www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sự nghiệp canh tân của chí sĩ Lê Cơ

Lời BBT: Lê Cơ, nhà thực hành cải cách xuất sắc của phong trào Duy Tân, người con của quê hương Tiên Phước là một trong những yếu nhân của phong trào yêu nước trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Nhưng cho đến nay những tài liệu nói về Lê Cơ vẫn còn rất ít. Để hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến canh tân của ông, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Lê Nguyên Đại, hậu duệ đích tôn của Lê Cơ để chúng ta hiểu thêm về chí sĩ yêu nước Lê Cơ.

         Gần đây được nghe thông tin địa phương có kế hoạch sẽ xây dựng một công trình lưu niệm trường Tân học Phú Lâm, chúng tôi trên cương vị một hậu duệ đích tôn của chí sĩ Lê Cơ vừa có tâm trạng xúc động vì công đức bậc tiền nhân có nhiều cống hiến cho đất nước rút cuộc đã được xã hội ngày càng chấp nhận chú trọng, tuy nhiên vẫn còn những boăn khoăn nhất định.

        Tôi nghĩ rằng những đóng góp cho phong trào yêu nước hồi đầu thế kỷ XX tuy qui mô có khác nhau, ảnh hưởng trên địa bàn rộng hẹp có khác nhau nhưng sự ngiệp của chí sĩ Lê Cơ không chỉ đóng khung trong phạm vi lập một trường tân học, mặc dù đó là trường Phú Lâm, cái nôi giáo dục cách mạng miền Nam Quảng Nam với những cách tổ chức và nội dung tân tiến nhất so với cả nước trong cùng thời kỳ. Cuộc đời hoạt động của chí sĩ Lê Cơ phải được tính từ năm 1903 khi thay vì tiếp tục thi Hương trở lại để rồi cùng đạt khoa bảng như các bạn đồng môn, đã bằng lòng đem chí lớn của mình thử nghiệm cải cách trên làng quê còn đầy rẫy bất công áp bức của mình, cho đến ngày bị tàn sát trong nhà ngục Lao Bảo bởi loạt đạn dã man của quân cướp nước mà đến lúc đã chết rồi con người quật cường ấy vẫn không chịu ngã xuống.  

       Vì điều kiện chiến tranh (nhà chúng tôi cùng với nhà chú và cô chúng tôi, tức là ba ngôi nhà thừa tự của ba anh em trai: Lê Cơ, Lê Triết và Lê Dục được Việt Minh dùng làm cơ sở kháng chiến đã bị 4 phi vụ tức lần lượt 16 máy bay Pháp tiêu hủy hoàn toàn hồi năm 1953) cho nên tư liệu gia đình chúng tôi có được về chí sĩ Lê Cơ rất ít. Chúng tôi chỉ trình bày ở đây một số chi tiết chính xác hoàn toàn từ sự lưu truyền trong gia đình và đã được kiểm chứng cùng các bậc nhân sĩ cao niên, có người vốn là bạn học với các anh anh em ông nội tôi, có người trước đây hoạt động chung phong trào hoặc ngưỡng mộ phong trào.

            Cũng do tình hình này mà mặc dầu bản thân tôi không được đào tạo về sử học cho nên không biết nhiều về việc nghiên cứu lịch sử nhưng thường hay tìm đọc các tài liệu về phong trào Duy Tân với hy vọng được biết thêm về hành trạng tiền nhân của mình. Và có lúc cũng thấy còn đôi điều bất cập, tôi xin mạo muội nêu luôn ở phần dưới.

            Xuất Thân

         Chí sĩ Lê Cơ sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương( Tiên Phước), trước thuộc phủ Thăng Bình sau thuộc phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Là con ông Lê Tuân tức ông Bá Tư và bà Nguyễn Thị Thuộc một gia đình danh tộc trong vùng, là ngoại thích của ông Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật (tức ông Thượng Hà Đình).

