Tín dụng chính sách: Lực đẩy phát triển tam nông ở Tiên Phước
Vốn vay ưu đãi là nguồn lực quan trọng tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, kinh tế nông nghiệp và đời sống người nông dân trên địa bàn huyện Tiên Phước.
Thoát nghèo bền vững
Vụ bưởi vừa qua, ông Lê Văn Dĩnh (thôn 5, xã Tiên Thọ) thu hoạch được 4 tấn/100 cây bưởi các loại, bán được 80 triệu đồng. Vườn măng cụt đang vào vụ thu hoạch, ông Dĩnh tính toán thu được khoảng 1 tấn, dự kiến có nguồn thu hơn 80 triệu đồng.
“Vốn chính sách giúp kinh tế nông nghiệp khả quan, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá ổn định. Tín dụng ưu đãi cũng đã giúp các con tôi ăn học đàng hoàng” - ông Dĩnh nói.
Năm 2019, ông Dĩnh vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tiên Phước để đầu tư trồng bưởi và măng cụt. Ông Dĩnh vay thêm 20 triệu đồng từ chương trình cho vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường của ngân hàng chính sách để trang bị hệ thống cấp nước cho khu vườn.
Ngoài ra, ông Dĩnh vay với mức 17 - 25 triệu đồng/năm của ngân hàng chính sách để nuôi 4 con học đại học. Hiện nay cả 4 người con của ông Dĩnh đều có việc làm ổn định và trả xong nợ gia đình đã vay nhiều năm qua.
Trước đây, hộ ông Nguyễn Văn Tích (thôn 5, xã Tiên Thọ) vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước để đầu tư nuôi bò. Đến nay, đàn bò của ông Tích đã phát triển được 25 con đem lại nguồn thu nhập khá. Tích lũy được vốn, ông Tích đầu tư thêm ao nuôi cá trê lai và 1ha diện tích trồng keo lai. Kinh tế ổn định giúp gia đình ông Tích nuôi 5 con học xong đại học.
Ông Đinh Vĩnh Nam - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 5 xã Tiên Thọ cho biết, trong thôn có 57 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với dư nợ 3,8 tỷ đồng. “Vốn chính sách đã giúp người dân quen với việc vay vốn, tạo việc làm, trả nợ ngân hàng, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, quản lý vốn, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống” - ông Nam nói.
Diện mạo mới ở nông thôn
Theo bà Đỗ Thị Bảo Khuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Thọ, nông dân trên địa bàn đã học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách trở thành “bà đỡ” để các nông hộ đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Trên địa bàn xã hiện có 275 hộ nông dân vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước với dư nợ hơn 13 tỷ đồng.
Vốn vay ưu đãi đã giúp nông dân đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, đời sống ngày càng ổn định và nâng cao. “Hội Nông dân xã Tiên Thọ luôn phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp huyện, tỉnh tập huấn giúp nông dân tiếp cận các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt nên làm ăn đạt, theo đó việc trả nợ ngân hàng chính sách đúng hạn, không có nợ quá hạn” - bà Khuyên nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước, trong các chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là giải pháp thiết thực để giảm nghèo bền vững, vì hầu hết những hộ này tuy có điều kiện kinh tế khá hơn trước nhưng chưa ổn định.
Khi triển khai các chương trình cho vay vốn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chú trọng đơn giản, rõ ràng các thủ tục, hồ sơ. Phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên với việc thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn. Mọi người dân có đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận vốn vay để làm ăn, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hiền còn cho biết, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang tiếp tục rà soát số hộ có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó đề nghị cấp trên bổ sung vốn cho vay ưu đãi.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn định hướng, tư vấn cho các hộ về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn. Đồng thời, tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.
Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước đạt 523 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm). Ngân hàng CSXH đang cho vay 19 chương trình, tổng dư nợ cho vay hơn 521 tỷ đồng (tăng 28,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 6,7% so với đầu năm) với 8.147 hộ vay còn dư nợ.
Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đơn vị còn triển khai cho vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguyễn Quang - Báo Quảng Nam