Tờ 2 đô la và 15 năm ấy...
Ngày mẹ tôi từ giã cõi đời về với ông bà tổ tiên, mẹ để lại một số vật dụng thân quen của người già: bình vôi, cái ống ngoáy trầu, con dao xếp bửa cau và cái đãy nhỏ xíu tự cắt may bằng vải “tận dụng” từ chiếc áo lá đã cũ… Và trong cái đãy có tờ 2 đô la Mỹ. Nhìn tờ tiền ấy, tôi lại nhớ một buổi chiều cuối tháng chạp năm 2013. Hôm đó, tôi từ phố thị về quê thăm mẹ.
Trò chuyện với tôi một hồi lâu rồi mẹ mở túi áo, lấy cái đãy nhỏ xíu, lôi trong ấy ra tờ 2 đô la đưa cho tôi coi và hỏi: “Đây là tiền thật hay là tiền âm phủ?”. Cầm tờ tiền săm soi, tôi cười: “Tiền thật. Lại tiền Mỹ hẳn hoi. Ai biếu mẹ vậy?”. Mẹ cũng cười: “Bà Mỵ cho. Hôm nọ, bà ấy đến nhà thăm mẹ, biếu mấy trăm ngàn đồng tiền Việt và tờ tiền này. Bà ấy bảo, nó không mua gì được ở quê nhưng lại là tờ tiền may mắn…”. À, thì ra là thế!
Mẹ nhắc tên bà Mỵ làm tôi nhớ lại 15 năm ấy… Lúc bấy giờ, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, cũng như bao bà con khác, ông Bốn Tảo ở làng Tả Lâm dẫn vợ con về quê làm ăn sinh sống. Làng Tả Lâm và làng Hữu Lâm chỉ cách nhau cánh đồng Cây Thị rộng lớn. Tuy hiến gần hết ruộng đất cho người nghèo trong thời kỳ kháng chiến chín năm nhưng gia đình tôi vẫn còn cả mớ ruộng “nhất đẳng điền” ở đồng Cây Thị. Khi hồi hương, không ít hộ ở làng Tả Lâm thiếu đất sản xuất, còn gia đình tôi lại thừa ruộng, làm không hết.
Mẹ tôi cho ông Năm Em, ông Bảy Hiệp, ông Sáu Luân, ông Bốn Tảo, bà Ba Thu, bà Ba Tình… mượn ruộng cấy cày làm ăn. Những năm tháng ấy, gia đình ông Bốn Tảo ở làng Tả Lâm thuộc diện khó khăn nhất. Con đông. Bà Mỵ - vợ ông, là dân vùng quê biển theo chồng về xứ núi, không quen với việc cấy gặt. Cả nhà ông sống nhờ vào gia đình tôi. Năm mười hai tháng, trừ vài ba tháng mùa mưa, thời gian còn lại cả nhà ông gần như thường xuyên có mặt ở nhà tôi. Bà Mỵ và mấy đứa con gái phụ giúp hái chè, xắt khoai; ông Bốn Tảo và mấy đứa con trai giúp dọn vườn, trồng chuối… Ngoài việc lo cơm nước đàng hoàng chu đáo, trả tiền công hậu hĩ, mẹ tôi còn cho thêm thóc gạo, sắn khoai…
“Gia tài của mẹ”. |
Cái đói được đẩy lui. Cuộc sống của mọi người dần ổn định. Mùa hè 1978. Cả huyện Tiên Phước đồng loạt thực hiện chủ trương của tỉnh: Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất giao hết cho tập thể. Nông dân trắng tay. Họ trở thành xã viên hợp tác xã, ngày lại ngày vác cuốc ra đồng trồng khoai, làm ruộng theo hiệu lệnh kẻng, dưới sự chỉ huy của đội trưởng, đội phó sản xuất. Thoạt đầu, một ngày công lao động được vài ba cân thóc. Ai cũng phấn khởi hồ hởi. Nhưng sang mùa thứ hai, thứ ba… một ngày công lao động chỉ có vài ba lạng thóc! Nguyên do là đội ngũ lao động gián tiếp quá nhiều, bộ máy điều hành lãnh đạo của ban quản trị hợp tác xã quá cồng kềnh, lại rong công phóng điểm. Thêm vào đó, tình trạng “cha chung không ai khóc” khiến hợp tác xã bộc lộ những bất cập khó có thể khắc phục được. Đói, đầu gối phải bò.
