Thâm nhập đại công trường ngâm ủ chất độc làm vàng
Thời điểm khi Tết cổ truyền đang tính từng ngày, lúc này tại các xã miền núi tỉnh Quảng Nam không khí đào đãi vàng trái phép diễn ra vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương. Kéo theo đó, dòng sông bị biến dạng đục ngầu, hóa chất cyanua, thủy ngân xả thẳng ra sông vô tội vạ. Tiếng máy nổ xay xát đất, đá tuyển vàng rầm rú núi rừng. Trong khi chính quyền địa phương nhắm mắt làm ngơ.
Mong giá vàng xuống để người người, nhà nhà đừng đào đãi vàng
Từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chạy xe máy trên tuyến đường ĐT 615 lên đến ngay ngã 3 Tiên Thọ của huyện Tiên Phước. Đúng như người dân phản ánh, tại địa bàn thôn 3 xã Tiên Lộc là đại công trường xay tuyển quặng vàng trái phép tại gia lớn nhất và nhộn nhịp nhất.
![]() |
Mọi việc sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ diễn ra ngay tại bãi vàng. |
Theo ghi nhận, đại công trường vàng trái phép tại gia ở đây được người dân chuẩn bị đầy đủ thiết bị như máy nổ nghiền quặng, bồn, máng lóng vàng, từng boong ke hồ chứa chất độc cyanua để ngâm ủ quặng sau khi nghiền ra được người dân làm rất công phu.
Có nhà có đến 3-4 hồ chứa chất độc cyanua để ngâm ủ quặng. Cảnh tượng làm vàng trái phép ở trong khu dân cư diễn ra như chốn không người. Tiếng máy nổ kêu ầm ầm. Còn trong bụi rậm, rừng cây keo được dân làm vàng tận dụng triệt để lập hồ chứa chất độc cyanua để ngâm ủ quặng nằm đầy.
Theo điều tra, dân làm vàng nơi đây mua xái quặng của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh về nghiền mịn ra để lấy vàng, số đất đá còn lại được họ vào núi đào chở về để nghiền lấy vàng.
Điều đáng nói là tất cả chất độc cyanua dùng để ngâm ủ, tuyển quặng đều được người dân làm vàng trái phép xả thẳng xuống sông làm dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra môi trường không khí cũng bị ô nhiễm.
Con đường nhựa của xóm làng cũng bị xe chở xái quặng, đất đá xay lấy vàng cày nát bươm một đoạn dài, mỗi khi trời mưa nhầy nhụa, trời nắng bụi bay mù mịt khó khăn cho người dân qua lại.
![]() |
Một điểm làm vàng trái phép tại nhà ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước. Một phụ nữ vừa bồng con vừa nghiền quặng |
Theo quan sát, nếu người lạ vào đại công trường vàng tại gia là bị phát hiện ngay bởi vì có nhiều tay mắt nằm rải rác khắp nơi.
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết từ khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu ngừng hoạt động nên gần 400 công nhân là người dân địa phương cũng phải nghỉ việc về nhà làm vườn, trang trại.
Nhưng có số đổ xô vào núi rừng để khai thác vàng trái phép. Người dân các huyện Núi Thành, Tiên Phước và Thăng Bình cũng kéo lên làm vàng trái phép. Hện có hàng trăm người đang “ẩn” mình trong các hầm lò, ăn ở, sinh hoạt ngay trong hầm để khai thác vàng, nên công tác truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực gặp nhiều khó khăn.
Dù địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không thể ngăn chặn vì các đối tượng khai thác vàng di chuyển theo nhiều hướng khác nhau để lên các khu vực hầm lò, ông Minh cho hay.
Ông Minh lo lắng, vì lợi nhuận, giá vàng vẫn còn ở mức cao nên “vàng tặc” bất chấp. Điều mà xã lo lắng nhất hiện này là thời tiết mùa này rất nguy hiểm, mưa bão vừa qua làm cho đất đá nhão, rất dễ sạt lở. Nhất là những cây trụ bằng gỗ bạch đàn chống các hầm của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã bị mục nát, xuống cấp.
"Nếu người dân vào hầm khai thác, nguy cơ sập hầm là không tránh khỏi. Tôi khẳng định, từ nay đến cuối năm rất có thể xảy ra sập hầm chết người dù chính quyền đã cảnh báo", ông Minh nói.
Theo ông Minh, thời điểm cận Tết là lúc “vàng tặc” hoạt động rầm rộ nhất vì vàng vẫn còn ở mức hơn 3 triệu đồng. Chỉ có một cách không còn “vàng tặc” là giá vàng xuống khoảng 2 triệu đồng, lúc đó họ làm thua lỗ sẽ không ham muốn khai thác vàng nữa.
Đột nhập “đại công trường” khai thác vàng trái phép
Để tránh sự phát hiện của người lạ “đi lạc” vào đại bản doanh khai thác vàng trái phép, hệ thống đường đi ở đây được mở chi chít như xương cá. Mất hơn 20 phút đi bằng xe máy chuyên dụng, chúng tôi mới lọt vào được một lán trại đang khai thác vàng trái phép dọc một nhánh sông Bồng Miêu thuộc địa phận xã Tiên Lộc của huyện Tiên Phước.
![]() |
Một giàn máy nghiền quặng vàng trái phép đại công trường vàng |
Tại lán trại này có 4 người đàn ông, ngổn ngang máy móc, xe máy dựng la liệt. Họ chồng bao cát làm bốn cái hồ để ngâm ủ đất đá sau khi sàng lọc ra với chất độc cyanua.
Theo quát sát, việc khai thác vàng trái phép tại đây được khép kín từ khâu sàng đất đá đến ngâm ủ và dùng chất độc cyanua tuyển vàng. Còn hệ thống nước thải chất độc cyanua được xả thẳng ra sông. Hệ thống điện phục vụ cho mô tơ điện, thắp sáng được kéo từ nhà ra hàng cây số.
Trong 4 hồ chức chất độc cyanua đã được các “vàng tặc” đổ đầy quặng vào ngâm ủ để tuyển vàng. Trời rét lạnh, hơi lạnh dưới sông bay vào mặt tê cóng, mùi cyanua nồng nặc phát tán xộc vào mũi suýt ói mửa.
Không khí và nguồn nước sông ô nhiễm vậy nhưng các “vàng tặc” vẫn rửa cá, đồ ăn bình thường. Lán trại vàng được dựng lên che chắn bằng mấy tấm bạt tạm bợ, sàn gỗ hôi hám nhưng các “vàng tặc” dùng để làm nơi ăn ngủ.
Đối diện bãi vàng trái phép này, phía bên kia bờ sông thuộc địa phận của xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh là một bãi vàng trái phép khổng lồ. Từng đống quặng, đất đá được đổ ngổn ngang, có đống phủ bạt lên, có đống quặng để lộ thiêng. Lán trại dựng lên ngay cạnh. Các hồ chứa chất độc cyanua dùng để ngâm ủ quặng nằm san sát nhau.
Để qua bên kia sông, xâm nhập vào đại công trường vàng khép kín có quy mô khủng khiếp của anh em một người đàn ông tên N. là phải mạo hiểm với dòng nước chảy xiết. Một người lội nước đi trước để làm hoa tiêu cho anh bạn đồng nghiệp chạy xe máy từ từ phía sau.
Mất hơn 20 phút chiến đấu với dòng nước cuối cùng cũng qua được bờ. Tiếp tục mất hơn 30 phút nữa leo đèo trên con đường đất vừa đủ cho một chiếc xe múc, xe ủi chạy lên đại công trường vàng trái phép.
Khung cảnh hiện ra trước mắt là một đại công trường vàng trái phép vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương. Từng lán trại được dựng lên san sát nhau, hầm hố sâu hoắm. Tiếng máy nổ kêu ầm ầm rầm vang cả núi rừng. Tiếng nước chảy xối xả trên các máng rửa quặng vàng.
Lán trại đầu tiên có 4 người đàn ông đang hì hục chui rúc xuống hầm sâu khoảng 4-5m đào múc đất đưa lên miệng hầm.
![]() |
Một giàn máy nghiền quặng vàng trái phép đại công trường vàng trái phép. |
Theo ghi nhận, đại công trường vàng trái phép này có khoảng 30 người đang “ăn” nát bét một khu vực đồi núi rộng lớn hàng chục hécta. Có tất cả 6 lán trại với 6 dàn máy nổ hoạt động suốt cả ngày đêm. Hệ thống điện thắp sáng cũng như phục vụ cho việc đào đãi vàng được các chủ bãi kéo 4 đường dây điện to bằng ống tay bắt qua sông dài gần mấy km.
Thấy người lạ, mấy người đang đứng trên miệng hầm ra hiệu cho tất cả những người đang hì hục đào đất đá ở dưới hầm leo lên rồi tỏa đi khắp nơi móc điện thoại ra điện.
Phía dưới là một nhánh sông Tiên đục ngầu, vàng chạch. Mùi chất độc cyanua, thủy ngân dùng để ngâm ủ, tuyển vàng tại đại công trường này bốc mùi nồng nặc.
Để mở đại công trường vàng trái phép này các chủ bãi đã thuê các xe múc, xe ủi vượt sông chạy lên phá núi mở đường từ bến sông chạy vào đến bãi. Sau đó, họ sẽ dùng xe múc, xe ủi bóc lớp đất mặt khoảng 1m rồi, cho nhân công dùng xẻng, xà beng, cuốc hì hục đục khoét “tăm” vàng. Nếu “tăm” thấy vàng sẽ xác định vị trí để đào một hầm đánh sâu vào lòng núi để lấy quặng đưa lên mặt đất nghiền tại chỗ để lấy vàng.
Ông Huỳnh Văn Điểu, Chủ tịch UBND xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước cho biết: “Bãi vàng trái phép như phóng viên phản ánh là thuộc địa phận thôn Đàn Thượng của xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, chứ không nằm trên địa bàn của xã Tiên Lập”.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh lại cho rằng: “Bãi vàng trái phép này của ông Nguyệt (là người dân của xã Tiên Lập) đã bị lực lượng chức năng của xã lập đoàn truy quét một lần mới đây rồi, nhưng lại hoạt động rầm rộ trở lại”.
Ông Minh cho biết, vì đây là địa phận giáp ranh giữa xã Tam Lãnh với xã Tiên Lập nên rất khó quản lý, phát hiện để xử lý nạn đào đãi vàng trái phép như trên. Chính quyền xã sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng đi kiểm tra xử lý ngay.
Hồng Sơn - Báo Đất Việt