         Thủa nhỏ ông theo học với ông Huấn đạo Lộc Sơn, tại nhà cùng với hai người em trai và bốn người chị con ông bác ruột là ông Bá Hai ( các ông bà này có lẽ về sau sẽ trở thành những nữ giáo sư đầu tiên tại trường Phú Lâm). Ông Phan Châu Trinh, em con bà cô ruột từ làng Tây Lộc huyện Hà Đông cũng có học chung ở đây trước khi được ông Đốc học Trần Mã Sơn nghe tiếng xuất sắc chọn về học 2 năm ở trường tỉnh. Nhiều người khoa bảng ở các nơi cũng từng theo học ở đây. Về sau bốn người chị gái con ông bác được gả cho các ông Lê Lượng người làng Tú Cẩm huyện Hà Đông, ông Trương Hoành người làng Đức An phủ Thăng Bình, ông Nguyễn Mậu Hoán người huyện Quế Sơn ( và một người chúng tôi không nhớ tên). Cả bốn người rể ông bác này cùng ông Phan Châu Trinh và Lê Cơ cùng đi thi khoa Canh Tý 1900. Năm người trên đều đỗ Cử nhân, ông Lê Cơ chỉ đỗ Tam Trường. Riêng ông Lê Lượng rể trưởng của ông Bá Hai đã ở theo quê vợ trước khi thi đỗ cho nên sau này quen gọi là ông Cử Phú Lâm.

         Vào thời điểm ấy, các nho sĩ đã được biết nhiều về các sách “tân thư” để có thể tiếp cận với nhiều tư tưởng mới, cũng như tìm hiểu thêm tình hình mới. Như các sách Vạn pháp tinh lý, Dân Ức Luận qua bản Hán văn, hoặc các sách Mậu Tuất Chính Biến, Trung Quốc Hồn, Nhật Bản Tam Thập Niên Duy Tân Sử..vv…Ở một địa phương mà học phong rất thịnh như làng Phú Lâm thì trào lưu ấy lại càng sôi nổi. Ông Lê Cơ với khí phách, đởm lược cùng trình độ học vấn của mình chắc chắn đã trang bị cho mình một chí hướng hành động trước thời cuộc để chờ khi gặp hội rồng mây !

                                      Nhà thờ tộc Lê ở Phú Lâm nơi phát tích Lê Cơ

           Công cuộc Duy Tân cải cách

         Thế rồi năm 1903, thay vì tiếp tục con đường khoa cử hầu có cơ hội nhiều hơn trong việc tham gia đại sự, ông Lê Cơ đã bị tri pủ Thăng Bình ép buộc ra làm lý trưởng vì làng Phú Lâm suốt 3 năm trước đó không cử được lý trưởng. Trước tình thế đó, Lê Cơ đã đành phải chấp nhận nhưng với một suy nghĩ tích cực. Ông bảo: “ Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả niệm chi nhất hương”. “ Dẫu không thể làm được cho cả thiên hạ thì cũng thử nghiệm được trong một làng”.

        Nói như thế tức là ông hẳn đã có một đường lối, một chương trình gì để đem ra “thử nghiệm”. Đúng như vậy, Lê Cơ lúc này đã trở thành Xã Sáu Phú Lâm, một danh hiệu mà mãi đến nữa thế kỷ về sau người trong khu vực Nam Quảng Nam còn nhắc đến với lòng ngưỡng mộ như một huyền thoại, đã tiến hành ngay những công việc cải cách ở làng Phú Lâm, “ cải cách từ việc xâu thuế, cho đến việc tự canh phòng, trăm điều chấn chỉnh’ như sau này ta có thể tham khảo từ tài liệu của Huỳnh Thúc Kháng chẳng hạn, trên báo Tiếng Dân số 513 ngày 17-08-1932 ( ở đây tôi không cần nhắc lại). Tuy nhiên trong bài báo đó có 2 điểm cần lưu ý:

         Vì là báo hợp pháp trong sự kiểm duyệt khắt khe của thực dân nên nhiều chi tiết quan trọng bị lược bỏ, thay vào là đôi giai thoại. Cụ thể hơn nữa là bài báo không có phần nói về cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội năm 1916 và cái chết của Lê Cơ.

