www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sự tích núi Đá Vách

Ngày xưa, cách đây không biết đã mấy đời, ở xứ An Sơn có một chàng nông dân nghèo xác nghèo xơ, chẳng có lấy mảnh đất cắm dùi. Chàng nông dân nghèo khó ấy lại được trời ban cho một sức mạnh kỳ lạ.

 

  Một hôm có tên trọc phú trong làng là Bá hộ Hanh, cho người gọi chàng đến bảo:

       Mày quét cho sạch hết sân trước, sân sau nhà tao, rồi cuối mùa ta trả công cho một gánh lúa.

Chàng nông dân nghèo làm cái công việc giản dị ấy hết sức chăm chỉ. Đúng hẹn, chàng đến nhà tên trọc phú xin nhận gánh lúa. Bá hộ Hanh ỷ giàu, vả lại chẳng ngờ chàng khỏe, liền làm bộ rộng rãi:

       Cho mày lấy bao nhiêu cũng được nhưng chỉ trong một gánh thôi !

Chẳng nói, chẳng rằng, chàng trai nghèo khổ ấy chặt hai cây tre, đan liền hai chiếc thúng thật lớn. Xong, chàng  dùng bắp cày làm đòn gánh, thủng thẳng đóng lúa vào thúng. Gánh lúa ấy nặng đến trên năm mươi ang. Bá hộ Hanh bị một phen tức ấm ách, vừa tiếc của vừa khiếp sợ trước sức mạnh của chàng nông dân nghòe.

Lại một lần khác, có một tên nhà giàu trong làng mướn cùng lúc đến mười hai người khiêng một cái xối nước thật lớn từ cửa rừng về nhà. Chàng nông dân nghèo tình cờ đi đến, thấy mười hai người kia ỳ ạch mãi, liền bảo họ dang ra. Chàng nông dân nghèo đói được ăn rồi mới vác cái xối nước. Chàng ngồi ăn một mạch hết nồi bung to tướng xôi trắng. Xong, chàng thản nhiên kê vai vác thẳng cái xối nước to lớn kia về đến nhà. Nhưng kỳ lạ hơn nữa, là về tới sân nhà, chàng dừng lại, để yên chiếc xối trên vai, đứng chờ cho mọi người trồng xong hai chiếc trụ to tướng, mới đặt cái xối xuống.

Sức mạnh của chàng nông dân nghèo tưởng như là vô tận.

Một lần chàng đi vỡ ruộng hoang, chàng chăm chỉ làm việc, từ lúc sương mai còn long lanh trên đầu ngọn cỏ, cho đến khi trăng lên trên chõm rừng già, chim muông im tiếng mới chịu ngừng tay.

Quần quật cuốc đất dưới chân núi, chầng đào sâu vào chân núi lúc nào không hay. Bất ngờ, một tảng đá lớn bị trỗng, đổ xuống và đè lên người chàng.

Hòn đá kia trở thành ngôi mộ chôn chàng nông dân nghèo và cho đến mãi tận bây giờ, ngôi mộ đó vẫn còn nằm dựng đứng bên bờ sông, sừng sững như một vách tường, thi gan cùng năm tháng, mưa nắng.

Chính vì thế mà dân vùng An Sơn gọi núi này là núi Đá Vách. Còn chiếc xối nước, cũng theo lời truyền tụng thì cũng sụp mất cách đây khoảng ba đời.

Một cụ già khác ở An Sơn thì bảo rằng, sức mạnh của chàng nông dân nghèo ấy chính là niềm vui, là nỗi tự hào của dân vùng đất này, nên người ta còn gọi núi Đá Vách là núi Gành Lạc.

                                                       Nguyễn Văn Bổn biên soạn

* Xứ An Sơn: nay thuộc xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam