Tiếng vọng trăm năm
Nhận lời tham gia bộ phim tài liệu về Lê Cơ, ông Lê Nguyên Đại rong ruổi đường trường từ Sài Gòn về Tiên Sơn. Ông là cháu nội đích tôn của chí sĩ Lê Cơ. Nói về ông nội mình, ông Đại cho rằng tuy đỗ đạt không cao nhưng Lê Cơ với sự mẫn tuệ đã kịp đón nhận luồng gió duy tân thổi vào Việt Nam.
“Năm 1900 ông Lê Cơ thi rớt kỳ thi Hương, trong khi học chờ 3 năm sau thi lại thì bị tri phủ Thăng Bình bắt ra làm lý trưởng, ông chấp nhận. Ông nói nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì ít nhất cũng thử nghiệm trong một làng. Câu nói này chứng tỏ ông đã có một chương trình hành động, một quyết tâm, lý tưởng nào đó”, ông Đại khẳng định.
Lê Cơ sinh ra trong một gia đình danh tộc làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Về năm sinh của Lê Cơ, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo con cháu dòng họ Lê Phú Lâm thì ông sinh năm 1870, tức năm Canh Ngọ. Cuộc hôn nhân giữa làng họ Lê Phú Lâm với họ Phan Tây Lộc đã đưa Phan Châu Trinh và Lê Cơ trở thành bà con cô cậu ruột; điều này làm cho hai người càng đồng tâm nhất trí trên con đường cách mạng. Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Cụ Phan Châu Trinh thì đề ra chủ thuyết Duy tân nhưng cụ Phan chủ yếu vẫn là nhà lý thuyết. Vấn đề quan trọng là cần có người thực hành. Lê Cơ thực hành toàn diện hơn, đồng bộ hơn cả ba khía cạnh dân sinh, dân trí và dân khí. Điều quan trọng là Lê Cơ gầy dựng được một mô hình duy tân”.
Mô hình duy tân nổi bật nhất là trường tân học Phú Lâm. Theo PGS-TS Ngô Văn Minh, quê ở Phú Lâm, Tiên Sơn thì ban đầu ngôi trường được đặt ở vườn nhà ông Trùm Kiều, sau đó Lê Cơ vận động các thầy chùa cho mở lớp tại chùa. Số học sinh có lúc cao nhất lên đến 150 người. Trường tân học dạy chữ Quốc ngữ, hướng nghiệp thực hành, xóa bỏ hẳn lối học tầm chương trích cú trước đây. Mục đích học không phải để đi thi lấy bằng ra làm quan mà để nâng cao sự hiểu biết, lập thân, lập nghiệp phục vụ cho đất nước, nhân quần. PGS-TS Ngô Văn Minh – Học viện Chính trị khu vực 3 Đà Nẵng: “Đây là trường dạy theo lối mới. Ngoài những kiến thức văn hóa như dạy lịch sử, toán đố, khoa học thường thức…
Độc đáo là trường có hướng nghiệp, có lớp nữ học, người lớn tuổi học ban đêm. Mục đích học không phải để lấy bằng, ra làm quan mà để trang bị kiến thức, sống có ích cho bản thân, cho nhân quần… Đây là nét độc đáo trong việc mở trường tân học của cụ Lê Cơ”. Với hoạt động hiệu quả của trường tân học Phú Lâm, từ năm 1904 đến năm 1908, trong khoảng 1.200 dân của xã Phú Lâm, đã có 650 người đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Trong bài báo viết sau này, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết, trong phong trào Duy tân các huyện Nam Quảng Nam, trường Phú Lâm là nơi đầu tiên có riêng lớp học cho nữ.
Hơn 100 năm đã trôi qua, nhân chứng của công cuộc cải cách ở làng Phú Lâm xưa đã thành người thiên cổ, nhưng câu chuyện duy tân đẹp đẽ của Lê Cơ vẫn còn in trong tâm thức người dân nơi đây. Ông Lê Văn Phúc, hậu duệ của Lê Cơ đã từng nghe kể nhiều điều lý thú về công cuộc cải cách của vị lý trưởng tiến bộ. Ông Lê Văn Phúc – con cháu dòng họ Lê ở Phú Lâm, Tiên Sơn, Tiên Phước, Quảng Nam nói: “Một điểm quan trọng mà đến bây giờ nhiều người ca ngợi là cụ đã xóa đi trọng nam khinh nữ. Cụ mở trường nữ tại Phú Lâm này, hồi đầu chỉ có 8-10 người, sau đông hơn. Nhờ đó nhiều người biết chữ chớ trước đây chỉ lo bếp núc”.
