Rộ mùa thanh trà Tiên Hiệp
Những cơn mưa đầu thu như thêm sức cho những vườn thanh trà rộ mùa ở xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước). Trong vườn, ngoài đường đâu cũng rộn không khí mùa vụ. Bạn hàng đến vườn mua thanh trà kẻ hái người vô bao rồi chở bằng xe máy hay chuyển bằng xe tải nhỏ. Những chiếc bàn kê tạm dưới bóng cây bên đường chất đầy thanh trà để bán cho khách vãng lai…
Những chủ vườn thanh trà Tiên Hiệp không để đất trống, trồng thanh trà sát sân, sát ngỏ, sát nhà, cây đã cho hoa lợi lại tạo cảnh quan đẹp. |
Nguồn thu khấm khá từ thanh trà
“Năm nay không nắng hạn, nhưng tháng 2 tháng 3 âm lịch ở vùng Tiên Hiệp mình lại có sương muối nên thanh trà bị rụng trái non nhiều. Bởi rứa nên năng suất thanh trà của tui thua năm ngoái” - chủ vườn Huỳnh Văn Tình (thôn 5) nói. Tuy ít trái nhưng nhờ thuận chuyện nắng mưa, vùng đất Tiên Hiệp lại thích hợp với cây thanh trà nên vườn thanh trà 50 cây của ông Tình rất xanh tốt, những trái thanh trà còn lại đều mượt da, to trái. “Năm nay tui cũng bán úa (bán khoán) cho bạn hàng với giá 38 triệu để họ tự hái; còn năm ngoái được 62 triệu đồng…” – ông Tình cho biết.
50 cây thanh trà này được ông Tình trồng dần ở vườn nhà từ năm 2008 đến năm 2010, cho thu hoạch rộ từ năm 2015. “Cứ trồng được 4 năm thì thanh trà ra trái bói (đầu tiên) - mỗi cây chừng 10 trái. Những năm sau nhiều lần lên, đến năm thứ thứ 7-8 mỗi cây có thể cho được 2,5 tạ trái, mỗi trái nặng từ 0,8kg đến 1,2kg. Đất Tiên Hiệp mình chịu cây thanh trà vậy đó” - vẫn lời ông Tình.
Bởi vậy, cũng như nhiều chủ vườn ở Tiên Hiệp, ông Tình đã trồng thêm 70 cây thanh trà nữa, trong đó có 40 cây 3 tuổi, 30 cây 2 tuổi. “Mình chịu khó chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo kỹ thuật được hướng dẫn cũng như tự mình tìm hiểu thì ở đất ni không có cây chi có lợi hơn cây thanh trà. Mình có 4 cây thanh trà 14 năm tuổi nay vẫn còn tươi tốt, cho nhiều trái mà…” – chủ vườn Tình nói.
Chủ vườn Nguyễn Thanh Hương phấn chấn bên những cây thanh trà sai trái ở vườn nhà. |
Phần đông các chủ vườn ở Tiên Hiệp đều trồng thanh trà ở chung quanh nhà, nhờ đó cây thanh trà đã tạo nên một sinh cảnh đẹp cho khu vườn nhà. Vườn thanh trà 120 cây lớn/nhỏ của ông Nguyễn Thanh Hương (thôn 4) khiến vườn nhà ông như một “ốc đảo” thanh trà, cây trái sà bên sân bên ngỏ. “Tui mới trồng thanh trà từ năm 2007, từ đó cứ mỗi năm nhen lần lên, được 120 cây rồi đó ” – chủ vườn Hương nói. “Với 40 cây ra trái rộ, năm 2017 tui bán được 37 triệu đồng. Năm nay được nhiều hơn, khoảng 5 tấn, chắc là thu được khoảng 85 triệuđồng”.
Theo ông Hương, trồng thanh trà dễ, nhưng phải chịu khó chăm sóc bởi cây thanh trà trưởng thành hay bị bệnh “nứt thân xì mũ”. Nhưng nếu người trồng thường xuyên theo dõi , phát hiện bệnh này để xử lý ngay từ đầu theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật thì chữa trị được, khống chế được. “Bệnh nứt thân xì mủ ở cây thanh trà không phải là loại bệnh lây lan, tỷ lệ cây bị bệnh này trong vườn thanh trà cũng không nhiều” – ông Hương nói. “Vườn thanh trà cả trăm cây của tui chỉ chỉ bị chừng năm bảy cây. Nhưng tui chữa trị sớm nên cây đã qua được bệnh này, mấy cây này vẫn tiếp tục ra trái”. Để cây thanh trà cho trái ngon, đạt chất lượng, người trồng ở đây đã bón phân chuồng hoai mục, thêm vào một ít phân đen hiệu Đầu trâu (Bình Điền) mỗi năm hai lần là sau khi thu hoạch và trước lúc cây ra hoa.
Mở rộng trồng thanh trà
Cây thanh trà có giá trị kinh tế trên đất Tiên Hiệp khoảng mười năm nay nên cư dân không ngừng mở rộng việc trồng thanh trà mỗi năm. Nhờ nguồn cây thanh trà trưởng thành có nhiều tại địa phương để chiết ra cây giống nên việc nhân trồng thanh trà người dân địa phương khá thuận lợi, mỗi cây giống giá là 40.000đồng. Bán cây giống cũng đã tạo thêm nguồn thu cho những chủ vườn có thanh trà trưởng thành. “Năm 2017 tui bán ra được 320 nhánh (cây giống). Mình thu được tiền, nhưng cũng mừng cho người trồng, chỉ bốn năm sau là họ bắt đầu có tiền vì cây thanh trà đã bắt đầu cho trái” – chủ vườn Hương cho biết.