         Còn về việc cải cách ở làng Phú Lâm, có chi tiết quan trọng nhất tác giả có nhắc tới nhưng không thấy triển khai, không rõ vì bài viết theo trí nhớ mà sự kiện đã quá lâu ( gần 30 năm) mới được nhắc lại nên quên, hay là vì không muốn động chạm đến chính quyền ?. Chi tiết đó là việc “ lập cuộc bảo hiểm, canh phòng kẻ trộm cướp”.

         Cũng về công cuộc cải cách của Lê Cơ có thể xem thêm “ Phong Trào Duy Tân” của Nguyễn Văn Xuân, Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1970. Nhất là chương: Một anh hùng thảo dã Lê Cơ. Trong tác phẩm này nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết tương đối đầy đủ hơn về sự nghiệp hoạt động của Lê Cơ với tất cả sự ngưỡng mộ sôi nổi dành cho các nhân vật của phong trào Duy Tân và có công hệ thống được nhiều sự kiện lịch sử rời rạc về phong trào và nhất là Lê Cơ. Là cháu đích tôn của nhà chí sĩ, tôi vô cùng cảm kích nhưng trong một đoạn ở dưới tôi sẽ xin phép nhà văn để được trao đổi thêm một vài điểm mà tôi thấy chưa hoàn toàn thỏa đáng.

         Thực ra, cùng với việc lập trường tân học Phú Lâm là một trong những công việc thể hiện tư tưởng duy tân đặc sắc so với phong trào vận động cách mạng trên cả nước thời bấy giờ ( chúng tôi không đi sâu vào chi tiết), thì sự kiện mà Huỳnh Thúc Kháng nhắc tới có vẻ đơn giản nói trên ,và sách Phong Trào Duy Tân có in lại, là một cuộc vận động lớn để tạo nên được một khu vực riêng biệt ở địa phương. Khu vực ấy gọi là Tam thập Xã thôn gồm 30 xã thuộc miền núi phủ Thăng Bình giáp giới với các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước và Quế Sơn sau này. Các xã ấy đại khái gồm: Phú Lâm, Phú Trường, Tứ Lâm, Tòng Lâm, Hòa Vinh, Cẩm An, Vinh Huy, Lộc Sơn, Hiền Lộc, La Nga, Cao Ngạn, An Tráng, Đại Tráng, Lộc An, Việt An…Cuộc bảo hiểm ở đây thực chất là công cuộc bảo vệ an ninh. Việc này được tổ chức bằng cách thu của người dân thêm mỗi mẫu ruộng 3 ang lúa giao cho các phái phát cho dân đinh có nhiệm vụ canh phòng và trang bị giáo mác cung tên để đề phòng trộm cướp. Các xã liên kết lại với lý do là để tương trợ và bảo vệ lẫn nhau, mỗi xã đóng góp một số tiền tùy theo mức thuế phải nộp và cùng theo một thứ hương ước: lên án các tệ nạn cờ bạc , rượu chè hút xách, trai gái, trộm cắp. Trong khối các xã đó tự trừng trị các tệ nạ khong báo quan trên. ( Có tham khảo: Lê Thị Kinh – Phan Châu Trinh qua các tài liệu mới). Việc này có lẽ cũng là một chiến thuật che mắt thực dân và tay sai giống như các sĩ phu trong Duy Tân hội của Tiểu La Nguyễn Thành dùng việc buôn bán để ngụy trang cho việc họp bàn quốc sự. Mặc khác nó cũng bước đầu có tính chất của một khu vực “tự trị”.

           Công việc “ bảo vệ an ninh” này cộng với việc số học trò đông đủ của trường Phú Lâm được Lê Cơ cho huấn luyện quân sự, tập bắn trong giờ học thể dục, diễn ra trên một địa bàn rộng lớn đều tin phục ông, hỏi làm sao thực dân Pháp không e ngại để mà sớm đề phòng ? Cho nên việc Công sứ Charles phải báo cáo lên cấp trên để xin cho làm con đường từ Chiên Đàn lên Phú Lâm qua Việt An xuống Hà Lam và cho đóng một đồn lính khố xanh ngay cạnh nhà Lê Cơ ở Phú Lâm hoàn toàn xuất phát từ thực tế ( chứ không phải để chuẩn bị tiêu diệt…một cuộc khởi nghĩa tưởng tượng như nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhận xét)

