Phú Ninh tọa đàm về giá trị lịch sử địa điểm Suối Đá
UBND huyện Phú Ninh vừa tổ chức tọa đàm về ý nghĩa các sự kiện lịch sử tại khu vực Suối Đá (thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân).
Khu vực Suối Đá có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong kháng chiến. Trong chiến tranh chống Pháp, vào đầu năm 1886, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của người dân địa phương, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu cho nghĩa quân xây dựng chiến lũy với nhiều chiếc bẫy đá đặt tại Suối Đá để bảo vệ khu căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam tại huyện Tiên Phước. Khi thực dân Pháp tiến đánh căn cứ thì bị nghĩa quân phục kích tiêu diệt tên 150 lính, quân Pháp và lính Nam triều Đồng Khánh tháo chạy bạt vía.
Trong kháng chiến chống Mỹ, để kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch từ Tam Kỳ đi Tiên Phước - Trà My, đầu năm 1963, Mỹ - ngụy đưa một đại đội bảo an đến đóng đồn kiên cố ở Suối Đá. Ngày 8.7.1964, một đại đội đặc công trinh sát của ta tấn công tiêu diệt toàn bộ quân địch tại đây, thu hết vũ khí.
Từ năm 1972 - 1975, lực lượng bộ đội tỉnh, huyện và du kích địa phương tổ chức nhiều trận đánh tại Suối Đá và giành nhiều thắng lợi quan trọng, khai thông cửa ngõ giao thương, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các cơ quan của Đảng, đơn vị quân đội và người dân.
Đáng chú ý, trong chiến dịch giải phóng miền Nam vào mùa xuân năm 1975, đúng 4 giờ 30 phút ngày 10.3.1975, các đơn vị quân đội của ta nổ súng san bằng cụm phòng thủ của địch ở Suối Đá, tạo thế tấn công giải phóng hoàn toàn Tam Kỳ, Tiên Phước.
Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng lịch sử đóng góp nhiều ý kiến quý báu để làm sáng tỏ thêm giá trị lịch sử về những thắng lợi quân sự của quân và dân ta tại Suối Đá; những hy sinh, mất mát lớn lao của người dân Phú Ninh, Tiên Phước trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến. Đây cũng là cơ sở để lập hồ sơ công nhận địa danh Suối Đá trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trong thời gian đến.
Hải Châu - Anh Đông, Báo Quảng Nam