Sống thấp thỏm trên vùng đất đen
Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam sinh sống và canh tác trên vùng đen đất với nhiều lời đồn đoán chứa chất phóng xạ gây nguy hiểm.
“Dù tôi sống ở đây gần 10 năm, không thấy có dấu hiệu gì lạ nhưng cũng lo lo vì đất có màu đen khác thường, không phải màu tự nhiên. Đã có nhiều đoàn về lấy mẫu kiểm tra mà không thấy thông tin phản hồi gì” - anh Đoàn Ngọc Long (ngụ thôn 3) vừa nói vừa đưa chúng tôi xem bàn tay dính màu đen bóng tựa như ruột bút chì sau khi xoa nhẹ lên mặt đất.
Quả thật, chỉ đi dép khoảng 5 phút, bụi đất bám vào làm dép trơn không đi được. Tuy nhiên, giếng nước ở đây rất trong, người dân vẫn sử dụng nước để ăn uống, sinh hoạt. Cũng theo anh Long, vùng đất này rất thích hợp trồng những cây lâu năm như keo, bạch đàn, dứa…, riêng rau màu rất khó sống.
Ông Phạm Nhất Hải, Chủ tịch UBND xã Tiên An, cho biết nhiều năm trước, số người chết do bệnh ung thư tại thôn 3 và 4 cũng có nhưng không bất thường. Về những lo ngại của người dân, các nhà khoa học không có kết luận gì nên xã cũng không biết thế nào để thông báo cho dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, nói ngoài xã Tiên An, tại tỉnh Quảng Nam còn có 2 vùng đất đen tương tự. Nhiều năm trước, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam đã về nghiên cứu nhưng đây là hồ sơ thuộc diện bảo mật, không thể công bố. Sở cũng chỉ nắm một ít thông tin và đưa ra định hướng đối với các địa phương.
Trong khi đó, bà Hà Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ- An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, cho biết từ năm 2007 đến năm 2014, sở đã 4 lần thực hiện quan trắc tại khu vực trên. Kết quả 4 lần đều cho thấy mức phóng xạ cao, dị thường, đặc biệt là tại thôn 3 và 4 nhưng không vượt mức tiêu chuẩn quá lớn và không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, sở cũng khuyến cáo người dân không nên lấy đất ở thôn 3 và 4 để sử dụng trong xây dựng, chăn nuôi, trồng cây lương thực; không nên lấy nước để sử dụng trực tiếp ăn uống mà phải qua xử lý để loại bỏ các nguyên tố phóng xạ. Ngoài ra, khu vực có nguồn phóng xạ dị thường tại các tọa độ đã xác định không nên quy hoạch, bố trí dân cư sinh sống. Đối với các hộ dân đang sinh sống tại khu vực trên, cần có kế hoạch di dời và khuyến cáo không nên trồng các cây lương thực, hoa màu.
Hiện huyện đã có kế hoạch di dời những hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguồn phóng xạ dị thường nhưng theo ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, do thiếu vốn nên chưa thể triển khai.
Quang Vinh - Báo Người Lao Động