          Tôi hiểu rằng nhà văn Nguyễn Văn Xuân xuất phát từ ưu điểm là lòng nhiệt thành với phong trào Duy Tân mà đôi chỗ ông khiên cưỡng muốn nhìn thấy nó như một hệ thống đã được tổ chức chặt chẽ, để có thể từ một lý thuyết được hoàn chỉnh đem ra biến thành một hệ thống thực hành hoàn chỉnh !. Chúng ta đều ít nhiều thấy được thực tế không đơn giản như vậy! Chính vì thế ông nhiều chỗ cũng tự mâu thuẫn. Chẳng hạn ở đầu phần III, chương Từ Lý Thuyết Đến Thực Hành ( sách đã dẫn) ông viết: “ Tôi đoán là do các sĩ phu tự nhiệm tự hoạt động trước ít nhất cũng về phần đất nay thuộc Quảng Tín. Vì Huỳnh Thúc Kháng ghi rất rõ khi trình bày tiểu sử Lê Cơ: Công cuộc sắp đặt trong làng gặp lúc phong trào tân học ( 1905-1906)…Cũng như trong tự truyện thì Huỳnh Thúc Kháng lại công nhận nữa đầu năm 1906 ông dạy học, kế đó mới lập thương cuộc tại Hội An, hội nông, trồng quế, lập trường học…”Tuy nhiên trong toàn bộ công trình nghiên cứu của mình vì muốn giản lược vào một hệ thống chặt chẽ và cũng vì một sự ngưỡng mộ lớn lao ( và hợp lý) đối với nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông lại biến Phan Châu Trinh ( cùng các lãnh đạo tinh thần, linh hồn của phong trào như Huỳnh Thúc Kháng chẳng hạn) thành người lãnh tụ cầm tay chỉ việc cho từng sĩ phu cùng chí hướng.

             Tham gia phong trào chống thuế Trung Kỳ

          Tháng 3 năm 1908 khi cuộc dân biến Trung Kỳ nổ ra với việc cự sưu kháng thuế của nhân dân huyện Đại Lộc rồi nhanh chóng lan ra cả tỉnh Quảng Nam, rồi tới Thừa Thiên đến tháng 4, 5 tới Quảng Ngãi, tháng 7, 8 tới Bình Định, Phú Yên thực dân Pháp cho là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện chủ mưu nên kết án xử tù đày đi Côn Lôn. Còn tất cả các nhân sĩ khác có liên quan đến hội hương, hội học , hội nông nói chung có liên quan phong trào Duy Tân đều bị các quan Công sứ Pháp và quan tỉnh sở tại bàn nhau rồi tự kết án. Ông Lê Cơ cùng người anh rể là Cử nhân Lê Lượng đều bị kết án 3 năm tù. Lê Cơ bị giam tại nhà lao Hội An, Lê Lượng bị chết trong nhà lao Vĩnh Điện. Cùng số phận với trường học các nơi, trường Phú Lâm sau đó đã bị quan trên cho phá hủy tan tành.

             Về sự kiện này ai cũng biết Phan Châu Trinh có để lại một tài liệu quan trọng ấy là:” Trung Kỳ dân biến thỉ mặt ký”, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đây để có thể tái hiện diện mạo lịch sử của một số nhân vật thuộc phong trào thì e rằng sẽ không đầy đủ, đơn giản vì đây chỉ là một loại thư trần tình mà Phan Châu Trinh viết ra trong thời gian đã sang Pháp, để kêu oan cho các đồng chí và để cho thấy tội ác của thực dân và tay sai trong việc đàn áp đồng bào “vô tội”. ( Về điểm này, nhiều tài liệu của Huỳnh Thúc Kháng trên báo chí hợp pháp thời bấy giờ cũng phải được xử lý theo tinh thần như vậy).