Thầy giáo Nguyễn Phúc Nghĩa – giáo viên dạy bộ môn Lịch sử Trường THCS Lê Cơ, Tiên Sơn, Tiên Phước cho rằng :“Khai dân trí tác động mạnh mẽ đến địa phương Tiên Sơn. Nó kích thích một phong trào nữ học… phụ nữ được tham gia học tập, phụ nữ biết chữ đã làm tốt vai trò của mình. Nhiều chị tham gia phong trào tân học đó sau này trở thành cán bộ cho phong trào cách mạng”.
Lê Cơ cũng thực hiện các cải lương hương tục như bỏ búi tóc củ tỏi chuyển sang cắt tóc ngắn, vận âu phục, vệ sinh thân thể, tập thể dục… Đây quả là cuộc cách mạng bởi không dễ từ bỏ những tập quán lạc hậu đã ăn sâu ngàn đời ở chốn thôn dã. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Lê Cơ đã thành lập Nông đoàn, Hợp xã, tổ chức cho người dân Phú Lâm dồn điền dồn thửa gần 70 mẫu ruộng; khai hoang vỡ hóa trồng tiêu, quế, chè cùng các loại cây ngắn ngày.
Các địa danh Vườn phái Trung, Vườn phái Đông… còn lưu truyền đến ngày nay là dấu vết của tổ chức dĩ nông hợp quần ấy. Tham gia các tổ hợp tác người nông dân Phú Lâm cũng giảm thiểu được sự bóc lột tàn tệ của các bá hộ, địa chủ. Lê Cơ còn vận động nhân dân mở lò rèn, xưởng mộc, lò chén, thương điếm… Lợi nhuận kinh tế của Nông đoàn, Hợp xã hai phần ba được chia cho nông dân, phần còn lại trích nộp thuế, ủng hộ xuất dương và nuôi trường tân học.
Thành công của Lê Cơ khiến các lãnh tụ phong trào Duy tân hết sức phấn khởi và viết báo ca ngợi, quảng bá. Công cuộc cải cách ở Phú Lâm cũng đã đóng góp một mô hình làng duy tân cho phong trào Duy tân của Quảng Nam và cả nước. Tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Duy tân nói chung, cải cách ở làng Phú lâm nói riêng lại khiến bọn thực dân và quan lại Nam triều lo ngại, tìm biện pháp đối phó.
Những báo cáo mà bà Phan Thị Minh, cháu ngoại của Phan Châu Trinh khi sang Pháp tìm tài liệu về cụ Phan đã phát hiện tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của chính quyền thực dân đối với công cuộc cải cách của Lê Cơ. Nhân cuộc kháng sưu cự thuế bùng nổ ở xứ Quảng vào tháng 3 năm 1908 rồi lan ra khắp Trung kỳ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào. Các cơ sở của Duy tân bị chúng phá hủy, một số thủ lĩnh bị án chém, nhiều người khác bị đày đi Côn Lôn, Lao Bảo. Lê Cơ bị bắt giam tại nhà lao Hội An đến năm 1911 mới được ra tù về quê nhưng vẫn bị thực dân Pháp theo dõi ráo riết.
Năm 1912 tại Trung Quốc, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam quang phục hội, tiếp tục đường lối bạo động cứu nước. Thái Phiên và Trần Cao Vân trở thành lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Quang phục hội ở Trung kỳ; lực lượng của hội phát triển mạnh tại Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Lê Cơ tích cự tham gia phong trào. Vì sao con người của đường lối cải cách bất bạo động này lại chuyển hẳn sang bạo động? Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng Lê Cơ sau trải nghiệm xương máu của cuộc kháng sưu cự thuế 1908 đã nhận thấy không còn con đường nào khác ngoài đấu tranh bạo động, may ra có thể giành lại độc lập cho đất nước.
Từ năm 1914, nước Pháp sa vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam quang phục hội nhìn nhận đây là cơ hội để khởi nghĩa có thể nổ ra và giành thắng lợi. Lê Cơ được giao nhiệm vụ khẩn trương phát triển lực lượng dân binh và xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở Quảng Nam. PGS-TS Ngô Văn Minh cho biết: “Cụ Lê Cơ đã xây dựng dân binh Phục quốc quân tại địa phương. Cụ còn vận động 30 phụ nữ do bà chị con ông bác chỉ huy bí mật dệt vải may quân trang, các lò rèn giáo mác giấu trong các gánh chè khô chuyển cho Bộ chỉ huy nghĩa quân.
