Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn (ảnh: ĐT) |
Thông qua 3 phiên thảo luận, các đại biểu tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng phát triển hệ sinh thái du lịch và những liên hệ, áp dụng tại làng cổ Lộc Yên, đồng thời chứng kiến việc ký kết ghi nhớ, hợp tác phát triển du lịch giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh nhấn mạnh: Tiên Phước cũng như một số huyện vùng Tây Quảng Nam được xác định có lợi thế dồi dào để phát triển du lịch, song đến nay vẫn còn những khó khăn chung, chưa được khai thác, phát huy xứng tầm. Đó là nguồn lực đầu tư còn quá hạn chế, quy hoạch du lịch chưa bài bản, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao và hạ tầng du lịch vẫn còn nghèo, nhất là hệ thống lưu trú, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; việc liên kết tour, khai thác, kết nối phát triển du lịch còn khá hạn chế; nhiều vùng lõi du lịch, trong đó có làng cổ Lộc Yên và các hộ dân trong làng có điều kiện muốn làm du lịch nhưng chưa có môi trường thuận lợi để phát triển và lúng túng trong thực hiện.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ Tịch Tập Đoàn Thiên Minh chia sẻ kinh nghiệm
Ông Minh cho biết, những năm qua, lãnh đạo huyện và các ngành chuyên môn đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực nhiều mặt, nhiều lĩnh vực để phát huy tối đa lợi thế phục vụ phát triển du lịch. Cụ thể, từ cuối năm 2005, HĐND huyện đã thông qua quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ.
Đến năm 2016, huyện tiếp tục xây dựng đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng Tiên Phước thành vùng đặc trưng trung du xứ Quảng và đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý chủ trương, hỗ trợ kinh phí hàng năm để thực hiện.
Tham dự diễn đàn, ngoài đại biểu là lãnh đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh và huyện Tiên Phước, còn có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là UBND các miền miền núi phía Tây Quảng Nam. |
Nhớ đó, Tiên Phước bước đầu xây dựng được những sản phẩm du lịch cụ thể như rượu lòn bon, chuối ép, thanh trà, măng cụt, cam giấy, tiêu, tinh dầu quế, tinh dầu sả, dầu phụng, dầu mè…; hình thành được một số mô hình homestay, các điểm đến phục vụ du khách, xây dựng trung tâm OCOP của huyện…
Riêng tại làng cổ Lộc Yên, đã xây dựng hệ thống giao thông nội bộ kết nối các danh thắng, điểm du lịch; triển khai trồng cây xanh, trồng hoa ven đường; xây dựng một số điểm đón khách công cộng; phục hồi mô hình cổng làng cổ và các hạ tầng thiết yếu tại các điểm, vùng lõi, vùng đệm du lịch. Tổ chức đối thoại với Nhân dân và xây dựng cơ chế hỗ trợ tu sửa nhà cổ, lưu giữ các giá trị vườn nhà, cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp để phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, ông Hường Văn Minh trăn trở, muốn làm du lịch thành công, nhất là mô hình du lịch cộng đồng từ làng cổ Lộc Yên, vấn đề tiên quyết là phải có sự quảng bá mạnh mẽ, thường xuyên về tiềm năng, thế mạnh và các sự kiện, diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; phải có đầu tư kinh phí, hỗ trợ, kết nối tour, tuyến thích đáng, đắc lực từ các hiệp hội, doanh nghiệp công ty du lịch, lữ hành, từ sự vươn lên khởi nghiệp du lịch bởi chính các hộ dân của làng, từ ý tưởng và sự tham gia khởi nghiệp đối với các khâu, các lĩnh vực tại điểm du lịch cơ quan nhà nước chưa thể can thiệp, tác động.
Trên tinh thần đó, nhiều đại diện các cơ quan, đơn vị của tỉnh và Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và huyện Tiên Phước đã thảo luận, phân tích các tiềm năng, lợi thế của huyện Tiên Phước, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách, nhất là những hỗ trợ thực chất cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp từ du lịch, từ nghề du lịch, dịch vụ ở làng cổ Lộc Yên.
Đồng thời với hỗ trợ trên, tỉnh, huyện cũng có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào du lịch cho địa phương; sớm hỗ trợ xây dựng thêm những sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn miền núi như Lộc Yên, Tiên Phước và một số huyện miền Tây Quảng Nam.
Đình Tăng - Báo Đảng Cộng Sản