Thay đổi thực đơn cho học sinh bán trú
Mặc dù Quảng Nam chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; cùng với dịch cúm gia cầm xuất hiện ở xã Tiên Thọ (Tiên Phước), một số trường học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh đã chủ động lên phương án dự phòng, thay đổi thực đơn, siết chặt kiểm soát nguồn cung để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước cho biết, trước thông tin dịch lở mồm long móng xuất hiện ở xã Tiên Lãnh và cúm gia cầm xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Tiên Thọ, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm cho bữa ăn bán trú của trẻ.
“Vì dịch bệnh chỉ xảy ra trên phạm vi nhỏ, ngành không nhận được chỉ đạo nào về việc cấm dùng thịt heo, thịt gà trong bữa ăn; chỉ mới nhận được công văn của UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan phòng chống dịch bệnh, nên Phòng GD-ĐT huyện đã thông báo tình hình dịch bệnh để các trường tính toán, chủ động nguồn thực phẩm an toàn; đồng thời có kế hoạch để chuẩn bị phương án và thực hiện thay đổi thực đơn bán trú trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng” - ông Hải nói.
Một bữa ăn bán trú ở Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ). Ảnh: C.N |
Nhiều phụ huynh của Trường Mầm non Thánh Gióng (TP.Tam Kỳ) cho biết, họ cảm thấy yên tâm khi nhà trường thông báo tạm thời cắt thịt gà trong thực đơn bán trú sau khi nhận được thông tin có ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Tiên Phước. Trước đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em, nhà trường cũng tạm ngưng các món ăn thịt heo. Chị Nguyễn Hà Thương - phụ huynh Trường Mầm non Thánh Gióng nói, dù dịch chưa xảy ra, nhưng việc nhà trường quan tâm đến sự an toàn trong bữa ăn cho các cháu, chị cảm thấy hài lòng và yên tâm.
Cô giáo Lê Thị Tri - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quế Xuân 1 (Quế Sơn) cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cách đây hơn 10 ngày, nhà trường đã chủ động không dùng thịt heo trong chế biến thức ăn cho học sinh. Trong tuần này, khi nghe thông tin trên địa bàn tỉnh có tình trạng gà nhiễm H5N6, nhà trường cũng đã cắt luôn thịt gà trong thực đơn. Để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường dùng thịt bò, cá, vịt, tôm... thay thế. Tương tự, bắt đầu từ tuần này, Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ) đã nghiên cứu thay đổi thực đơn theo hướng không có thịt heo, thịt gà trong bữa ăn và tăng cường thực phẩm khác. “Nhà trường phải tính toán cân đối định lượng, chất dinh dưỡng để bảo đảm dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi của trẻ; chẳng hạn như thay tôm, lươn, vịt, cá... để bù vào những chất dinh dưỡng mà thịt gà, heo đem lại” - cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Mai, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen nói.
Được biết, đầu năm học 2018 - 2019, các phòng GD-ĐT ở Quảng Nam đều có văn bản yêu cầu các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học có bếp ăn bán trú kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm. Trước diễn biến của dịch bệnh trên gia súc gia cầm như hiện nay, lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục có công văn yêu cầu các trường bảo đảm nguồn gốc thực phẩm; tuyệt đối tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để vừa đảm bảo an toàn bữa ăn cho trẻ, vừa đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.Trong khi đó, lãnh đạo một số trường học vẫn cho dùng thịt heo, thịt gà trong thực đơn bán trú; nhà trường cam kết tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm.
Châu Nữ - Báo Quảng Nam