          Riêng về hành trạng Lê Cơ, có một điểm cần lưu ý: theo các châu bản triều  Duy Tân về vụ kháng thuế Trung Kỳ do giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh của Đại học văn khoa Sài Gòn sao lục, ngoài tên tuổi Lê Cơ đang xét, tức là Lê Cơ đứng chung danh sách với Lê Lượng ( Lê Xuân Lượng), Võ Kiền ( Võ Hữu Kiền) ghi ở tập XV, tờ 54-56 còn có một vị Lê Cơ khác trùng tên ghi ở tập XVII, tờ 55. Vị này bị quan tỉnh Quảng Ngãi truy tố về tội xúi giục chống thuế ở Bình Định và bị tuyên án xử giảo đày đi Lao Bảo chung thân và tước ngạch tịch tú tài. ( Ông Lê Cơ ở Quảng Ngãi tên thật là Lê Đình Cơ, em ruột Lê Đình Cẩn). Vì tưởng cũng nên lưu ý khi tìm hiểu về Lê Cơ kẻo dễ nhầm lẫn.Theo tôi tất cả những tài liệu có ghi việc Tú tài Lê Cơ đi cùng chí sĩ Phan Bội Châu sang Trung Hoa ( Quảng Đông, Quảng Tây hay Quảng Châu) đều cần phải xét kỹ (với phần lợi thế nghiêng về vị chống thuế ở Bình Định). Tuy nhiên ông Lê Cơ Phú Lâm ( cùng ông Lê Lượng) lại không xa lạ với phong trào Đông Du và Phan Bội Châu, Nguyễn Thành. Hơn nữa thời gian ấy lại có người bà con đang ở Sa Hà, Quảng Đông. Về điểm này giáo sư thạc sỹ Nguyễn Thế Anh khi ghi chú thích trong cuốn “ Phong trào kháng thuế miền trung năm 1908” có thể đã nhầm lẫn hai ông Lê Cơ là một. Rồi ông chú thích dựa theo Nguyễn Văn Xuân và Huỳnh Thúc Kháng, nhưng sai sót chắc nằm trong phần trích Huỳnh Thúc Kháng ( không rõ trong tài liệu nào ?). Chú về Lê Cơ như sau: “Ông có sang Trung Hoa cùng Trần Kỳ Phong để gặp cụ Sào Nam ở Quảng Đông, Quảng Tây và sau đó mang một số sách mới về”.

            Tham gia khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội

         Từ khi được tha về sau vụ chống thuế Trung Kỳ không rõ hành tung trong hoạt động của ông ra sao vì tư liệu ở gia đình không có mà lúc này cách mạng đang lúc thoái trào, sử sách cũng không thấy nói nhiều đến các phong trào. Chỉ biết sau đó thông qua bà chị con bác ruột là bà Cử Phú Lâm các đồ quân trang bằng vải rằn và một số quân dụng được gấp rút chuẩn bị. Rồi ngày 03 tháng 5 năm 1916 nổ ra cuộc khởi nghĩa thất bại của Việt Nam Quang Phục Hội do hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo tôn vua Duy Tân làm minh chủ.

            Theo ông Trần Ngọc Chương, nguyên là cán bộ bảo tàng người có thời gian hoạt động rất lâu năm trên địa bàn huyện Tiên Phước ngày nay ,cho nên đã chuyên tâm sưu tầm các tài liệu có liên quan đến Lê Cơ, có kể cho chúng tôi nghe ( trong dịp ông mời tôi với tư cách là cháu nội nhà chí sĩ, tham dự lễ khánh thành mộ cụ Trần Huỳnh là người chỉ huy việc tấn công vào phủ đường Tam Kỳ trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội) rằng việc tham gia vận động để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy ở địa phương này năm 1916 của Lê Cơ là hết sức to lớn đến nỗi người ta đã cho rằng nếu không có Lê Cơ thì không có cuộc biến tại đây !

                                             Vua Duy Tân năm 1907

        Trong cuộc khởi nghĩa này Lê Cơ được phân công cùng với Thái Phiên nổ phát súng lệnh ở đồn Mang Cá trong kinh thành Huế. Nhưng việc đã bại lộ trước đó cho nên cuộc nổi dậy không thành, ông cùng Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu phò vua Duy Tân chạy đến Hà Trung thì bị bắt. Không nhận được lệnh báo từ kinh đô, lực lượng khởi nghĩa các tỉnh thành phải án binh bất động đến sáng thì giải tán. Riêng ở thành Quảng Nam đã có đốt lửa làm hiệu nhưng tin từ Hội An báo về nên lính tập bị thu hết súng. Đặc biệt ở Tam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Trần Huỳnh và Trần Tùng Vân, mặc dầu không nhận được hiệu lệnh dân binh vẫn kéo đến vây thành, treo cờ khởi nghĩa sau đó bị quân Pháp đến đàn áp. Ở Phú Lâm các đồ quân trang sọc rằng còn cất giữ  đã được nhanh chóng đem vùi xuống ruộng sâu.

           Tú tài Võ Kiền người được phân công giữ ấn tín và bằng sắc cho biết trong tổ chức Việt Nam Quân chính phủ, tiền thân của hệ thống cầm quyền một khi khởi nghĩa thành công, Lê Cơ được giữ chức Ngự tiền Hộ giá Đại tướng quân ( đặc trách hầu cận vua Duy Tân) kiêm Tổng đốc Nam Ngĩa Lưỡng Quảng ( Phan Thành Tài giữ ấn Kinh lược Nam Ngãi). Khi nghe tin cuộc khởi nghĩa bất thành ông Tú Kiền dã vứt toàn bộ bằng sắc xuống sông Hương để bỏ trốn.

           Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, các lãnh tụ nòng cốt Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị chém tại An Hòa, Phan Thành Tài trốn vào vùng núi Bà Nà  cũng bị bắt và bị chém. Còn nhiều người tham gia bị chém nữa trong đó có Trần Huỳnh và Trần Tùng Vân. Lê Cơ bị đày đi Lao Bảo cùng trên 60 bạn đồng chí khác. Ngày 21 tháng 09 năm Mậu Ngọ (1918) đang lúc ông làm lao dịch trong tù chứng kiến một tên lính quản ngục hành hạ dã man một bạn tù đang bị bênh kiết lỵ, ông vô cùng phẫn uất cho nên sẵn con rựa vót nan cầm trong tay ông đã lao vào đòi chặt đầu tên lính. Và thế là một loạt đạn tàn nhẫn đã kết liễu sinh mệnh của một nhà thực hành cách mạng, trong mọi hoàn cảnh chỉ biết lo cho đất nước, giống nòi. Lạ thay “khí thiêng khi đã về thần” con người phẫn uất và quật cường ấy vẫn không chịu ngã xuống khiến kẻ thù phải một phen khiếp vía.

        Lúc người em trai là Lê Dục ra nhận xác, đã chỉ chôn cất sơ sài với ý định về giải quyết  việc gia đình khoảng một tháng sau sẽ đến mang hài cốt của anh về an táng tại quê nhà. Không ngờ vì công việc chưa giải quyết xong, đến năm sau ra được thì hỡi ôi nơi ngôi mộ tạm của ông anh, nhà chí sĩ đã bị thực dân Pháp sang bằng để xây dựng thị trấn Lao Bảo.

           Nhưng đó là câu chuyện của người xưa. Còn đối với chúng ta thì việc phải để cho một bậc tiền nhân của mình vùi thây nơi xa lạ nào đó chốn rừng thiêng nước độc thật đáng ngậm ngùi. Là con cháu, chúng tôi luôn mang mặc cảm bất hiếu khi không có điều kiện tạo dựng được một công trình gì xứng đáng để tưởng niệm nhà chí sĩ Lê Cơ. Còn đối với lớp hậu sinh của làng Phú Lâm, của Tam thập Xã thôn ngày trước sẽ là trượng nghĩa biết bao nếu như nhân dân cùng cấp chính quyền cũng vì nhận thức ra tình hình ấy đồng thời với việc khẳng định đúng tầm vóc của chí sĩ Lê Cơ trong đại cuộc của đất nước mà dành cho ông một công trình lưu niệm xứng đáng ngay tại quê nhà.

         Lê Nguyên Đại (Hậu duệ đích tôn của Lê Cơ)

* Bài tham luận tại Hội thảo khoa học "100 năm Trường Tân học Phú Lâm và nhà thực hành Duy Tân xuất sắc Lê Cơ"