và 02 con bò nái, nhờ có sự cần cù, chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo mà hiện Anh đã có 03 con trâu và 04 con bò với trị giá trên 100 triệu đồng. Với những kết quả đó, đến cuối năm 2015, gia đình Anh đã thoát khỏi chuẩn cận nghèo, Anh đã trả xong vốn hộ nghèo và tiếp tục đề nghị vay 40 triệu đồng vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục duy trì chăn nuôi kết hợp làm vườn, nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả vốn vay, để có kết quả như hôm nay, Anh còn là hộ tham gia gởi tiết kiệm đều hàng tháng để trả dần nợ gốc, nợ lãi. Số tiền gởi tuy không lớn nhưng đó là sự chuyển biến nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng của hộ gia đình; hộ điển hình thứ 2 đó là Chị Võ Thị Sâm, khối phố Bình Phước, Tiên Kỳ, Chị thuộc diện hộ nghèo năm 2010, đề nghị vay 28 triệu đồng vốn hộ nghèo để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng nhờ biết tính toàn, chăm chỉ buôn bán nên đến nay Chị có cửa hiệu buôn bán đầy đủ các loại quần áo, giàu dép, tạo thu nhập ổn định để cải thiện đời sống gia đình, chăm lo cho 02 con ăn học.
Nhờ có nguồn thu nhập ổn định nên việc tham gia gởi tiết kiệm của Chị cũng khá tốt, gởi đều hàng tháng và số dư hiện tại đạt trên 05 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, gia đình Chị cũng đã thoát nghèo, hiện đã trả xong vốn cũ và tiếp tục đề nghị vay vốn dành cho hộ cận nghèo để kinh doanh, buôn bán tạo thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Đó là hai trong số rất nhiều hộ gia đình phát huy tốt hiệu quả vốn vay TDCS, đồng thời tham gia gởi tiết kiệm tích cực và kết quả mang lại là rất tốt như đã nói ở trên. Để mỗi hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, thiết nghĩ cần cung cấp “Cần câu” kịp thời, đúng yêu cầu và đồng thời cũng cần cung cấp “Giỏ để cá” đa dạng, tiện lợi để mọi người tự tạo ra thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm hợp lý.
Do đó, trong thời gian đến, song song với việc triển khai các chương trình TDCS đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác huy động tiền gởi thông qua Tổ TK&VV và tiền gởi dân cư tại Điểm giao dịch xã, hướng đến mục tiêu là mọi người dân đều có tiết kiệm và đúng với định hướng phát triển của NHCSXH là đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguyễn Văn Hiền - Ngân Hàng CSXH Tiên Phước