www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Cha con cùng chí hướng

 Làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) có hai cha con cùng là nhà nho nổi tiếng trong vùng, là chí sĩ yêu nước thương dân.

 Người cha là Lê Vĩnh Khanh, hiệu Tử Minh, sinh năm 1819. Ông đậu Giải nguyên khoa Quý Mão năm 1843, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn 1844 và được sung Hàn lâm viện Kiểm thảo bổ thọ tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Làm quan, ông rất thương dân và nổi tiếng thanh liêm. Do vậy, ông luôn bị đồng liêu ghen ghét, chờ dịp để hãm hại. Tương truyền, lúc ông đang làm quan tại Phù Cát, gặp lúc mùa màng thất bát, dân tình đói khổ, trộm cắp nổi lên khắp nơi, ông chưa kịp ra tay cứu giúp thì được lệnh triệu về kinh để cùng đi sứ sang Pháp với Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản... Ông từ chối không đi. Bấy giờ có viên Tuần vũ ở Bình Định vốn tư hiềm với ông, nhân cơ hội này bèn lén tâu về triều rằng ông có ý phản nghịch. Vua Tự Đức cho triệu ông về kinh để hỏi tội “tại sao để cho dân đói, trộm cắp sinh nhiều, thuế khóa chưa thanh toán xong, không đi sứ?”.

Nhận lệnh, ông không về kinh mà viết một tờ sớ bày tỏ sự phản đối, đại ý: “Dân đói khát là do thiên tai mất mùa, đã mất mùa mà triều đình không lo chuẩn cấp tất nhiên sinh ra trộm cướp, dân đã đói túng thì làm sao có tiền nộp thuế cho thanh thỏa? Còn đi sứ sang Tây thì phải biết chữ Tây, chứ qua xứ người mà mù chữ nước người, sao cho khỏi làm bia cười cho người”. Mỗi câu trả lời trong tờ sớ ông đều dùng bốn chữ “Khanh hà tội yên?” (khanh có tội gì?).

Ngày mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thân 1884, ông bị bệnh và mất, được an táng tại huyện Phù Cát, sau đó gia đình đưa về cải táng tại quê nhà.

Con ông là Lê Vĩnh Huy - một nhà nho có cái nhìn sâu rộng và bao quát về thời cuộc, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, các phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX.

Lê Vĩnh Huy tên thật là Lê Ngọc Cung, tên thường gọi là Bang Tuyến hay Tán Hai, tự Vĩnh Huy. Ông sáng dạ, hiếu học nhưng nhiều lần lều chõng đi thi cũng chỉ đậu Tú tài. Thừa hưởng phẩm hạnh, cốt cách của cha, Lê Vĩnh Huy cũng là một nhà nho có tiếng trong vùng, một chí sĩ yêu nước, có tư tưởng cách tân, phê phán và chống lại những luật lệ, tập tục hà khắc thối nát của chế độ phong kiến đương thời.

Khi phong trào Cần vương nổi lên, ông hăng hái chiến đấu dưới cờ Nghĩa hội Quảng Nam do Trần Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Sau khi Nguyễn Duy Hiệu dời đại bản doanh đến Nà Lầu (nay thuộc thôn 10 xã Tiên Thọ, Tiên Phước), Lê Vĩnh Huy đã chỉ huy 150 nghĩa quân đóng đồn lũy tại cao điểm Bàu Ông Trấn để bảo vệ cho đại bản doanh. Ông đã đóng góp nhiều thành tích trong các trận Nà Lầu, Suối Đá, Dốc Miếu, Trà Kiệu… Đến cuối năm 1887, Nghĩa hội bị tấn công dữ dội và phải giải tán, ông lui về ẩn náu tại quê nhà. Lúc này, ông đứng ra nhận chức Chánh tổng Tiên Giang để có điều kiện thuận lợi cho những hoạt động cứu nước mới.

Những năm 1905-1908, cùng với Nguyễn Thành, Lê Vĩnh Huy vừa tích cực tham gia phong trào Duy tân, vừa ám trợ xuất sắc cho phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Là trưởng ban lo việc đưa người du học sang Nhật, ông đã hiến nửa gia tài (số tiền bán quế, hồ tiêu) gửi sang cho du học sinh. Em trai cùng cha khác mẹ, hai con trai và người cháu của ông cũng được ông cho đi du học. Năm 1908, khi phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam, ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai 5 năm tại nhà lao Hội An vì là một trong những người lãnh đạo của phong trào tại huyện Hà Đông.

Ra tù, ông lại có mặt ngay trong hàng ngũ những người vận động khởi nghĩa Duy Tân do Trần Cao Vân và Thái Phiên chủ xướng, nhanh chóng trở thành nhân vật trọng yếu của cuộc khởi nghĩa này tại hai tổng Tiên Giang và Phước Lợi. Vụ phá phủ Tam Kỳ ngày 3-5-1916 không thành, ông bị giặc tịch biên gia sản và bắt giam sau 25 ngày vây lùng ông trong núi. Sống trong cảnh lao tù, lại đã già yếu, bệnh nặng nên ông mất vào ngày 28 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), hưởng thọ 64 tuổi.

Hiện nay, phần mộ của hai cha con Lê Vĩnh Khanh và Lê Vĩnh Huy nằm trên hai quả đồi đối diện nhau thuộc thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Vinh danh những đóng góp cho dân, cho nước của hai cha con đồng chí hướng, UBND tỉnh Quảng Nam năm 2005 đã xếp hạng di tích lịch sử cho hai ngôi mộ này. Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng của huyện Tiên Phước đã cắm bia di tích và có kế hoạch trùng tu trong tương lai.

An Trường - Báo Đà Nẵng Cuối Tuần