Sau đó cụ tham gia xây dựng căn cứ đầu nguồn Vu Gia và ở Phú Túc, Tây Hòa Vang”. Cuộc khởi nghĩa dự định nổ ra đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5.1916. “Lê Cơ được phân công tấn công vào Trấn bình đài, tức đồn Mang Cá, đảm nhiệm nhiệm vụ rất quan trọng và ở một vị trí rất phù hợp với năng lực, sở trường của ông”, ông Bùi Văn Tiếng khẳng định. Tuy nhiên kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp chủ động đối phó nên cuộc nổi dậy nhanh chóng thất bại. Ngày 17.5.1916 Thái Phiên và Trần Cao Vân hy sinh lẫm liệt tại pháp trường An Hòa; 62 người khác bị đày đi Lao Bảo, trong đó có Lê Cơ.
Tròn một trăm năm ngày chí sĩ Lê Cơ hy sinh, chúng tôi tìm về thị trấn Lao Bảo huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngày xưa nơi đây là vùng biên ải heo hút, đầy lam sơn chướng khí. Năm 1833, vua Minh Mạng cho lập một bảo trấn nhằm bảo vệ tuyến phên giậu giáp Lào và lưu đày những phạm nhân trọng án. Năm 1854, vùng đất này chính thức mang tên Lao Bảo. Sau năm 1908, thực dân Pháp mở rộng nhà đày Lao Bảo để giam giữ tù chính trị. Khi Lê Cơ và các đồng chí của ông bị đày lên đây, nhà đày Lao Bảo mới được xây bằng gỗ, mái lợp ngói, tường làm cốt tre và vôi, cát trộn rơm, mỗi khu có thể giam giữ 60 tù nhân, ban đêm những cùm lim nặng nề sẽ ngoạm chặt lấy họ. Nhà đày này thời ấy nổi tiếng là nơi “tử địa”.
Sau một loạt các cuộc khởi biến 1908, 1916 ở Trung kỳ, bọn thực dân rất muốn tận diệt các mầm mống phản kháng. Chúng mượn rừng thiêng nước độc, cơm hẩm, cá mục, đau ốm không thuốc men, đòn roi báng súng, lao dịch nặng nhọc… để giết dần mòn những người yêu nước. Thực tế tù chính trị ở Lao Bảo thời kỳ này phần lớn “có đi, không về”. Tháng 10 năm 1918, trong một lần đi lao dịch, khi thấy người bạn tù bị tên cai ngục hành hạ tàn nhẫn, Lê Cơ đã cầm rựa xông đến phản kháng và bị chúng bắn chết. Tương truyền rằng khi trúng đạn, người “anh hùng thảo dã” gương mặt vẫn bừng bừng nộ khí, giây lâu mới chịu ngã xuống. Theo ông Lê Nguyên Đại, sau khi nhà nhận được giấy báo Lê Cơ chết, ông Lê Thục, em trai Lê Cơ đã ra nhà đày Lao Bảo nhận mộ, cắm một miếng bia bằng gỗ, định thời gian sau sẽ ra mang hài cốt về cải táng, nhưng rồi không thực hiện được. Lần thứ hai quay ra thì mộ Lê Cơ đã mất dấu.
Nỗi đau này vẫn ám ảnh trong lòng ông Đại. Thực ra các chí sĩ yêu nước thời đó hy sinh tại nhà đày Lao Bảo phần lớn không giữ được mộ. Bởi lẽ thuở đó từ Quảng Nam ra tới vùng biên ải này còn đầy cách trở và tốn không ít kinh phí, trong khi gia cảnh những người yêu nước đã bị bọn thực dân làm cho khánh kiệt. Một nhà nghiên cứu đã lý giải với tôi như vậy. Mà chắc là như vậy. Lê Cơ cũng như nhiều đồng chí của ông đã hóa thân vào mảnh đất thiêng này nhưng khí phách, tinh thần yêu nước của họ vẫn trường tồn với thiên thu. Riêng Lê Cơ, tư tưởng cải cách giáo dục, đổi mới toàn diện đời sống nông thôn đến nay đã tròn một trăm năm vẫn vang vọng tha thiết và tươi mới.
Duy Hiển - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam