www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thị trấn trung du

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Tiên Kỳ - trung tâm huyện lỵ Tiên Phước, đã mang dáng dấp của một phố thị trung du sầm uất, khiến nhiều người đến với miền quê có con sông Tiên, đều không khỏi ngỡ ngàng.

 

      Cách TP.Tam Kỳ khoảng 25km về phía tây, thị trấn Tiên Kỳ có diện tích tự nhiên trên 800ha, dân số hơn 7.700 người. Sau ngày hòa bình lập lại, cũng như bao xã khác trong huyện, thị trấn Tiên Kỳ chỉ là một xã với 4 thôn, dân cư thưa thớt, đất đai phần lớn bỏ hoang và hầu như không có công trình xây dựng cơ bản nào đáng kể. Để xây dựng trung tâm huyện lỵ, được sự quan tâm của huyện, cấp ủy và chính quyền thị trấn Tiên Kỳ đã vận động nhân dân phát huy nội lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

      Nếu như trước đây cả thị trấn chỉ có một con đường thảm nhựa của tuyến đường ĐT616 (nay là quốc lộ 40B) chạy ngang qua thì bây giờ các tuyến nội thị đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp, thảm nhựa khang trang. Cầu Sông Tiên được xây dựng năm 1995 có thể nói là bước ngoặt quan trọng trong qua trình phát triển của thị trấn Tiên Kỳ. Cây cầu vĩnh cửu bê tông cốt thép bắc qua sông Tiên không những tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa một nửa huyện cánh nam với một nửa huyện cánh bắc, góp phần làm đẹp cho “phố núi”, mà còn nối liền vùng cao Trà My với đồng bằng duyên hải của tỉnh.

Một góc thị trấn Tiên Kỳ. Ảnh: N.T.MỸ
Một góc thị trấn Tiên Kỳ. 

       Đặc biệt, sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, nhất là trong những năm gần đây, thị trấn Tiên Kỳ được đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm như sân vận động, kè sông Tiên, đường tránh lũ, khu giết mổ gia súc tập trung... với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Cầu Sông Tiên 2 cũng đã được xây dựng hoàn thành trên tuyến tránh Nam Quảng Nam và hệ thống kè nối liền hai cây cầu đang được xây dựng, hệ thống đường nội thị được đầu tư nâng cấp, bắt điện chiếu sáng, đặt tên đường đã dần tạo nên dáng dấp của một phố thị khang trang, hiện đại.

      Hệ thống đường liên thôn, liên xóm cũng được xây dựng hoàn chỉnh nhờ phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn; đã khoác cho thị trấn một tấm áo mới, khang trang, sạch đẹp, không còn cảnh mưa lầy, nắng bụi như trước đây. Đối với hệ thống thủy lợi, thị trấn thường xuyên củng cố, nâng cấp các trạm bơm, hồ đập hiện có, đầu tư xây dựng thêm các tuyến kênh mương trọng yếu tại các thôn An Trung, Phái Tây, Phái Đông đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất vụ hè thu.

       Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng là điều kiện tiên quyết để thị trấn Tiên Kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy lợi thế là địa phương nằm ở trung tâm huyện, thị trấn Tiên Kỳ tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hiện tại, thị trấn có hơn 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như cưa xẻ gỗ, xay xát, sản xuất nước đá, gò hàn, cơ khí nhỏ... giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Các loại hình thương mại dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ. Từ dịch vụ ăn uống, giải trí, buôn bán vật liệu xây dựng, hàng mộc dân dụng, hàng điện tử, đến dịch vụ vận tải, in ấn quảng cáo, sửa chữa xe máy, ô tô, chăm sóc sức khỏe, thời trang, làm đẹp... đã tạo nên diện mạo mới cho phố thị trung du.

       Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ năm 2014 của thị trấn ước đạt hơn 29 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Tiên Phước (10.3.1975 - 10.3.2015) nhiều người từng sống, chiến đấu ở Tiên Phước trong những năm chiến tranh và nhiều người con xa quê trở về dự lễ đều không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay to lớn của thị trấn Tiên Kỳ. Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, đã sáng tác một bài thơ ca ngợi sự đổi thay của thị trấn đọc tặng mọi người tại buổi gặp mặt truyền thống của huyện và khẳng định: “Thị trấn Tiên Kỳ đã đổi thịt thay da nhanh chóng quá khiến nhiều lúc tôi tự hỏi thật hay mơ. Bởi mọi sự tốt đẹp đến không ngờ…”.

       “Cùng với thế mạnh về thương mại, dịch vụ, chúng tôi còn chú trọng vận động nông dân ở các thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng” - ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ cho biết. Quả vậy, đến thăm một số mô hình kinh tế trên địa bàn mới thấy việc thực hiện tam nông ở thị trấn đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

        Ông Võ Linh Hoạt ở thôn Phái Đông từ chỗ khó khăn đã tích cực hỏi học kinh nghiệm nhiều nơi xây dựng được mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô lớn, nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm. Ông Hoạt cho biết: “Nuôi gà không phải dễ, nhưng cũng không quá khó, nếu chịu học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là áp dụng triệt để các hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn về chọn giống, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại... Có như thế mới khống chế được dịch bệnh, chăn nuôi mới hiệu quả”. Các hộ khác như Thái Văn Thanh, Thái Nguyên Khoa (thôn Phái Đông), Nguyễn Văn Sơn (thôn An Trung), Hồ Châu Kỳ (thôn Bình An), Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Đình Hào (thôn Sơn Yên), Huỳnh Đức Huệ (thôn Phái Bắc)... xây dựng  mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi có tính bền vững cao, đem lại hiệu quả lớn.  Riêng cây lúa, mấy năm gần đây đã đạt năng suất bình quân 48 tạ/ha/vụ. Thị trấn còn vận động nhân dân phát triển nghề gieo ươm giống cây trồng, xây dựng vùng trồng rau sạch chuyên canh, trồng cây keo nguyên liệu… nhờ vậy, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của thị trấn tăng bình quân mỗi năm trên 5%, góp phần giảm hộ nghèo xuống còn hơn 8%.

        Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội trong những năm qua cũng được cấp ủy, chính quyền thị trấn Tiên Kỳ đặc biệt quan tâm nên có nhiều khởi  sắc. 100% trường học được tầng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Cả ba trường là Trường Mầm non Tiên Kỳ, Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường THCS Lý Tự Trọng đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 và được chọn xây dựng trường trọng điểm về chất lượng của huyện. Nhiều thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa nhiều năm liền như thôn An Đông, thôn Sơn Yên... Hàng năm có trên 90% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 5/5 tộc họ, 11/13 thôn khối phố đạt danh hiệu văn hóa, 100% cơ quan, trường học có đời sống văn hóa tốt.

      Ông Trần Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: “Chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được chúng tôi vận dụng triệt để, nhờ thế, vận động sự đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng tường rào, cổng ngõ, sân nhà sinh hoạt cộng đồng, mua sắm các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ cho các hoạt động vui chơi, hội họp… góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

                                                         Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam