www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sức bật nông thôn mới

Từ một xã mới thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vào cuối năm 2016, nhưng người dân xã Tiên Hà (Tiên Phước) đã đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) hiệu quả thông qua cơ sở hạ tầng, các mô hình kinh tế...

Chung tay góp sức

Con đường trung tâm xã Tiên Hà được khởi công mở rộng từ giữa năm 2017, đến nay đã xong phần nền đường. Đây là kết quả từ sự ủng hộ của 80 hộ dân ở dọc hai bên đường cùng với chính quyền xã Tiên Hà, góp phần tạo nên diện mạo mới cho địa phương.

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà khẳng định: “NTM là công cuộc của Nhà nước và nhân dân cùng làm, thế nên khi người dân đồng lòng mọi việc thuận lợi hơn. Lúc mới có chủ trương mở rộng con đường qua trung tâm xã, chúng tôi xác định sẽ khó khăn do nhà dân đông, mà vận động nhân dân hiến đất đai, cây cối không phải chuyện dễ. Vậy nhưng khi chủ trương đưa ra người dân đều ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ con đường ở trung tâm xã, mà các con đường liên thôn, liên xóm đã có chủ trương mở rộng, người dân đều hiến đất, cây cối, hoa màu và góp công làm mặt bằng để năm sau có nguồn đầu tư sẽ bê tông hóa, tạo sự thông thương cho bà con hưởng lợi”.

Nhờ có sự đồng thuận từ người dân hiến đất đai cây cối, nên tuyến đường trung tâm xã Tiên Hà đang được mở rộng. Ảnh: L.D
Nhờ có sự đồng thuận từ người dân hiến đất đai cây cối, nên tuyến đường trung tâm xã Tiên Hà đang được mở rộng. Ảnh: L.D

Bà Đoàn Thị Kim Liên mua một khu đất sát trung tâm xã hơn 1,7 tỷ đồng vào năm 2016. Đầu năm 2017, xã đến nhà kiểm kê, vận động bà Liên hiến đất đai, cây cối để mở rộng con đường nêu trên. Bởi nhà bà Liên là nút thắt đầu tiên của tuyến đường. Thế nhưng khi chính quyền đặt vấn đề liên quan, bà Liên đã đồng ý hiến 160m2 đất mặt tiền, cùng một số cây cối trên đất, tổng giá trị hơn 300 triệu đồng.

Bà Liên cho hay: “Đường được mở rộng nhà cửa cũng sáng hẳn, không còn lầy lội bụi bặm như trước nữa. Tôi là hộ đầu tiên rồi mới đến những hộ tiếp theo trên tuyến đường này, nên phải đi trước để mọi người thấy lợi ích chung mà ủng hộ”. Hay như hộ ông Đoàn Phận cũng đã hiến 292m2 đất mặt tiền, đập bỏ tường rào cổng ngõ và cây cối giá trị trên đất như tiêu, cau... cho dự án mở đường. Ông Phận nói: “Mặc dù phải hiến đất đai, cây cối với giá trị lớn nhưng tôi phải làm vì sự nghiệp chung. Phải nghĩ xa hơn mới thấy lợi ích của việc mở đường, điều kiện đi lại thuận lợi sẽ góp phần phát triển mọi mặt. Tôi nghĩ nếu không có người tiên phong làm trước sẽ rất khó vận động bà con. Có đường mới tiện việc đi lại, thông thương dễ dàng hơn”.

Cùng nhau phát triển kinh tế

Những năm gần đây, nhiều người đã biết đến thương hiệu cam giấy bản địa tại thôn Tiên Tráng của xã Tiên Hà. Đây là giống cam giấy bản địa có từ thời xưa, nhưng chỉ được trồng manh mún trong dân, không thể phát triển được do thiếu đầu ra cũng như sự đầu tư kỹ thuật chăm bón. Nhưng khi bắt tay xây dựng NTM, xã Tiên Hà đã xác định thế mạnh của cây cam giấy, nên tập trung hỗ trợ cho người dân thôn Tiên Tráng phát triển mô hình này. Từ chỗ chỉ có một vài hộ trồng nhỏ lẻ, sau hơn 2 năm đầu tư, đến nay ở thôn Tiên Tráng đã có 95 hộ tham gia trồng cam giấy với tổng diện tích hơn 10ha. Xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân nhân giống, chiết cành, tập huấn kỹ thuật trồng cam giấy thương phẩm.

Đến thăm vườn cam của ông Phan Văn Hội, khoảng 400 gốc cam đang phát triển tốt. Ông Hội cho hay, cách đây 5 năm trong vườn nhà còn sót lại vài gốc cam giấy. Sau khi nghiên cứu chiết cành thành công, ông mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình cùng với sự hỗ trợ của xã. Trong 4 mùa thu hoạch, mỗi vụ cam gia đình ông thu bình quân khoảng 80 triệu đồng. Ông Hội nói: “Vườn cam nhà tôi cung cấp giống cho người dân cả thôn Tiên Tráng. Nguồn thu nhập cam mang lại ổn định, cây cam lại ít bị bệnh, chỉ có bệnh sùng đục thân. Tôi cũng đi tập huấn kỹ thuật thêm do xã, huyện tổ chức rồi chia sẻ kinh nghiệm, nhân giống cho bà con. Hy vọng UBND xã sẽ có định hướng xây dựng thương hiệu cam giấy Tiên Hà để bà con được hưởng lợi, có đầu ra và giá cả ổn định để phát triển kinh tế”.

Công cuộc xây dựng NTM nếu không có sự đồng thuận của người dân sẽ khó thành công, mà thành quả xã Tiên Hà đạt được là minh chứng. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM vào cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Tiên Hà là 14,37%, cận nghèo là 11,4%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,09%, cận nghèo là 5,2%. Mức thu nhập bình quân của người dân ở Tiên Hà cũng tăng đáng kể, từ 14 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2016, đến nay đã đạt 26 triệu đồng/người/năm. Sự đổi thay này bắt nguồn từ việc xã Tiên Hà đã phát huy được thế mạnh kinh tế vườn, rừng ở trong dân, giúp người dân định hình được hướng đi, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

                                                          Lê Diễm - Báo Quảng Nam