Tọa đàm phát triển “Văn hóa đọc” ở Tiên Phước
Sáng ngày 5/12/2023, Huyện ủy Tiên Phước tổ chức tọa đàm “Dân vận khéo” trong phát triển “Văn hóa đọc” trên địa bàn huyện.
Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết, theo khảo sát, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Ở các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản, Israel, trung bình một người dân đọc 20 cuốc sách/ năm. Các nước như Thái Lan, dành 9,24 giờ hàng tuần cho việc đọc sách, Malaysia mỗi người đọc 10 cuốn sách/ năm; trong khi đó người dân Việt Nam đọc trung bình 4 cuốn sách/ năm (kể cả sách giáo khoa).
Đối với huyện Tiên Phước, công tác phát triển văn hóa đọc được các cấp, các ngành, địa phương, các trường học quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Thực hiện Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND tỉnh, ngày 19/4/2021 quy định hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó đã hỗ trợ cho Tiên Phước 2 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, sách báo phục vụ cho việc phát triển văn hóa đọc. Huyện cũng đưa lịch sử địa phương vào công tác dạy học trong trường học.
Theo đại diện phòng GD-ĐT huyện đến nay, toàn ngành giáo dục có 28/28 thư viện đạt chuẩn với 120 nghìn bản sách, 22/28 thư viện tiến tiến theo Quyết định số 01/2003 của Bộ Giáo dục. Năm 2020, UBND huyện đầu tư xây dựng thư viện, bảo tàng huyện với kinh phí 10 tỷ đồng. Năm 2023, huyện hỗ trợ cho 10/28 thư viện hỗ trợ mua sách báo phục vụ cho việc đọc sách, với kinh phí 500 triệu đồng. Các thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, học tập của học sinh, giáo viên; nhiều mô hình thư viện được đầu tư theo mô hình Room to Read, thư viện xanh-thân thiện, dễ tiếp cận thu hút học sinh, giáo viên.
Thư viện huyện có 14.416 bản sách hằng năm có hơn 10 nghìn lượt sách báo, luân chuyển, lượt đọc, lượt mượn. Có 15 tủ sách tại Bưu điện xã, thi trấn với 3 nghìn bản sách. Số gia đình được công nhận gia đình học tập tăng đều qua các năm (năm 2016 đạt 40,45%, đến năm 2020 đạt 88,21%).
Tại buổi tọa đàm các đại biểu trao đổi chia sẻ, trao đổi về phát triển hệ thống thư viện cộng đồng, tủ sách ở các xã, thị trấn, phương thức tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc hiệu quả; giải pháp tạo ra thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách trong người dân, công tác quản lý sách, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc; những khó khăn, kinh nghiệm trong việc đọc sách, đưa việc đọc sách trở thành thói quen trong bối cảnh công nghệ số. Đồng thời các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ, tâm sự về bí quyết để chọn sách và cách áp dụng những gì đã đọc được từ sách vào thực tiễn cuộc sống, định hướng phát triển bản thân.
Thông qua buổi tọa đàm nhằm góp phần khuyến khích, động viên người dân, đặc biệt là lớp trẻ quan tâm và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách.
Nguyễn Hưng - Đài TTTH Tiên Phước