Người trồng thanh trà được nhiều nhất ở Tiên Hiệp hiện nay là chủ vườn Nguyễn Tấn Trữ (thôn 4). “Tui vừa trồng mới gần 3ha thanh trà, gần được 2 năm tuổi. Mình mạnh dạn làm nhiều là do thấy đất Tiên Hiệp mình chịu cây thanh trà. Còn đầu ra của trái thanh trà thì rộng đường, bạn hàng họ nói còn nhiều chỗ để họ đưa thanh trà Tiên Hiệp đi…”. Ông Trữ cũng đã có nguồn thu khấm khá từ vườn thanh trà 70 cây. Năm 2017 ông thu được 30 triệu đồng, còn năm nay đã thu được 15 triệu đồng, số còn lại bán ra chắc cũng khoảng mươi lăm triệu nữa...
Chị Lương Thị Vân ở TP Tam Kỳ - một bạn hàng mua thanh trà Tiên Hiệp lâu năm tỏ niềm vui bên lô thanh trà đạt chất lương sắp được chị chuyển đến Quảng Ngãi bán. |
Theo Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp Nguyễn Văn Long, cây thanh trà ở Tiên Hiệp nay đã được đưa vào danh mục OCOP - mỗi xã một sản phẩm, nói đến Tiên Hiệp là nói đến cây thanh trà, sản phẩm chính của xã nay chính là cây/trái thanh trà. Cây thanh trà được người dân Tiên Hiệp nhân trồng mạnh lên từ khoảng mười năm nay. Diện tích trồng thanh trà đến nay ở khoảng 80ha. Do thổ nhưỡng thích hợp, cây thanh trà ở Tiên Hiệp rất sum suê, có tán rộng, vì vậy bà con thường trồng thanh trà thưa, cây cách cây cũng như hàng cách hàng đều ở khoảng 8m/cây.
Cũng theo ông Long, năm 2018 xã Tiên Hiệp đã xây dựng xong Đề án 548, đã được huyện phê duyệt, theo đó, Tiên Hiệp đã quy hoạch trồng tập trung 25ha thanh trà giai đoạn 2018-2025. Theo dự án này, các chủ hộ trong xã sẽ đăng ký trồng thanh trà tập trung tại khu quy hoạch, cứ mỗi 100 cây thanh trà trồng tại đây sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. “Cây thanh trà nay được coi là cây kinh tế chủ lực của Tiên Hiệp” – chủ tịch Long cho biết. “Cây thanh trà hợp với thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực giải quyết được công ăn việc làm cho người dân. Ngoài việc trồng thanh trà theo Đề án 548, bà con cũng tăng cường trồng thêm cây thanh trà theo điều kiện có được của mỗi gia đình”.
Nhờ chất đất tốt, lại được người trồng siêng năng chăm sóc, thanh trà Tiên Hiệp sai trái, lớn đều, những cây thanh trà này đã qua một đợt thu hoạch nhưng vẫn còn khá nhiều trái. |
“Giống cây thanh trà hiện đang được trồng ở Tiên Hiệp có nguồn gốc từ giống thanh trà ở Huế (Thừa Thiên – Huế). Cụ Huỳnh Duân ở làng Trà Khân – khoảng trên 100 tuổi, đã qua đời từ lâu – là người bà con với cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi còn trai trẻ, trong một lần ra Huế thăm cụ Huỳnh, cụ đã được cụ Huỳnh dẫn đi chơi và xin được một nhánh thanh trà ở đây đem về trồng tại Trà Khân. Đất Trà Khân hợp với giống thanh trà Huế nên cây thanh trà cụ Duân trồng nhanh lên, ra trái ngọt, trái rất ít hột, ngon hơn giống bòng (bưởi) có ở Tiên Phước. Từ cây thanh trà giống Huế của cụ Duân, người trong làng đã xin chiết về trồng. Đến khoảng năm 1950 cha tui cũng như nhiều người ở Trà Khân đã có trồng thanh trà xin của cụ Duân. Hồi đó chỉ có Trà Khân có trồng giống thanh trà này mà thôi. Sau ngày hòa bình, người các thôn khác ở Tiên Hiệp xin giống thanh trà ở Trà Khân của cụ Duân đem về trồng, nhen giống lần ra. Bởi rứa nên đến chừ cái tên “thanh trà Trà Khân” vẫn còn; năm bảy năm nay thấy thanh trà có khắp ở Tiên Hiệp nên người ta mới gọi lần ra cái tên “thanh trà Tiên Hiệp” đó” – ông Đặng Lục (81 tuổi) ở làng Trà Khân (thuộc thôn 1), nói. “Tui buôn thanh trà Tiên Hiệp đến chừ đã được 7 năm. Hồi đầu tui mua về bán ở Tam Kỳ, sau bán lần ra Hội An, Đà Nẵng. Người ta ăn thanh trà Tiên Hiệp thấy ngọt, thơm, mười trái mới có một trái có vài cái hột, còn toàn là trái không có hột, vỏ lại mỏng nên rất thích. Nhưng thanh trà Tiên Hiệp mua được tại vườn thì có ít nên chi tui chỉ bỏ mối được vài chỗ, hồi mô cũng thiếu để bán. Năm ngoái tui đưa vô Quảng Ngãi, bạn hàng trong đó cũng rất thích, họ dặn tui hễ có là đem vô cho họ, mấy cũng được. Rồi ở Chu Lai người ta cũng hỏi nhưng không có. Người mua họ biết đây là cái loại trái cây sạch nên họ rất thích. Nói thiệt, thanh trà Tiên Hiệp còn thiếu cho bạn hàng như tui mua đưa đi các nơi, trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh” – chị Lương Thị Vân – quê ở TP.Tam Kỳ, chuyên mua thanh trà Tiên Hiệp tại vườn, nói. |
Hoàng Minh - Báo Quảng Nam