Thị trường im ắng, người trồng cau thấp thỏm
Trước thông tin thương lái Trung Quốc ngừng thu mua cau, người trồng cau ở xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) thấp thỏm khi cau sắp bước vào vụ thu hoạch.
Gia đình ông Phùng Văn Xuân (59 tuổi, thôn 4, xã Tiên Lãnh) có hơn 1ha diện tích đất trồng cau. Hiện cau đang trổ buồng, gần 1 tháng nữa là có thể thu hoạch. Năm 2018, gia đình ông thu lời 150 triệu đồng từ việc bán cau. Ông Xuân cho biết, thời điểm này năm ngoái, nhiều thương lái đã đến khắp các hộ gia đình trong thôn để đặt cọc, dặn mua cả vườn cau. Thế nhưng năm nay vẫn chưa thấy thương lái đề cập đến việc mua cau. “Gia đình tôi rất lo lắng, vì những năm gần đây cau trở thành cây kinh tế chủ lực của gia đình” - ông Xuân nói.
Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Đình Diệu (33 tuổi, thôn 2, xã Tiên Lãnh) cho biết: “Tôi có 0,5ha cau. Vụ năm nay năng suất rất đạt, ước tính nếu được giá cao như năm 2018 là 35 nghìn đồng/kg thì gia đình thu lời gần 200 triệu đồng. Nếu sắp tới cau không bán được thì phải phá bỏ hoàn toàn buồng cau để vụ sau mới tiếp tục ra trái”.
Ông Phùng Văn Xuân lo âu trước thông tin thương lái Trung Quốc ngừng thu mua cau. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Trái cau Tiên Lãnh có đặc điểm don, dài và rất cứng chắc, người dân thường gọi là cau tre. Khi ăn có vị chát và cay nồng hơn so với các loại cau khác. Theo một số hộ dân, đầu ra chủ yếu cho trái cau Tiên Lãnh là thị trường Trung Quốc. Vào mùa cao điểm năm 2018, thương lái Trung Quốc trực tiếp đến thu mua và làm việc với các lò sấy cau khô trên địa bàn xã để sơ chế sản phẩm. Việc thị trường cau đứng bánh như hiện nay là do một số thương lái Việt Nam ham lợi nhuận, thu mua cau Tiên Lãnh trộn với các loại cau ở những nơi khác (đặc biệt là cau Quảng Ngãi) làm ảnh hưởng đến thương hiệu cau Tiên Lãnh.
Ông Võ Tấn Thu - Phó ban Nông nghiệp xã Tiên Lãnh cho biết, toàn xã có 340ha diện tích đất vườn, trong đó có đến 70% diện tích được người dân ưu tiên cho việc trồng cau. Những năm gần đây, nhiều người dân phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển hướng sang trồng cau làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tính riêng năm 2018, người dân đã trồng mới 33ha cau.
Theo bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, những năm gần đây, cây cau mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cau nhằm tạo sản phẩm đặc trưng cho xã Tiên Lãnh và huyện Tiên Phước. Để có thể mang lại giá trị bền lâu và tránh bài học như cây tiêu Tiên Phước, xã đã có kiến nghị lên huyện về việc hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và xây dựng thương hiệu cau Tiên Lãnh. “Thời điểm hiện tại, vẫn còn gần 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch cau. Nếu vụ cau năm nay mất giá, xã sẽ kiến nghị lên huyện tìm biện pháp xử lý” - bà Tuyết nói.
Thái Cường - Báo Quảng Nam