www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ong phá lúa của dân?

Chiều 16.8, nhận thông tin từ người dân, chúng tôi có mặt tại thôn 8 (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) khi hàng chục người đang tập trung tại một trại nuôi ong bày tỏ bức xúc và cho rằng lúa của mình đã bị ong gây hại.

       Hàng chục sào lúa của người dân thôn 8 (xã Tiên Thọ) đang trong giai đoạn làm đòng bị ong bu đen kín. Đó là những gì người dân mô tả thực trạng diễn ra vào buổi sáng các ngày 14, 15 và 16.8. Bà Huỳnh Thị Ngọt bức xúc: “Sáng hôm kia tôi đi thăm lúa mới phát hiện thấy ong bu dày quanh bông lúa. Hơn 1,5 sào ruộng của tôi bị ong bu đầy. Tôi hoảng quá, kêu bà con trong xóm đi xem ruộng của họ, thì thấy ruộng ai cũng bị vậy hết”. Rồi bà Ngọt cầm bông lúa mới bứt từ ruộng của mình lên cho chúng tôi xem, lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng bông nào cũng lép xẹp. Vì thế bà Ngọt cho rằng những con ong đã hút hết sữa của lúa non, khiến hạt lúa bị lép.

      Bà Nguyễn Thị Thắng tiếp lời: “Ong hút sữa lúa non ở đồng Đá Én trước, vì đồng đó lúa trổ trước cách đây hơn 10 ngày. Bây chừ đến đồng Nà tiếp tục bị ong phá. Nhà tôi hơn 2 sào ruộng cũng bị lép xẹp hết”. Bà Nguyễn Thị Bình, có hơn 3 sào ruộng cũng trong tình trạng tương tự, đặt câu hỏi: “Ai cho phép mà người chủ nuôi ong mang hàng chục thùng ong đến đây để? Ong được mang đến hơn 20 ngày ni, tại sao lúc khác không mang đến, mà lại chọn trúng thời điểm lúa người dân trổ mang ong đến đây nuôi, rồi thả ong cho chúng bay khắp nơi phá hại lúa của người dân? Chúng tôi đề nghị chính quyền trả lời rõ ràng cho người dân rõ”. Hàng chục người dân của thôn 8 bức xúc vì cho rằng ong gây hại lúa nên đã tập trung cả ngày 16.8 tại địa điểm một nhóm người đặt thùng ong nuôi. Người dân thôn 8 dù đang rất bức xúc nhưng không yêu cầu bồi thường, chỉ yêu cầu những thùng ong phải được chuyển đi ngay lập tức.

Trước tình trạng người dân một số địa phương xua đuổi đàn ong vì lo ngại ong mật có thể làm ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng (lúa, bắp...), vừa qua Cục Chăn nuôi đã có công văn kêu gọi các địa phương khắc phục hiện tượng nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi ong. Theo văn bản của Cục Chăn nuôi do Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân ký ban hành gửi Sở NN&PTNT các địa phương, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, ong mật còn có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thụ phấn cho cây trồng như bắp, bầu, bí, các loại đậu. Ong mật hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, phát triển của hạt lúa, cây keo và cũng không làm ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng khác.

       Chúng tôi tiếp cận địa điểm nuôi ong, hàng chục thùng ong được xếp bên trong một bãi trồng keo, được người nuôi kéo lưới nhựa rào xung quanh. Trong đó, có 3 thanh niên nói giọng miền Nam tiến ra khi thấy chúng tôi vào. Khi được hỏi, một người thanh niên không cho biết tên nói rằng họ là những người được thuê nuôi ong, còn chủ trại ong ở miền Tây. Chúng tôi muốn được liên lạc với chủ trại ong, anh thanh niên này nói rằng không có số điện thoại của chủ trại. Người dân phản đối, anh ta chống chế và bảo rằng đã điện thoại nhưng không liên lạc được. Chúng tôi hỏi ai cho phép họ mang ong đến khu vực này để nuôi, người thanh niên bảo rằng chính quyền huyện, xã đã cho phép, nhưng khi yêu cầu được xem giấy phép thì người thanh niên lại bảo giấy phép bị giữ ở huyện, xã chi đó anh ta không rõ, chỉ chủ trại ong mới biết.

     Vì vụ việc diễn ra vào ngày thứ Bảy nên chúng tôi không thể đến UBND xã Tiên Thọ để tìm hiểu vụ việc. Qua liên lạc điện thoại với ông Phạm Bá Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, ông cho biết đang đi học tập trung tại Đà Nẵng nên không nắm rõ tình hình lắm, có nghe thông tin báo cáo về vụ việc và đã chỉ đạo giải quyết. Ông Hùng còn khẳng định rằng, khoa học đã chứng minh ong không gây hại đến cây lúa, nhưng do người dân không hiểu nên cứ nghĩ ong phá lúa. UBND xã Tiên Thọ nhận được công văn đồng ý từ tỉnh đến huyện nên mới cho phép nuôi ong trên địa bàn xã. Khi xảy ra sự việc, UBND xã đã cử người đến giải thích cho người dân, nhưng người được cử đến giải thích không rõ ràng, không thuyết phục. “Chúng tôi không biết khoa học nói thế nào, chỉ tận mắt thấy ong bu kín ruộng lúa nhà mình ngay trong thời kỳ làm đòng, trăm bông lúa lép hết trăm bông thì thử hỏi có phải ong phá hay không?” - ông Nguyễn Phụng bức xúc.

       Thiết nghĩ, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước nên vào cuộc tìm hiểu xem lúa của người dân bị lép là nguyên nhân nào để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.

                                                                                            Diễm Lệ - Báo Quảng Nam