Ông Dương Thái Xuân Tuấn - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị, thực hiện quy trình giết mổ, đóng gói theo quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thậm chí có thời điểm “cháy hàng””.
Không riêng HTX Tiền Phong, nhiều chủ thể ở Tiên Phước đã phát huy các nguyên liệu là đặc sản của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP đạt chất lượng. Như tinh bột nghệ trắng của Tổ hợp tác Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Tiên Ngọc; chuối tươi sấy dẻo của Công ty TNHH Thương mại Thiên An My, xã Tiên Hiệp; nếp cái hương bầu của HTX NN Tiên An; rượu vang lòn bon của HTX Nông nghiệp Phước Tuyên (thị trấn Tiên Kỳ)…
Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Với lợi thế của một huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, chế biến xây dựng thành sản phẩm OCOP, nhằm nâng giá trị các loại đặc sản lên bước mới, vừa tạo đầu ra ổn định hơn”.
Nâng tầm sản phẩm
Nhằm giúp các chủ thể hoàn thiện, nâng chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, huyện Tiên Phước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực từ mặt bằng, mua sắm máy móc, xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá sản phẩm...
Ông Mai Minh Nguyệt cho biết: “Trong 3 năm 2018 - 2020, huyện hỗ trợ 20 chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Đồng thời phân công cán bộ tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từng chủ thể; phân công ngành, tổ giúp việc phụ trách từng nội dung để hướng dẫn các xã xây dựng dự án phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh của địa phương”.
Ông Võ Xuân Anh - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho hay: “Địa phương luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp và phát huy nguồn lực tại chỗ để tích cực trợ lực chủ thể OCOP. Nhờ đó, Tiên Phong đã có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận 4 sao là bánh tráng lề Địch Yên và sản phẩm đạt 3 sao là gà thảo mộc, cùng sản phẩm mỳ Quảng sấy khô đang làm thủ tục đề nghị công nhận”.
Đáng chú ý, hầu hết chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Bước đầu xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt, như: nhóm sản phẩm thảo dược; nhóm sản phẩm trầm hương; nhóm sản phẩm dầu gấc, dầu mè, dầu phụng; nhóm sản phẩm mỳ bún, trái cây…, qua đó góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
“Có thể khẳng định, con số 28/210 sản phẩm toàn tỉnh được xếp hạng chỉ trong 3 năm đầu triển khai Chương trình OCOP tại Tiên Phước là khá ấn tượng. Thành công ban đầu này sẽ là động lực quan trọng để các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường, đa dạng loại hình sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững” - ông Mai Minh Nguyệt nói.
Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam