Tạo bước chuyển cho nông nghiệp - nông thôn
Cùng với việc nỗ lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, huyện Tiên Phước cũng tích cực triển khai nhiều phần việc của Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) nhằm tạo bước đột phá cho nông nghiệp - nông thôn.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, chương trình OCOP có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tái cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, tạo động lực để Tiên Phước phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2022. Do vậy, thời gian qua lãnh đạo huyện đã chủ động chỉ đạo triển khai một số phần việc ban đầu của chương trình OCOP. Theo đó, huyện đã thành lập tổ công tác điều tra, khảo sát thực trạng các sản phẩm và chủ thể sản xuất tại nhiều địa phương. Xác định cụ thể các sản phẩm hiện có và những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện để có kế hoạch thực hiện phù hợp.
Ông Huy nói: “Qua thống kê cho thấy, hiện Tiên Phước có 32 sản phẩm thuộc 4 nhóm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 14 sản phẩm, nhóm đồ uống có 4 sản phẩm, nhóm thảo dược có 5 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 9 sản phẩm. Những năm qua, đã có 3 sản phẩm được công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể là tiêu Tiên Phước, trầm hương Tiên Phước, lòn bon Tiên Phước. Ngoài ra, một số sản phẩm đã có nhãn mác nhưng chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ, cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới”.
Sản phẩm trầm hương Tiên Phước đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể.Ảnh: VĂN SỰ |
Ngoài những phần việc vừa nêu, Tiên Phước cũng đã chủ động đăng ký làm huyện trọng điểm thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP qua các cuộc họp, hội nghị và hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ, BND huyện cũng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã, thôn về các nội dung liên quan đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM và Chương trình OCOP với hơn 400 người tham dự. Đồng thời mời PGS-TS. Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội) phổ biến nội dung chương trình OCOP nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho 130 cán bộ chủ chốt của huyện, xã về ý nghĩa, tầm quan trọng và các bước triển khai thực hiện. Cạnh đó, UBND huyện cũng đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 17.1.2018 về việc thành lập ban điều hành, tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và giao cho Phòng NN&PTNT huyện chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP trên địa bàn giai đoạn 2018-2020.
Đề cập nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, ông Hường Văn Minh cho biết, thời gian tới huyện sẽ tổ chức tập huấn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và chương trình OCOP thường niên. Củng cố, bổ sung nhiệm vụ chương trình OCOP cho ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, ban quản lý xây dựng NTM cấp xã. Hoàn chỉnh kế hoạch, xác định nội dung trọng tâm, các bước tiến hành và phân công nhiệm vụ cho các ngành, thành viên ban điều hành, tổ giúp việc... Huyện cũng sẽ tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập doanh nghiệp, HTX để tham gia sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP. Đồng thời đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp huyện, chọn sản phẩm thi đánh giá và phân hạng ở cấp tỉnh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm và bán hàng OCOP.
Ông Minh nói thêm: “Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, các đơn vị liên quan cần tổ chức đào tạo chuyên sâu về quản lý, cách thức tổ chức thực hiện chương trình cho cán bộ phụ trách các cấp. Cùng với đó, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại những mô hình đã thành công lớn và tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm OCOP để các chủ thể sản xuất tiếp cận, thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường sản phẩm OCOP ổn định, lâu dài”.
Văn Sự - Báo Quảng Nam