Rất nhiều xã viên viện cớ ốm đau, ở nhà tìm kiếm cái ăn nuôi sống cả nhà. Gia đình tôi đã giao hết ruộng đất ở đồng Cây Thị cho Hợp tác xã Tiên Thọ. Trâu bò, ruộng nương ở làng Hữu Lâm cũng giao hết cho Hợp tác xã Tiên Kỳ. Tuy nhiên, đất vườn, đất gò đồi của gia đình tôi vẫn còn mênh mông bát ngát, hợp tác xã không đủ sức quản nổi nên gia đình tôi được sở hữu làm ăn.
Lại một lần nữa, bà con ở làng Tả Lâm cùng gia đình tôi bấu víu vào đấy mà sống.
Hòn đá đen ở làng cây Thị. |
Tôi vẫn không quên quãng thời gian sau Tết Nguyên tiêu hàng năm. Đó là mùa chè tháng giêng ra lộc. Đồng ruộng bậc thang trước nhà tôi nối với đồng Cây Thị bằng một cái truông dài, hai bên tre pheo ken dày. Sáng sớm, từ làng Tả Lâm, bà Hai Tình, bà Ba Tài, bà Ba Thu, bà Hai Sửu, bà Bảy Hiệp, bà Năm Cánh… mang giỏ theo cái truông ấy đến vườn nhà tôi hái chè. Còn ông Bảy Hiệp, ông Năm Em, ông Bốn Tảo… cầm rựa tới dọn vườn. Hồi đó, nhà tôi có cả mớ vườn đồi, nào vườn nhà, vườn Cây Sơn, vườn Đá Bộng, vườn Mả Dời, vườn ông Xã… Tất cả dựa vào cây chè, cây mít mà sống. Vườn đồi nhà tôi trồng rất nhiều mít, cây nào cây nấy cao to, một người ôm không xuể. Mùa hè mít ra trái lủ khủ. Sau một ngày lao động vất vả, ngoài sản phẩm ăn chia theo thỏa thuận, mỗi người vác một quả mít già trên vai men theo lối cũ về lại làng Tả Lâm.
Những năm tháng ấy, đi học một buổi, còn một buổi tôi theo chân ông Bảy Hiệp, ông Bốn Tảo… phát vườn. Đúng hơn là để họ sai vặt như đem nước uống, đem đồ ăn nửa buổi nửa xế. Mẹ tôi có mảnh ruộng hố hóc, hợp tác xã chê không lấy, mẹ tôi cấy nếp bầu. Nhờ vậy, tết năm nào mẹ tôi cũng gói cả trăm đòn bánh tét để qua tháng giêng chiên giòn đem cho bà con ăn nửa buổi.
Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện “khoán 100” rồi “khoán 10”, cuộc sống của xã viên nhờ đó có phần “dễ thở” hơn. Bà con ở làng Tả Lâm không còn khó khăn như trước. Riêng gia đình bà Mỵ vẫn vất vả cực nhọc vì đông con quá, vườn tược lại chẳng có bao nhiêu. Cả nhà bà vẫn qua lại với nhà tôi, cùng làm vườn hái chè, cùng chia sẻ nguồn lợi thu được. Bước sang thập kỷ 90, có người thân bên Mỹ bảo lãnh, ông Bốn Tảo và bà Mỵ rời quê xứ sang định cư tại Hoa Kỳ.
Trước khi đi, gia đình bà đã gắn bó với gia đình tôi suốt 15 năm có lẻ. Thời thế đổi thay. Và anh em tôi cũng đã lớn khôn trưởng thành, lập gia đình và sinh sống mỗi người một nơi. Mẹ tôi ở quê với cậu em út. Cuối tuần tôi mới có điều kiện về quê thăm mẹ. Theo lời mẹ kể, những năm gần đây, ông Bốn Tảo và bà Mỵ thường hay về Việt Nam. Và lần nào về, cả hai người đều đến thăm mẹ tôi. Cuối đời, ông Bốn Tảo biết mình mắc bệnh nan y, về quê xứ để an nghỉ giấc ngàn thu. Dù sức khỏe giảm sút nhiều, ông vẫn nhờ con cháu chở đến nơi rồi dìu vào nhà để thăm mẹ tôi lần cuối. Còn bà Mỵ cứ vài ba năm lại về thăm quê. Bà đã biếu mẹ tôi tờ 2 đô la vào dịp về quê ăn tết năm 2013.
Chỉ là tờ tiền may mắn nhưng 2 đô la ấy lại gợi cho tôi nhớ lại những năm đầu quê hương hoàn toàn giải phóng, “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” và cả thời kỳ bao cấp làm chung ăn chạ hằn sâu trong tâm trí những người ở lứa tuổi 50…
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam